Thursday, February 3, 2022

CƠ CHẾ TIỂU ĐA PHƯƠNG CÓ HỮU ÍCH TRONG VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG? (Huỳnh Tâm Sáng)

 



Cơ chế tiểu đa phương có hữu ích trong vấn đề Biển Đông?

Huỳnh Tâm Sáng

31/01/2022

http://nghiencuuquocte.org/2022/01/31/co-che-tieu-da-phuong-co-huu-ich-trong-van-de-bien-dong/

 

Tham vọng của Indonesia nhằm xây dựng một liên minh hàng hải cùng các quốc gia ASEAN là cách phản ứng phù hợp với mối đe dọa từ Trung Quốc.

 

Căng thẳng với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đã thúc đẩy Indonesia mời các quan chức phụ trách an ninh hàng hải của năm quốc gia ASEAN (Brunei, Philippines, Malaysia, Singapore và Việt Nam) tham dự cuộc họp dự kiến tổ chức vào tháng 2/2022. Đại diện các nước

 

Động thái táo bạo của Jakarta gây chú ý, bởi lẽ Indonesia không phải là một bên tranh chấp trong vấn đề Biển Đông, đồng thời quốc gia này luôn thận trọng giữ im lặng nhằm tránh xung đột ngoại giao với Trung Quốc. Dù vậy, Indonesia – quốc gia được xem là “lãnh đạo trên thực tế” của ASEAN – thường xuyên đối mặt với các hành vi gây hấn từ Bắc Kinh. Trong hai năm qua, hai nước đã triệu tập đại sứ của nhau để “phản đối các hoạt động trên vùng biển Natuna” – khu vực đang xảy ra bất đồng giữa Indonesia và Trung Quốc.

 

Gần đây, Trung Quốc liên tục yêu cầu Indonesia dừng hoạt động khai thác dầu khí gần Lô Natuna, dù khu vực này thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Jakarta. Lý do Bắc Kinh đưa ra là lô địa chất nói trên nằm trong tuyên bố chủ quyền “Đường 9 đoạn”– yêu sách gây tranh cãi của Trung Quốc từng bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.

 

Bế tắc trong quan hệ song phương nửa cuối năm 2021, cùng việc Bắc Kinh liên tục phản đối các dự án phát triển của Jakarta trên Biển Đông, đã đặt dấu chấm hết cho chút kiên nhẫn còn lại của Indonesia dành cho Trung Quốc. Hệ quả là Jakarta không thể tiếp tục đứng ngoài các tranh chấp ở khu vực Biển Đông.

 

Đối với Indonesia, việc theo đuổi một cách tiếp cận kiên quyết, hướng tới khả năng hợp tác chặt chẽ hơn cùng các quốc gia ven biển, nhằm đối phó với chiến thuật “Vùng xám” (“Gray zone” tactics) của Trung Quốc có thể tạo ra một cú hích cần thiết. Về lý thuyết, nỗ lực này tạo dựng nền tảng hợp tác tiểu đa phương (minilateral platform), mang tính không chính thức, để giải quyết những thách thức chung và dùng làm đối trọng với một Trung Quốc hiếu chiến trên biển.

 

Khác với các khuôn khổ đa phương còn lại, mô hình tiểu đa phương có xu hướng tập trung thảo luận các nội dung giới hạn và cụ thể, với nhóm thành viên riêng biệt, qua đó cho phép nâng cao tính hiệu quả khi giải quyết vấn đề liên quan trực tiếp giữa các bên. Như học giả nghiên cứu về an ninh khu vực Sarah Teo nhận định, hợp tác giữa các quốc gia cùng chí hướng (like-minded countries) trong những khuôn khổ tiểu đa phương góp phần đẩy nhanh quá trình ra quyết định so với các nỗ lực tương tự của các quốc gia trong các cấu trúc đa phương. Với ASEAN, việc hình thành nhóm quốc gia tập trung hợp tác trên lĩnh vực an ninh hàng hải và ngăn chặn các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông có thể là một lựa chọn khả dĩ.

Hiện tại, Brunei, Philippines, Malaysia và Việt Nam là các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trong khi đó, dù Indonesia và Singapore không phải là bên tranh chấp, hai nước vẫn chia sẻ lợi ích về tự do hàng hải cũng như tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình và an ninh trên biển. Cả sáu quốc gia nhất trí về sự cần thiết của việc tự kiềm chế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Không chỉ vậy, các nước đều có thể rơi vào tình thế nguy hiểm một khi Trung Quốc độc chiếm Biển Đông. Do đó, xét về bản chất, sáu quốc gia nói trên có thể được xem các quốc gia cùng chí hướng trong tầm nhìn về an ninh và ổn định trên Biển Đông.

 

Trong thời gian qua, một số quốc gia đã củng cố quyết tâm để đối phó với tham vọng ngày một gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Cụ thể, Philippines đã phản đối việc Trung Quốc triển khai đội tàu cá vũ trang và động thái từng bước gia tăng sức ép của nước này trên Biển Đông. Việt Nam cũng gửi công hàm phản đối lệnh cấm đánh bắt cá đơn phươnghoạt động vận tải quân sự mà Bắc Kinh tiến hành trong vùng biển tranh chấp. Trong khi đó, vào tháng 10/2021, Malaysia đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối hành vi xâm phạm lãnh hải của các tàu nước này ngay trong EEZ của Malaysia, ngoài khơi đảo Borneo.

 

Đối với các quốc gia trong khu vực, việc duy trì thái độ lạc quan nhưng thận trọng với Trung Quốc là điều cần thiết. Bởi lẽ, bên cạnh các hành vi cưỡng ép trên biển, Bắc Kinh có thể trao lợi ích kinh tế cho những quốc gia có tương quan yếu hơn, nhằm xoa dịu các nước này về sự hiện diện của lực lượng dân quân biển Trung Quốc trên Biển Đông. Đơn cử, do phụ thuộc vào kinh tế với Trung Quốc, vào tháng 7/2020, Brunei từng nhấn mạnh việc đàm phán giữa các bên nên thực hiện ở cấp song phương và tuyên bố này có thể được xem như “đồng điệu với quan điểm của Bắc Kinh”. Không chỉ vậy, việc các quốc gia có tranh chấp chủ quyền chọn cách giải quyết độc lập, thay vì hoạt động như một nhóm quốc gia cùng chí hướng, phần nào đến từ sự thiếu vắng một “nhạc trưởng” đóng vai trò dẫn dắt trong vấn đề Biển Đông.

 

Trong bối cảnh đó, Indonesia có thể đảm nhận vai trò đầu tàu thông qua việc kiên định với các nguyên tắc đã chọn, trong đó có nhấn mạnh giải quyết xung đột giữa các quốc gia dựa trên đối thoại thiện chí, kết hợp với các cơ sở pháp lý tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Ngoài ra, Jakarta cũng cần một biện pháp linh hoạt, bao gồm các kế hoạch khả thi và những giải pháp thực tế, đảm bảo thu hút tất cả thành viên tham gia cùng giải quyết các thách thức ở khu vực.

 

Tuy nhiên, cơ hội để sáu quốc gia ASEAN đạt đến thống nhất không dễ dàng. Do vậy, lãnh đạo các nước có thể theo đuổi cách tiếp cận từng bước, thay vì bắt tay vào một kế hoạch tham vọng ngay từ đầu. Các bên cần định hình khuôn khổ cho các cuộc đối thoại và tham vấn, xem đây là nguyên tắc cơ bản trong hoạt động chung. Đồng thời, các quốc gia nên có các tính toán thực dụng, cân nhắc sự tương đồng về “lợi ích, nhận thức về mối đe dọa và những khả năng thực tế” của các quốc gia thành viên, trước khi các bên có thể cùng hoạt động như một nhóm thống nhất.

 

Như Phó Đô đốc Aan Kurnia – người đứng đầu cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (Bakamla) – nhấn mạnh, trong các cuộc thảo luận sắp tới, sáu đại diện ASEAN cần tìm cách giải quyết các thách thức chung thông qua xây dựng kế hoạch hợp tác trên tinh thần chia sẻ kinh nghiệm và thắt chặt tình hữu nghị. Trên cơ sở đó, việc tổ chức các phiên họp với tần suất hai tháng một lần, chia sẻ thông tin tình báo quan trọng, cũng như cập nhật kịp thời các diễn biến trên biển có thể thúc đẩy tăng cường hiểu biết và trao đổi lẫn nhau, tránh nguy cơ gây hiểu lầm giữa các thành viên.

 

Với Indonesia và các quốc gia ASEAN, đây là thời điểm thích hợp để nâng cao tính chặt chẽ và hiệu quả trong hoạt động hợp tác ở khu vực. Jakarta cần xây dựng nhận thức chung về sự thống nhất giữa các nước tham gia, thông qua việc nêu bật tầm quan trọng của nỗ lực chung trong bối cảnh không quốc gia nào có thể tự mình giải quyết các thách thức trên Biển Đông. Thực tế cho thấy, Jakarta đang có tiềm năng và lợi thế để biến triển vọng nói trên thành hiện thực.

 

----------------

Huỳnh Tâm Sáng là giảng viên của Khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu viên của “Taiwan NextGen Foundation”, và nghiên cứu viên không thường trú của “Pacific Forum”.

 

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên The Interpreter.

 

                                                   ***

 

Có thể bạn quan tâm:

1.    Cuộc diệt chủng bị lãng quên ở Indonesia

2.    Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và ASEAN trong năm 2020

3.    Châu Á và Việt Nam trong chiến lược của Mỹ và Anh  

4.    Trung Quốc cướp đoạt quyền lực ở Biển Đông

5.    Người Trung Quốc viết về nạn diệt chủng của Khmer Đỏ

6.    Trách nhiệm của ASEAN với các vấn đề an ninh khu vực

7.    Hiện trạng Sáng kiến Vành đai và Con đường ở khu vực Mekong

8.    Sài Gòn năm 1975 khác với Kabul năm 2021 như thế nào?

 






No comments:

Post a Comment