Saturday, February 5, 2022

17 THÁNG 2 và LƯ HƯƠNG, THẾ NÀO LÀ CHÍNH TRỊ? (Trân Văn)

 



 

 

17 tháng 2 và lư hương, thế nào là chính trị?

Trân Văn

06/02/2022

https://www.voatiengviet.com/a/th%C3%A1ng-2-v%C3%A0-l%C6%B0-h%C6%B0%C6%A1ng-th%E1%BA%BF-n%C3%A0o-l%C3%A0-ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B-/6428169.html

 

Khoảng mươi ngày nữa là 17 tháng 2 – tròn ba năm chính quyền TP.HCM cẩu lư hương đặt trước tượng Trần Hưng Đạo mang đi nơi khác để ngăn cản.. tụ tập đông người!

 

Khoảng mươi ngày nữa là 17 tháng 2 - tròn 43 năm Trung Quốc xua quân qua biên giới nhằm “dạy” cho Việt Nam một... bài học! Tham vọng... dạy dỗ đó tới giờ vẫn còn nguyên!

 

Khoảng mươi ngày nữa là 17 tháng 2 – tròn ba năm chính quyền TP.HCM cẩu lư hương đặt trước tượng Trần Hưng Đạo mang đi nơi khác để ngăn cản.. tụ tập đông người!

 

17/2/2019 - lúc Trần Hưng Đạo, một anh hùng dân tộc mất lư hương là dịp mà dân chúng Việt Nam nói chung và dân chúng TP.HCM nói riêng, nhân sự kiện cần nhớ ấy tròn 40 năm, dự tính tưởng niệm những người Việt hoặc đã hy sinh, hoặc bị giết trong cuộc chiến vệ quốc kéo dài hàng chục năm.

 

Song, bất kể dã tâm của Trung Quốc thế nào, cách hành xử của Trung Quốc càn rỡ ra sao, chính quyền Việt Nam vẫn xem những “16 chữ vàng” và “tinh thần bốn tốt” như... kim chỉ nam! Cho nên lư hương không chỉ để... cắm hương mà là vấn đề thể hiện bản lĩnh, sự kính trọng cả tiền nhân lẫn dân chúng – những thứ vốn hiếm và quý ở Việt Nam!

 

                                                     ***

Suốt ba năm qua, trên mạng xã hội và thỉnh thoảng trên một vài cơ quan truyền thông thuộc hệ thống truyền thông chính thức, hết người này tới người khác, không thuộc giới này thì thuộc giới khác đã đề cập tới chuyện phải trả lại lư hương cho Trần Hưng Đạo, anh hùng dân tộc được dân gian gọi là Đức Thánh Trần!

 

Bà Lê Huyền Ái Mỹ vừa kể trên trang facebook của bà, rằng việc tu bổ Công viên Mê Linh – nơi có tượng Trần Hưng Đạo - sắp hoàn tất và có thể sẽ mở cửa trở lại vào rằm tháng Giêng Âm lịch. Đó cũng là thời điểm sự kiện 17 tháng 2 tròn 43 năm. Bà Mỹ hy vọng đó cũng sẽ là thời điểm lư hương được hồi hương, trở về... “nguyên quán

 

Chuyện tước đoạt lư hương của Trần Hưng Đạo đã làm dư luận dậy sóng. Đợt sóng mà bà Mỹ lưu ý là “không hề lặng” và “gió vẫn thổi chờ ngày phục vị lư hương”. Theo Lê Huyền Ái Mỹ: Nếu chọn đúng rằm tháng Giêng, cũng là những ngày tháng Hai lịch sử thì quả thật là hợp lý, thuận tình. “Lấy” dịp nào thì “trả” về đúng dịp nấy, ấy là sòng phẳng. Nếu đã từng có chút âu lo về việc “một bộ phận người dân” tập trung về đấy mà biểu lộ tinh thần yêu nước thì nay, ghi nhận, thừa hưởng tinh thần ấy, nên chăng xem đấy như là “kháng thể” bền vững nhất để hồi sinh mà cùng nhau tái thiết, phục hồi sau cơn thập tử. Ấy là sự khôn ngoan, phải lẽ (1).

 

                                                      ***

 

Lê Huyền Ái Mỹ không phải là người đầu tiên đề cập đến việc hoàn trả lư hương cho tượng Trần Hưng Đạo. Nhiều người đã đề cập đến điều đó suốt từ 17/2/2019 tới nay. Thậm chí có không ít người chỉ trích hết sức gay gắt như Nguyễn Quang Cương: Sự ngạo ngược với thánh nhân, đất trời, xưa nay đều phải trả giá!.. Chuyện tâm linh, không phải mê tín mà là sự thấu hiểu! Đừng duy ý chí một cách cực đoan. Hãy thức tỉnh, trả lại lư hương cho Đức Thánh Trần (2)!..

 

Hồi tháng 9 năm ngoái, Minh Phong nhắc lại mong muốn của nhiều người - trả lại lư hương trước tượng Trần Hưng Đạo ở Công viên Mê Linh (phường Bến Nghé, quận 1) vào ngày trước ngày giỗ Đức Thánh Trần (20 tháng 8 Tân Sửu – 26/9/2021): Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân sâu xa của việc di dời lư hương xuất phát từ việc, vào một số thời điểm, có một số người thường tụ họp về đây bày tỏ thái độ, sợ mất trật tự (?!). Nếu đúng vậy thì một nhóm người ít ỏi tập trung lại để thể hiện chính kiến một cách ôn hòa, nội dung không có gì là “phản động” thì cách khôn ngoan nhất là “kệ họ”, hoặc cho người đến bảo vệ người ta.

 

Giống như nhiều người khác, Phong nhấn mạnh: Giả sử họ làm gì sai trái với luật thì xử lý họ theo luật. Còn nếu vì thế mà dời lư hương thờ Đức Thánh Trần để nhóm người kia khỏi có cớ đến thắp hương (?) thì không thể nào hiểu nổi! Vì vậy người ta yêu cầu trả lư hương về chỗ cũ (một cách ôn hòa) là đúng, nên làm sớm nhân ngày giỗ của Ngài (3)!..

 

Tuy nhiên mong muốn ấy chưa được đáp ứng. Một tháng sau, tạp chí Người Đô Thị thực hiện một chuyên đề, giới thiệu nhiều ý kiến về chuyện lư hương của Trần Hưng Đạo được Phuc Tien Tran Huu tóm lược và giới thiệu trên mạng xã hội. Chẳng hạn Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng (Tượng khác có thể không cần lư hương nhưng tượng Đức Thánh Trần phải có!). Dương Trung Quốc (Nhà nước không nên can thiệp, thay đổi hay tước bỏ những tập quán tốt đẹp mà chỉ nên làm cho tốt hơn, đẹp hơnCâu chuyện liên quan đến chiếc lư hương gắn với tượng đài Trần Hưng Đạo tại TP.HCM cũng nên như vậy và càng nên như vậy!).

 

Tham gia... cuộc vận động trả lư hương lại cho một anh hùng dân tộc còn có nhiều người thuộc nhiều giới khác: Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa (Ngài đứng đó, ngay mặt tiền thành phố như một ngọn hải đăng soi sáng đường cho con cháu!). Tiến sĩ Phan Thanh Bình (Trong các công trình văn hóa dân tộc với những tượng đài của các nhân vật lịch sử thì việc đặt lư đồng dưới chân tượng đài một cách phù hợp luôn có một ý nghĩa và nét đẹp truyền thống đặc biệt tác động vào tâm tư, tình cảm người đến tham quan!). Phúc Tiến (Bờ sông Bến Nghé, công trường Mê Linh và tượng đài Trần Hưng Đạo là chuỗi giá trị độc đáo của Sài Gòn. Đừng làm xấu, làm hỏng, làm nghèo đi chuỗi giá trị quý hiếm này!) (4).

 

                                                     ***

Tháng 9 năm ngoái (11/2021), chính quyền TP.HCM... “công bố phương án tôn tạo tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo và công viên Mê Linh và mời người dân góp ý về màu sắc, thiết kế, bức phù điêu và lư hương” (5). Hai tháng sau, phương án chỉnh trang được công bố, theo đó, “trước tượng đài Đức Thánh Trần sẽ đặt một lư hương phía đường Tôn Đức Thắng hướng ra sông Sài Gòn”. Công viên Cảng Bạch Đằng và Công viên Mê Linh được xác định là “cụm công trình văn hóa” và tượng Trần Hưng Đạo là một trong hai biểu tượng của cụm công trình văn hóa có hai công viên này. Biểu tượng còn lại là Cột cờ Thủ Ngữ (6).

 

Sau chuỗi thông tin đó, có facebooker như Cù Mai Công nhận xét, chuyện tổ chức lấy ý kiến dân chúng về việc chỉnh trang bến Bạch Đằng giữa lúc TP.HCM đang nghiêng ngả vì đại dịch COVID-19 là “điều khá bất ngờ”. Ai cũng hiểu lư hương trước tượng Đức Thánh Trần mới thực sự là mối quan tâm lớn nhất của dân TP.HCM chứ không phải những chuyện như chỉnh trang, trùng tu, tôn tạo khác. Dẫn lại ý kiến của nhiều người, Công kết luận: Lư hương xét cho cùng là năng lượng của lòng dân. Chọn phương án nào cũng được, trước hết xin trả lại năng lượng của lòng dân về nơi năng lượng ấy tích lũy bao năm nay. Thần thánh Việt bao đời nay luôn đứng cùng phía với lòng dân Việt (7).

 

----------------

Chú thích

 

(1) https://www.facebook.com/huyenaimy.le.9/posts/336651105003997

 

(2) https://www.facebook.com/tscuongvn/posts/1300788510340924

 

(3) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1919422384897701&id=100004898730291

 

(4) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2675837979379397&id=100008596629470

 

(5) https://vnexpress.net/tp-hcm-lay-y-kien-nguoi-dan-ve-phuong-an-tuong-dai-tran-hung-dao-4362720.html

 

(6) https://1thegioi.vn/tp-hcm-lay-y-kien-nguoi-dan-ve-phuong-an-chinh-trang-tuong-dai-tran-hung-dao-174009.html

 

(7) https://www.facebook.com/he.via.54/posts/1346297005816349

 

===============

 

LIÊN QUAN

Kiến nghị chính quyền trả lư hương tượng đài Trần Hưng Đạo

CLB Lê Hiếu Đằng kiến nghị chính quyền Tp.HCM trả lại lư hương tại tượng Đức thánh Trần






No comments:

Post a Comment