Trần
Văn Thọ
13:07 | Thứ năm, 27/01/2022
https://nguoidothi.net.vn/nho-lai-mot-thoi-bolero-33405.html
Những ai trải qua thời thanh xuân ở miền Nam trước
1975 đều thừa hưởng một gia tài văn chương, âm nhạc rất phong phú. Nhiều áng
văn, câu thơ, điệu nhạc hay đẹp, trữ tình, lãng mạn đã in sâu vào tâm hồn và sống
mãi.
·
"Chiều
mưa biên giới" ở hai đầu Tổ quốc
Tôi cũng là người thụ hưởng những tài sản văn
hóa đó. Thập niên 1960 ở Miền Nam có thể nói là thời nở rộ nhạc trữ tình được
các tầng lớp dân chúng ưa thích. Bên cạnh các dòng nhạc hàn lâm với ca từ hàm
súc ý nghĩa, đôi khi xen vào những điển cố và thường soạn theo giai điệu valse,
tango, slow… của những tên tuổi như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn… còn có nhiều nhạc
phẩm theo giai điệu bolero lan rộng đến khắp miền quê, đến cả các khu phố nghèo.
Do tính chất bình dân mà một số bản nhạc theo
điệu bolero bị gắn cho một cái tên không mấy hay là “nhạc sến”. Theo tôi thì
nên gọi là “nhạc bình dân”. Nhạc bình dân thường có ba đặc tính: một là ca từ dễ
hiểu đối với tất cả mọi người, hai là nội dung thường để kể một câu chuyện mà
phần lớn là chuyện tình ngang trái và ba là soạn theo giai điệu bolero.
Thật ra nhạc bình dân cũng có vai trò của nó,
cũng là món ăn tinh thần của đông đảo dân chúng. Nhưng không phải tất cả nhạc
bolero thời đó đều là “bình dân”. Có những nhạc phẩm bolero điêu luyện về nhạc,
trau chuốt, bóng bẩy về ca từ và nội dung làm rung động lòng người. Tuy những
nhạc phẩm tôi ưa thích hiện nay hầu hết là của Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công
Sơn, Cung Tiến, Đoàn Chuẩn… nhưng nhiều bản nhạc theo giai điệu bolero đã theo
tôi suốt từ thời thanh xuân và in sâu vào ký ức mãi tới bây giờ.
Nhạc phẩm bolero đầu tiên gây ấn tượng nhiều
nhất đối với tôi là Nắng chiều của Lê Trọng Nguyễn. Ngẫu nhiên
nhạc sĩ là thầy dạy nhạc của tôi hồi học lớp đệ thất (năm đầu trung học đệ nhất
cấp, bây giờ là trung học cơ sở) vào niên khóa 1960-1961. Trường Trung học Nguyễn
Duy Hiệu, nơi tôi theo học, tọa lạc ở thị trấn Vĩnh Điện là quận lỵ Điện Bàn
(Quảng Nam) nằm trên trục quốc lộ số 1, từ đó xuống phía đông 9 cây số là Hội
An và ra phía bắc 25 cây số là Đà Nẵng.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/ee07ddf9-8b52-4eb9-bcb0-1df9ecd93766.jpg
Nhạc sĩ Lê Trọng
Nguyễn (1926 – 2004)
Thầy Lê Trọng Nguyễn lúc đó hình như dạy học ở
nhiều nơi, thường xuyên đi lại giữa Hội An, Vĩnh Điện, Đà Nẵng và Huế. Ông luôn
mặc bộ âu phục màu trắng, đội mũ và thường ngậm ống điếu tỏa ra mùi thuốc thơm,
dáng dấp trông bệ vệ và sang trọng. Ông chỉ dạy chúng tôi một năm và phải vài
năm sau tôi mới biết đến nhạc phẩm Nắng chiều.
Ở lớp học, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn dùng những
nhạc khúc đơn giản cũng do ông sáng tác để dạy nhạc lý cho chúng tôi. Có lẽ vì
chúng tôi mới vừa xong bậc tiểu học, còn quá nhỏ để có thể lãnh hội đầy đủ ý
nghĩa của một nhạc phẩm như Nắng chiều.
Theo nhạc sĩ Trương Duy Cường, cũng là thầy dạy
nhạc của tôi thời trung học và là bạn tâm giao của tác giả Nắng chiều,
Lê Trọng Nguyễn sáng tác nhạc phẩm này vào năm 1952 và cho in lần đầu tại Huế
vào năm sau. Ngay sau đó, Nắng chiều được thính giả yêu cầu
trình bày rất nhiều lần ở các đài phát thanh Huế, Sài Gòn và Quân đội.
Theo nhạc sĩ Võ Tá Hân, bolero bắt đầu từ nhạc
cổ điển, xuất phát từ một vũ điệu của Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ XVIII và lan
rộng ra nhiều nước khác ở châu Âu, sau đó phất lên ở các xứ châu Mỹ Latin, và
khi đến Việt Nam được biến thể từ bài Nắng chiều. Nắng chiều là
nhạc phẩm bolero đầu tiên của Việt Nam (không kể vài nhạc phẩm soạn lời từ nhạc
Pháp).
Vài năm sau khi học nhạc với thầy Lê Trọng
Nguyễn, tôi và vài bạn cùng lớp bắt đầu thích Nắng chiều. Lúc đó
tôi quan tâm đến ca từ hơn là nhạc. Ca từ gói ghém đầy đủ hình ảnh của thôn quê
miền Trung nơi gắn bó thân thiết với tuổi thơ tôi. Cũng bến nước, nương dâu,
lũy tre, cũng có bầu trời trong xanh, thỉnh thoảng có mây lướt thướt trôi ở ngọn
đồi xa xa. Trong Nắng chiều những hình ảnh đó được kết lại bằng
những lời thơ, lời ca thật dịu dàng, trong sáng và thật đẹp. Bằng lời thơ, lời
ca ấy, ta tưởng tượng một người đi xa về bồi hồi nhớ lại cảnh cũ người xưa:
Nay anh về nương dâu úa
Giọng hát câu hò thôi hết đưa
Hình dáng yêu kiều
Kề hoa tím biết đâu mà tìm
….
Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi
Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi
Cùng thời đó, tôi có đọc được bài thơ Tình
quê hương của Phan Lạc Tuyên (sau này được biết Đan Thọ đã phổ nhạc)
cũng tả cảnh một thôn quê miền Trung nhưng không lãng mạn như Nắng chiều mà
nhìn vào hiện thực vô cùng nghèo khó, lại trong buổi loạn lạc vì chiến tranh.
Và cũng ngược lại với Nắng chiều, ở đây là lời kể của một cô gái ở
quê nhà mong nhớ về một người anh ở phương xa. Tuổi thơ tôi cũng chứng kiến cảnh
đời nghèo khó, lam lũ của người dân quê miền Trung nên lời thơ làm tôi xúc động
mãi đến bây giờ:
Anh về qua xóm nhỏ
Em chờ dưới bóng dừa
Nắng chiều lên mái tóc
Tình quê hương đơn sơ
…
Ruộng nghèo không đủ thóc
Vườn nghèo nong tằm thưa
Ngõ buồn mùa hoang loạn
Quê nghèo thêm xác xơ
Nắng chiều của Lê Trọng Nguyễn
và Tình quê hương của Phan Lạc Tuyên là hình tượng về miền
Trung mà tôi mang theo khi rời Quảng Nam vào Sài Gòn rồi đi Nhật.
Tôi có thêm một kỷ niệm về Nắng chiều. Hè
năm 1986 tôi đi Đài Loan để thực hiện một chuyến khảo sát kinh tế. Một buổi
trưa đi taxi trên đường phố Đài Bắc với người bạn Đài Loan. Người lái xe mở radio
nghe nhạc, âm lượng vừa phải để tôi và người bạn có thể trò chuyện được. Bỗng
nhiên radio phát ra bài Nắng chiều, dĩ nhiên bằng tiếng Hoa.
Tôi vui mừng nói với người bạn: “Đây là một nhạc
phẩm nổi tiếng ở Việt Nam và tác giả là thầy dạy nhạc của tôi ngày xưa”. Bây giờ
tới lượt anh bạn ngạc nhiên: “Ủa, bài này rất nổi tiếng, được ưa chuộng ở đây từ
xưa, xưa nay tôi vẫn tưởng tác giả là người Đài Loan”. Sau đó tôi được biết Nắng
chiều đã được một ca sĩ Đài Loan hát bằng tiếng Hoa từ năm 1960.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/10b8e7e9-c1b4-4e42-b3d7-f4471bad12b0.jpg
Nhạc phẩm Nắng Chiều
Sau khi tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp, mùa
thu năm 1964 tôi xuống Hội An học trung học đệ nhị cấp (bây giờ là trung học phổ
thông) ở trường Trần Quý Cáp. Lúc nầy nhạc bolero được hát nhiều là của Trúc
Phương, sau này được biết nhạc sĩ này được mệnh danh là ông hoàng bolero. Ngoài
ra bài Những đồi hoa sim của Dzũng Chinh rất nổi tiếng.
Bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu
Loan được nhiều người phổ nhạc nhưng phổ theo giai điệu bolero thì có bài của
Dzũng Chinh và của Hồng Vân. Những đồi hoa sim của Dzũng Chinh
được hát nhiều hơn, đặc biệt giới trẻ rất thích. Thời đó tôi ở trọ và dạy kèm
các em lớp tiểu học và trung học đệ nhất cấp. Sau bữa ăn tối, trước khi ôn bài
và chuẩn bị các bài học ngày hôm sau, tôi thường đệm guitar để các em hát Những
đồi hoa sim.
Riêng tôi thì thời đó nhạc phẩm điệu bolero để
lại ấn tượng lâu dài cho đến nhiều năm về sau là Thế rồi một mùa hè của
Phạm Mạnh Cương. Đặc biệt bản nhạc này tôi không có nhạc và mãi sau này mới biết
tên tác giả, chỉ nghe bạn bè đàn hát mà thuộc và nhớ mãi cả nhạc và ca từ. Tôi
thích bài này đến nỗi sau khi sang Nhật, trong nhiều năm đầu, mỗi lần cầm đến
cây guitar là đàn bài này.
Hồi ở Hội An, nhiều đêm tối tôi và vài bạn
cùng lớp đem guitar đến ngồi dưới cột điện đàn hát. Nhạc phẩm Thế rồi một
mùa hè xuất hiện trong một buổi đàn hát và sau đó nhiều người thích
nên đàn hát nhiều lần. Và như thế tôi nhớ cả nhạc và ca từ.
Nhớ lại thời nhỏ, mùa hè là thời gian rất đặc
biệt trong năm đối với học sinh trung học ở miền Nam. Chỉ xa nhau ba tháng đã
thấy quyến luyến trước giờ tạm biệt. Những mùa hè đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp
các bậc học thì có ý nghĩa đặc biệt vì có thể sẽ chia tay bạn bè mãi mãi, mỗi
người mỗi con đường. Nhiều tập lưu bút chuyền tay để lưu dấu kỷ niệm, tình cảm
của bạn cùng lớp.
Mùa hè không phải chỉ chia tay với bạn học mà còn
là thời gian trở về sống với gia đình và bè bạn ở quê, và ở đó cũng để lại bao
kỷ niệm. “Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê, ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ”,
như Xuân Tâm đã viết trong bài thơ Nghỉ hè.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/be480daf-b8d1-47e2-bb18-593c7f004223.jpg
Nhạc phẩm Thế Rồi Một
Mùa Hè
Trong những tác phẩm thơ, nhạc liên
quan, Thế rồi một mùa hè đã để lại trong tuổi thanh xuân của
tôi nhiều cảm xúc nhất. Bản nhạc giai điệu bolero nầy ghi lại những bồi hồi,
rung động của một người ở tuổi đôi mươi nhớ về mấy tháng nghỉ hè cùng người yêu
ở vùng cát trắng biển xanh, có thông reo, có hoa phượng. Ca từ tinh tế, gợi cảm,
kết tinh cái đẹp của ngoại cảnh với tâm hồn đầy thơ mộng của hai người trẻ đang
yêu nhau.
Nhớ hoài miền thùy dương nước xanh
Chiều chiều hai đứa mình
Ngồi nhìn đợt sóng nhô
…
Thế rồi mùa hè cũng đi qua, hai người yêu phải
chia tay. Buổi chia tay đầy cảm động, được diễn tả bằng những hình ảnh đẹp như
thơ:
Nhớ sao nguôi rặng thông tiễn đưa chúng mình một lần
cuối
Tóc em bay chiều theo gió cuốn, mắt em u buồn
Viết tên anh và tên em trên cát biển đùa theo sóng
Phút chia tay mình lưu luyến quá để ngày mai biết sao
…
Mùa thu đến, ở chốn xa, nhớ những ngày thơ mộng
bên người yêu ở miền cát trắng biển xanh, lòng bồi hồi, nhớ nhung sâu lắng:
Mỗi chiều nhìn hoàng hôn bước êm
Gọi lòng thương nhớ về biển rộng lòng nước xanh
Có ai đang đứng nhìn sóng buồn
Nhớ lại câu tạ từ hẹn về thăm lần nữa
Giờ đây xin nhớ nhau cho tròn
Khắc vào đáy tâm hồn bóng ai một đêm hè
Ca từ trong một nhạc phẩm Pháp có câu “Khúc nhạc
hay nhất của cuộc đời là khúc nhạc người ta hát ở tuổi hai mươi”. Đối với tôi
có lẽ một trong những nhạc khúc bolero làm xao xuyến nhất ở tuổi thanh xuân
là Thế rồi một mùa hè.
Đầu thu năm 1967, để lại mùa hè với bao kỷ niệm
ở Quảng Nam, tôi vào Sài Gòn và mùa xuân năm sau đi Nhật du học. Trước khi đi,
vài người bạn thân làm quà tiễn biệt bằng mấy băng nhạc. Sang Tokyo, những đêm
nhớ nhà mở nhạc nghe. Đặc biệt cảm động nhất là Hàn Mặc Tử của
Trần Thiện Thanh. Bản nhạc nầy mở đầu bằng 4 câu ngâm nga theo thể điệu tự do
(ad lib) trước khi chuyển sang bolero.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/ad646471-c2ef-43db-b8b8-39f4a9b51d4e.jpg
Bolero đã theo
chân GS. Trần Văn Thọ từ Quảng Nam vào Sài Gòn và sang Nhật. Ảnh: TLTG
Câu chuyện Hàn Mặc Tử thì ai cũng biết, ca từ
của bản nhạc cũng không có điển cố hay chữ dùng cầu kỳ, khó hiểu, nhạc đệm và
hát theo điệu bolero. Nhưng bản nhạc nầy không có vẻ gì bình dân, ngược lại
mang tính nghệ thuật cao, nhất là ca từ gợi nhiều thương cảm đối với cuộc đời của
người tài hoa, bạc mệnh và đau đớn vì bệnh tật.
Hàn Mặc Tử là thi sĩ của trăng. Trí tưởng tượng
phong phú, tâm hồn lãng mạn cùng với thực tại phũ phàng làm cho hình ảnh trăng
luôn biến hóa, hư hư thực thực. Lúc là người đẹp nằm sóng soải trên cành liễu,
khi thì leo song sờ sẫm gối hoặc đang trần truồng tắm; rồi thi sĩ đắm say chạy
theo trăng, mơ ngủ với trăng.
Lúc khác, trăng được nhìn trong con mắt hiện
thực hơn nhưng không kém sức tưởng tượng và chất lãng mạn. “Trăng sao đắm đuối
trong sương nhạt” ở Đà Lạt hay mơ thấy thuyền chở trăng về ở Vỹ Dạ. Khi đã tuyệt
vọng vì bệnh tật, vì tình yêu không trọn vẹn thì “với sao sương anh nằm chết
như trăng”, “mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi”…
Lý Bạch cũng là thi nhân của trăng. Trong gần
1.000 bài thơ của thi tiên họ Lý còn lưu truyền có tới hơn 300 bài có cảm hứng
từ trăng. Ngẩng đầu lên nhìn vầng trăng sáng, tỉnh rượu là theo trăng ra bờ suối,
nhớ về quê xưa cũng tưởng tượng trăng đang rụng xuống nhà, viết khúc quân hành
cũng nhớ đến ánh trăng lạnh nơi sa trường, nhớ bạn là nhớ vầng trăng thu trên
núi Nga Mi, nhìn trăng ở Trường An nhớ về miền quan ải...
Nhưng thơ trăng trong Lý Bạch là cảm hứng của
người vui với cuộc sống, vui với rượu và thiên nhiên, còn thơ trăng của Hàn Mặc
Tử thì, như Hoài Thanh viết trong Thi nhân Việt Nam: Trăng
toàn trăng, một ánh trăng gắt gao, ghê gớm, linh động như một người hay đúng
hơn như một yêu tinh”.
Trần Thiện Thanh đã khéo chọn những hình ảnh
trăng và những câu thơ trăng tiêu biểu của Hàn Mặc Tử để tạo thành ca từ kể về
cuộc đời của thi sĩ tài hoa nhưng vắn số và mất trong bệnh hoạn. Đường
lên dốc đá đến lầu Ông Hoàng lúc nửa đêm trăng tà, ánh trăng
treo nghiêng nghiêng gây nên cảnh hoang vắng nửa đêm buồn. Rồi cuộc sống
phế nhân đẩy người nghệ sĩ về chốn hoang liêu tiêu sơ ở đất
Quy Nhơn, đêm đêm âm thầm nghe trăng vỡ, để cuối cùng trời
đất như quay cuồng khi hồn phách vút lên cao!
Bản nhạc bắt đầu bằng trăng và kết thúc cũng bằng
trăng. Bắt đầu thì lãng mạn vì đúng lúc thi nhân đang yêu và yêu đời:
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò
Kết thúc câu chuyện bằng nỗi tiếc thương cay đắng,
ngậm ngùi:
Trăng vàng ngọc trăng ân tình chưa phỉ
Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng
Phải có tấm lòng nhân hậu, tiếc thương sâu sắc
với cuộc đời quá ngắn ngủi của nhà thơ tài hoa, đau đớn trong bệnh tật, Trần
Thiện Thanh mới viết được những lời ca nghe xé lòng trong nhạc phẩm Hàn
Mặc Tử. Mùa hè năm 2006 tôi có thực hiện chuyến xuyên Việt bằng đường bộ từ
Sài Gòn đi Hà Nội. Đến Quy Nhơn tôi có ghé thăm nhà lưu niệm Hàn Mặc Tử. Tại
đây tôi vô cùng cảm kích và thấy ấm lòng khi biết chính Trần Thiện Thanh đã kêu
gọi bạn bè cùng đóng góp để xây dựng nhà lưu niệm này.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/5a0e4aa3-8792-4ba4-8dd6-49d80ed148a9.jpg
Nhạc phẩm Hàn Mặc Tử
Nhà báo Võ Như Lanh là một trong những bạn rất
thân của tôi ở Việt Nam. Cùng học trung học ở Hội An, sau vào Sài Gòn, Lanh học
ở Đại học Vạn Hạnh, tham gia lãnh đạo phong trào sinh viên phản chiến và bị bắt
đi tù một thời gian. Lanh tỏ ra có năng khiếu về báo chí từ rất sớm, sau năm
1975 lần lượt làm tổng biên tập báo Tuổi Trẻ rồi phó tổng biên
tập Sài Gòn Giải Phóng. Năm 1990 sáng lập và làm tổng
biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tuần báo kinh tế đầu tiên ở Việt
Nam.
Là nhà báo nhưng Lanh ít viết mà dành thời
gian cho việc tổ chức tờ báo, xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp và mở rộng nhóm cộng
tác viên. Xuất phát từ một tuần báo chuyên về kinh tế và bằng tiếng Việt, Lanh
lần lượt cho ra đời các báo tuần và báo ngày bằng tiếng Anh, và lập quỹ từ thiện
Saigon Time Foundation. Các tổ chức nầy lập thành Saigon Times Group, tập đoàn
báo kinh tế nổi tiếng ở Việt Nam.
Cuối năm 1992, trong một chuyến công tác tại
Nhật, Lanh mang sang làm quà cho tôi 100 bản nhạc là những tình khúc được ưa
chuộng ở miền Nam từ trước năm 1975. Trước năm 1975, những nhạc phẩm phát hành
được in ra thành từng bản gồm 4 trang khổ A4, gấp lại thành 2 tờ dính với nhau,
rất tiện, và trang đầu được trình bày đẹp, trang nhã do một họa sĩ phụ trách.
Từ cuối thập niên 1980 nhạc cũ lần lượt được
in lại nhưng hầu hết in thành tuyển tập, rất bất tiện vì đôi khi mình chỉ cần
vài bài trong đó mà phải mua cả tập. Lúc đàn hát một bài nào đó cũng thấy bất
tiện khi dùng cả tập nhạc. Do đó khi nhận được 100 bản nhạc rời do Lanh mang
sang Tokyo tôi rất vui mừng. Các bản nhạc cũng trình bày thành 4 trang như trước
năm 1975 nhưng khổ nhỏ hơn. Tôi không hiểu sao việc in lại nhạc dưới hình thức
này chỉ xảy ra có một lần vào dịp Lanh sang Tokyo gần 30 năm trước.
Năm 2006 Võ Như Lanh thôi chức tổng biên tập Saigon
Times, dành thời gian cho hoạt động từ thiện và vui với bạn bè. Trong các
hoạt động vui với bạn bè có Câu lạc bộ Bolero mà Lanh lập ra trước đó, bây giờ
hoạt động thường xuyên hơn. Nhạc sĩ Võ Tá Hân, cũng là bạn thân của Võ Như
Lanh, có nhận xét là với việc lập ra Câu lạc bộ Bolero từ rất sớm, Lanh đã đi
trước thời đại, trước khi rộn lên phong trào yêu nhạc bolero ngày nay.
Câu lạc bộ này là nơi những bạn bè thích nhạc
thỉnh thoảng gặp nhau để trò chuyện và cùng hát những nhạc phẩm ngày xưa. Nơi
đây đã sớm trở thành địa chỉ hấp dẫn tôi mỗi khi về Sài Gòn. Trước khi về, từ
Tokyo tôi liên lạc trước với Lanh và lần nào Lanh cũng trả lời bằng câu: “Nhớ
dành một đêm cho bolero nghen!”.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/65c59936-08d9-452b-9dd4-d33204d691a6.jpg
Bài báo do nhà báo
Võ Như Lanh viết (ký tên Linh Hà) trên Thời báo Kinh tế Saigon số 3.12.1992, ảnh
chụp tại nhà GS. Trần Văn Thọ ở Tokyo cuối tháng 11.1992
Những đêm bolero thường bắt đầu từ 8 giờ tối tại
một nhà hàng cũng thuộc Saigon Times. Tôi và Lanh cùng một số bạn đến
trước để ăn tối và bàn chuyện xã hội, kinh tế, chính trị, hoặc họp với ban biên
tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Sau đó các bạn khác lục tục
kéo tới để chuẩn bị đàn hát. Thành phần nòng cốt ngoài các biên tập viên, nhân
viên thích nhạc của Saigon Times còn có các bạn trong Câu lạc
bộ Doanh nhân Trẻ. Các bạn này thành đạt trong kinh doanh nhưng hầu hết cũng là
những người đàn giỏi hát hay. Ngoài ra thỉnh thoảng còn có các bạn ở các báo
khác như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động… cũng đến chung vui.
Tính chất của đêm bolero nầy là nghiệp
dư nhưng cũng có những tay đàn, giọng hát không kém phần chuyên
nghiệp. Ngoài tài năng của các bạn trẻ nói trên, đặc biệt lần nào cũng có Thanh
Phương tham dự. Chị nguyên là ca sĩ chuyên nghiệp nhưng sau giải nghệ, trở
thành biên tập viên của Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Trước kia, vào khoảng đầu thập niên
1990, mỗi lần về Sài Gòn, tôi và vài người bạn thường đến ăn tối
tại nhà hàng Liberty trên đường Đồng Khởi có ban nhạc trình
diễn. Ca sĩ Thanh Phương thường đến hát, toàn những nhạc phẩm trữ tình, chúng
tôi rất thích. Bẵng đi mấy năm không về Sài Gòn, một ngày nọ, rất ngạc nhiên
khi gặp lại chị ở Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Những đêm bolero nầy chúng tôi hát hầu hết những
tình khúc ưa thích, không chỉ những nhạc phẩm giai điệu bolero. Sau 10 giờ đêm,
nhiều bạn lần lượt ra về. Cuối cùng tôi và Lanh cùng vài người bạn ngồi lại trò
chuyện và uống nốt phần rượu vang còn lại. Đến khuya trước khi ra về chúng tôi
cùng ca bolero của Tuấn Khanh:
Quán nửa khuya đèn mờ theo hơi khói
Trút tâm tư vào đêm vắng canh dài
…
Quán nửa khuya bạn tôi chia tay nhé
Nhớ nhau chăng là mỗi lúc đêm về
Siết chặt tay để ghi phút phân kỳ, tiễn người đi…
Tiễn người đi!
Không ngờ chúng tôi phải tiễn Võ Như Lanh đi về
thế giới bên kia vào cuối thu 2014.
Tiếc thương vô cùng.
Giờ này chắc bạn tôi ở chốn đào nguyên nào đó
đang gõ nhịp bolero Những ngày xưa thân ái.
Trần Văn Thọ (Tokyo, cuối
thu 2021)
* Mời đọc Giai
phẩm Người Đô Thị Tết 2022
·
Ngày
15.1 phát hành giai phẩm Người Đô Thị Tết Nhâm Dần 2022
"Chiều mưa biên giới" ở hai đầu Tổ quốc
No comments:
Post a Comment