Saturday, January 22, 2022

NĂM HẾT TẾT ĐẾN - CHUYỆN CHUẨN BỊ ĂN TẾT CỦA NGƯỜI XƯA (Lâm Minh Anh - Việt Báo)

 



Năm Hết Tết Đến – Chuyện Chuẩn Bị Ăn Tết Của Người Xưa

Lâm Minh Anh  -  VIỆT BÁO

22/01/2022

https://vietbao.com/a310900/nam-het-tet-den-chuyen-chuan-bi-an-tet-cua-nguoi-xua

 

Tản mạn về Tết

 

Hình : https://vietbao.com/images/file/pP3eVfPd2QgBACZq/w600/tet.jpg

 

Nhìn ông Tư co ro bó gối, miệng xuýt xoa lẩm bẩm, ông Lý khẽ cười:

 

– Trời sang Xuân còn thấy lạnh sao Bác Tư?

 

– Cuối năm ngồi tính lại sổ đời mà lạnh run lên Bác Lý ơi! Năm Trâu đúng là thiệt khổ như trâu. Đã cùng cực vì dịch giã, thấy cảnh người mất chẳng gặp được thân nhân, mình chẳng biết phải làm những gì để bù đắp cho. Đau đớn nào bằng, chẳng còn tâm trí đâu mà hoài vọng chuyện ngày xưa. Chuyện Năm Hết Tết Đến của ngày xưa, ai dù có khó khổ mấy cũng sắp xếp được thảnh thơi để đón năm mới, mong năm mới có những ngày an lạc.

 

Ông Lý trầm ngâm:

 

– Tuần hoàn cuộc sống của con người, hết gặp vận bỉ rồi sẽ đến hồi thư thái. Nó như tuần hoàn sự vận hành của vũ trụ, hết đêm sẽ đến ngày, tất niên là để nghênh đón tân niên. Lẽ sống của cuộc đời là thế, bác Tư dằn vặt chi cho khổ vậy hè!

 

– Biết rằng tự dằn vặt là tự làm khổ mình. Nhưng bác Lý nghĩ coi, cái họa trước mắt là do con người gây nên. Với xã hội tiện nghi của công nghiệp ngày nay, ai cũng muốn tranh chấp, muốn cướp lấy cái lợi về cho riêng mình bất chấp sự thiệt thòi, khổ đau của người cùng một cộng đồng, là đồng bào của mình.

 

Ông Lý cười lái câu chuyện sang một hướng khác:

 

– Ừ, thì ngày xưa là một xã hội chú trọng nông nghiệp, con người vốn tối tăm mày mặt tranh chấp với thiên nhiên. Mục tiêu của cuộc sống là ráng sống thích nghi với sự vận hành của vũ trụ, không để tâm đối phó với người bên cạnh, nên người xưa dễ bỏ qua những bất đồng, dễ hòa hợp với nhau mà vui với cảnh ngày hết Tến đến. Gặt vụ lúa mùa tháng Mười xong là con người có thời gian dài rảnh rổi chuẩn bị đón tân niên, chuẩn bị cho cả tháng Giêng ăn chơi thỏa thích.

 

Trong phép làm lịch thời cổ đại, người xưa đã phát hiện ra ngày tiết Đông chí bao giờ cũng ở trong tháng Mười Một âm lịch. Xưa tháng này được gọi là tháng Một, là tháng khởi đầu của một năm. Gắn biểu tượng con vật đầu tiên trong Thập nhị chi cho nó nên tháng 11 âm lịch còn có tên là tháng Tý.

 

Ông Tư vội vã chen lời:

 

– Vậy hóa ra tháng Mười là tháng kết thúc của một năm.

 

– Năm tính theo tuần trăng, lịch thời cổ đại một năm chỉ có 10 tháng. Sau người xưa thấy chu kỳ thời tiết một năm không phù hợp với thời vụ gieo trồng, nên đã cải lịch theo vận hành của tiết khí, tức là theo vận hành của trái đất giáp một vòng quay quanh mặt trời. Từ đó một năm có 12 tháng theo tuần trăng, người xưa gọi 2 tháng thêm vào là Chạp và Giêng. Việt Nam mình xưa đã từng gọi thứ tự của tháng là Một, Chạp, Giêng, Hai… cho đến Mười là tròn một năm. Khi Đông chí của năm trước đến Đông chí năm sau có 13 ngày Sóc, tức có 13 tháng theo tuần trăng, thì tháng chen vào được gọi là tháng nhuận.

 

Tháng Mười là tháng kết thúc của năm. Người Việt cổ dùng lịch Kiến Tý giống như thời nhà Chu bên Tàu, nên ăn Tết ở tháng Tý, bây giờ gọi là tháng 11 âm lịch. Đại Nam Nhất Thống Chí có ghi nhận thời Tự Đức người ở vùng xứ Đoài Sơn Tây, Phú Thọ vẫn còn tục lấy tháng Tý làm tháng đầu năm mới. Thời Việt Nam lệ thuộc người phương Bắc, phải cải dùng theo lịch Kiến Dần của nhà Hán, ăn Tết ở tháng Dần, hiện nay gọi tháng Giêng.

 

Ông Tư chen lời:

 

– Tháng Giêng tức tháng Một âm lịch bây giờ, ngày nay đã dùng nó làm tháng khởi đầu của một năm. Mà nè Bác Lý, Năm với Niên có mối liên hệ như thế nào.

 

– Nói đơn giản thì đó là ngôn ngữ của mỗi nước, mỗi tộc người. Còn ký âm thành chữ viết thì chữ Nôm của người Việt ta viết chữ Năm dưới dạng [𢆥], trong đó lấy chữ Nam [] làm âm và dùng chữ Niên [] để làm nghĩa.

 

Một năm, thời Nghiêu Thuấn gọi là nhất tải [], hoặc có thể gọi là nhất tuế [] theo nhà Hạ, hoặc theo nhà Ân gọi là niên kỷ [年紀], nhà Chu gọi là tuế thủ [歲首], nhà Đường gọi là tuế niên [歲年].

 

Chữ Niên với tự dạng [], ở đây thấy được trong đó có hình ảnh của con trâu – Ngưu []. Chữ Niên còn viết với tự dạng [] gồm Hòa [] là cây lúa nằm trên chữ Thiên [] là số nghìn, hoặc Hòa [] nằm trên chữ Nhân [], Niên đều biểu thị ý nghĩa mùa gặt, con người phải cắt gặt khi lúa đã tràn đồng. Nói chung, dưới tự dạng nào Niên cũng gắn liền hình ảnh của nghề nông ra sức cấy cày, thu hoạch mùa màng. Mà với nghề nông, Nông [] gồm bộ Thần [] và Khúc [], biểu thị sinh hoạt nghề nông lúc nào cũng rộn rã khúc ca. Từ ý nghĩa này mà Tân Niên hay Năm Mới là lúc mà người dân vui chơi cho phỉ sức tháng ngày dầm mưa dãi nắng.

 

Nhưng để đón Tân Niên, phải hoàn thành bước Tất Niên kết thúc một năm qua. Điều mà xưa giờ người Việt phải làm trước tiên là lo tu tảo mộ phần của ông bà. Vui chơi thì đâu thể nào chơi chỉ một mình, ông bà dù đã khuất núi, nhưng phải quét dọn mồ mả, mời ông bà về cùng vui với con cháu. Phía Nam Trường Giang, dấu tích của người Việt cổ từ lâu đã chọn ngày Đông Chí làm ngày tu tảo, quét dọn sửa sang phần mộ của tiên tổ, chứ không phải lấy ngày Thanh Minh như người phía Bắc sông Trường Giang. Bắc Trường Giang sang tới Thanh Minh tiết trới mới trong sáng, hết băng giá, cỏ cây mới bớt um tùm rét mướt, nam thanh nữ tú mới có cơ hội đạp thanh du xuân.

 

Thời Hán triều có đủ 24 Tiết khí để hoàn thiện phép làm Lịch, đã ăn Tết vào Xuân tiết, không phải là Đông tiết như thời nhà Chu lúc chỉ mới phát hiện có 4 tiết chính Xuân phân, Thu phân, Đông chí, Hạ chí. Nhưng Hán Thư vẫn thừa nhận Đông chí là ngày trọng đại của năm, sách chép Đông chí là ngày Đại Như Niên [冬至大如年], qua đó “Đông chí dương khí khởi, quân đạo trưởng, cố hạ” [冬至阳气起,君道,] – Đông chí khí dương trổi lên, muôn vật dần dần tăng trưởng, cho nên theo đó mà chúc mừng.

 

–  Đông chí là thời điểm cực lạnh, nhưng cũng là lúc khởi đầu ấm áp của khí dương. Mừng cỏ cây đâm chồi nẩy lộc là hy vọng sẽ được mùa, mừng con người thêm lên một tuổi là để ghi dấu bước trưởng thành, nên theo đó mà chúc mừng. Có nghĩa là sắm sửa ăn Tết phải không Bác Lý.

 

 

– Để chúc mừng cũng là để ăn Tết. Từ lúc thu hoạch vụ mùa xong là người xưa đã chuẩn bị ăn Tết, ăn Tết đến hết cả tháng Giêng. Nhưng cổ nhân đâu phải châm bẩm chuyện ăn để chỉ riêng thõa mãn vị giác.

 

Tiết Đông chí có tục tế Tổ ở vùng đất Bách Việt xưa như Giang Tô (U Việt), Giang Tây (Dương Việt), Triết Giang (Mân Việt), Tứ Xuyên (Chung Việt), Quảng Tây (Âu Việt), Quảng Đông (Nam Việt), Thăng long (Lạc Việt)… Món cúng tế được làm bằng bột nếp hấp vo tròn, bên trong gồm nhân thịt, hay rau đậu, hoặc đơn giản hơn là nấu chè ỷ… gọi chung là món Đông chí đoàn [冬至] mang ý nghĩa viên mãn, đoàn viên dùng để dâng cúng tổ tiên, và làm quà tặng cho nhau. Ngày nay món này được gọi là Hoành Thánh thang [餛飩湯], dân gian nói gọn là Mì vằn thắn.

 

Đây cũng là lúc các chợ phiên bán tranh vẽ 9 cành Mai, mỗi cành 9 đóa, tượng trưng cho số Cửu huyền bí của Đông phương. Bức tranh gọi là Cửu Cửu Tiêu Hàn Đồ [九九消寒] hay Nhã Đồ [].

 

Tháng Chạp lo tu tảo chạp mả, ngày mồng 8 tháng Chạp người xưa còn thưởng thức món cháo Lạp bát – Lạp bát chúc [粒八粥] hay còn gọi là Thất bảo ngũ vị chúc. Món cháo Lạp bát chỉ là món ăn dân dã tầm thường. Là cháo nấu gồm những thứ nếp, gạo, kê, đậu, ngô, kể cả táo… Nhưng chia cho nhau chén cháo tạp lương khi bấy giờ đã thu hoạch mùa lên, nó mang ý nghĩa lúc đã sung túc dù có đủ thịt cá, mà vị ngon đâu bằng là chén cháo thập cẩm thuở thất bát lương thực không có gạo mà nấu. Ăn còn là để gặm nhấm cái thuở hàn vi phải bòn mót từng hạt củ, đọt rau nhưng vẫn một lòng đồng cam cộng khổ chia sớt cho nhau. Ăn là để cảm nhận khi đã đủ đầy cũng phải biết sẻ chia với người khó khổ.

 

Cuối tháng Chạp có tục tế Táo thần rời bếp lửa. Hình ảnh Táo quân về Trời trình báo chuyện nhân gian, chuyện của gia chủ là để nhân gian e dè mà bớt làm ác, bớt gây nên biển khổ cho chúng sinh. Sách Lã Thị Xuân Thu thời Tần Thủy Hoàng gồm thu lục quốc dẫn chuyện trong Sơn Hải Kinh, bấy giờ nhân gian theo quan niệm Cá Chép có thể hóa Rồng được mà đưa Táo quân về thiên đình vào ngày 23 rạng sáng 24, ngày này được gọi là Tiểu Niên Dạ [小年夜]. Nhưng sách không giải thích vì sao Táo quân phải nhờ nhân gian cúng cá chép mới có phương tiện để về trời.

 

– Bác Lý nè. Từ lâu tôi cũng không nghe được ai lý giải minh bạch tại sao phải cúng cá chép cho Táo quân. Bất quá chỉ là những giải thích mơ hồ về chuyện cửa thiên đình đóng mở trong ngày 23 tháng Chạp. Tôi ngờ rằng ý nghĩa ông Táo về trời lâu dần bị cải biến, thêm thắt theo tham vọng của con người. Con người muốn được giúp Táo quân sớm đi đến nơi, chóng về đến chốn, muốn được có qua có lại mà bày vẽ thành tục cúng cá chép để Táo quân có phương tiện cỡi về thiên đình.

 

– Ừ, chuyện xưa đã thành tục lệ. Lẽ thường khi con người thấy không còn hy vọng gì vào niềm tin, mỗi người có thể định sự việc theo thiên kiến của mình.

 

– Tôi nghĩ rằng việc cúng cá Chép cho Táo quân, hệ lụy của nó sẽ dẫn đến việc nhân gian đua nhau tranh giành. Tôi từng chứng kiến mới sớm 23 có người đã tranh đưa ông Táo về trời. Xếp hàng cũng thi đua, là chen lách nhau hòng giành lợi thế. Đấy là việc không nên, đã gây rối loạn còn mất đi ý nghĩa của người xưa răn nhân gian bớt tranh chấp, e dè làm chuyện ác. Nhưng nếu giành nhau dựng Nêu ngày 23 tháng Chạp, cùng tranh nhau biểu thị đất ta có chủ quyền của chúng ta, quỷ ma không được dòm ngó. Chuyện này tôi giơ cả 2 tay đồng tình.

 

Ông Lý khẽ mỉm cười tán thành:

 

– Thế nhân dù xưa hay nay vốn đã lắm chuyện, mong ai cũng được như Bác thì thế gian đâu là biển khổ. Chuyện chuẩn bị ăn Tết của người xưa, ngẫm ra trong đó cũng lắm điều để thế nhân theo đó mà thủ đắc điều hay lẽ phải.

 

Với chuyện Tết dựng Nêu mà Bác nói, người Hoa thì có truyền thuyết về con quái thú thời thái cổ tên Niên, nó thường từ rừng xuống làng kiếm ăn khi kết thúc mùa Đông. Niên hung dữ ăn cả thịt người. Sau dân làng phát hiện Niên sợ tiếng nổ và màu đỏ, nên Tết đến người Hoa thường trang hoàng nhà cửa bằng màu đỏ và đốt pháo để xua đuổi quái thú. Thời Nam Bắc triều gọi tục này là Niên Quan [年関], hay còn gọi là Ngạo Niên Thủ Tuế [骜年守歲].

 

Ông Tư vội chen ngang:

 

– Bác kể làm tôi nhớ đến hình ảnh ăn Tết của người Việt ngày xưa với Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ / Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

 

– Tôi nào có khác gì Bác. Nói về câu đối Tết, với tôi câu đối mà cụ Tú Vị Xuyên vẫn ngạo nghễ khí cốt giang hồ từ Năm cũ bước sang Năm mới:

 

Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài

Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt

 

極人間之品價, 風月情懷

最世上之風流, 江湖氣骨

 

Viết vào giấy dán ngay lên cột

Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay

 

Thật là thấm đẫm tình người của cổ nhân khi Năm hết Tết đến. Nói tiếp chuyện người xưa chuẩn bị ăn Tết thì thời nhà Hán, sách Hoài Nam Tử chép ngày 25 tháng Chạp xưa có tục Tảo Trước Tiết còn gọi là Tảo Trần Nhật [掃塵日], là ngày quét dọn nhà cửa, lau chùi đồ thờ phượng. Hán Thư thì chép ngày càng 27 có tục họp trưởng ấu trong họ để làm lễ bái tổ tiên gọi là tế Tổ.

 

Ngày 28 trở đi, riêng người Lạc Việt theo truyền thuyết Chưng Bính Truyện, từ thời Hùng Vương đã có tục gói bánh chưng. Ăn Tết sum họp gia đình, món ngon vật lạ dành cho Ông bà, Cha mẹ là món tự tay mình làm nên, món mình có được. Nuôi con heo, gặt hạt nếp là có món dâng lên, đâu cần phải là sơn hào hải vị. Tộc Lạc Việt lại có tích truyện Dưa Hấu của An Tiêm rất hay thể hiện lòng hiếu của người con, lòng thảo ngay của bậc trung thần. Từ đó, Người Việt có tập tục cúng dưa hấu ngày Tết, ruột dưa đỏ tươi biểu hiện cho một năm may mắn và thịnh vượng của gia đình.

 

Ngày 30 mang đậm nét tín ngưỡng thiêng liêng, buổi trưa sửa lễ cúng Tất niên, kế chiều đến thì cúng rước Gia tiên. Người xưa trọng vọng ông bà, dù đã khuất núi cũng mời về sum họp gia đình, vui ngày Tết cùng con cháu. Giữa đêm cúng lễ Trừ Tịch [除夕], đón Hành khiển, Hành binh… những thần linh, quan nhà Trời luân phiên nhau coi sóc hạ giới, đón Táo quân trở lại trần gian coi việc thiện ác trong nhà. Tục này còn gọi là cúng Giao thừa, giữa thời khắc chuyển giao cũ mới, cúng trừ bỏ những bất hạnh, bất hòa, những phiền muộn, xấu dở của năm cũ, để làm hòa, mong đón nhận những tốt đẹp của năm mới. Cũng với ý nghĩa này, người xưa còn có tục sau đó rủ nhau đi hái lộc đầu năm chỗ những đền thiêng, mong được hưởng chút lộc may mắn trong năm mới.

 

Sáng sớm mồng 1 gọi là Nguyên Nhật [元日] hay Nguyên Đán [元旦], nguyên là đầu tiên, đán buổi sớm. Lúc này mỗi người chính thức thêm lên một tuổi gọi là Thiêm Tuế [], người người chúc tụng nhau thêm tuổi thêm thọ (Diên niên ích thọ –  延年益壽), mỗi năm mỗi dư lên (Niên niên hữu dư – 年年有餘).

 

Người nhà nông quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, ăn Tết với nhiều lễ hội cho phỉ sức lam lũ dầm dãi nắng mưa. Nhưng ăn Tết còn là để tiếp tục quay vòng thời vụ, để chúc nhau năm mới mưa thuận gió hòa, thóc lúa được mùa, ngũ cốc phong đăng [五谷丰登]. Lý Thân từ thời Đường đã có thơ Thương Xót Nhà Nông:

 

MẪN NÔNG

 

Sừ hòa nhật đương ngọ

Hãn trích hòa hạ thổ

Thùy tri bàn trung xan

Lạp lạp giai tân khổ.

 

鋤禾日當午

汗滴禾下土
誰知盤中飧
粒粒皆辛苦

 

Tạm dịch:

 

Xới lúa bóng đứng lúc trưa,

Mồ hôi giọt đổ xuống ruộng đồng.

Ai biết cho bát cơm trong mâm,

Hạt hạt đều chứa chan cay đắng

 

Ca dao Việt Nam còn để lại câu:

 

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần

 

Trong điều kiện chuẩn bị ăn Tết của người nhà nông có lắm điều kỳ khu, nhưng qua đó mới thấy nết ăn quả nhớ kẻ trồng cây, nết thuận theo vận hành của vũ trụ mới tồn tại của người làm nông. Ngày nay ta hiểu đó là ý nghĩa của lẽ Thuận Thiên [順天], thuận theo lẽ Trời.

 

– Lâm Minh Anh







No comments:

Post a Comment