Điểm báo quốc tế về chiến
tranh ở Ukraine
Đỗ
Kim Thêm, tuyển dịch
25/02/2022
https://baotiengdan.com/2022/02/25/diem-bao-quoc-te-ve-chien-tranh-o-ukraine/
Chiến tranh bùng nổ ở Ukraine. Chính phủ
Ukraine đã chính thức tuyên bố tình trạng chiến tranh khi Thiết giáp xa và
Không lực Nga đã vượt qua biên giới và tấn công một căn cứ quân sự của Ukraine.
Tin sơ khởi cho biết, có ít nhất 8 người chết. Cộng đồng quốc tế đã có phản ứng
dữ dội đối với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận hai nước tự xưng là
Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk, cũng như gởi quân Nga tới Ukraine.
Luồng phản ứng mãnh liệt còn tiếp tục trong
chính giới quốc tế. Trong thời gian tới, Tổng thống Joe Biden quyết định sẽ
không họp thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng
không còn thu xếp cho một giải pháp đàm phán với Bộ Ngoại giao Nga.
Chính giới Nhật, Úc, Anh, Đức, Pháp và châu Âu
đồng loạt lên tiếng sẽ đưa ra các biện pháp phong tỏa kinh tế chống Nga, mà hậu
quả được tiên đoán là sẽ nghiêm khắc hơn so với năm 2014.
Đức sẽ tạm dừng thực thi dự án Nord Stream 2
mà Nga cung cấp khí đốt. Quyết định này làm xáo trộn nền kinh tế đối ngoại Nga
và thị trường chứng khoán thế giới.
Ngược lại mọi dự liệu trước đây, Tổng thống
Biden đang được sự ủng hộ của giới lãnh đạo đảng Cộng Hòa và mọi biện pháp phối
hợp quốc tế đang chứng tỏ thành công hơn so với vụ Afghanistan.
Các ảnh hưởng của diễn biến này đang là đề tài
được báo giới quốc tế nhận định khác nhau. Phần tuyển dịch sau đây cho thấy, có
những tiên đoán dị biệt về tình trạng leo thang và cách giải quyết xung đột
này.
***
Trước tiên, theo quan điểm của nhật báo NIHON
KEIZAI SHIMBUN từ Nhật Bản: “… (Nga) vượt qua lằn ranh đỏ.
Nghe bài phát biểu này có thể biết được là Putin ghét phương Tây và sự hiểu biết
về lịch sử của Putin như thế nào. Putin muốn lấy lại ‘Ukraine của riêng mình‘,
ngay cả khi với giá cao. Putin đang buộc mình theo đuổi mục tiêu làm cho nước
Nga vĩ đại trở lại”.
Báo LIETUVOS RYTAS của
Lithuania lưu ý rằng: “Hiện nay, không có sự thoái bộ đối với Moscow.
Sau tất cả các tuyên truyền chống Ukraine, bất cứ điều gì khác sẽ là một tín hiệu
nguy hiểm về sự yếu đuối cho xã hội của chính họ. Để chế độ tồn tại, điện
Kremlin đe dọa mọi đối thủ bằng sự hủy diệt tàn bạo. Đó là lý do tại sao, sau
cuộc chiến kéo dài tám năm ở miền đông Ukraine, cuộc xung đột ở đó đã leo thang
hơn nữa. Cuộc tấn công vào toàn bộ Ukraine đã diễn ra từ lâu. Bây giờ, cuối
cùng, phương Tây phải áp dụng các biện pháp trừng phạt mới thực sự có khả năng
ngăn chặn Nga”.
Báo KOMMERSANT từ Moscow cũng coi việc công nhận các
nước Cộng hòa ly khai làm cho tình hình leo thang: “Cuộc khủng hoảng
Ukraine không kết thúc. Thay vào đó, nó đang bước vào một giai đoạn mới, thậm
chí có thể gay gắt hơn”.
Nhà bình luận của KIEW POST không
đồng ý với lời trình bày của Nga rằng các cuộc tấn công từ phía Ukraine đã đòi
hỏi sự can thiệp của Moscow: “Ukraine chưa bao giờ thúc đẩy chiến
tranh và có quyền tiếp tục tồn tại như một quốc gia độc lập với sự toàn vẹn
lãnh thổ. Cộng đồng quốc tế phải làm mọi thứ có thể để đạt được điều này“.
Báo NEW YORK TIMES của Mỹ thảo luận việc Nga gởi quân
đến miền Đông Ukraine và gọi đây là “cuộc chiến của Putin” khi viết: “Putin
là nhà lãnh đạo Nga quyền lực nhất kể từ Stalin. Putin coi việc Ukraine mong muốn
rời khỏi phạm vi ảnh hưởng của Nga vừa là một mất mát chiến lược, vừa là một sự
sỉ nhục cá nhân và quốc gia.
Trong bài diễn văn hôm thứ Hai, Putin nói nguyên văn
rằng, Ukraine không có yêu sách về tuyên bố độc lập, nhưng là một phần không thể
tách rời của Nga – người dân Ukraine là “ràng buộc với Nga bằng máu và mối quan
hệ gia đình”.
Đó là lý do tại sao cuộc tấn công của Putin có ảnh
hưởng tương đương về địa chính trị như với một vụ giết người vì danh dự.
Putin là kẻ
xâm lược, nhưng Mỹ và NATO không chỉ là những người dự khán vô tội. Họ đã giúp
thắp lên ngọn lửa của Putin với hai khúc gỗ khổng lồ:
Nguồn lửa đầu tiên là quyết định thiếu cân nhắc của
Mỹ vào thập niên 1990 để mở rộng khối NATO sau sự sụp đổ của Liên Xô. Nguồn lửa
thứ hai và lớn hơn nhiều là việc Putin lợi dụng một cách đạo đức giả trong sự
bành trướng của NATO về phía biên giới Nga để lôi kéo người Nga về phía mình và
che đậy những thất bại kinh tế”.
Nhật báo DE TELEGRAAF từ
Amsterdam coi Putin là một người cai trị vô đạo đức: “Tổng thống Nga
không sống trong một thế giới của luật pháp quốc tế. Putin đề cập đến nó nếu nó
phù hợp với ông ta. Tuy nhiên, nếu không, ông chà đạp nó dưới chân nếu các quy
tắc không phù hợp với quan điểm của ông về lịch sử. Putin là một nhà lãnh đạo
theo phong cách thế kỷ 19. Ngay trên biên giới của Đế chế Sa hoàng, không một
quốc gia có chủ quyền nào có thể chắc chắn về sự tồn tại của mình”.
Nhật báo CLARIN từ thủ
đô Buenos Aires của Argentina lưu ý: “Putin đã gióng lên hồi chuông cảnh
báo trong Nhà Trắng. Quyết định công nhận các vùng lãnh thổ ly khai ở miền đông
Ukraine là các nước Cộng hòa độc lập đã dẫn đến các cuộc gọi điện thoại vội vã
với các đồng minh. Các biện pháp trừng phạt sẽ được thực hiện nhanh chóng”.
Báo THE STRAITS TIMES của
Singapore tò mò muốn xem người châu Âu sẽ phản ứng như thế nào: “Liên
minh châu Âu và khối NATO đã chuẩn bị cho một cuộc xâm lược của Nga vào
Ukraine. Bây giờ vẫn còn phải xem những kế hoạch có giá trị gì”.
Báo TELEGRAPH từ Luân
Đôn kêu gọi nên cứng rắn đối với Putin: “Một giải pháp ngoại giao là
thích hợp hơn chiến tranh, nhưng không phải bằng bất cứ giá nào, như Bộ trưởng
Quốc phòng Anh đã tuyên bố một cách rất đúng. Phương Tây không được đồng thuận
cho việc phân chia Ukraine để thuyết phục Putin rút quân”.
Báo LA REPUBBLICA từ Rome đồng ý là: “Hiện
nay, ở nơi mà chiến tranh đang đến gần hơn bao giờ hết, thì phương Tây cần có
những quyết định can đảm. Đã đến lúc Ukraine phải hội nhập toàn diện vào gia
đình châu Âu. Cùng với các biện pháp trừng phạt rất nghiêm khắc, điều này là phản
ứng tốt nhất đối với một mối đe dọa quân sự hoàn toàn vô lý ở trước cửa ngõ
châu Âu”.
Báo DE STANDAARD từ Brussels lo ngại rằng, phương Tây
sẽ bỏ rơi Kiev: “Không ai muốn chết vì Ukraine và các biện pháp trừng
phạt được công bố chỉ là một sự thừa nhận tình trạng yếu kém. Đặc biệt là vì có
sự bất đồng trong việc các biện pháp nên được thực thi nhanh chóng và cứng rắn
như thế nào. Putin đã sẵn sàng cho mọi thứ mà châu Âu và Mỹ có khả năng ứng
phó”.
Bất chấp sự leo thang gần đây, nhật báo RZECZPOSPOLITA của
Ba Lan vẫn chưa từ bỏ hy vọng về một giải pháp ngoại giao: “Trong trường
hợp này, trước cuộc gặp có thể xảy ra với Tổng thống Mỹ Biden, một lần nữa,
Putin muốn gia tăng áp lực với phương Tây để buộc phải nhượng bộ Nga. Có lẽ
Putin sẽ tiếp tục tìm kiếm một thỏa thuận ngoại giao. Nhưng cơ hội để tránh chiến
tranh theo cách này là rất mong manh. Cuộc xâm lược của lực lượng Nga vào hai
nước tự xưng là Cộng hòa tự đã làm tăng đáng kể nguy cơ đối đầu trực tiếp và do
đó là một cuộc chiến lớn giữa Nga và Ukraine”.
Ngược lại, báo JIEFANG RIBAO từ
Thượng Hải, Trung Quốc cho là: “Ngay cả sau khi công nhận hai khu vực
ly khai, dường như sẽ không sác xuất nào cho một cuộc chiến tranh lớn ở châu Âu,
bởi vì khối NATO đã sớm nói rõ sẽ không chiến đấu cho Ukraine chống lại Nga. Tổng
thống Putin biết mình có thể đi bao xa.
Nhưng Putin cũng biết tình hình kinh tế của đất nước
mình và có thể đánh giá các hậu quả tàn khốc của các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt
của phương Tây. Nga sẽ không thể chịu đựng được một cuộc xung đột lâu dài. Đó
là lý do tại sao Putin sẽ phải sẵn sàng đối thoại”.
Báo ARTI GERCEK của Thổ
Nhĩ Kỳ có trụ sở tại Köln, Đức, không ngạc nhiên trước hành động mới nhất của
Putin: “Việc công nhận hai vùng lãnh thổ ly khai đã được mong đợi. Bằng cách
này, Putin đã thành công trong việc giành thêm hai khu vực từ Ukraine sau
Crimea. Bây giờ sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Moscow sáp nhập toàn bộ
Ukraine.
Tuy nhiên, một cảnh báo đến từ một khía cạnh bất ngờ
– cụ thể là từ Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Bắc Kinh nói rằng, sự toàn vẹn lãnh thổ
của Ukraine phải được tôn trọng. Lý do cho điều này có lẽ là các khoản đầu tư lớn
lao của Trung Quốc vào Ukraine, điều này không nên gặp nguy hiểm”.
Bất chấp những lời lẽ thận trọng từ Bắc Kinh lần
này, một liên minh chặt chẽ hơn giữa Nga và Trung Quốc gần đây đã trở nên rõ
ràng.
Trong một bài bình luận dành cho khách mời của
nhật báo KOREA HERALD từ Seoul, Hàn Quốc, Ana Palacio,
cựu nữ Ngoại trưởng Tây Ban Nha, mô tả vấn đề “Liên minh các chế độ chuyên chế”.
Bà đánh giá là: “… Các biện pháp trừng
phạt kinh tế trong cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ không đủ. Các nền dân chủ trên
thế giới do Mỹ và châu Âu lãnh đạo phải hợp tác để khôi phục uy tín trật tự quốc
tế dựa trên luật lệ và mang lại ý nghĩa thực sự cho các nguyên tắc và thực tiễn
của chủ nghĩa đa phương.
Chừng nào điều này không xảy ra, tầm nhìn thay thế
được các chế độ chuyên chế trên thế giới ủng hộ sẽ tiếp tục giành được chỗ đứng”.
______
Tổng hợp từ nguồn Die internationale Presseschau Deutschlandfunk,
ngày 22-2-2022
No comments:
Post a Comment