Sunday, February 27, 2022

TÂM TƯ NGÀY 27/2 : BA “TỬ HUYỆT” CỦA HỆ THỐNG Y TẾ VIỆT NAM & NGUY CƠ “TỰ ĐÁNH MẤT MÌNH ” (Trần Tuấn)

 



TÂM TƯ NGÀY 27/2 : BA “TỬ HUYỆT” CỦA HỆ THỐNG Y TẾ VIỆT NAM & NGUY CƠ “TỰ ĐÁNH MẤT MÌNH ”   

Trần Tuấn

26/2/2022  19:38   

https://www.facebook.com/trantuanrtccd/posts/10221712541457798

 

“Tử huyệt” của một hệ thống theo cách nhìn quân sự-chính trị, là điểm yếu mà “đánh vào đó”, hệ thống bị “phá toang”, mất khả năng hoàn thành chức năng định danh mà thiết kế chiến lược đã định cho, khiến hoạt động trên toàn hệ thống trở nên hỗn loạn, rời rạc, thiếu liên kết, thậm chí mâu thuẫn nhau, dần dẫn đến sụp đổ!

 

Từ góc độ phòng thủ chiến lược, “từ huyệt” còn được hiểu, là điểm trọng tâm phải luôn nhận được sự quan tâm xem xét đánh giá thường xuyên và ưu tiên củng cố hàng đầu! Nghĩa là, với lãnh đạo hệ thống cùng các chiến lược gia thời bình, “tử huyệt” là các “chốt” định hình hệ thống, giữ cho hệ thống đảm bảo được các giá trị mong đợi đặt ra theo thiết kế. “Chốt” có vững, hệ thống mới êm.

 

Hệ thống y tế được dựng nên có chức năng mặc định là để “chăm sóc sức khỏe nhân dân”. Nghĩa của từ “chăm sóc sức khỏe nhân dân” thể hiện, hệ thống này phải vận hành theo các nguyên lý trụ cột: Nhân đạo, Khoa học, Vì dân! “Tử huyệt” của hệ thống y tế, do vậy, chính là những “cột trụ” chính sách đảm bảo cho hệ thống thể hiện được 3 yêu cầu trên. “Nhân đạo” là đảm bảo cho bất kỳ ai, đặc biệt các nhóm yếu thế trong xã hội, không bị bỏ lại đằng sau trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng tượng xứng với yêu cầu đặt ra từ thực tế bệnh tật đang mang!

 

Khoa học thể hiện ở tính hiệu quả tổ chức và vận hành hệ thống, đảm bảo phòng chống dịch bệnh đạt chất lượng mà tri thức khoa học hiện hành cho phép với chi phí tối thiểu cho cả nhà nước và người bệnh; và “Vì Dân” đòi hỏi hệ thống phải được thiết kế, xây dựng, vận hành, đánh giá và điều chỉnh theo nguyên tắc đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết. Một hệ thống được thiết kế và có chính sách đảm bảo cho tiến trình vận hành luôn giữ được thuộc tính “Nhân Đạo, Khoa Học, Vì Dân”, tất sẽ đạt mục tiêu “công bằng, hiệu quả, phát triển bền vững” (Tài liệu tham khảo 1)!

 

TỬ HUYỆT CỦA HỆ THỐNG Y TẾ VIỆT NAM HIỆN HÀNH

 

Những gì thể hiện qua thiết kế mô hình hệ thống cùng tiến trình hình thành hành lang pháp lý vận hành 35 năm qua (kể từ khi đất nước chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường 1986), đặc biệt trước thách thức từ đại dịch COVID-19, cho phép nhận định hệ thống y tế Việt Nam khó giữ được các thuộc tính “nhân đạo, khoa học, vì dân” như mong đợi! Hệ thống hiện tại đang ngày càng rơi vào nguy cơ gia tăng “mất công bằng trong chăm sóc y tế”, gia tăng chi phí vận hành cả đầu tư ngân sách nhà nước và tiền túi người dân trong khi chất lượng chăm sóc lại không tương xứng với nguồn lực đổ vào (rất không hiệu quả!). Đồng thời, bằng chứng thực tế thể hiện không thiếu các chính sách đưa ra (cả cho hệ thống điều trị và dự phòng) dường như đã không tuân thủ đặt ưu tiên hàng đầu vì lợi ích toàn dân!

 

Bài viết này chỉ ra 3 “tử huyệt” chính tạo nên tình trạng này. Chúng phải được nhận diện và phải được phân tích kỹ lưỡng trước khi lựa chọn ưu tiên hành động vào lúc này ở tầm hệ thống để có được một kế hoạch tổng thể xoay chuyển hệ thống y tế Việt nam hiện hành!

 

TỬ HUYỆT THỨ NHẤT: Y TẾ CÔNG RƠI SÂU VÀO NGUY CƠ THƯƠNG MẠI HÓA!

 

Y tế công, hay y tế nhà nước, được lập ra để làm nền móng hình thành và gìn giữ mặt bằng chất lượng chăm sóc y tế cơ bản, thiếu yếu cho toàn dân! Không đảm bảo các thuộc tính của y tế công, tính nhân đạo của toàn hệ thống bị phá vỡ! Mất y tế công, “công bằng trong chăm sóc y tế” chỉ là lời nói suông!

 

Bắt đầu bằng chính sách chấp thuận sự xâm nhập của kinh tế thị trường vào địa hạt y tế khi cho phép phát triển dịch vụ “ba lợi ích” trong các cơ sở y tế công (Nghị định 10 rồi Nghị đinh 43) (TLTK 2), chỉ chưa đầy một thập kỷ, hệ thống y tế Việt Nam đã nằm gọn trong vòng xoắn “công-tư lẫn lộn”! Chính sách “tự chủ một phần” thực chất đã tạo cơ sở pháp lý xác lập mục tiêu “thương mại” vượt qua mục tiêu “khoa học, nhân đạo, vì dân” trong vận hành thường xuyên hệ thống y tế công, và tạo nên những mâu thuẫn đối kháng trên thực tế của loại hình “y tế công cho mục tiêu làm kinh tế”. Để rồi, tới Nghị quyết 33/NQ-CP “Tự chủ toàn diện” cho 4 bệnh viện đầu ngành Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy và bệnh Viện K (TLTK 3).

 

Có thể nói, khối bệnh viện công thực chất đã chuyển mình thành một thực thể mới! Phần “công” chỉ là hạ tầng cơ sở cùng giá trị thương hiệu do lịch sử để lại, còn phần “tư” đã ngấm triệt để, toàn diện, trong mọi hoạt động trên cơ sở “hạch toán lỗ lãi” đong đếm bằng tiền! Tử huyệt lộ ra mâu thuẫn: Giá trị nhân đạo của cơ sở y tế, giá trị đạo đức của người thầy thuốc, sự định hướng hoạt động của cả hai (cơ sở y tế và từng cán bộ nhân viên y tế), thay vì khoa học y học nhân bản vì dân phục vụ, được thế chỗ điều hành bởi một “chủ thể thầm lặng” mang tên “kinh tế thị trường”: Giá trị thực của hoạt động hàng ngày được đo lường bằng “cân bằng thu chi”! Dễ hiểu tại sao “Khoán định mức thu” tới từng khoa phòng được áp dụng rộng rãi! Chăm sóc y tế chuyển thành “dịch vụ hàng hóa” bán-mua đúng nghĩa với chất lượng “đo theo túi tiền người bệnh”! Y tế công biến hình vận hành cho mục tiêu thương mại!

 

Về lý thuyết và cả trong thực tế quản lý hệ thống nhà nước, y tế công của Việt nam vẫn còn đó! Vẫn phát triển, thâm chí ngày một khang trang hơn về hạ tầng cơ sở và giàu có hơn với những con số học hàm, học vị cùng những trang thiết bị máy móc và kỹ thuật can thiệp “hấp dẫn” bệnh nhân. Nhưng thực chất, sự tồn tại không còn chính danh như trước nữa, mà đúng hơn, đã thành dạng “public health in private hand”- tức “xác công-hồn tư”!

 

Câu hỏi đặt ra: Tồn tại và phát triển như thế, đưa lại lợi ích cho ai?

 

Những gì xẩy ra liên quan tới VN Pharma, tới trang thiết bị y tế và giá dịch vụ y tế ở bệnh các viện đầu ngành thí điểm tự chủ hoàn toàn, hoặc chuyện xác lập giá và hành lang phân phối sản phẩm mở ra cho kit test Việt Á trên phạm vi hệ thống phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở 62/63 tỉnh thành, hoàn toàn đủ minh chứng cho nhận định động lực chủ đạo vận hành hàng ngày hệ thống “y tế công hiện hành” của Việt nam đã chệch hướng tới mục tiêu gì! Chắc chắn, đã khác xa khi so với yêu cầu cơ bản, thuộc tính được thiết kế cho y tế công: Nhân Đạo, Khoa Học, Vì Dân! Khó mà bác bỏ được nhận định, rằng sự phát triển có được trong những năm qua của toàn hệ thống, thực ra, đã mang đậm chất “thương mại” thuần túy!

 

Với vai trò của Y tế công được Nghị quyết của Đảng định hướng trong hệ thống chăm sóc y tế Việt nam (TLTK 4), nếu không xem phân tích trên về sự biến thể chức năng của y tế công chính là “tử huyệt” cho hệ thống y tế của đất nước, thì cái gì mới được coi là “tử huyệt”?

 

Bởi bất luận thế nào. khi chủ thể y tế công chạy theo thương mại do cấu trúc quản lý vận hành “công- tư lẫn lộn”, chi phí y tế (từ ngân sách nhà nước hay tiền túi người dân) sẽ tăng và chắc chắn chỉ tăng! Đầu tư chăm sóc y tế thay vì “dẫn đường bởi khoa học vì Dân”, sẽ được lái theo “thị trường” đơn thuần bởi “hạch toán kinh tế”! Tính cạnh tranh khốc liệt toàn cầu sẽ biến hệ thống y tế Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm của công nghiệp chăm sóc sức khỏe (thuốc, trang thiết bị , sinh phẩm y tế…) sôi động với những hợp đồng “bán-mua” lời lãi, thay vì “nghiên cứu, chế tạo” giải quyết vấn đề phòng chống bệnh tật cho Dân. Điều này tất sẽ dẫn đến hậu quả, “chăm sóc y tế” thay vì “giảm nghèo, tạo sự công bằng, động lực phát triển xã hội”, lại thành ra ngược lại, “tạo thêm gánh nặng, đầu vào của nghèo đói”! Phòng chống dịch bệnh mất độc lực phát triển (bởi bản chất phòng dịch bệnh là nghiên cứu và phát triển chính sách) xa rời thực tế, nguy cơ bỏ bễ y học dự phòng không thể không xẩy ra, khác nào đóng góp cho “duy trì và phát triển dịch bệnh?”.

 

Thương mại hóa chăm sóc y tế công gia tăng nguy cơ “Nghèo đi vì chữa bệnh” là vì thế (TLTK 5)! “Tư nhân hóa, thương mại hóa y tế công “gây đau đớn cho toàn xã hội” là vì thế (TLTK6).

 

TỬ HUYỆT THỨ HAI: CẤU TRÚC HỆ THỐNG THIẾU VẮNG CHỦ THỂ Y TẾ NGOÀI NHÀ NƯỚC, NHÂN ĐẠO PHI VỤ LỢI!

 

Hệ thống chăm sóc y tế trong nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, phải tồn tại đồng thời 3 chủ thể: Y tế công – Y tế Tư – Y tế ngoài nhà nước phi lợi nhuận (còn gọi là Y tế cộng đồng)!

 

Mỗi chủ thể có chức năng và định hướng hành động đặc thù, bổ xung cho nhau, không loại trừ nhau, mà như “kiềng 3 chân” cùng phát triển đáp ứng mọi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

 

Y tế ngoài nhà nước do các tổ chức nhân đạo, phi vụ lợi lập ra và quản lý trên nguyên tắc “tự chủ, vì Dân, do Dân, bởi Dân”! Vận hành phục vụ chủ yếu cho các nhóm yếu thế, cho mục tiêu phát triển cộng đồng, hỗ trợ sự thiếu hụt của y tế công, đặc biệt ở những vùng nghèo khó, xa xôi, những lĩnh vực chuyên môn đòi hỏi sự chăm sóc có tâm là trên hết! Bệnh viện Saint-Paul, nhà thương Quy Hòa (nơi Hàn Mạc Tử được chăm sóc lúc cuối đời), là những ví dụ điển hình của loại hình y tế này bám rễ ở Việt nam ngay từ những ngày đầu hình thành hệ thống y tế trên đất nước này. Chính chủ thể này, mới có thể “tính đúng, tính đủ” một cách khách quan không vụ lợi cho giá dịch vụ y tế thiết yếu trong nền kinh tế thị trường Việt nam hiện nay; mới đủ tâm huyết và niềm tin minh chứng dịch vụ của họ theo nguyên tắc định hướng khoa học, nhân đạo, vì dân không vì thương mại!

 

Trong suốt 35 năm qua, toàn bộ hành lang pháp lý cho sự tồn tại và phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt nam, đã không xem chủ thể thứ ba này “hiển nhiên” tồn tại như là một thực thể chăm sóc y tế đích thực của xã hội Việt nam! Các chuyên gia phát triển chính sách công chẳng mảy may thể hiện cần thiết phải có “kiềng 3 chủ thể” cung cấp dịch vụ y tế cho người dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa! Phần thiếu khuyết đó, theo người viết bài này, lại làm nên “tử huyệt” thứ hai cho hệ thống chăm sóc y tế hiện hành của Việt Nam! Ai sẽ là đại diện cho loại hình y tế nhân đạo, vì dân, khoa học dẫn đường, phi vụ lợi ở Việt Nam, khi mà chính hệ thống y tế công đã chuyển thành “xác công-hồn tư”, vận hành quản lý đậm màu sắc “công-tư lẫn lộn” cho mục tiêu “lợi nhuận” đưa lại?

 

Giá trị “tử huyệt” mà chủ thể “bị lãng quên” này mang trong nó, được bộc lộ rất rõ khi hệ thống y tế Việt nam đang hết sức lúng túng trước giải bài toán “tính đúng, tính đủ” giá dịch vụ y tế trong suốt thập kỷ qua. Khi môi trường y tế chỉ toàn “công tư hợp tác”, khi “public health” luôn trong “in private hand”, khi thiếu vắng giám sát và phản biện độc lập (sẽ nêu ở phần dưới), giá dịch vụ y tế cứ tăng và tăng ngoài sự kiểm soát (của người dân và nhà nước) là không thể nào tránh khỏi! Chi phí cho xét nghiệm phòng chống COVID-19 trong năm 2021 hay giá dịch vụ mổ công nghệ cao của bệnh viện Bạch mai chỉ là một vài minh chứng điển hình, “phần nổi của tảng băng chìm” mà thôi!

 

TỬ HUYỆT THỨ BA: GIÁM SÁT, PHẢN BIỆN ĐỘC LẬP CHÍNH SÁCH VÀ CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ Y TẾ MỚI CHỈ DỪNG Ở MỨC… “BƯỚC ĐI BAN ĐẦU”!

 

Hệ thống y tế chỉ phát triển theo “nhân đạo, khoa học vì dân”, tránh được các nguy cơ bị thương mại hóa, khi tiến trình giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ, và cao hơn, khí cơ chế phản biện và đánh giá các bằng chứng khoa học phục vụ phát triển chính sách công được thực hiện theo nguyên tắc của một hệ thống giám sát chất lượng độc lập, khoa học, khách quan đúng nghĩa. Về mặt này, hệ thống y tế Việt nam còn rất xa mới tới được đích trên!

 

Bởi trên thực tế, Bộ Y tế và chủ thể y tế công “độc quyền” tổ chức và thực hiện mọi điều tra tai biến trong ngành (cả trong y học lâm sàng và y tế dự phòng), thay vì tôn trọng tính khách quan khoa học, phát triển vai trò tích cực, chủ động của các hội, tổng hội chuyên ngành, các tổ chức xã hội ngoài nhà nước, khoa học, phi lợi nhuận, vì dân. Đến tận thời điểm này, luật Khám chữa bệnh sửa đổi cũng vẫn chưa cụ thể hóa được tính độc lập của hội đồng y khoa các cấp! Còn sự tham gia của bệnh nhân hay người sử dụng dịch vụ y tế nói chung với tiến trình ra chinh sách hoặc đánh giá chính sách y tế lại càng xa vời.

 

Các tổ chức ngoài nhà nước chuyên tâm nghiên cứu, phản biện và vận động chính sách y tế như liên minh phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) thì không chỉ phải tự bươn chải với nguồn kinh phí hoàn toàn lệ thuộc vào viện trợ nhân đạo quốc tế, còn bị bỏ mặc cho sự chống chọi cô đơn trước các tập đoàn công nghiệp hùng mạnh cả trong nước và quốc tế đang lèo lái chính sách nhằm “thương mại hóa y tế công” để giành và khai thác thương mại tối đa “sức mua” của “thị trường chăm sóc sức khỏe” Việt Nam. Thiếu vắng cơ chế tiếp nhận đích thực tiếng nói phản biện chính sách và chất lượng dịch vụ y tế một cách độc lập, khoa học vì dân, nền y tế Việt nam khó mà ra khỏi được tình trạng bị can thiệp thường xuyên bởi những thế lực thủ lợi đẩy nền y tế ngả sang cực thương mại hóa, tức “tử huyệt thứ nhất” sẽ luôn bị tấn công!

 

Những biểu hiện chậm đáp ứng, đáp ứng không triệt để hoặc chỉ mang tính hình thức của khối các cơ quan nhà nước với những yêu cầu kiểm soát các nguy cơ dịch bệnh đến từ sản phẩm của những ngành công nghiệp có mâu thuẫn lợi ích với y tế công cộng như thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường, sữa công nghiệp, amiang, hay ô nhiễm không khí bởi nhiệt điện than… là những minh chứng rõ rệt cho sự cần thiết phải thiết lập nhanh chóng cả hành lang pháp lý cùng hỗ trợ thực tế cho sự hình thành và hoạt động giám sát, phản biện độc lập chất lượng vận hành hệ thống y tế Việt nam, cả cho khối lâm sàng, dự phòng, và nghiên cứu khoa học định hướng xây dựng chính sách. Chỉ khi khắc phục được “tử huyệt” thứ ba này, hệ thống y tế Việt nam mới có cơ may “được nhìn lại chính mình” một cách khách quan, để rồi ngộ ra hình thành nên những quyết sách đảm bảo vượt qua được thách thức lớn hơn nữa, đang tạo ra bởi sự tác động đồng thời của ba “tử huyệt”.

 

 

SỰ PHỐI HỢP CỦA BA “TỬ HUYỆT”: HÌNH THÀNH MÔI TRƯỜNG PHÁT SINH DỊCH BỆNH ĐẶC THÙ, ĐẶT NGÀNH Y TRƯỚC THỰC TRẠNG “TỰ ĐÁNH MẤT MÌNH”!

 

Ba tử huyệt trên phối hợp với nhau làm nên môi trường phát sinh, phát triển một loại “dịch bệnh đặc thù” mà hậu quả để lại, chính là tình trạng liên tiếp “đặng chẳng đừng” trong khi đương đầu với đại dịch COVID-19, Đảng và Nhà nước vẫn phải đưa ra khởi tố lãnh đạo hệ thống, từ Bộ Y tế tới các viện, bệnh viện đầu ngành, từ y học lâm sàng sang y học dự phòng, từ thuốc, sinh phẩm xét nghiệm lan qua trang thiết bị y tế… tất cả cứ xuất hiện ngày càng nhiều, vụ sau nghiêm trọng không kém, nếu không nói còn lớn hơn vụ trước, mà chưa có dấu hiệu thuyên giảm! Đơn giản, bởi khi cả 3 “tử huyệt” còn hiện diện, chúng tác động tương hỗ với nhau, tạo nên môi trường duy trì và phát sinh “mầm bệnh đặc thù” này, và theo thời gian, phát triển càng sâu rộng, biểu hiện càng thêm trầm trọng!

 

Dịch bệnh đó, có biểu hiện chung là thúc đẩy gia tăng chi phí y tế (cả từ ngân sách nhà nước và tiền túi người dân), tăng sự lạm dụng dịch vụ y tế theo hướng “tận thu”, chăm sóc và chữa trị người bệnh chạy theo trang thiết bị y tế hiện đại mà “bỏ quên những phương thức phòng và điều trị căn bản, hiệu quả, rẻ tiền, vì dân, bỏ quên chăm sóc sức khỏe ban đầu”, khiến chất lượng chăm sóc y tế thực chất bị kéo lùi so với nguồn lực bỏ ra. Dịch đã và đang lây lan rông khắp, nguy cơ không trừ ai, từ nhân viên y tế cơ sở, tới những người lãnh đạo hệ thống y tế các cấp! Hậu quả tổng thể là làm xói mòn lòng tin xã hội vốn từ ngàn đời trao gửi cho người hành nghề y: Thầy thuốc (đâu còn) như Mẹ hiền!

 

Đến thời điểm này, có thể nói, ngành y tế Việt Nam đang đứng trước “đại dịch kép”! Một mặt, vẫn phải gánh vác trách nhiệm phòng chống dịch bệnh từ môi trường tự nhiên, mà COVID-19 là một trong số đó! Mặt khác, lại phải đứng trước một thách thức lớn hơn bao giờ hết từ sự kết hợp của 3 “tử huyệt” tích tụ suốt trong hai thập kỷ qua để rồi gặp COVID-19 bộc lộ ra trên toàn hệ thống: Dịch tha hóa nhân cách, y đức! Nguy cơ, “ngành y tự đánh mất mình” trong con mắt người dân, là hiện hữu và ngày càng lớn dần hơn bao giờ hết!

 

 

ĐÔI LỜI NHẮN NHỦ

 

Kỷ niệm 27/2 năm nay, vì thế, sẽ ý nghĩa hơn, nếu tập trung ngộ ra cho được “tử huyệt” của hệ thống y tế Việt Nam.

 

Bởi ngộ được ra, là điều kiệm tiên quyết, cho giải bài toán “TÌM LẠI CHÍNH MÌNH VÀ VƯỢT THOÁT HIỆN TẠI”!

 

Chăm sóc y tế phải là giảm nghèo, tạo công bằng, động lực phát triển xã hội!

 

Hệ thống y tế Việt Nam đã từng như thế và phải trở lại như thế!

 

Để 27/2 thực sự là ngày tri ân của xã hội cho đội ngũ thầy thuốc Việt Nam!

_____

 

TÀI LIỆU ĐỌC THÊM:

 

1. WHO (2007). Everybody’s Business: Strengthening health systems to improve health outcomes: WHO’s Framework for Action. @World Health Organization 2007; ISBN 978 92 4 159607 7.

 

2. Nghị định 43/2006/NĐ-CP: Nghị định quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=15218

 

3. Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ của 04 bệnh viện thuộc Bộ Y tế. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/nghi-quyet-cua-chinh-phu/nghi-quyet-so-33nq-cp-ngay-1952019-cua-chinh-phu-ve-thi-diem-tu-chu-cua-04-benh-vien-thuoc-bo-y-te-5435

 

4. Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-20-nqtw-ngay-25102017-hoi-nghi-lan-thu-sau-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-ve-tang-cuong-cong-tac-bao-3636

 

5. Trần Tuấn (2007). Nghèo đi vì chữa bệnh. Tạp chí Cộng sản, số 9, ngày 10 tháng 4/2007, mục “bên lề sự kiện”, trang 30-32. http://rtccd.org.vn/wp-content/uploads/2015/11/NgheoDiViChuaBenh.pdf

 

6. Trần Tuấn (2018). Tư nhân hóa, thương mại hóa y tế công “gây đau đớn cho toàn xã hội”. https://vnmedia.vn/dan-sinh/201812/tu-nhan-hoa-thuong-mai-hoa-y-te-cong-gay-dau-don-cho-toan-xa-hoi-622583/

 

38 BÌNH LUẬN  





No comments:

Post a Comment