Friday, February 18, 2022

HOA KỲ : QUẢN LÝ TÀ ĐẠO BẰNG CON ĐƯỜNG "XÃ HỘI HÓA" (Nguyễn Quốc Tấn Trung - Luật Khoa)

 



Hoa Kỳ: Quản lý tà đạo bằng con đường “xã hội hóa”

NGUYỄN QUỐC TẤN TRUNG  -  Luật Khoa

18/02/2022

https://www.luatkhoa.org/2022/02/hoa-ky-quan-ly-ta-dao-bang-con-duong-xa-hoi-hoa/

 

Dùng nguồn lực của xã hội để chống lại ảnh hưởng xấu của các tư tưởng cực đoan

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/02/pasted-image-0-2.jpg

Một cảnh trong phim tài liệu “The Source Family” (2012) của đạo diễn Jodi Wille, kể về một giáo phái cùng tên tại Mỹ. Nguồn: Netfilx

 

Trong bài viết trước, người viết đã bàn về hệ lụy của việc không có những công cụ bảo vệ xã hội khỏi những tư tưởng cực đoan của các nhóm cuồng tín và tà đạo (cult/ heresy). [1] Bài viết này một lần nữa khẳng định nhu cầu phải quản lý nhà nước đối với tôn giáo.

 

Tuy nhiên, quản lý nhà nước đối với tôn giáo không đồng nghĩa với hành động cầm tay chỉ việc hay can thiệp sâu vào các hoạt động tôn giáo – một việc hoàn toàn có khả năng vi phạm các quy định về quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo trong hệ thống pháp luật nhân quyền quốc tế.

 

Vậy làm thế nào để quản lý nhà nước về tôn giáo mà không nhất thiết phải thao túng sâu vào cấu trúc tổ chức và hoạt động của một tôn giáo? 

 

Trường hợp của Hoa Kỳ cung cấp nhiều kinh nghiệm đáng tham khảo.

 

Trước tiên, cần khẳng định rằng Tu chính án thứ Nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ ở mức độ gần như là tuyệt đối sự thành lập của các nhóm cuồng tín, thậm chí là tà đạo.

 

Nói cách khác, chính phủ Hoa Kỳ sẽ không can thiệp kiểm soát trước vào câu chuyện xác định ai được xem là tôn giáo, ai không được xem là tôn giáo, ai là tà đạo, ai không phải là tà đạo, v.v.

 

Song điều này cũng dẫn đến những công cụ và những thảo luận pháp lý có một không hai.

 

 

“Deprogramming”: Toàn dân du kích chống giáo phái cuồng tín

 

Một trong những công cụ tư nhân nổi bật nhằm chống lại các giáo phái cuồng tín và tà đạo tại Hoa Kỳ là các chương trình “deprogramming”, tạm dịch là “giải giáo”.

 

Đây là các chương trình tư nhân có mục tiêu giáo dục, đào tạo và thuyết phục thành viên của các giáo phái cuồng tín, rằng thứ đức tin mà họ đang theo đuổi có vấn đề, là sai lầm và nguy hại cho gia đình lẫn xã hội.

 

Phong trào, hay nói đúng hơn là “dịch vụ giải giáo”, thường phục vụ các gia đình của những thành viên đang hoạt động bên trong các giáo phái . Thập niên 1960 – 1970 là giai đoạn làn sóng giáo phái tại Hoa Kỳ nở rộ với hàng ngàn giáo phái mới được thành lập. Những cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ giải giáo cũng phất lên từ đó. [2]

 

Gói dịch vụ này ban đầu bao gồm cả việc tạm “bắt cóc” thành viên gia đình đang tham gia giáo phái (với sự đồng thuận của các thành viên còn lại trong gia đình).

 

Các bước tiếp theo của quá trình giải giáo có thể từ nhẹ nhàng như trò chuyện, thuyết phục, giảng giải đạo đức hay áp dụng các biện pháp tâm lý trị liệu, cho đến các biện pháp nặng đô hơn như gây áp lực tinh thần.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/02/Deprogramming3.jpg

Một cảnh giải giáo (deprogramming) trong bộ phim tài liệu “Deprogrammed” (2015).

 

Một số lượng đáng kể các nhà tâm lý học lâm sàng, bác sĩ tâm thần, và thậm chí các luật gia – luật sư ủng hộ cách tiếp cận và các biện pháp của những chương trình giải giáo này. [3] Nó giúp cho ngành công nghiệp giải giáo – do tư nhân thành lập, điều chỉnh và cung ứng vốn – trở thành một ngành được thừa nhận rộng rãi trong nền kinh tế Hoa Kỳ.

 

Dù rất nhiều giáo phái mới rao giảng những giáo điều đi ngược lại nhiều giá trị đạo đức cộng đồng nói chung và nhu cầu quản lý nhà nước nói riêng, các cơ quan chức năng không thể can thiệp vào hoạt động của các giáo phái này vì chúng không vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ.

Thay vào đó, nhà nước vừa khuyến khích người dân tự nguyện rút khỏi các giáo phái, vừa ngầm ủng hộ các dịch vụ giải giáo.

 

Vậy kỹ thuật ủng hộ của họ ra sao?

 

Các công cụ tư pháp

 

Đọc đến đây, có lẽ nhiều bạn đọc đang có vài câu hỏi về nội dung đoạn trước.

 

“Bắt cóc”?

 

Chẳng phải như vậy là trái luật hay sao? 

 

Hoa Kỳ, một nước tôn trọng nhân quyền, thượng tôn pháp luật, sao lại cho phép chuyện như thế?

 

Đây sẽ là chỗ mà các cơ quan tư pháp Hoa Kỳ cho thấy sự can thiệp nhất định của họ vào việc ủng hộ những nỗ lực tư nhân trong việc kiểm soát các giáo phái.

 

Để bắt đầu, chúng ta cần tìm hiểu hai thuật ngữ: “colour of law” và “conservatorship”.

 

“Conservatorship” là một khái niệm tư pháp trong hệ thống thông luật Hoa Kỳ. Nó cho phép một thẩm phán, dựa trên các bằng chứng mà họ có, tuyên trao cho một người trong gia đình quyền đại diện và kiểm soát hành vi dân sự của một thành viên khác vì thành viên này không còn đủ năng lực hành vi.

 

Nếu đối chiếu với hệ thống pháp luật Việt Nam, chúng ta có thể hiểu khái niệm này là gần tương tự với việc “giám hộ người mất năng lực hành vi dân sự” (trong trường hợp của Hoa Kỳ thì không đến mức mất năng lực).

 

Sau khi giành được quyền này, gia đình của một giáo dân có thể sử dụng vũ lực đúng mức để giữ và ngăn cản thành viên, không cho tiếp tục tham gia giáo phái, buộc họ điều trị theo các chương trình giải giáo.

 

Trong quá trình thực hiện thẩm quyền này, gia đình và tổ chức thực hiện dịch vụ giải giáo sẽ hoạt động dưới danh nghĩa “the colour of law”. Nói cách khác, các hành vi vũ lực mà gia đình có thể thực hiện được sự “ủy quyền ban đầu” của pháp luật.

 

Những thành viên bị “bắt cóc” hoàn toàn có thể khởi kiện, yêu cầu tuyên sự ủy quyền và các hành động của gia đình là bất hợp pháp. [4] Tuy nhiên, thành viên gia đình tham gia vào các giáo phái ít khi thành công khi kiện gia đình của mình. [5]

 

Ban đầu, các thẩm phán địa phương khá ngại ngần trong việc cho các gia đình dùng quyền giám hộ để tạm giữ và giải giáo cho con cái của mình.

 

Song cùng với làn sóng giáo phái cuồng tín và tà đạo trỗi dậy quá mạnh mẽ, cân nhắc những trói buộc dành cho cơ quan công quyền theo Tu chính án thứ Nhất như đã nói ở trên, nhiều tiểu bang quyết định mở rộng các quy định liên quan đến “conservatorship”.

 

Ví dụ, ở tiểu bang Arizona, các nhà lập pháp thậm chí cho phép các thẩm phán trao “conservatorship” cho ba mẹ hay gia đình nói chung để can thiệp vào quá trình giải giáo của con hoặc thành viên trong gia đình mà không cần trải qua các thủ tục thông báo (notice) hay trình bày, tranh biện tại tòa (hearing). Trong các trường hợp khẩn cấp, bang Arizona khuyến khích trao cho gia đình cơ chế giám hộ tạm thời (temporary guardianship) kéo dài ba mươi ngày. [6]

 

Và ba mươi ngày thật ra cũng là quá đủ đối với các chương trình giải giáo. 

 

                                                       ***

Sau khi đạt đỉnh ở thập niên 1970 – 1980, phong trào thành lập các giáo phái mới ở Hoa Kỳ hạ nhiệt. Các chương trình giải giáo và các công cụ tư pháp mà chính quyền tiểu bang trao cho hệ thống tư pháp của mình cũng dần bị bãi bỏ.

 

Nhìn chung, có thể thấy ngay cả ở quốc gia tôn trọng tự do tôn giáo đến mức gần như tuyệt đối như Hoa Kỳ, việc điều chỉnh hệ thống pháp luật để thích ứng với những thách thức quản lý nhà nước đối với tôn giáo không phải là không có.

 

Điểm thú vị nhất là họ lại trao quyền đó cho tư nhân và thị trường.

 


 

Đọc thêm: Tự do tôn giáo và bài toán “tà giáo”: Từ góc nhìn quản lý nhà nước

 

----------------------------------------------------------------------------------------------

 

Chú thich :

 

1.  Nguyễn Quốc Tấn Trung. (2022, January 13). Tự do tôn giáo và bài toán “tà giáo”: Từ góc nhìn quản lý nhà nước. Luật Khoa Tạp Chí. Retrieved 2022, from https://www.luatkhoa.org/2022/01/tu-do-ton-giao-va-bai-toan-ta-giao-tu-goc-nhin-quan-ly-nha-nuoc/

 

2.  Richardson, J. T. (2011). Deprogramming: From private self-help to governmental organized repression. Crime, Law, and Social Change, 55(4), 321-336. https://doi.org/10.1007/s10611-011-9286-5

 

3.  Richardson, J. T., & Stewart, M. W. (2004). Medicalization and regulation of deviant religions: An application of Conrad and Schneider’s model. In J. Richardson (Ed.), Regulating religion: Case studies from around the globe (pp. 507–534). New York: Kluwer 

 

4.  Albert R. Vermeire, “Deprogramming”: From the Defense Counsel’s Perspective, 84 W. Va. L. Rev. (1981). Available at: https://researchrepository.wvu.edu/wvlr/vol84/iss1/5 

 

5.  Craig Andrews Parton, When Courts Come Knocking at the Cult’s Door: Religious Cults and the First Amendment, 9 Hastings Comm. &

 

6.  Cults, Deprogrammers, and the Necessity Defense. (1981). Michigan Law Review, 80(2), 271–311. https://doi.org/10.2307/1288050

 




No comments:

Post a Comment