Monday, January 24, 2022

THẦY THÍCH NHẤT HẠNH - NHÀ SƯ NGOÀI QUỐC DOANH (Phan Thế Hải)

 



Thầy Thích Nhất Hạnh- Nhà sư ngoài quốc doanh   

Phan Thế Hải

22/01/2022  22:14 

https://www.facebook.com/hai.phanthe.73/posts/1033602390521943

 

Tôi chưa một lần gặp thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhưng tên tuổi của ông thì không thể không biết. Với hệ thống phật giáo VN, từ khi được quốc doanh hóa, hệ thống ấy chứa đựng nhiều chuyện chẳng hay ho gì. Có chuyện đã được phơi lên mặt báo, có chuyện công chúng chứng kiến nhưng không tiện phổ cập.

 

Chuyện về giới tu hành tôi đã viết trong bài “Bần tăng hay phú Tăng”. (Bà con quan tâm xin đọc phần dẫn ở cuối bài này để tham khảo.)

 

Năm 2007, có dịp vào Lâm Đồng, về thăm vợ chồng cô em gái ở Bảo Lộc, theo thói quen tôi đánh xe lượn một vòng tham quan thành phố cao nguyên này. Chạy từ trung tâm Tp Bảo Lộc vào khu du lịch Damb’ri, chợt thấy biển đề “Tu viện Bát Nhã” tôi dừng xe bên ngoài, tản bộ vào vãn cảnh chùa. Thật hiếm có một nơi nào cảnh quan thanh tịnh, thoáng đãng, se lạnh như một thành phố châu Âu. Hỏi thăm một tu sinh ở đây được biết, tu viện Bát Nhã có diện tích khoảng 30 hecta, được thành lập năm 1995 bởi thượng tọa Thích Đức Nghi, Viện chủ Tu viện.

 

Tu viện nằm trên một ngọn đồi, xa lánh làng mạc thị thành, không khí trong lành tươi mát nhưng không quá trở ngại giao thông để việc cung cấp lương thực cho thiền sinh được dễ dàng.

 

Hồi đó, tu viện có khoảng mấy trăm tu sinh được tuyển dụng rất kỹ từ mọi miền về đây. Hàng ngày các tu sinh phải thức dậy từ 4h sáng tụng kinh niệm Phật, ngồi thiền. Khi chúng tôi đến, chương trình tu tập buổi sáng vừa xong nhưng vẫn còn một số tu sinh chưa về phòng mà vẫn còn ở lại thiền đường trao đổi về giáo lý. Lần đầu tiên chúng tôi có cuộc trao đổi khá cởi mở với các tu sinh để tìm hiểu sâu hơn về Phật pháp và quy trình đào tạo các nhà tu hành ở Tu viện Bát Nhã.

 

Theo đó, tháng 2/2005, thượng tọa Thích Đức Nghi đã đồng ý cho Thiền sư Thích Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai xây dựng Bát Nhã thành một trung tâm tu học theo pháp môn Làng Mai tại Việt Nam. Những tu sinh đồ đệ của Thích Nhất Hạnh đã chi ra cả triệu đô la Mỹ để mua đất và mở rộng khu tu viện, nâng cấp thiền đường, khuôn viên tu tập…

 

Hòa thượng Thích Đức Nghi đã mời và bảo lãnh các nhà sư đã từng tu tại Làng Mai, trong đó có các vị gốc Việt mang quốc tịch nước ngoài về tu viện Bát Nhã để chia sẻ pháp môn và đào tạo các vị xuất gia trẻ tu học theo mô thức Làng Mai. Hòa thượng Thích Đức Nghi cũng đề cử một đệ tử là thầy Thích Đồng Hạnh làm phụ tá để sinh hoạt và tu học chung với tăng thân và để giúp về việc hành chính.

 

Trong vòng chưa đầy một năm, số lượng người trẻ về xuất gia và tập sự tu học tại Tu viện Bát Nhã đã lên đến hơn 300 người. Việc tuyển sinh được thực hiện nghiêm ngặt, hầu hết là những người trẻ tuổi tốt nghiệp đại học chính quy, có người có bằng thạc sỹ, tiến sỹ tình nguyện lựa chọn con đường tu tập của nhà Phật. Thượng tọa Thích Đức Nghi có ý định xây dựng Bát Nhã thành nơi tu học cho cả ngàn tăng ni…

 

Không chỉ dành thời gian cả buổi sáng đi vòng quanh tu viện, chúng tôi còn trực tiếp trò chuyện với các tu sinh và cảm nhận được đây thực sự là nơi tu tập nghiêm túc, khắt khe. Chứng kiến buổi thiền của các tu sinh trẻ tuổi với sự giám sát của vị quản chúng tăng. Theo đó, thiền không chỉ hướng tới mục đích giúp tâm trí của tu sinh tĩnh lặng mà còn là hướng đến sự thanh lọc, loại bỏ các phiền não trong tâm trí, những ảnh hưởng tiêu cực xuất phát từ tham – sân – si...

 

Rời tu viện Bát nhã ở Bảo Lộc tôi bị một ấn tượng mạnh về một trường phái tu tập bài bản nghiêm khắc, thanh tịnh gắn với những bài thuyết pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Nhưng rồi không lâu sau đó, qua báo chí tôi được biết việc tu viện Bát Nhã bị tẩy chay vì thế lực thù địch “chống phá, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”, các tu sinh bị đuổi khỏi tu viện một cách thô bạo! Chuyện gì xẩy ra vậy trời!?

 

Cố gắng tìm hiểu cội nguồn của sự thật, được biết: Trước đó, thiền sư Thích Nhất Hạnh cho xuất bản lá thư Làng Mai số 31 trong đó có đoạn: "Tại đất nước ta, cách tư duy trong đảng và trong chánh quyền, đường lối kinh tế của đất nước bây giờ đây đâu còn lấy chủ nghĩa Mác Xít làm khuôn vàng thước ngọc nữa. Đảng Cộng sản Việt Nam, có người đã nói, cũng nên đổi tên đi thôi, một cái tên mới như Đảng xã hội, Đảng đổi mới, Đảng dân chủ, Đảng cộng hòa, Đảng tự do, Đảng dân tộc... tên gì cũng được miễn không phải là cái tên cũ. Cái tên Đảng hiện giờ đang là một chướng ngại, gây hiểu lầm và tiếp tục nuôi dưỡng oán hận. Trong Đảng và trong guồng máy chính quyền chắc chắn đã có những vị suy nghĩ như thế mà chưa nói ra được. Có những vị trong Đảng cũng đã nghĩ tới việc thay quốc hiệu. thay vì sử dụng quốc hiệu Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, một cái tên quá dài ta có thể đổi lại là Cộng hoà Việt Nam hay tốt nhất là Việt Nam thôi…"

 

Theo báo Công an Nhân dân online ra ngày 19/10/2009 thì đây là một trong những đề cập đến các vấn đề chính trị đưa đến đổ vỡ.

 

Tháng 6/2008, thượng tọa Thích Đức Nghi đổi ý, không bảo lãnh các nhà sư có quốc tịch nước ngoài và không muốn tu viện Bát Nhã tu tập theo pháp môn Làng Mai nữa. Thượng tọa muốn tăng thân tu học theo pháp môn Làng Mai phải rời Bát Nhã.

 

Ngày 08/08/2008, công an địa phương ra công văn trục xuất 397 tu sinh khỏi tu viện vì họ không còn có sự bảo lãnh cư trú của tu viện. Nhóm tăng ni sinh phái Làng Mai tiếp tục gửi thư kiến nghị đi các nơi nhưng không có kết quả.

 

Trong ngôn ngữ của Ca xứ ta vẫn thường có câu: Dùng “biện pháp nghiệp vụ” mà không mấy ai hiểu được rằng, đó là những biện pháp gì. Cũng chính vì dùng “biện pháp nghiệp vụ” mà ông Huỳnh Văn Nén, ông Nguyễn Thanh Chấn dẫu không giết người vẫn phải thừa nhận mình giết người và phải tập đi tập lại hàng trăm lần cầm giao đâm vào hình nộm nạn nhân để tái dựng hiện trường để rồi phải nhận án tù chung thân. Cấm cãi!

 

Thích Đức Nghi là một hòa thượng, hẳn ông phải thấu hiểu giáo lý của Nhà Phật và không phải ngẫu nhiên lại “đổi ý”, đổi trắng thay đen, không bảo lãnh cho các nhà sư có quốc tịch nước ngoài. Đằng sau quyết định đó phải có “biện pháp nghiệp vụ” của ai đó được thực thi.

 

Thích Nhất Hạnh là một thiền sư, một học giả danh tiếng, ông là một giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội và nhà hoạt động hòa bình người Việt Nam. Danh tiếng của ông được cả thế giới biết đến nhưng ông không được chào đón ở quê nhà chỉ vì ông là nhà sư ngoài quốc doanh.

 

(23/01/2022)

Dưới đây là bài viết được đề ngày (17/02/2007) tính đến nay đã 15 niên.

 

Bần tăng hay phú tăng?

 

Sáng mồng một Tết, lượn ra phố thấy vắng lặng lạ thường, cho xe chạy qua cầu Chương Dương, rẽ qua Bồ Đề, bỗng dưng thấy kẹt cứng, cơ man nào là xe, 2 bánh, 4 bánh đủ cả. Chuyện gì thế này, té ra là các tín chủ đi chùa. Nhớ lại Tết năm ngoái có dịp ghé qua chùa Trấn Quốc gần nhà cũng thấy kẹt cứng. Khách thập phương vào chùa cầu tài cầu lộc đông như kiến. Cùng với lễ vật là tiền vàng đặt lên các bát hương, tượng phật…

 

Tùy theo ví dày hay mỏng, tùy theo lòng thành, người ít người nhiều, ai cũng mở hầu bao. Người nhiều đặt tiền triệu, người ít đặt tiền chục. Nhẩm tính sơ bộ, mỗi người vào chùa đặt lễ dăm ba chục, trăm người đã có dăm ba triệu, ngàn người có dăm ba chục triệu. Vào dịp lễ Tết, cứ đếm bãi xe, đủ biết có bao nhiêu khách tới viếng, theo đó, có chùa không dưới ngàn người. Tháng giêng là tháng lễ hội, các chùa cứ thế tấp nập cho đến hết cả tháng.

 

Cũng chính từ những đồng tiền lẻ của Phật tử, nhà chùa từ lâu đã trở thành một thỏi nam châm hút tiền từ khách thập phương. Mỗi tháng, các vị sư trụ trì mang cả bao tải tiền đến nhà bank gửi tiết kiệm. Các nhà sư trở thành những khách hàng VIP của các NH bởi, họ là kênh huy động vốn quan trọng với giá rẻ.

 

Khác với cõi đời trần tục, tiền vào tiền ra được thể hiện trên sổ quỹ, ở các nhà chùa, tiền do các sư sãi thu gom, quản lý. Cũng chính vì thế, thi thoảng có vài tăng ni mua đất, mua nhà, mua xe hơi và cả đi… vũ trường với những bước nhảy sành điệu.

 

Trước đây, với các nhà tu hành vẫn được biết đến như các “Bần tăng”. Bần là nghèo, Tăng là người xuất gia, “Bần tăng” là người xuất gia không có tài sản gì cả, đúng nghĩa của chữ nghèo. Khi chấp nhận đời sống tu hành, các Tăng, Ni sống đời phóng hạ, vừa tu học vừa nguyện theo Phật pháp mà độ tận chúng sinh. Để đạt đến Chân tâm, người tu hành phải từ bỏ những ham muốn trần tục, giữ thân bằng thức ăn chay tịnh chấp nhận đời sống khổ hạnh… nhưng chuyện đó xưa rồi.

 

Nhiều Tăng ngày nay, dùng Ipad, điện thoại smartfone công nghệ 4G, 5G lướt web, chơi Face với nhiều nick khác nhau để hẹn bạn tình. Không những thế, các tăng còn có cả xe 4 bánh đời mới và nhiều bất động sản có giá trị ở thủ đô. Thế nên, chữ “Bần tăng” nay không còn mấy hợp thời mà thay vào đó là chữ “Phú tăng”.

 

Ở xứ thiên đường muốn kiếm tiền, ngoài con đường làm quan hưởng lộc, thành lập doanh nghiệp, buôn cơ chế còn có con đường khác là đi… tu. Sư Quốc doanh là sự lựa chọn không tồi. Thấy các thầy đi tu như thế, tôi cũng muốn xuống tóc. Xuống tóc rồi còn phải nhờ các bậc cao tăng kiếm chùa ở chốn đô hội để trụ trì mới nhiều lộc. Không hiểu vụ này cần chi bao nhiêu?

 

(17/02/2007)

Phan Thế Hải

 

.

38 BÌNH LUẬN  

 

.

Phan Thế Hải

Tham khảo: https://laodong.vn/.../thien-su-thich-nhat-hanh-vien-tich...

LAODONG.VN

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch là tổn thất của Phật giáo Việt Nam

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch là tổn thất của Phật giáo Việt Nam

 

 




No comments:

Post a Comment