Sunday, January 30, 2022

CĂN CỨ QUÂN SỰ CỦA TRUNG QUỐC và BIỂN ĐÔNG : THÁCH THỨC MỐI QUAN HỆ VIỆT NAM - CAMPHUCHIA (Trường Sơn, RFA)

 



 

Căn cứ quân sự của Trung Quốc và Biển Đông: Thách thức mối quan hệ Việt Nam - Campuchia

Trường Sơn, RFA
2022.01.28

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/china-military-bases-and-scs-challenges-in-vn-cambodia-relations-in-2022-01282022112418.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/china-military-bases-and-scs-challenges-in-vn-cambodia-relations-in-2022-01282022112418.html/@@images/5cbf2668-1cd3-4179-b06a-0424dfb76e40.jpeg

Hình chụp do Truyền hình Quốc gia Campuchia công bố hôm 21/12/2021: Chủ tịch VN Nguyễn Xuân Phúc bắt tay Thủ tướng Campuchia Hun Sen ở Phnom Penh. AFP

 

Sau mười năm, ghế chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lại quay vòng trở về với Campuchia trong năm 2022. Tuy nhiên lần này bối cảnh tình hình khu vực có nhiều thay đổi, khi tranh chấp Biển Đông và sự đối đầu Mỹ-Trung đã trở nên gay cấn hơn rất nhiều.

 

Ở lần giữ ghế chủ tịch khối ASEAN trước đó, Campuchia đã tạo ra ấn tượng tiêu cực từ việc ngăn chặn ASEAN ra tuyên bố chung, mà theo nhiều chuyên gia là vì sợ làm mất lòng Trung Quốc.

 

Vì vậy, với dự báo năm 2022 này sẽ là một năm thách thức đối với mối quan hệ Trung Quốc -ASEAN, Campuchia một lần nữa ở vào trung tâm của sự chú ý từ không chỉ các nước trong khu vực, mà còn từ các nước lớn bên ngoài như Hoa Kỳ.

 

Đối với Việt Nam, quan hệ với nước láng giềng phía tây nam trong năm 2022 không chỉ dừng lại ở vai trò của Campuchia là chủ tịch ASEAN, và ảnh hưởng của nó đối với quá trình đàm phán với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông; mà một vấn đề cũng hết sức hệ trọng khác có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Việt Nam: đó là các động thái quân sự của Trung Quốc ở sát biên giới Việt Nam bên phía Campuchia. 

 

Biển Đông tiếp tục dậy sóng

 

Các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông được các chuyên gia cho rằng sẽ tiếp tục trở nên căng thẳng trong năm 2022, khi Trung Quốc được cho là sẽ ngày càng trở nên hung hăng.

Bình luận về vấn đề này, Thạc sĩ Hoàng Việt - chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, cho hay:

 

Cái vấn đề Biển Đông trong năm 2022 báo hiệu sự căng thẳng. Tại sao? Vì Trung Quốc năm 2022 này sẽ có đại hội đảng thứ 20. Mặc dù bây giờ ông Tập Cận Bình vẫn là người lãnh đạo cao nhất và nắm quyền lực rất mạnh ở Trung Quốc, nhưng không có nghĩa là ông ta không có những lực lượng chống lại ông ta, thứ hai là ngay cả những vấn đề bất ổn, âm ỉ trong lòng Trung Quốc vẫn có.

Và Trung Quốc là hay sử dụng cái cách là chuyển lửa ra bên ngoài, tức là sử dụng cái vấn đề bên ngoài để mà đẩy cái mâu thuẫn nội bộ ra ngoài, và Biển Đông sẽ là vấn đề quan trọng để Trung Quốc đẩy nó ra.”

 

Ngoài yếu tố nội bộ, ông Hoàng Việt còn cho rằng cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực với Hoa Kỳ còn là một tác nhân khác khiến Trung Quốc trở nên hung hăng hơn trong năm nay, ông nói:

 

“Ngay trong năm 2022 này thì ngày 19 tháng 1 Trung Quốc tuyên bố tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông, còn phía Mỹ thì năm 2021 thì có 11 lần FONOPs, tức là tuần tra bảo đảm tự do hàng hải trên Biển Đông, và 13 lần điều động các tàu sân bay và tàu hộ tống vào trong khu vực Biển Đông.

Chưa kể là chúng ta đã thấy những lực lượng khác trong đó có tàu chiến của các quốc gia Châu Âu, rồi các đồng minh khác của Mỹ như là Nhật Bản, Australia, Ấn Độ cùng tham gia tập trận cũng như là tuần tra trên khu vực Biển Đông. Và như vậy thì cho thấy là Biển Đông trở thành nguy cơ rất căng thẳng, và cái nguy cơ chiến tranh luôn luôn cận kề.”

 

Trong năm 2022 này các quốc gia ASEAN và Trung Quốc sẽ tiếp tục cuộc đàm phán xoay quanh việc thành lập Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC). Trước khi nhận chức chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã tuyên bố rằng hy vọng sẽ giúp ASEAN và Trung Quốc hoàn thành việc đàm phán về bộ quy tắc này.

 

Tuy nhiên, Giáo sư Carlyle Thayer từ trường Đại học New South Wales thì cho rằng triển vọng đó là không cao, vì tiến trình đàm phán mới chỉ diễn ra ở giai đoạn mở đầu, chứ chưa đụng tới những vấn đề gai góc, vậy nên một năm là không đủ. Ông nói:

 

Sẽ không có Bộ Quy tắc Ứng xử năm nay. Họ vẫn đang xử lý các vấn đề cơ bản và dễ trước, như phần mở đầu và các mục tiêu chung. Họ thậm chí còn chưa đàm phán đến phần hai, nơi chứa đựng vô vàn đề nghị từ các nước, bản thân Việt Nam cũng có đề nghị riêng ở phần cuối đòi quy định những gì các nước được làm và không được làm. Vậy nên chúng ta phải chờ xem mọi chuyện diễn ra như thế nào.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/china-military-bases-and-scs-challenges-in-vn-cambodia-relations-in-2022-01282022112418.html/2020-05-06t000000z_214169442_rc2xig9thii5_rtrmadp_3_usa-china-missiles.jpg/@@images/ae214525-6fe8-4b60-99ff-3634fdfe9883.jpeg

Chiến hạm HMAS Parramatta của Hải quân Australia và tàu chiến USS America, USS Bunker Hill, USS Barry của Hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông hôm 18/4/2020. Reuters

 

Nguy cơ Trung Quốc đặt căn cứ quân sự sát vách

 

Hôm 21 tháng 1 năm 2022, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố phát hiện tàu hút cát tại căn cứ hải quân Ream của Campuchia. Điều này dấy lên nghi vấn chính quyền Phnom Penh đang cải tạo quân cảng Ream để tàu chiến cỡ lớn có thể hoạt động được.

 

Kể từ khi thông tin Trung Quốc và Campuchia đạt thoả thuận về việc quốc gia Đông Nam Á này cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Ream, nằm sát biên giới với Việt Nam, được công bố với báo chí Hoa Kỳ năm 2019, các hoạt động xây dựng ở cơ sở này đã được phát hiện thường xuyên.

 

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, cho rằng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc sẽ đe dọa đến an ninh của Việt Nam, do vậy đây là vấn đề cần được theo dõi sát sao trong thời gian tới. Ông nói thêm:

 

Cái vấn đề mà chúng ta cần theo dõi trong thời gian tới là sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Campuchia. Nếu như Trung Quốc thực sự có một cái sự hiện diện quân sự ở Campuchia thì nó sẽ tạo ra một cái gọi là game changer, một cái nhân tố mà có thể làm thay đổi cái nhận thức của Việt Nam về Campuchia, cũng như là nhận thức của Việt Nam về quan hệ giữa Campuchia với Trung Quốc.”

 

Ông Hiệp cũng gọi việc hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Campuchia là lằn ranh đỏ, sẽ khiến Việt Nam phải nhìn nhận lại chính sách của mình với nước láng giềng phía nam, và có thể quan hệ hai bên bị tổn hại.

 

Báo chí Việt Nam trong những năm gần đây có được sự tự do đáng kể trong việc đưa tin về các diễn biến liên quan đến vấn đề này.

 

Trong bối cảnh môi trường báo chí tại quốc gia độc đảng này trước nay là rất ngặt nghèo, báo giới không được đề cập đến những vấn đề nhạy cảm trong bang giao giữa Việt Nam và các nước láng giềng, vậy nên theo Giáo sư Carlyle Thayer thì đây là dấu hiệu cho thấy Việt Nam rất quan ngại trước sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở phía nam Việt Nam.

 

Điều đấy cho thấy Việt Nam nhìn nhận vấn đề này một cách rất nghiêm túc, thay vì cho người phát ngôn Bộ Ngoại giao, hay Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nói về vấn đề này, thì họ để cho báo chí lên tiếng.

Điều này phục vụ cho mục đích đàm phán của Việt Nam, vì nước này có thể chơi chữ theo cách mà Trung Quốc vẫn làm. Chúng ta thấy người Trung Quốc vẫn hay viện dẫn một tỉ dân cho các lập luận của họ, thì Việt Nam cũng có thể nói rằng người dân nước mình đang bất bình trước vấn đề này, và đang đòi hỏi thêm thông tin.

Đây là mưu kế nhằm tạo áp lực lên Campuchia.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/china-military-bases-and-scs-challenges-in-vn-cambodia-relations-in-2022-01282022112418.html/000_1j42z0.jpg/@@images/0d249a43-981b-4e81-8d9d-d89e910cce43.jpeg

Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia ở tỉnh Preah Sihanouk hôm 26/7/2019. AFP

 

Việt Nam nên ứng phó thế nào?

 

Trước việc ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng ở Campuchia, Việt Nam đang phải đối diện với thách thức to lớn để đảm bảo lợi ích của mình trong năm mà nước láng giềng làm chủ tịch ASEAN.

 

Về vấn đề Biển Đông, Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng Việt Nam có thể sẽ theo đuổi mục tiêu giữ nguyên hiện trạng, và tránh gây sức ép lên Campuchia, ông nói:

 

Nói chung tôi hiểu rằng chính sách của Việt Nam là thứ nhất là giữ nguyên hiện trạng, thứ hai là ủng hộ tối đa Campuchia và qua đó sẽ kiềm chế được phần nào Campuchia có những tuyên bố, hay hành động gây bất lợi cho cái sự đoàn kết của ASEAN về vấn đề Biển Đông.”

 

Trên thực tế, các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam trong thời gian gần đây đã liên tiếp thực hiện các chuyến thăm đến Campuchia.

 

Hồi cuối tháng 12 năm 2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm cấp nhà nước đến nước này, và sau đó gần một tháng thì đến lượt Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bùi Thanh Sơn, sang thăm Campuchia.

 

Điều này, theo tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, cho thấy Việt Nam coi trọng duy trì và thúc đẩy mối quan hệ với Campuchia để đảm bảo các lợi ích của mình. Nhưng ông Hiệp cũng cho biết sẽ rất khó để Việt Nam có thể cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở Xứ Chùa tháp.

 

Giáo sư Carlyle Thayer thì cho rằng Việt Nam sẽ phải hành động một cách thực dụng đối với vấn đề Trung Quốc đặt căn cứ hải quân ở gần biên giới phía nam, ông nói:

 

Việt Nam sẽ không thực hiện các động thái mang tính trả đũa, vì như vậy sẽ dồn Campuchia vào chân tường, và như thế thì lợi bất cập hại.

Vậy nên Việt Nam sẽ phải làm việc với Campuchia một cách thực dụng, cần phải cho thấy lợi ích của mình năm ở đâu, đặc biệt là giờ các khối như AUKUS và QUAD đã hình thành. Khi đàm phán với các khối này thì Việt Nam rất giỏi ở việc dùng cách như ở trong một chương trình hài có tên Vâng thưa Bộ trưởng, khi người cố vấn luôn luôn biết cách khiến ngài Bộ trưởng làm theo ý mình, thì Việt Nam có thể thuyết phục Hoa Kỳ, Úc, và Nhật Bản rằng các nước đó nên lo lắng về hoạt động của hải quân Trung Quốc ở Campuchia.”

 

----------------------

Tin, bài liên quan

 

Trung Quốc và Mỹ gia tăng tập trận quy mô ở Biển Đông năm 2021

 

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam đang bồi đắp đảo thuộc quần đảo Trường Sa

 

Tư liệu lưu trữ mới tìm thấy có thể gây bất lợi cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa

 

Chuyên gia: Việt Nam nên tiếp tục hoạt động tự do hàng hải, thách thức những tuyên bố của Trung Quốc

 

Chiến hạm các nước liên tục được gửi đến Biển Đông hàm ý gì?





No comments:

Post a Comment