Lao
động Việt 'bị cưỡng bức' xây dựng nhà máy Trung Quốc ở Serbia: Việt Nam vào cuộc
28/01/2022
https://gdb.voanews.com/77B9C01A-22A6-46AA-A67E-E4ED8C29F4EB_cx0_cy7_cw0_w144_r1.jpg
Các công nhân Việt
Nam đình công đòi điều kiện sống và làm việc tốt hơn tại công trường xây dựng của
nhà máy lốp ô tô Trung Quốc Linglong gần Zrenjanin, Serbia, hôm 19/1. Việt Nam
nói điều kiện sống của các công nhân đã "được cải thiện" sau khi LHQ
thúc giục hành động. Photo: AFP
Liệu Việt Nam có thể
bảo vệ được hàng trăm lao động di dân của mình tại nhà máy của Trung quốc, thuộc
dự án được giao kèo giữa hai nguyên thủ Trung Quốc và Serbia?
Sau khi Liên Hợp Quốc nói có hàng trăm lao động
di dân Việt Nam là nạn nhân buôn người bị cưỡng bức làm việc cho các công ty
Trung Quốc ở Serbia, Bộ Ngoại giao ở Hà Nội hôm 27/1 cho biết chính phủ Việt
Nam đã cử người tiếp xúc với những lao động này để “giải quyết các vướng mắc, bất
đồng, khó khăn” của họ.
Một nhóm các chuyên gia của Cao uỷ Nhân quyền
LHQ vào tuần trước thúc giục chính phủ Việt Nam phải hành động ngay lập tức để
bảo vệ hàng trăm lao động di dân Việt bị cho là nạn nhân buôn người được đưa
sang Serbia và bị cưỡng bức làm việc cho các công ty Trung Quốc.
Trả lời yêu cầu bình luận của VOA về quan ngại
của LHQ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết rằng
“Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani (Romania) kiêm nhiệm Serbia đã cử cán bộ trực
tiếp tới Serbia gặp gỡ, thăm hỏi và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao
động Việt Nam” ngay sau khi biết thông tin liên quan đến tình hình lao động của
người Việt tại quốc gia thuộc Nam Tư cũ.
https://gdb.voanews.com/76284D22-ED92-4C5A-9838-C73DABCFC851_w650_r0_s.png
Điều kiện sống tồi
tệ tại khu xây dựng nhà máy Linglong của công nhân Việt Nam.
Thông tin về những lao động Việt Nam phải sống
và làm việc trong các điều kiện tồi tệ khi làm việc cho công ty Trung Quốc ở
Serbia được các hãng tin của Mỹ, Pháp và châu Âu phanh phui hồi tháng 11 năm
ngoái. AP, AFP, Euronews và nhiều báo quốc tế lúc đó ghi nhận về việc đình công
của công nhân Việt Nam làm việc tại một nhà máy lớn của Shandong Linglong Tyre,
một hãng lốp xe Trung Quốc, tại thành phố Zrenjamin ở miền bắc Serbia. Những
công nhân Việt Nam nói họ như “sống trong tù” và kêu cứu để được rời khỏi nơi
đó.
Hai tổ chức phi chính phủ của Serbia chuyên về
các công tác chống buôn người và khai thác lao động sau đó trong tháng 11 đưa
ra báo
cáo cho biết rằng khoảng 500 lao động Việt Nam đang tham gia xây dựng
nhà máy sản xuất lốp ô tô đầu tiên của Trung Quốc tại châu Âu ở Zrenjamin phải
sống trong các điều kiện tồi tàn, thiếu thực phẩm và chăm sóc y tế, cũng như bị
chủ thuê, tức công ty của Trung Quốc, tịch thu hộ chiếu. Hai tổ chức này, gồm
A11 và ASTRA, đã gửi yêu
cầu tới các quan chức Serbia đòi xem xét và có hành động đối với khả
năng buôn người vì mục đích khai thác lao động đối với các công nhân Việt Nam.
Các chuyên gia nhân quyền độc lập của LHQ hôm
21/1 cho biết có tám công ty, bao gồm các hãng tuyển dụng lao động của Việt Nam
và các công ty xây dựng của Trung Quốc đăng ký tại Serbia, được cho là có dính
líu đến các vi phạm nhân quyền mà họ nói là “nghiêm trọng” trong vụ này. Nhóm
chuyên gia này đã gửi thư tới 8 doanh nghiệp, mà họ không nêu tên, để nhắc lại
nghĩa vụ của họ về trách nhiệm giải trình theo nguyên tắc Hướng dẫn của LHQ về
Kinh doanh và Quyền con người.
Báo cáo của A11 và ASTRA nói rằng các công
nhân Việt Nam tới Serbia trong thời gian từ tháng 3 tới tháng 5 trong năm nay.
Họ được thuê theo hợp đồng và được đưa tới Serbia thông qua các công ty trung
gian của Trung Quốc và các hãng tuyển dụng lao động của Việt Nam. Các công ty
trung gian này làm việc với Tập đoàn Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc Tianjin
Electric Power Construction Co. Ltd, chi nhánh Belgrade, để tuyển công nhân Việt
Nam sang Serbia xây dựng nhà máy cho Shandong Linglong Tire. Mỗi lao động Việt
Nam phải trả cho những người môi giới từ 2.200 USD đến 4.000 USD trước cho các
dịch vụ gồm vận chuyển, thị thực và phí ăn ở, theo báo cáo A11 và ASTRA.
Trong email phản hồi tới VOA hôm 27/1, bà Hằng
cho biết rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam đã “làm việc với các công ty phái cử, công
ty sử dụng lao động, các cơ quan chức năng địa phương và các bên liên quan để
thúc đẩy thực hiện nghiêm túc các thoả thuận trong hợp đồng với người lao động.”
Tuy nhiên bà Hằng không đưa ra thông tin cụ thể về các công ty liên quan tới vụ
việc này.
Người phát ngôn cũng nói rằng Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội đã “yêu cầu các công ty phái cử rà soát, đảm bảo việc đưa người
lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được thực hiện theo đúng quy định của
pháp luật” cũng như “theo dõi, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh giữa
người lao động và người sử dụng lao động.”
Nạn nhân buôn người
Hai tổ chức phi chính phủ của Serbia, A11 và
ASTRA, đã cử người tới nhà máy của Trung Quốc để tiếp xúc với các công nhân Việt
Nam. Trong báo cáo, các tổ chức này mô tả rằng khoảng 500 công nhân Việt Nam sống
trong các phòng chật chội với giường không có đệm và cùng dùng chung 2 toa lét.
Họ không được cung cấp lò sưởi, điện hay nước uống sạch. Vẫn theo báo cáo, công
ty Trung Quốc không tăng cường tiêm chủng COVID-19 cho người lao động Việt Nam
dù họ muốn được tiêm và những công nhân bị nhiễm bệnh phải cách ly trong các
phòng riêng biệt cho đến khi hồi phục hoàn toàn mà không nhận được bất kỳ khoản
bồi thường nào dù phải tự trả phí xét nghiệm tại các cơ sở tư nhân do chủ thuê
giới thiệu.
Các công nhân Việt Nam đã đình công ít nhất
hai lần, trong đó lần đầu tiên để phản đối tình trạng thiếu thực phẩm và lần thứ
hai để phản đối việc chậm trả lương, theo báo cáo của A11 và ASTRA.
“Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani, đến
nay, điều kiện sống, sinh hoạt và làm việc của người lao động Việt Nam tại
Serbia đã được cải thiện,” bà Hằng cho VOA biết qua email nhưng không cho biết
chi tiết về những cải thiện này. Người phát ngôn còn nói rằng chính phủ Việt
Nam “luôn quan tâm và thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo vệ người lao động
thông qua việc ban hành hệ thống luật pháp và chính sách liên quan, mới đây nhất
là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
theo hợp đồng” có hiệu lực từ 1/1 năm nay.
https://gdb.voanews.com/5DB3D1A9-AD6A-49AE-9140-18FC0D21B48C_cx2_cy9_cw98_w650_r1_s.jpg
Công nhân Việt Nam
làm việc tại công trường xây dựng nhà máy Linglong, dự án đầu tư lớn nhất của
Trung Quốc ở châu Âu.
Sau khi hàng trăm công nhân Việt Nam được phát
hiện trong điều kiện tồi tệ ở Serbia, tuần báo Observer của Anh đã điều tra ra
cửa ngõ vận chuyển người trái phép mới vào châu Âu và nhà máy Linglong của
Trung Quốc chỉ là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình dài hơi đến Anh và
các nước khác ở châu Âu của nhiều công nhân làm việc tại đây. Cuộc điều tra của
Observer phát hiện Serbia và Romania đang được các băng nhóm sử dụng như cửa
ngõ mới vận chuyển người lao động trái phép vào châu Âu và cả Anh.
Anh cũng chính là nơi 39 di dân Việt Nam được
phát hiện chết trong một thùng xe tải đông lạnh ở ngoại ô London khi trên đường
nhập cư chui vào nước này để làm việc hồi tháng 10/2019.
Một vụ việc khác thu hút báo chí quốc tế và cả
LHQ gần đây là một thiếu nữ Việt Nam, khi được tuyển dụng mới 15 tuổi, đã bị
gia đình chủ lao động ở Ả-rập Xê-út bạo hành thân thể và tử vong trước khi được
đưa về Việt Nam trong khi gia đình cô cũng không thể nhận được thi thể của con
gái mình.
Ngày càng có nhiều lao động Việt Nam tìm kiếm
việc làm ở nước ngoài để giúp đỡ tài chính ở quê nhà dù phải trả những khoản
phí môi giới khổng lồ và dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn người, lao động cưỡng
bức hoặc bị lạm dụng hay ngược đãi tại nơi làm việc.
Công ty Linglong phủ nhận trách nhiệm đối với
người lao động Việt Nam và đỗ lỗi cho các nhà thầu phụ và hãng tuyển dụng tại
Việt Nam, theo AP. Công ty Trung Quốc cũng phủ nhận việc công nhân Việt Nam “sống
trong điều kiện tồi tệ” và cho biết “lương hàng tháng của công nhân được trả
tương ứng với số giờ làm việc.”
Vẫn theo AP, Thủ tướng Serbia Ana Brnabic nói
rằng bà “không loại trừ khả năng rằng có cuộc tấn công nhắm vào nhà máy
Linglong” được tổ chức bởi “những người chống lại các khoản đầu tư của Trung Quốc”
ở Serbia. Còn Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết một thanh tra lao động
người Serbia đã được cử đến công trường xây dựng Linglong, dự án hình thành sau
cuộc gặp giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2018, nhưng đã
nói trắng luôn ra kết quả khả dĩ của cuộc điều tra. Các quan chức của Serbia
cũng nhanh chóng hạ thấp trách nhiệm của Trung Quốc đối với tình trạng của công
nhân Việt Nam.
LHQ hôm 21/1 cũng kêu gọi chính phủ Serbia và
Trung Quốc hành động để bảo vệ quyền của công nhân Việt Nam đang tham gia xây dựng
nhà máy trị giá 900 triệu USD, được xem là khoản đầu tư lớn nhất của Trung Quốc
tại châu Âu.
Người phát ngôn BNG ở Hà Nội hôm 27/1 cho biết
rằng Việt Nam “sẵn sàng hợp tác với các bên liên quan để tăng cường phối hợp
trong việc bảo vệ quyền của người lao động và kịp thời giải quyết các vấn đề
liên quan phát sinh.”
No comments:
Post a Comment