Vụ
con gái giết cha: Sự bế tắc đến tột cùng của người con sau lời quát mắng
Thứ bảy, 22/01/2022 - 18:24
(Dân trí) - Vụ việc con gái đầu độc cha ruột do bị
cha la mắng xảy ra gây sốc dư luận như một hồi chuông cảnh tỉnh, để các bậc cha
mẹ xem xét việc dùng những lời la mắng, quát nạt con.
Mới đây, vụ việc cô gái Tống Thị Tùng Linh (21
tuổi, trú phường Phước Nguyên, TP Bà Rịa) dùng chất độc xyanua để đầu độc cha
ruột khiến người đàn ông này tử vong, gây rúng động dư luận.
Theo điều tra ban đầu, do mâu thuẫn trong quá
trình sinh hoạt hằng ngày và bị cha ruột la mắng nên Tống Thị Tùng Linh nảy
sinh ý định giết cha mình.
Trao đổi với Dân trí, TS. Hoàng
Trung Học, Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục cho biết,
đây là một vụ việc vô cùng đáng tiếc, đau lòng và có thể nhìn nhận dưới nhiều
khía cạnh, góc độ khác nhau.
Nếu xét trong phạm vi đạo đức, chuyên gia cho
biết, hành vi đầu độc cha đẻ của nữ sinh 21 tuổi là hành vi phi nhân tính.
"Chúng ta không thể chọn được nơi mình sinh ra, nhưng chúng ta hoàn toàn
có thể lựa chọn được cách ứng xử trong các mối quan hệ ở nơi mình sinh ra.
Trong vụ việc này, bạn nữ đã chọn cách xử lý
là giết cha ruột của mình khi cả hai vướng phải những mâu thuẫn trong mối quan
hệ gia đình. Mặc dù có nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, cũng có nhiều lý
do được đưa ra phân tích, nhưng xét về góc độ hành vi đơn thuần thì tôi cho rằng,
hành vi này không thể chấp nhận được".
https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/770/2022/01/22/giet-cha-1642850083755.jpeg
Tống Thị Tùng Linh
tại cơ quan công an (Ảnh: C.A)
Trầm cảm vì những
lời mắng chửi "sắc như dao"
Với vai trò là một người cha, đồng thời là một
nhà giáo, thầy Nguyễn Trung Hiếu (giáo viên tại Hà Nội) bày tỏ sự phẫn nộ trước
hành vi đầu độc cha ruột của nữ sinh 21 tuổi.
Tuy nhiên, nhà giáo này cho hay, vụ việc đáng
buồn này chính là dịp để các bậc phụ huynh xem
xét, cân nhắc lại việc dùng những lời la mắng, quát nạt như một cách để giáo dục,
dạy dỗ con em bởi hành vi giết cha của đối tượng Tống Thị Tùng Linh phần nào nảy
sinh từ những mâu thuẫn trong quá trình sinh hoạt hằng ngày và bị cha ruột la mắng.
"Trong quá trình nuôi dạy con, việc trách
mắng con cái là điều khó tránh khỏi. Điều này xuất phát từ tâm lý muốn giáo dục,
đưa con vào khuôn khổ, nhất là những lúc trẻ không nghe lời hay làm sai.
Mục đích của việc này không xấu. Nhưng điều
không ổn là ở chỗ khi phụ huynh quá nóng giận, thiếu kiềm chế nên đã đi quá giới
hạn, biến những lời trách mắng thông thường trở thành những câu mắng chửi, mạt
sát mang ý xúc phạm. Càng khó chấp nhận nếu việc chửi mắng con cái tái diễn nhiều
lần, thậm chí còn kèm cả bạo lực, đòn roi".
Nhiều bạn trẻ thừa nhận, bản thân từng hứng chịu
"cơn mưa" lời mắng, chỉ trích nặng nề đến từ phía bố mẹ.
https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/770/2022/01/22/vu-viec-con-giet-chadocx-1642849164459.jpeg
Nhiều bạn trẻ thừa
nhận, bản thân từng rơi vào trạng thái uất ức, trầm cảm bởi những câu mắng chửi,
mạt sát của bố mẹ. (Ảnh minh họa)
Bạn Hải Yến (Thái Bình) chia sẻ, mình từng rơi
vào trạng thái trầm cảm, bỏ nhà ra đi, thậm chí nghĩ đến cái chết rất nhiều lần
vì phải chịu những lần chỉ trích, thậm chí đánh đòn từ bố mẹ.
"Những năm học cấp 2 và 3 được coi là khoảng
thời gian đen tối nhất vì tôi thường xuyên bị mẹ mắng mỏ, thậm chí chửi rủa bằng
những câu nói nặng nề. Lúc ấy, tôi buồn bã, tổn thương và ức chế. Nhiều lần chẳng
kìm lòng được nên tôi cãi lại.
Sau những trận "bạo hành bằng lời
nói", tôi nhạy cảm hơn rất nhiều, luôn sợ hãi khi phải gần bố mẹ, mặc dù
trong lòng tôi vẫn hiểu, mẹ quát mắng cũng vì muốn tốt cho tôi".
Bố mẹ của T.P. (nữ sinh viên Học viện Báo chí
và Tuyên truyền) cũng không ngoại lệ khi họ thường xuyên sử dụng những lời nói
"sao mày không giỏi như con nhà người ta", "mày thì làm nổi trò
trống gì"... khiến T.P. bị tổn thương nặng nề.
Những cảm xúc tiêu cực không thể giãi bày cứ
tích tụ dần khiến mỗi lần phải đối diện với lời mắng chửi của bố mẹ, P. thường
điên cuồng khóc lóc, đập trán, đấm mạnh tay vào tường cho đến khi rỉ máu.
"Tự làm đau cơ thể mình, tôi mới thấy trong lòng bớt đau" - bạn trẻ
tâm sự.
Dưới góc độ tâm lý, TS. Hoàng Trung Học bày tỏ,
trong vụ việc con gái đầu độc cha bằng chất độc xyanua, nếu xét ở một góc độ
nào đó thì hành vi giết cha chính là hành vi thể hiện cho sự bế tắc đến tột
cùng của con người khi họ không thể giải quyết một mối quan hệ bằng cách thức
mang tính thiện chí, tốt đẹp.
Theo TS. Hoàng
Trung Học, hành vi xúc phạm con bằng lời nói, thậm chí sử dụng đòn roi để giáo
dục con sẽ để lại những hệ quả tiêu cực nhiều hơn là tích cực. (Ảnh: NVCC)
Nói về xung đột giữa con cái với cha mẹ, theo
chuyên gia, có hai giai đoạn mà chúng ta cần chú ý. Thứ nhất là giai đoạn trước
18 tuổi. Ở giai đoạn này, đối diện với những xung đột, mâu thuẫn với bố mẹ, nhiều
trẻ có cảm giác uất ức đến mức muốn bỏ nhà đi, muốn tự tử và thậm chí có em nảy
sinh suy nghĩ chống lại cha mẹ mình. Đó là những suy nghĩ, hành động bồng bột của
lứa tuổi đó vì các em không có cơ chế để giải quyết xung đột với người thân.
Thông thường, những đứa trẻ trước 18 tuổi thì còn lệ thuộc rất nhiều vào bố mẹ,
chưa thể sống tự lập được nên vẫn còn cảm nhận được sự uy nghiêm của cha mẹ,
chưa dám hành động tiêu cực. Ở độ tuổi này, những suy nghĩ bồng bột thường hướng
vào việc tự hủy hoại bản thân như việc tự tìm đến cái chết.
Tuy nhiên, sau 18 tuổi, các em lại có cách
hành xử khác khi mâu thuẫn với bố mẹ xảy ra. Ở độ tuổi trưởng thành, đã có quyền
công dân, ở một chừng mực nào đó các em tự tồn tại được; vì thế, điều này thúc
đẩy thanh niên có những suy nghĩ, hành động quyết đoán hơn. Và nếu không có
cách ứng xử đúng đắn, điều này có thể dẫn đến những hành độ mang mức độ nguy hiểm
cao như: cãi tay đôi với bố mẹ, phản ứng bằng vũ lực với phụ huynh, và tột cùng
chính là đầu độc, sát hại đấng sinh thành.
"Hai giai đoạn khác nhau sẽ có cách thức
hành xử khác nhau. Nhưng tựu chung lại, hai cách hành xử này đều xuất phát từ
mâu thuẫn âm ỉ, dai dẳng. Tôi đặc biệt nhấn mạnh đến câu chuyện mạt sát, bạo lực
về tinh thần giữa cha mẹ và con cái đã dẫn đến những phản ứng tiêu cực như vậy.
Điều này không đồng nghĩa với việc tôi cổ vũ
hay đồng tình với hành vi xúc phạm, thậm chí giết chết cha mẹ như vụ việc trên.
Tuy nhiên, phần nào tôi có thể hiểu đó là hành vi khi con người ta bế tắc trong
thời gian dài mà không có hướng giải quyết" - TS. Hoàng Trung Học nhấn mạnh.
Bố mẹ đừng triệt mất
"đường lùi" của con!
Cũng theo TS Học, tại Việt Nam - một đất nước
với nền văn hóa Á Đông, chúng ta phải thừa nhận một sự thật, đó là việc cha mẹ
xúc phạm, chửi mắng, thậm chí "bực là đánh" con cái là câu chuyện rất
phổ biến; nhưng đến mức bạo hành hay chưa thì lại là vấn đề khác.
"Và đôi khi, ta cũng cần hiểu và thông cảm
với cha mẹ, vì bố mẹ nào cũng mong muốn, kỳ vọng cao ở con. Tuy nhiên, nhiều bậc
phụ huynh lại chưa trang bị phương pháp giáo dục con
khoa học nên đã buông lời mạt sát, mắng mỏ và coi đó như một cách cứu cánh cuối
cùng.
Nhưng, phụ huynh cũng cần hiểu, hành vi xúc phạm
con bằng lời nói, thậm chí sử dụng đòn roi để giáo dục sẽ để lại những tiêu cực
nhiều hơn là tích cực. Nếu diễn ra trong thời gian dài, mối quan hệ tốt đẹp giữa
cha mẹ và con cái sẽ dần mờ nhạt. Ở mức nhẹ thì đứa con sẽ có quan hệ với cha mẹ
chỉ vì trách nhiệm chứ không phải tình yêu thương; còn nặng hơn thì trách nhiệm
cũng không còn.
Đỉnh điểm, điều này còn có thể đưa mối quan hệ
giữa cha mẹ - con cái đến bên bờ vực thẳm theo kiểu "một mất một
còn". Một người con, dù rất yêu quý cha mẹ mình, nhưng trong trường hợp
con phải chịu đựng những tổn thương đến từ lời chỉ trích từ đấng sinh thành, rất
dễ dẫn đến những hành động không thể kiểm soát, và khi đó chuyện đáng tiếc sẽ xảy
ra".
Để tránh xảy ra những hệ lụy đáng tiếc cho đứa
trẻ, đồng thời để không đẩy những người con đến tận cùng của sự bế tắc rồi gây
ra những chuyện đau lòng, theo chuyên gia, các bậc cha mẹ cần thay đổi phương
pháp giáo dục con của mình.
Trong đó, điều cần thay đổi trước tiên đó
chính là nhận thức. "Cha mẹ cần hiểu, con cái là của mình, và giáo dục bằng
đòn roi, bằng những lời mạt sát, mắng nhiếc thì sẽ không đem lại hiệu quả như
mình mong muốn" - chuyên gia cho biết.
Bên cạnh đó, trong quá trình giáo dục con, bố
mẹ phải hết sức kiên trì. Dạy con là một hành trình dài, phụ huynh cần hết sức
nhẫn nại, giảng dạy cho trẻ từng li từng tí, mỗi ngày một chút…
Ngoài sự kiên trì, các bậc cha mẹ cũng cần hết
sức nghiêm khắc trong quá trình dạy con. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với
việc sử dụng đòn roi hay những lời nói mang tính xúc phạm trẻ. "Nghiêm khắc"
ở đây chính là việc thiết lập các quy tắc trong gia đình, giữa mối quan hệ với
cha mẹ - con cái. Khi con làm sai, bố mẹ cần trao đổi để con có thể hiểu cái
sai của mình. Trong trường hợp sẽ vẫn mãi không chịu nghe lời, phụ huynh cần phải
để cho đứa trẻ có cơ hội "ngã", sau đó hỗ trợ con đi lên từ thất bại.
Có thất bại, có vấp ngã thì con mới có thể thấu hiểu. Tuy nhiên, có những cái
ngã nguy hiểm không được phép để xảy ra như nghiện hút, ma túy…
"Và tôi cũng mong muốn, trong quá trình
giáo dục con, dạy gì thì dạy, bố mẹ cũng phải để cho con "đường lùi",
tức là cho con biết được gia đình vẫn là nơi ấm cúng, cha mẹ là nơi tin tưởng
nhất để con quay về.
Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh, trong nuôi dạy
con, phụ huynh cần chấp nhận và tăng quyền tự lập cho trẻ. Cuối cùng, khi con
càng trưởng thành, càng lớn lên thì bố mẹ càng phải chú tâm đến những tổn
thương, những nhạy cảm trong tâm hồn của con, cần tôn trọng và ứng xử với con
như người trưởng thành" - Tiến sĩ cho biết.
--------------------------------
TIN LIÊN QUAN
Cô
gái giết cha, đổ bê tông thi thể: Bi kịch của chửi mắng, bạo hành?
Cô gái bị
cáo buộc đầu độc cha ruột, đốt nhà phi tang thi thể
No comments:
Post a Comment