Friday, January 7, 2022

VỤ TEST-KIT VIỆT Á và CUỘC ĐẤU ĐÁ TRONG CUNG ĐÌNH HÀ NỘI (Hiếu Chân - Saigon Nhỏ)

 


Vụ test-kit Việt Á và cuộc đấu đá trong cung đình Hà Nội

Hiếu Chân  -  Saigon Nhỏ
6 tháng 1, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/vu-test-kit-viet-a-va-cuoc-dau-da-trong-cung-dinh-ha-noi/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/08/unnamed.png

Cứ đè ra mà “xét nghiệm”! (medinet.hochiminhcity.gov.vn)

 

Tại sao Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng của đảng Cộng sản Việt Nam “phỗng tay trên”, giành quyền chỉ đạo xử lý vụ tham nhũng trầm trọng có tên vụ “test-kit Việt Á” sau khi thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có ý kiến “chỉ đạo” điều tra vụ việc?

 

Quốc hội bù nhìn của Việt Nam bắt đầu kỳ họp bất thường kéo dài một tuần, từ ngày 4 đến ngày 11 Tháng Một 2022. Ngoài bốn nội dung chính liên quan đến chính sách tài khóa, đầu tư, kỳ họp này còn nghe Chính phủ báo cáo “về tình hình biến chủng Omicron và diễn biến dịch thời gian tới; báo cáo việc sử dụng ngân sách trong mua sắm trang thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch, trong đó có việc báo chí nêu (liên quan mua sắm kit xét nghiệm của Công ty Việt Á)”

 

Xì-căng-đan bộ xét nghiệm của Công ty công nghệ Việt Á bị đổ bể vào ngày 17 Tháng Mười Hai 2021 khi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt giam chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt cùng với nhiều người khác để điều tra hành vi “thổi giá” bộ xét nghiệm COVID-19 để trục lợi. Nhưng những diễn biến của vụ án trong hơn nửa tháng qua cho thấy đây không chỉ là một vụ tham nhũng, lợi dụng tình hình đại dịch để trục lợi mà có thể là bề nổi của một cuộc đấu đá lớn trong cung đình Hà Nội. 

Theo các tình tiết đã được phía công an điều tra cung cấp cho báo chí đăng tải, Công ty Việt Á đã thông đồng với các quan chức lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế để “sản xuất” và cung cấp bộ xét nghiệm COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, với giá độc quyền cho các trung tâm kiểm soát bệnh (gọi tắt là CDC) ở 62/63 tỉnh thành Việt Nam thu lợi bất chính trên xương máu người dân. Đọc giữa hai dòng chữ, người ta thấy ngay đến thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng không vô can khi ban hành các chỉ thị buộc toàn bộ dân chúng phải xét nghiệm COVID-19, ai không chấp hành thì không thể ra khỏi nhà để đi làm, bị công an phá cửa nhà bắt lôi đi xét nghiệm.

 

Khi bắt Phan Quốc Việt và các đồng phạm, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cáo buộc tội danh ban đầu là tội đưa và nhận hối lộ – một chuyện quá đỗi bình thường trong xã hội Việt Nam ngày nay. 

 

Chính phủ bao che…

 

Theo cáo buộc ban đầu đó, chỉ vài ngày sau, ngày 22 Tháng Mười Hai, văn phòng chính phủ Hà Nội ra công văn số 9373/VPCP-NC truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính “yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, mở rộng vụ án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa các đối tượng ra xét xử khách quan, nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật”.

 

Trong công văn, ý kiến chỉ đạo của ông Chính thể hiện rõ là mở rộng vụ án tới các quan chức, cơ quan y tế địa phương, nhưng thu hẹp hành vi tham nhũng vào việc “đưa và nhận hối lộ” giữa Việt Á với các CDC địa phương mà không đề cập tới hành vi thông đồng từ các bộ đến chính phủ. “Lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu xét nghiệm COVID-19 tại các địa phương trong cả nước, Công ty cổ phần công nghệ Việt Á đã có dấu hiệu cấu kết với các tổ chức, cá nhân liên quan, vi phạm nghiêm trọng quy định sản xuất, đấu thầu kit xét nghiệm COVID-19 nhằm trục lợi”, công văn viết. 

 

Chính vì nhấn mạnh vào việc vi phạm quy định về sản xuất và đấu thầu kit xét nghiệm, nên ông Chính lệnh cho “Bộ Y tế… chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan khẩn trương, chủ động rà soát, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh công tác đấu thầu, mua sắm và sử dụng thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định pháp luật”, lờ đi cái khả năng chính lãnh đạo Bộ Y tế cũng là thủ phạm, hoặc đồng lõa trong âm mưu trục lợi khủng khiếp này.

 

Hơn mười ngày sau, báo cáo của chính phủ trước Quốc hội do bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long gửi hôm 4 Tháng Một 2022 cũng đi theo hướng đó: Đổ hết tội lỗi cho công ty Việt Á sau khi loanh quanh giải thích về quy trình đánh giá bộ xét nghiệm, quy trình công khai giá sinh phẩm xét nghiệm, không đề cập tới những câu hỏi căn bản đang làm bức xúc dư luận trong cả nước. “Công ty cổ phần công nghệ Việt Á đã lợi dụng tình trạng dịch bệnh để trục lợi, đồng thời, một số cá nhân đã vi phạm các quy định trong tổ chức thực hiện mua sắm, đấu thầu và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, báo cáo viết. 

 

Báo cáo còn khẳng định, “đây là vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an tiến hành điều tra và khởi tố các cá nhân vi phạm”. Trong báo cáo của chính phủ, ông bộ trưởng Y tế cũng không quên nhấn mạnh: “Hiện nay, Bộ Y tế, Bộ Khoa học – Công nghệ khẩn trương rà soát toàn bộ quá trình nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép, quản lý để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và điều tra của các cơ quan năng, làm rõ các sai phạm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm”.

 

Như vậy đã rõ, theo quan điểm của chính phủ Hà Nội, tội lỗi thuộc về Công ty Việt Á và “một số cá nhân”, thủ tướng đã chỉ đạo và các bộ đang “khẩn trương rà soát”; không ai ở thượng tầng phải chịu trách nhiệm cả.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/03-Viet-A-1-780x552-1.jpg

Biếm  họa

 

… nên Đảng phải ra tay

 

Dường như không tán thành quan điểm của chính phủ về bản chất của vụ án, chiều tối ngày 30 Tháng Mười Hai 2021, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (BCĐTW-PCTN) “thống nhất đưa vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo” thay vì để cho chính phủ giải quyết như ý kiến của ông Chính. Cùng một vụ án mà sau “chỉ đạo” của ông thủ tướng chính phủ, đã có thêm “chỉ đạo” của BCĐTW-PCTN – một trường hợp hiếm hoi mà tổ chức đảng CSVN can thiệp thẳng vào hoạt động của chính phủ, bỏ qua nguyên tắc “đảng không làm thay chính quyền”. 

 

Trước khi đề cập tới nội dung “chỉ đạo” của BCĐTW-PCTN này, cần để ý người dân Việt Nam ngày nay sống cảnh “một cổ hai tròng”, phải đóng thuế để nuôi cùng lúc hai bộ máy cai trị “song trùng”: chính phủ Hà Nội và đảng Cộng sản, trong đó quyền lực của đảng bao trùm lên quyền lực của chính phủ. Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực là một cơ quan của đảng, do ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng, làm trưởng ban. Trong sáu phó ban BCĐTW-PCTN có ông Tô Lâm bộ trưởng công an, là trợ thủ đắc lực của ông Trọng. BCĐTW-PCTN còn có nòng cốt là Ban Nội chính trung ương do ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, làm trưởng ban, điều hành toàn bộ các ngành công an, kiểm sát, tòa án trong cả nước.

 

Ngay sau khi BCĐTW-PCTN quyết định giành quyền chỉ đạo điều tra vụ Việt Á, sáng ngày 31 Tháng Mười Hai 2021, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an thông báo mở rộng điều tra vụ án từ hành vi “đưa và nhận hối lộ” sang xác định dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quản lý, nghiên cứu, chuyển giao đề tài khoa học về sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 tại Bộ Khoa học và Công nghệ và việc cấp phép đăng ký lưu hành tạm thời, cấp phép đăng ký lưu hành chính thức sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19, hiệp thương giá sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 với Công ty Việt Á tại Bộ Y tế. 

 

Đồng thời, ngoài những kẻ bị bắt là nhân viên công ty Việt Á và lãnh đạo các CDC cấp tỉnh thành, Bộ Công an đã quyết định truy tố 12 bị can là quan chức nhà nước, trong đó có các ông Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng vụ Trang thiết bị & Công trình y tế, Bộ Y tế; Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế; Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ các ngành kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ – một cách nói khác của hành vi tham nhũng.

 

Hướng điều tra mới của BCĐTW-PCTN rõ ràng gần với bản chất vụ Việt Á hơn là quan điểm có tính chất bao che của chính phủ Phạm Minh Chính trình bày ở trên.

 

Xâu chuỗi các tình tiết của vụ án đã được cơ quan điều tra công bố trên các phương tiện truyền thông nhà nước, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) ở Hà Nội nhận định khá chính xác rằng đây không chỉ là một vụ tham nhũng mà “đây là quá trình có tính chất lũng đoạn nhà nước”. 

 

Trong bài đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ở trong nước, ông Thành nhận định: “Việc hiện nay các cơ quan chức năng hoặc cơ quan truyền thông có khuynh hướng chỉ quy kết vụ việc vào một nhóm nội dung là Công ty Việt Á sản xuất kít kém chất lượng, lừa dối trong công bố thông tin, và sau đó là thông đồng bán hàng với giá cao cho các CDC trên toàn quốc… như thể đó là một kịch bản do Việt Á là kẻ chủ mưu và đồng thời thực hiện, là cách tiếp cận chưa đầy đủ về bản chất sự việc.”

 

Hay là cuộc chiến ở thượng tầng? 

 

Nhiều người dân hài lòng với việc mở rộng điều tra và truy tố những quan chức ở hai bộ Y tế và Khoa học Công nghệ, nhưng phần đông đều cho rằng, đây chỉ mới là những “trung gian nịnh thần”, chưa phải cấp có đủ quyền lực để lũng đoạn guồng máy và tạo ra vụ tham nhũng có quy mô tác hại như vậy. 

 

Những nhân vật chỉ huy có quyền sinh sát ở chóp bu như các bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh vẫn chưa bị sờ tới. Theo quy tắc tổ chức của đảng Cộng sản Việt Nam, quan chức cấp ủy viên trung ương, bộ trưởng thì thuộc phạm vi quản lý của Bộ Chính trị đảng CSVN. Liệu cái lò đốt tham nhũng của ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng có đụng đến những người này hay không thì chưa biết dù trong quá khứ đã từng có “án lệ” một số nhân vật trong Bộ Chính trị như ông Đinh La Thăng, bộ trưởng như các ông Trương Minh Tuấn, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Bắc Son… đã phải tra tay vào còng vì tham nhũng.

 

Trong vụ Việt Á, ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng có chuyện mất mặt khi ông là người tặng huân chương Lao Động cho Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á. Ông Tô Lâm thì đang khó chịu với vụ tai tiếng ăn thịt bò dát vàng ở Anh khi tháp tùng ông Chính sang châu Âu cuối năm ngoái. Hai ông này cần một hành động gì đó để vớt vát thể diện, để chứng tỏ họ vẫn là người “liêm chính” – theo chữ dùng của ông Trọng. 

 

Trong khi đó, chỉ chưa đầy một năm ngồi ghế thủ tướng, ông Phạm Minh Chính đã bộc lộ những điều khiến các quan chức chóp bu khác của đảng không yên lòng. Lợi dụng việc chống dịch, ông thu gom quyền hành về tay mình, buộc Quốc hội ra Nghị quyết cho phép thủ tướng được quyết định những việc chưa có trong luật. Nhưng nghiêm trọng nhất là ông Chính không giấu giếm sự thân thiết với gia tộc ông cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đưa các con ông Dũng lên các chức vụ quan trọng trong nội các chính phủ và đoàn thể. Ông Dũng là người nâng đỡ ông Chính trước kia khi Chính còn là một quan chức của Bộ Công an nên ông Chính “trả lễ” là chuyện dễ hiểu. Nhưng nghiệt thay, ông Dũng lại là kẻ đã khiến ông Trọng phải bật khóc trước bá quan văn võ; mối thù đó “người miền Bắc có lý luận” không thể quên được. 

 

Vụ án Việt Á với sự thông đồng của các bộ phải chăng là cơ hội để đảng CSVN ra tay chấn chỉnh chính phủ Hà Nội, để ông Trọng và ông Tô Lâm dằn mặt ông Chính? Cho dù không triệt hạ được ông Chính thì sau vụ này ông Chính phải biết “trên đầu có ai”? Ông Chính có thể không sao nhưng các trợ thủ của ông ở hàng bộ trưởng thì chưa chắc đã yên thân. 

Dấu hiệu về một cuộc đấu đá trong cung đình của đảng CSVN qua vụ Việt Á là khá rõ. Trong những ngày tới, mèo nào sẽ cắn mỉu nào sẽ được xác định bởi tương quan quyền lực giữa hai bên, và bởi những cuộc mặc cả đang diễn ra cấp tập trong bóng tối.

 

------------------

Đọc thêm:

·         Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Khả năng có “cá lớn” trong vụ thổi giá kit Covid-19 Việt Á

·         Kiểu làm ăn của Việt Á và Bộ Y tế có ‘mùi tanh’ của máu đồng bào không?

·         Phải gọi đúng bản chất của vụ án test kit của Công ty Việt Á: Tội diệt chủng!

 




No comments:

Post a Comment