Friday, January 28, 2022

KHI CÁC PHE ĐỐI THỦ CÀNG MẠNH, ÔNG TẬP TÌM SỰ HỖ TRỢ TỪ QUÂN ĐỘI (Willy Wo-Lap Lam - The Jamestown Foundation)

 



Khi các phe đối thủ càng mạnh, ông Tập tìm sự hỗ trợ từ quân đội

The Jamestown Foundation

Tác giả: Willy Wo-Lap Lam

Lê Minh Nguyên dịch

28/01/2022

https://baotiengdan.com/2022/01/28/khi-cac-phe-doi-thu-cang-manh-ong-tap-tim-su-ho-tro-tu-quan-doi/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/01/0-17-696x512.jpg

Ông Tập và các thành viên khác trong Quân ủy Trung ương chào các sĩ quan quân đội tại Đại học Quốc phòng PLA hồi tháng 11/2019. Nguồn: PRC MND.

 

Sự tranh chấp và ấu đả giữa các bên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với 95 triệu đảng viên đã trở nên rõ ràng đến mức các cơ quan tuyên truyền của đảng, thường cẩn trọng, thì bây giờ không còn e ngại khi loan tin bẩn thỉu ở nơi công cộng. Một bài báo trên tờ báo chính thống Giám sát và Kỷ luật của Trung Quốc có tựa đề “Đảng đã trở nên mạnh mẽ hơn thông qua huấn luyện cách mạng”, thẳng thừng bày tỏ mức độ đối kháng cao giữa các phe phái khác nhau trong ĐCSTQ. 

 

Tạp chí này cho biết: “Có những cán bộ tự cho mình là đúng… những người công khai bày tỏ quan điểm trái ngược với dangzhongyan [cơ quan trung ương đảng]”. Tạp chí sử dụng thuật ngữ dangzhongyan đồng nghĩa với Chủ tịch Tập Cận Bình, cho biết “Một số cán bộ từ chối tuân theo mệnh lệnh”. “Họ phủ nhận và bóp méo các quyết định và chính sách của dangzhongyang… Những người khác thậm chí còn nuôi dưỡng tham vọng tàn tệ và hành động trái ngược với dangzhongyang một cách công khai hoặc lén lút”.

 

Trong vài tháng qua, các phương tiện truyền thông chính thức khác đã chê bai những quan chức là không trung thành và “hai mặt”, và thậm chí còn ám chỉ đến các nhóm đang công khai phá hoại quyền lực của ông Tập.

 

Tình trạng hỗn loạn phe nhóm

 

Bất chấp quyết tâm lặp đi lặp lại của ông Tập nhằm “cải thiện hệ thống quản trị” và thúc đẩy “nền dân chủ trong nội bộ đảng”, có nhiều dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo tối cao có dính líu cá nhân đến việc chỉ trích và đâm sau lưng các chiến binh ĐCSTQ. Các phe phái cạnh tranh bao gồm phe Thượng Hải do cựu chủ tịch Giang Trạch Dân và cựu phó chủ tịch Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong) lãnh đạo; Đảng đoàn Thanh niên Cộng sản do cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào lãnh đạo; và các chi nhánh khác (con của những người sáng lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), những người này không đánh giá cao ông Tập – và phản đối việc ông muốn ở lại một hoặc hai nhiệm kỳ tại Đại hội Đảng lần thứ 20, dự kiến ​​diễn ra vào mùa thu này.

 

Trong các cuộc ẩu đả với nhau, Tập và kẻ thù của ông ta sử dụng cùng một vũ khí – “quân bài chống tham nhũng”. Kết quả là, các cán bộ thường bị trừng phạt vì hối mại quyền thế và thiếu trách nhiệm, mà chủ ý thực sự là vì liên kết bè phái đối nghịch. Trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên, ông Tập chủ yếu dựa vào Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), do người thân tín của ông lúc đó là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị (PBSC) và đồng sự Vương Kỳ Sơn đứng đầu, để loại bỏ hoặc kiềm chế các thành viên của phe phái đối địch, bằng cách kết buộc tội phạm kinh tế và các hoạt động bất hợp pháp khác. Tuy nhiên, có thể do sự ghen tị của ông Tập đối với ảnh hưởng của ông Vương quá lớn, hai người bạn thân ngày xưa đã bỏ chơi với nhau ngay sau khi ông Vương từ chức PBSC vào năm 2017, và ông được trao cho chức vụ vô quyền là Phó Chủ tịch nước.

 

Tuy nhiên, người đứng đầu CCDI hiện tại, Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), lại gần gũi hơn với phe Thượng Hải và những người cao tuổi chống lại ông Tập như Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng. Đầu tháng này, ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), thành viên PBSC và Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc (NPC), người trở thành bạn thân tín của ông Tập vào đầu thập niên 1980, đã biến mất khỏi các phương tiện truyền thông chính thức trong hai tuần. Hóa ra, cựu phó bí thư Quý Châu, ông Vương Phú Ngọc (Wang Fuyu), phụ tá quan trọng của ông Lật khi ông Lật làm bí thư Quý Châu từ năm 2010 đến 2012, đã bị CCDI bắt giam và tuyên án tù chung thân vì bỏ túi riêng những khoản lợi bất chính hơn 400 triệu nhân dân tệ (tương đương 63 triệu đôla). Không có bằng chứng nào chỉ ra rằng ông Lật có liên quan đến các hành vi tham nhũng của ông Vương, nhưng sự bê bối của ông Vuơng đã trở thành một nỗi xấu hổ lớn đối với Chủ tịch Tập, do mối quan hệ thân thiết của ông với ông Lật.

 

Các thành viên khác của phe Tập Cận Bình – chủ yếu bao gồm các cộng sự viên và thuộc hạ của ông Tập trong thời kỳ mà ông Tập (68 tuổi) phục vụ ở các tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang từ năm 1985 đến năm 2007 – họ cũng đang bị lâm nguy. Ví dụ đáng chú ý nhất là cựu bí thư thành ủy Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang, ông Chu Giang Dũng (Zhou Jiangyong), người đã bị điều tra vào tháng 8 năm ngoái. Là người gốc ở tỉnh ven biển và là cận thần của ông Tập, ông Chu (sinh năm 1967) đã trở thành bí thư của thành phố Ôn Châu phồn thịnh vào năm 2017. Một năm sau, ông được thăng chức làm Bí thư Thành ủy Hàng Châu và trở thành thành viên của Ban Thường vụ Thành ủy Chiết Giang. Ông Tập, người từng là quan chức hàng đầu ở Chiết Giang từ năm 2002 đến năm 2007, nổi tiếng là người theo dõi những ngôi sao đang lên từ tỉnh mà ông đã tạo nên tên tuổi. Ngoài việc nhận hối lộ khổng lồ, ông Chu còn bị điều tra về tội “thông đồng” với một số doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh.

 

Một người bạn thân bị mất uy tín khác của ông Tập ở Chiết Giang là ông Từ Lập Nghị (Xu Liyi), người đã bị phạt vì xử lý kém trong trận lũ lụt nghiêm trọng ở Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, vào tháng 8 năm ngoái 2021. Ông Từ bị khiển trách vì không có đủ các biện pháp chuẩn bị và ứng phó với thảm họa, dẫn đến cái chết và mất tích của khoảng 390 người. Hình phạt vẫn chưa được công bố, nhưng có vẻ như sự nghiệp của ông Từ (sinh năm 1964) đã bị giáng một đòn trực diện. Ông Từ dành phần lớn sự nghiệp của mình ở tỉnh Chiết Giang, và giống như ông Chu Giang Dũng, giữ các vị trí hàng đầu ở Ôn Châu và Hàng Châu.

 

Thanh trừng có định hướng

 

Cuộc đấu tranh quyền lực gay gắt nhất của ông Tập với các đối thủ của ông được chứng minh bằng cuộc thanh trừng toàn tập bộ máy chính trị pháp lý (Zhengfa), do Ủy ban Chính trị-Pháp luật Trung ương (CPLC hoặc zhengfa wei) đứng đầu. CPLC là một ủy ban hoạch định chính sách ở cấp cao nhất của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, kiểm soát Bộ Công an (MPS), Bộ An ninh Nhà nước (thường được gọi là KGB của Trung Quốc), Cảnh sát Vũ trang Nhân dân (PAP), viện kiểm sát và tòa án.

 

Trong tháng này, một loạt các bộ phim truyền hình giáo dục trên CCTV đã phơi bày hành vi hối lộ và hành vi sai trái khác của một loạt sĩ quan cấp cao của Chính Pháp, bao gồm các cựu thứ trưởng MPS, ông Tôn Lực Quân (Sun Lijun) và ông Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua), cũng như cảnh sát trưởng tỉnh và thành phố Giang Tô, Trùng Khánh, Thượng Hải và Sơn Tây: ông Vương Lập Khoa (Wang Like), Đặng Khôi Lâm (Deng Huilin), Cung Đạo An (Gong Dao’an) và Lưu Tân Vân (Liu Xinyun). Hai hãng truyền thông bán chính thức thậm chí còn suy đoán rằng các ông Tôn, Vương, Đặng và những người thân cận của họ đã tham gia vào một nỗ lực không thành nhằm “gây thiệt hại” cho ông Tập khi ông này đang đi công tác tỉnh.

 

Trên mặt nổi, ông Tập dường như đã giành được chiến thắng vào đầu tháng giêng này khi bổ nhiệm thuộc hạ lâu năm của mình, cựu cảnh sát Phúc Kiến, ông Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong) làm Bí thư Đảng ủy, kiêm Thứ trưởng Hành pháp của MPS. Tuy nhiên, Bộ trưởng MPS vẫn là ông Triệu Khắc Chí (Zhao Kezhi), người hầu như không được ông Tập yêu thích. Hơn nữa, một số quan chức cấp trung và cấp cao trong bộ máy Chính Pháp cũng vẫn trung thành với Bộ trưởng Triệu, bao gồm Bí thư CPLC và ủy viên Bộ Chính trị, ông Quách Thanh Côn (Guo Shengkun), cũng như người tiền nhiệm của ông Quách là ông Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu). Các ông Triệu, Quách và Mạnh được coi là những thành viên quan trọng của Phe Thượng Hải và có quan hệ với các lãnh đạo cao nhất của phe này như Tăng Khánh Hồng. Tại cuộc họp quốc gia ngày 15/1 về các vấn đề Chính Pháp, chỉ có 4 trong số 10 cán bộ hàng đầu của CPLC có mặt, đó là dấu hiệu rõ ràng về sự thiếu tôn trọng giữa các quan chức cao cấp Trung Quốc, và cho thấy rằng việc nắm bộ máy chính trị-pháp lý của ông Tập là kém an toàn.

 

Quân đội của Tập?

 

Đồng thời với việc nhắm vào các đối thủ của mình trong đảng và nhà nước, ông Tập, người cũng là Chủ tịch Quân ủy Trung ương (QUTƯ) và tổng tư lệnh quân đội, đã tìm cách củng cố quyền kiểm soát của mình với những tuớng lãnh cấp cao nhất, bằng cách thăng cấp đại tướng 7 trung tướng quân đội PLA và một sĩ quan Cảnh sát Vũ trang Nhân dân PAP, được xếp lên ngang hàng cấp tướng, trong tháng giêng này. Các sĩ quan được thăng cấp tướng là Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu phía Bắc Liu Qingsong, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân khu Trung ương (CTC) Wu Ya’nan, Chính ủy CTC Xu Deqing, Chính ủy Lục quân Qin Shutong, Chính ủy Hải quân Yuan Huazhi, Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Li Yuchao, và Chính ủy PAP Trương Hồng Binh (Zhang Hongbing). Việc thăng cấp các sĩ quan là cách truyền thống để tổng tư lệnh có được lòng trung thành của các ngôi sao đang lên trong bộ quốc phòng. Ông Tập đã phá kỷ lục PLA về việc thăng cấp khi thăng 38 sĩ quan lên cấp tướng kể từ năm 2019.

 

Việc ông Tập thăng chức nhanh chóng quá nhiều tướng lĩnh là điều bất thường, ở chỗ nó vi phạm quy ước quân sự lâu đời. Trước đây, Chủ tịch Quân ủy Trung ương thường chỉ chủ trì một đợt thăng cấp tướng cho mỗi năm – và điều này thường xảy ra vào khoảng Ngày quân lực 1/8. Tuy nhiên, vào cuối tháng 1, ông Tập đã tiến hành đợt thăng quân hàm tướng lãnh lần thứ ba trong chỉ chưa đầy nửa năm. Hơn nữa, một quy tắc được tuân thủ rõ ràng là các trung tướng chỉ có thể đủ điều kiện để được thăng quân hàm đại tướng sau khi phục vụ tại vị trí của họ ít nhất 24 tháng. Một vài trong số 7 vị tướng mới được lên lon đã không phải là trung tướng trong hai năm. Hơn nữa, một truyền thống được coi trọng là người đứng đầu chỉ huy quân khu thường phục vụ ít nhất hai năm.

 

Không có lý do nào được đưa ra cho lý do tại sao Trung tướng Lâm Hướng Dương (Lin Xiangyang), người được bổ nhiệm làm Tư lệnh CTC vào tháng 9/2020 đã bị rút khỏi chức vụ đó chỉ sau 16 tháng, trái với quy tắc nhân sự này. Một nhiệm vụ quan trọng của CTC, nơi đã 4 lần thay đổi chỉ huy trong năm qua, là bảo đảm an toàn cho các cơ quan đầu não của đảng và chính quyền ở thủ đô. Bộ Tư lệnh Quân khu Phương Tây (WTC), trông coi Tây Tạng và Tân Cương, cũng đã thay đổi 4 chỉ huy trong 12 tháng qua. Các nhà phân tích về PLA coi những chuyển động tổ chức bất thường này là do những nỗ lực của ông Tập nhằm tăng số lượng các tướng lĩnh cấp đại tướng và chỉ đặt những sĩ quan hoàn toàn trung thành vào các chức vụ chủ chốt.

 

Kết luận

 

Ông Tập, người được cho là đã bắt đầu cải cách các quy ước và thủ tục của đảng kể từ khi lên nắm quyền tại Đại hội Đảng lần thứ 18 vào năm 2012, chủ yếu dựa vào ziwogeming (“tự cách mạng”) hoặc tự cải cách nội bộ đảng thay vì chuyển sang các phương thức tự do hơn như đẩy mạnh quyền giám sát của báo chí và xã hội dân sự để chấn chỉnh những sai sót của đảng và chính quyền.

 

Trong bài phát biểu gần đây tại một hội nghị quốc gia của CCDI, ông Tập đã lặp đi lặp lại câu thần chú ziwogeming nhiều lần. Ông nói rằng trong khi ĐCSTQ tôn trọng ý kiến ​​của quần chúng, thì trong một thế kỷ qua, ĐCSTQ chủ yếu “dựa vào tự cách mạng để nêu cao chân lý và sửa chữa sai lầm”.

 

Ông Tập nói: “Chúng ta dũng cảm xoay con dao vào trong, cắt qua xương để loại bỏ chất độc, nhằm đảm bảo sự trường tồn và không ngừng củng cố của đảng”. Do không có sự kiểm soát và thăng bằng trong các định chế chính trị lớn ở Trung Quốc, cuộc tranh giành quyền lực ở các cấp lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ được cho là sẽ tiếp tục bị nghiêng ngã trong tương lai gần.

 






No comments:

Post a Comment