Saturday, January 29, 2022

CÔNG LÝ BỊ TRÌ HOÃN THÌ CŨNG KHÔNG KHÁC GÌ SỰ BẤT CÔNG (Lê Nguyễn Duy Hậu)

 



Công lý bị trì hoãn thì cũng không khác gì sự bất công  

Lê Nguyễn Duy Hậu

28/01/2022  10:00  

https://www.facebook.com/lenguyenduyhau/posts/10159908676549532

 

Ai quen mình đều biết rằng mình thường không bày tỏ nhiều sự ủng hộ khi một ai đó bị bắt, nhưng lần này mình không thể giấu được cảm xúc “hả hê” khi biết tin này. Trước khi đi nước ngoài vào giữa mùa dịch, mình thường không để ý lắm về các chuyến bay mang danh “giải cứu”.

 

Tuy biết rằng chắc chắn phải có ăn hối lộ trong đó, nhưng chỉ đến khi sang Mỹ và chứng kiến một thị trường sôi nổi suất máy bay “giải cứu”, mình mới thấy mắc nghẹn với các hành động này. Một suất máy bay “giải cứu” lúc đó đều có giá của nó, và thường là trên trời, chỉ để được vào danh sách. Sau đó, người về phải trả thêm các chi phí của hãng bay. Các “chuyến bay giải cứu” vốn dĩ mang màu sắc nhân đạo, “ngạo nghễ Việt Nam” lúc đầu, dần trở thành những cơ hội cho nhiều cán bộ làm ăn, buôn bán, nhiều lúc công khai.

 

Không phủ nhận, chuyến bay góp phần đưa rất nhiều trường hợp khó khăn về nước, và sự tận tuỵ của lực lượng bộ đội cách ly người về cũng đã làm nguôi ngoai phần nào cho các công dân trở về, nhưng cũng có vô số trường hợp bị bỏ lại phía sau, nhường chỗ cho những người có quen biết hơn, giàu có hơn, và chưa chắc cần thiết hơn. Kết quả là một số lượng suất bay đã rơi vào tay người có tiền, người có quan hệ, nhóm đặc quyền, đặc lợi. Con voi ở trong phòng, người ta tố cáo trên các trang mạng nhưng đâu vẫn hoàn ấy. Lâu dần nó thành luật bất thành văn. Sự độc quyền giữa mùa dịch khiến người ta chấp nhận đó như là cái giá để về nhà.

 

Hậu quả? Mình từng cố gắng giúp một người bạn của mình kẹt ở Philippines hơn 1 năm. Bạn này đăng ký chuyến bay giải cứu không dưới 10 lần. Chuyến du học ngắn ngày thành một cuộc “lưu vong” hơn năm trời. Kết quả là mình không giúp được, và bạn phải vay số tiền lớn để trả cho một công ty nọ đảm bảo một suất trên chuyến bay giải cứu. Một tuần sau khi thanh toán, bạn có tên trong danh sách được “giải cứu”. Sự trùng hợp khiến bạn chua chát thốt lên rằng “hoá ra giải cứu là như thế”.

 

Hai người bạn khác của mình không còn đợi được nữa sau khi hết hạn visa gần 1 năm, quyết định làm một hành trình sang nước bạn Campuchia (nơi cũng bán suất bay vào), chấp nhận cách ly 14 ngày ở Campuchia (trong khách sạn), sau đó đi đường bộ về biên giới Tây Ninh và chịu thêm 14 ngày cách ly tập trung, trong các doanh trại quân đội. Một người khác suốt 18 tháng không có tên trong danh sách “giải cứu”, quyết định lập nghiệp ở nước ngoài. Một trường hợp khác visa hết hạn, nhiều lần gửi email, 9 tháng chờ đợi, không may nhiễm bệnh khi chưa được lên máy bay và qua đời. Cung thì ít, cầu thì nhiều, và hệ thống giám sát có vẻ không có, nên kết quả là bán suất, bán quan hệ, ăn chia trên thân phận của nhiều đồng bào. Kẻ làm sai thì không chịu trách nhiệm. Thị trường chợ đen được bình thường hoá. Người bị bắt ngày hôm nay mới ba ngày trước còn tươi cười nhận bằng khen cho cống hiến của mình.

 

Mình tin rằng vụ bắt bớ này sẽ chỉ là bắt đầu cho một cuộc bố ráp khác, và không ít người đã trải qua gần 18 tháng ở nước ngoài mà việc mình có được về hay không do một hệ thống đầy mơ hồ quyết định rất hài lòng. Trên VnExpress, có người đã hoan hô bộ công an vì đã vào cuộc. Nhưng có ai nghĩ, tại sao cho đến bây giờ, khi mọi thứ đã dần trở lại bình thường, đường bay quốc tế đã mở lại, vụ việc mới được phanh phui? Rồi khi các cán bộ này vào tù, số tiền họ hưởng lợi sẽ đi đâu? Theo quy định, rất có thể nó sẽ vào ngân sách nhà nước. Vậy rốt cuộc, ở một khía cạnh nào đó, việc truy tố cũng góp phần hợp thức hoá sự vi phạm.

 

Những người bị bỏ lại vì không đủ tiền, không đủ quan hệ: ai đền bù cho họ thời gian bị mất, các cơ hội việc làm, những phút cuối không ở bên cạnh người thân, hay thậm chí là sức khoẻ, tính mạng? Không ai cả. Vào tù là hết. Vì vậy, bên cạnh việc ca ngợi việc phanh phui vụ việc, chúng ta cần phải hiểu rằng công lý hoá ra chưa bao giờ được thực thi trọn vẹn, vì công lý bị trì hoãn thì cũng không khác gì sự bất công. Và giá như tại thời điểm cao trào của dịch, có ai đó thực sự nghiêm túc chấn chỉnh các vụ việc như vậy, để việc về nhà được công bằng hơn, thì có thể công an sẽ không lập được chiến công bắt một cán bộ tham nhũng, nhưng sẽ có nhiều người thực sự xứng đáng về đã không bị bỏ lại phía sau.

 

.

42 BÌNH LUẬN  





No comments:

Post a Comment