Thursday, January 6, 2022

BÀI PHÁT BIỂU của BỘ TRƯỞNG TƯ PHÁP MERRICK GARLAND nhân KỶ NIỆM MỘT NĂM VỤ TẤN CÔNG ĐIỆN CAPITOL (Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ)

 


Bài phát biểu của Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland nhân kỷ niệm một năm vụ tấn công điện Capitol

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ

Trúc Lam, chuyển ngữ

06/01/2022

https://baotiengdan.com/2022/01/06/bai-phat-bieu-cua-bo-truong-tu-phap-merrick-garland-nhan-ky-niem-mot-nam-vu-tan-cong-dien-capitol/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/01/1-35-696x522.jpg

Bộ trưởng Tư Pháp Merrick Garland. Photo Courtesy

 

Chào các bạn. Rất vui khi được gặp một số bạn ở đây tại Great Hall và có thể kết nối với tất cả các bạn qua mạng hôm nay.

 

Trong ngày đầu tiên của tôi, với tư cách là Bộ trưởng Tư pháp, tôi đã nói chuyện với tất cả các bạn – hơn 115.000 nhân viên của Bộ Tư pháp – lần đầu tiên. Hôm nay, tôi đưa tất cả chúng ta đến với nhau một lần nữa, vì hai lý do.

 

Đầu tiên và quan trọng nhất là để cảm ơn các bạn. Cảm ơn các bạn về công việc mà các bạn đã thực hiện, không chỉ trong 10 tháng qua mà trong nhiều năm qua. Công việc các bạn đã làm khi đối mặt với những thách thức chưa từng có, từ một đại dịch chết người chưa từng có, đến một cuộc tấn công chưa từng có vào nền dân chủ của chúng ta.

 

Xin cảm ơn sự phục vụ của các bạn, sự hy sinh và cống hiến của các bạn. Tôi rất vinh dự được phục vụ cùng với các bạn.

 

Và thứ hai là, khi chúng ta bắt đầu một năm mới, cũng là lúc chúng ta chuẩn bị đánh dấu một ngày kỷ niệm quan trọng vào ngày mai, đó là thời điểm thích hợp để tái khẳng định rằng, chúng ta tại Bộ Tư pháp sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình, để bảo vệ người dân Mỹ và nền dân chủ Mỹ.

 

Chúng ta sẽ bảo vệ các định chế dân chủ của mình không bị tấn công.

 

Chúng ta sẽ bảo vệ những người phục vụ công chúng khỏi bạo lực và các mối đe dọa bạo lực.

 

Chúng ta sẽ bảo vệ nền tảng dân chủ của chúng ta: Quyền mọi công dân đủ điều kiện bỏ phiếu, những lá phiếu của họ đều được tính.

 

Và chúng ta sẽ thực hiện tất cả những điều này theo phương pháp tuân theo pháp quyền và hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ dân quyền và quyền tự do dân sự của mọi người dân trên đất nước này.

 

Ngày mai sẽ đánh dấu kỷ niệm đầu tiên, ngày 6 tháng 1 năm 2021, ngày mà điện Capitol của Hoa Kỳ bị tấn công trong khi các nhà lập pháp họp để xác nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống.

 

Vào đầu giờ chiều ngày 6 tháng 1, khi lưỡng viện Hoa Kỳ đang họp để xác nhận việc kiểm phiếu của Cử Tri Đoàn, một đám đông rất lớn đã tập trung bên ngoài tòa nhà Capitol.

Ngay sau 2 giờ chiều, những người trong đám đông bắt đầu tràn vào điện Capitol, bằng cách đập vỡ cửa sổ và tấn công cảnh sát Quốc hội Hoa Kỳ, những người đang có mặt ở đó để bảo vệ các dân biểu, nghị sĩ Quốc hội khi họ tham gia một trong những thủ tục long trọng nhất của nền dân chủ của chúng ta. Những người khác trong đám đông đã khuyến khích và hỗ trợ những kẻ tấn công cảnh sát.

 

Trong vài giờ, những kẻ tấn công đông hơn cảnh sát, các viên chức cảnh sát đã phải chịu một loạt các cuộc tấn công bạo lực, lặp đi lặp lại. Khoảng 80 người thuộc Cảnh sát Quốc hội và 60 Cảnh sát Washington D.C. đã bị hành hung.

 

Như hồ sơ tòa án của chúng ta và hàng ngàn video đăng tải công khai cho thấy sự thật về sự kiện này:

 

– Những kẻ phạm pháp đã đấm vào hàng chục viên cảnh sát, khiến một số viên cảnh sát bất tỉnh.

 

– Một số thủ phạm đã truy cản và kéo lê các viên chức cảnh sát. Trong số rất nhiều ví dụ về bạo lực như vậy, gồm: Một viên cảnh sát đã bị đè chặt trong một cánh cửa. Một viên cảnh sát khác bị kéo xuống cầu thang, mặt úp xuống, liên tục bị đánh và bị bắn bằng súng điện, bị trụy tim.

 

– Một số thủ phạm đã tấn công các viên cảnh sát bằng các chất hóa học, làm hư mắt và da của họ.

 

– Và một số viên cảnh sát đã bị tấn công bằng ống tuýp, cây cọc, và các loại vũ khí nguy hiểm hoặc chết người khác.

 

– Các thủ phạm cũng nhắm mục tiêu, tấn công, truy sát và quấy rối các nhà báo và phá hủy các thiết bị của họ.

 

Với số lượng các cá nhân xâm phạm điện Capitol ngày càng gia tăng, các thành viên lưỡng viện – gồm cả Chủ tịch Thượng viện, Phó Tổng thống Mike Pence – đã phải sơ tán.

 

Hậu quả là, các buổi họp tại lưỡng viện đã bị gián đoạn trong nhiều giờ đồng hồ, gây ảnh hưởng đến yếu tố căn bản của nền dân chủ Mỹ, trong sự chuyển giao quyền lực từ nội các này sang nội các kế nhiệm một cách ôn hòa.

 

Những kẻ liên quan phải chịu trách nhiệm và không có ưu tiên nào cao hơn đối với chúng tôi trong việc này tại Bộ Tư pháp.

 

Không hề cường điệu hóa khi nói về những hành động anh hùng của các viên cảnh sát bảo vệ Quốc hội, Sở Cảnh sát Washington D.C, và các viên cảnh sát khác đã bảo vệ điện Capitol hôm đó. Họ đã chứng minh cho tất cả chúng ta, và cho đất nước chúng ta, rằng lòng dũng cảm thật sự như thế nào.

 

Quyết tâm của họ, sự hy sinh và lòng dũng cảm của họ đã bảo vệ hàng ngàn người làm việc bên trong điện Capitol ngày hôm đó.

 

Năm viên cảnh sát đã hành động quên mình trước cuộc tấn công vào ngày 6 tháng 1 đã mất mạng. Tôi xin mọi người hãy cùng tôi dành một phút mặc niệm, để ghi nhận sự phục vụ và sự hy sinh của những người này:

 

Viên cảnh sát Brian Sicknick.

Viên cảnh sát Howard Liebengood.

Viên cảnh sát Jeffrey Smith.

Viên cảnh sát Gunther Hashida.

Và viên cảnh sát Kyle DeFreytag.

 

Tôi thay mặt cho tất cả chúng ta để nói rằng, ngày mai và trong công việc của chúng ta trong những ngày sắp tới, chúng ta sẽ không chỉ nhớ đến họ – chúng ta sẽ làm tất cả mọi thứ để có thể để tôn vinh họ.

 

Sau vụ tấn công, Bộ Tư Pháp đã khởi sự nhiệm vụ của mình cho một trong những cuộc điều tra lớn nhất, phức tạp nhất và tiêu tốn nhiều nhân lực nhất trong lịch sử chúng ta.

 

Chỉ có một số nhỏ thủ phạm bị bắt trong vụ hỗn loạn ngày 6 tháng 1. Kể từ đó, hàng ngày chúng tôi đã làm việc để xác định, điều tra và bắt giữ các bị can trên khắp đất nước. Và chúng tôi đã làm như vậy với tốc độ và quy mô kỷ lục – trong lúc đại dịch diễn ra khi một số đại bồi thẩm đoàn và phòng xử án không thể hoạt động.

 

Được dẫn dắt bởi Văn phòng Biện lý Hoa Kỳ của DC và Văn phòng Hiện trường Washington của FBI, toàn bộ nhân viên Bộ Tư pháp – ở hầu hết tất cả 56 Văn phòng Hiện trường, hầu như tất cả 94 Văn phòng Biện lý Hoa Kỳ, và trong nhiều thành phần của Main Justice (người dịch: Bộ Tư pháp) – đã làm việc không ngừng nghỉ để điều tra vụ tấn công. Khoảng 70 biện lý từ DC và 70 biện lý khác từ các Văn phòng Biện lý Hoa Kỳ và các bộ phận của Bộ Tư pháp đã tham gia vào cuộc điều tra này.

 

Cho đến nay, chúng tôi đã ban hành hơn 5.000 trát tòa và lệnh khám xét, thu giữ khoảng 2.000 thiết bị, xem hơn 20.000 giờ video và lục xét, ước tính khoảng 15 terabyte dữ liệu.

 

Chúng tôi đã nhận được hơn 300.000 nguồn tin từ những công dân bình thường, những người đã và đang là những cộng sự không thể thiếu của chúng tôi trong nỗ lực này. Trang mạng của FBI tiếp tục đăng ảnh của những kẻ liên quan đến sự kiện ngày 6 tháng 1 và chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm kiếm sự giúp đỡ của công chúng trong việc xác định những cá nhân đó.

 

Tính đến nay, chúng tôi đã bắt giữ và buộc tội hơn 725 bị can liên quan đến vụ tấn công tại hầu hết 50 tiểu bang và DC, bởi vai trò của họ trong vụ tấn công ngày 6 tháng 1.

 

Khi buộc tội các thủ phạm, chúng tôi đã tuân theo các nguyên tắc tố tụng từ xưa nay:

 

Những ai hành hung cảnh sát hay gây thiệt hại cho điện Capitol phải đối mặt với tội danh nặng hơn.

 

Những kẻ âm mưu với người khác để cản trở việc đếm phiếu cũng phải đối mặt với tội danh lớn hơn.

 

Những ai không thực hiện các hành vi đó sẽ bị buộc tội nhẹ hơn, đặc biệt nếu như họ sớm nhận trách nhiệm và hợp tác với cơ quan điều tra.

 

Trong những tháng đầu của cuộc điều tra, có khoảng 145 bị can phạm tội nhẹ đã nhận tội, hầu hết các bị can không gây thương tích hoặc thiệt hại. Những lời nhận tội này phản ánh sự thật của những vụ án đó và trách nhiệm của bị can. Và chúng giúp bảo tồn cả nguồn lực tư pháp và công tố, để sự chú ý có thể tập trung đúng mức vào những thủ phạm nghiêm trọng hơn.

 

Trong các vụ án phức tạp, các tội danh ban đầu thường ít nặng hơn các tội danh bị buộc tội sau này. Điều này có mục đích, vì các nhân viên điều tra cần thu thập và sàng lọc thêm các bằng chứng một cách có phương pháp.

 

Tuy nhiên, cho đến nay chúng tôi đã buộc tội hơn 325 bị can phạm trọng tội, nhiều người [phạm trọng tội] vì hành hung các viên cảnh sát và nhiều người phạm tội vì cản trở hoặc tìm cách cản trở các nghị sự chính thức. Hai mươi bị can bị buộc trọng tội, cũng đã nhận tội.

Khoảng 40 bị can đã bị buộc tội âm mưu cản trở hoạt động nghị sự của Quốc hội và/ hoặc cản trở việc thực thi pháp luật. Trong những tháng tới, 17 bị can đã được lên lịch xét xử do vai trò của họ trong các âm mưu phạm trọng tội.

 

Việc truy tố theo hướng buộc các tội danh ít nghiêm trọng với các bản án nhẹ, trước khi đưa ra các bản án nặng hơn.

 

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây khi các thẩm phán tuyên án các bị can đầu tiên, những người bị kết tội hành hung và liên quan đến hành vi bạo lực đối với các viên cảnh sát, chúng tôi thấy những bản án quan trọng phản ánh mức độ nghiêm trọng của những hành vi phạm các tội đó, cả về thương tích lẫn nguy cơ nghiêm trọng mà họ gây ra cho các thể chế dân chủ của chúng ta.

 

Những hành động chúng tôi đã thực hiện, cho đến nay, không phải là hành động cuối cùng của chúng tôi.

 

Bộ Tư pháp giữ cam kết sẽ đưa tất cả các thủ phạm ngày 6 tháng 1, ở bất kỳ chức vụ nào, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, cho dù họ có mặt ngày hôm đó hay mang trách nhiệm hình sự về âm mưu tấn công vào nền dân chủ của chúng ta. Chúng tôi sẽ truy theo các bằng chứng, bất cứ nơi nào bằng chứng dẫn tới.

 

Do cuộc tấn công ngày 6 tháng 1 là một cuộc tấn công chưa từng có vào nền dân chủ của chúng ta, chúng tôi hiểu rằng công chúng đang rất quan tâm đến cuộc điều tra của chúng tôi, muốn biết các cuộc điều tra sẽ kéo dài trong bao lâu và chính xác chúng tôi đang làm gì.

 

Câu trả lời của chúng tôi và là câu trả lời mà chúng tôi sẽ đưa ra đối với bất cứ cuộc điều tra nào khác đang diễn ra là, bất kể bao lâu và bất kể điều gì cần thiết, cho đến khi công lý được thực thi, phù hợp với sự thật và luật pháp.

 

Tôi hiểu rằng có thể đây không phải là câu trả lời mà một số người đang tìm kiếm. Nhưng chúng tôi sẽ và chúng tôi phải nói thông qua việc làm của mình. Bất kỳ điều gì ngược lại sẽ huỷ hoại khả năng tiếp diễn các cuộc điều tra của chúng tôi và quyền tự do dân sự của các công dân chúng ta.

 

Mọi người trong căn phòng này và trên các màn hình này đều quen thuộc với cách chúng tôi tiến hành điều tra và các cuộc điều tra đặc biệt phức tạp.

 

Chúng tôi xây dựng các cuộc điều tra bằng cách đặt ra nền móng. Chúng tôi giải quyết các trường hợp đơn giản trước vì chúng cung cấp cơ sở chứng cứ cho các trường hợp phức tạp hơn.

 

Điều tra những tội phạm công khai tạo ra đầu mối dẫn đến những tội phạm không công khai. Những kẻ phạm tội rõ ràng và bằng chứng do họ cung cấp có thể dẫn chúng ta đến những kẻ khác có thể đã can dự. Bằng chứng đó có thể đóng vai trò căn bản để dẫn đến các kỹ thuật và hướng điều tra sâu rộng hơn.

 

Trong trường hợp như ngày 6 tháng 1, một sự giải thích đầy đủ không đột nhiên thành hiện thực. Để bảo đảm rằng tất cả những người chịu trách nhiệm hình sự đều phải bị truy tố, chúng tôi phải thu thập bằng chứng.

 

Chúng tôi đi theo các bằng chứng vật thể. Chúng tôi đi theo các bằng chứng điện tử. Chúng tôi điều tra theo đường đi của đồng tiền. Nhưng quan trọng nhất, chúng tôi tuân theo các dữ liệu, không phải theo chương trình nghị sự hay giả định. Các dữ kiện cho chúng tôi biết bước kế tiếp sẽ đi đâu.

 

Hơn 40 năm trước, sau vụ bê bối Watergate, Bộ Tư pháp kết luận rằng, cách tốt nhất để bảo đảm tính độc lập, liêm chính và áp dụng công bằng về luật lệ của Bộ Tự pháp – và đó là cách tốt nhất để bảo đảm sự lành mạnh của nền dân chủ chúng ta – là có một bộ tiêu chuẩn để quản lý công việc của chúng ta.

 

Nguyên tắc trọng tâm là, trong các cuộc điều tra tội phạm của chúng tôi, không thể có các quy tắc khác nhau tùy thuộc vào đảng phái chính trị hoặc mối liên hệ của một người. Không thể có các quy tắc khác nhau dành cho bạn bè và kẻ thù. Và không thể có các quy tắc áp dụng cho kẻ mạnh và kẻ yếu khác nhau.

 

Chỉ có một quy tắc: Chúng tôi tuân theo các dữ kiện và thực thi pháp luật theo cách tôn trọng Hiến pháp và bảo vệ các quyền tự do dân sự.

 

Chúng tôi tiến hành mọi cuộc điều tra được hướng dẫn bởi các tiêu chuẩn giống nhau. Và chúng tôi tuân theo các quy tắc đó ngay cả khi, và đặc biệt khi chúng tôi phải đối mặt với những hoàn cảnh không bình thường.

 

Việc tuân theo các quy tắc lâu đời của Bộ Tư pháp là điều cần thiết cho việc bảo vệ nền dân chủ của chúng ta, đặc biệt vào thời điểm chúng ta đang đối mặt với sự gia tăng bạo lực và các mối đe dọa bạo lực bất hợp pháp, trong không gian công cộng và nhắm vào những người phục vụ công chúng.

 

Tất cả chúng ta đều thấy rằng, người Mỹ phục vụ và tương tác với công chúng ở mọi cấp độ – nhiều người trong số họ làm cho nền dân chủ của chúng ta hoạt động hàng ngày – đã bị tấn công bằng việc đe dọa bạo lực và bạo hành trên thực tế.

 

Trên khắp cả nước, các viên chức bầu cử và những người làm công tác bầu cử; các phi hành đoàn của các hãng hàng không; nhân viên trường học; các nhà báo; các quan chức dân cử địa phương; các Dân biểu và Nghị sĩ Mỹ; và các thẩm phán, công tố và nhân viên cảnh sát đã bị đe dọa và/ hoặc bị tấn công.

 

Họ là đồng bào của chúng ta – những người điều hành cuộc bầu cử của chúng ta, bảo đảm việc đi lại an toàn cho chúng ta, dạy dỗ con cái chúng ta, đưa tin tức, đại diện cho cử tri của họ, và giữ cho cộng đồng của chúng ta được an toàn.

 

Một số đã được thông báo rằng văn phòng của họ sẽ bị đánh bom. Một số người đã được thông báo rằng họ sẽ bị sát hại, và chính xác là bằng cách họ sẽ bị treo cổ; họ sẽ bị chặt đầu.

 

Các nhân viên cảnh sát, những người đã hy sinh tính mạng của họ hàng ngày để phục vụ cộng đồng chúng ta, đã bị tấn công bằng bạo lực với mức độ khủng khiếp.

 

Phi hành đoàn bị hành hung. Các nhà báo bị tấn công. Nhân viên trường học và gia đình của họ đã bị đe dọa.

 

Một nhà lập pháp đã nhận tin nhắn bằng điện thoại đe dọa kinh hoàng, khi có người hỏi rằng liệu bà ấy đã bao giờ nhìn thấy vỏ đạn 50 ly bắn vào đầu người chưa. Một nhà lập pháp khác – một cựu chiến binh trở về từ cuộc chiến Iraq và là người đã được nhận huân chương Purple Heart – đã nhận được những lời đe dọa khiến bà “khiếp sợ cho gia đình bà”.

 

Và trong năm 2020, một thẩm phán liên bang ở New Jersey đã bị tấn công bởi một người đã xuất hiện trước bà ấy tại tòa. Người đó đã tổng hợp thông tin về nơi mà thẩm phán và gia đình bà sinh sống và đi nhà thờ. Người đó tìm đến nhà của thẩm phán, bắn chết con trai bà và bắn bị thương chồng bà.

 

Những hành động và đe dọa bạo lực này không liên quan đến bất kỳ quan điểm đảng phái hoặc hệ tư tưởng nào. Nhưng chúng đang xâm nhập vào rất nhiều nơi trong đời sống của chúng ta, đến mức chúng có nguy cơ trở thành bình thường và thường xuyên nếu chúng ta không ngăn chặn chúng.

 

Điều đó nguy hiểm cho sự an toàn của mọi người. Và nó vô cùng nguy hiểm cho nền dân chủ của chúng ta.

 

Trong một nền dân chủ, mọi người bỏ phiếu, tranh cãi và tranh luận, thường là to tiếng để đạt được chính sách mà họ mong muốn. Nhưng trong một nền dân chủ, mọi người không được sử dụng bạo lực hoặc đe dọa bạo lực bất hợp pháp để gây ảnh hưởng đến kết quả đó. Công dân không được đe dọa để thực hiện các quyền hiến định của họ cho tự do ngôn luận và liên kết với những hành vi trái luật như vậy.

 

Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục điều tra các hành vi đe dọa bạo lực bất hợp pháp, ngăn chặn bạo lực đó trước khi nó xảy ra và quy trách nhiệm cho các thủ phạm.

 

Chúng tôi sắp xếp các nguồn lực của Bộ để giải quyết tình trạng bạo lực gia tăng và các mối đe dọa bạo lực chống lại nhân viên bầu cử, chống lại các phi hành đoàn trên những chuyến bay, chống lại nhân viên trường học, chống lại các nhà báo, chống lại các thành viên Quốc hội và chống lại các đặc vụ, công tố và thẩm phán liên bang.

 

Năm 2021, Bộ Tư pháp đã buộc tội nhiều bị can trong các vụ phạm tội đe dọa, hơn bất kỳ năm nào trong năm năm qua.

 

Khi chúng tôi thực hiện công việc này, chúng tôi được hướng dẫn bởi cam kết bảo vệ các quyền tự do dân sự, gồm các quyền của Tu Chính án đầu tiên, của tất cả công dân.

 

Bộ có quan điểm rõ rằng, thể hiện một niềm tin hoặc ý thức hệ chính trị, bất kể nặng nề đến mức nào, cũng không phải là tội phạm. Chúng tôi không điều tra hoặc truy tố mọi người vì quan điểm của họ.

 

Việc bày tỏ một cách ôn hòa quan điểm hoặc hệ tư tưởng – bất kể cực đoan đến đâu – được Tu Chính án thứ nhất bảo vệ. Nhưng đe dọa làm hại hoặc giết người khác một cách bất hợp pháp thì không. Không có Tu Chính án thứ nhất nào cho phép đe dọa làm hại hoặc giết ai đó một cách bất hợp pháp.

 

Như Thẩm phán Scalia lưu ý trong vụ án R.A.V. với City of St. Paul, rõ ràng là “các mối đe dọa bạo lực nằm ngoài Tu Chính án thứ nhất” vì luật trừng phạt những mối đe dọa như vậy “bảo vệ các cá nhân khỏi nỗi sợ hãi bạo lực, khỏi sự gián đoạn mà nỗi sợ hãi gây ra và khỏi khả năng bạo lực bị đe dọa sẽ xảy ra”.

 

Điểm sau đặc biệt gần hơn đối với những người trong chúng ta, những người đã điều tra các thảm kịch khác nhau, từ vụ đánh bom thành phố Oklahoma đến cuộc tấn công ngày 6 tháng 1 vào điện Capitol. Thời điểm để giải quyết các mối đe dọa là khi chúng được thực hiện, không phải sau khi thảm kịch đã xảy ra.

 

Là nhân viên của cơ quan thực thi pháp luật lớn nhất nước, mỗi chúng ta đều hiểu rằng, chúng ta có nghĩa vụ bảo vệ công dân của mình khỏi bạo lực và nỗi sợ hãi trước bạo lực. Và chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện phần việc của mình để cung cấp sự bảo vệ đó.

 

Nhưng Bộ Tư pháp không thể làm điều đó một mình. Trách nhiệm chấm dứt bạo lực và các mối đe dọa bạo lực đối với những người phục vụ công chúng là trách nhiệm mà tất cả người Mỹ đều chia sẻ.

 

Hành vi như vậy phá vỡ sự yên bình của không gian công cộng của chúng ta và phá hoại nền dân chủ của chúng ta. Tất cả chúng ta đều là người Mỹ. Chúng ta phải bảo vệ lẫn nhau.

Nghĩa vụ giữ cho người Mỹ và nền dân chủ Mỹ được an toàn là một phần kế thừa lịch sử của Bộ này. Như tôi đã lưu ý vài lần trước đây, mục đích thành lập Bộ Tư pháp là chống lại các cuộc tấn công bạo lực của những kẻ cực đoan vào các thể chế dân chủ của chúng ta.

 

Trong quá trình tái thiết sau Nội chiến, nhiệm vụ chính đầu tiên của Bộ là bảo đảm các quyền công dân được hứa trong các Tu chính án thứ 13, 14 và 15. Điều này có nghĩa là, bảo vệ những người Mỹ da đen đang tìm cách thực hiện quyền bầu cử của họ khỏi các hành vi và đe dọa bạo lực của những người theo chủ nghĩa thượng tôn sắc tộc da trắng.

 

Các nhà soạn thảo Bản Sửa đổi trong Nội Chiến công nhận rằng, quyền tiếp cận lá phiếu là một khía cạnh cơ bản của quyền công dân và quyền tự quản. Đạo luật Quyền Bầu cử năm 1965 đã tìm cách biến lời hứa về những sửa đổi đó thành hiện thực. Để làm như vậy, nó đã mang lại cho Bộ Tư pháp những công cụ hữu ích để bảo vệ quyền bầu cử.

 

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các biện pháp bảo vệ Đạo luật Quyền Bầu cử đã bị suy yếu nghiêm trọng.

 

Quyết định năm 2013 của Tòa án Tối cao trong vụ kiện Shelby County đã loại bỏ một cách hiệu quả các biện pháp bảo vệ của Section 5, vốn là công cụ hiệu quả nhất của Bộ để bảo vệ quyền bỏ phiếu trong nửa thế kỷ qua. Các quyết định sau đó cũng đã thu hẹp đáng kể phạm vi tiếp cận của Section 2.

 

Kể từ khi có những quyết định đó, đã có sự gia tăng đáng kể trong việc ban hành luật, khiến hàng triệu cử tri đủ điều kiện tham gia bầu cử và bầu chọn đại diện mà họ lựa chọn, trở nên khó khăn hơn.

 

Những ban hành đó gồm: Các thông lệ và thủ tục làm cho việc bỏ phiếu trở nên khó khăn hơn; phân chia lại các bản đồ được vẽ để gây bất lợi cho cả những người thiểu số và công dân của các đảng chính trị đối lập; kiểm toán bất thường sau bầu cử khiến tính toàn vẹn của quy trình bỏ phiếu gặp rủi ro; đối với những thay đổi trong quản lý bầu cử, có nghĩa là làm giảm quyền hạn của những người quản lý bầu cử được bầu ở địa phương, hoặc không theo đảng phái.

 

Một số thậm chí còn đề nghị cho phép các nhà lập pháp tiểu bang để dành sự lựa chọn của chính các cử tri họ.

 

Như tôi đã lưu ý trong một bài phát biểu với Ban Dân Quyền hồi tháng 6 năm ngoái, nhiều ban hành trong số đó đã được biện minh bởi những tuyên bố vô căn cứ về gian lận bầu cử quan trọng trong cuộc bầu cử năm 2020.

 

Những tuyên bố đó, đã làm xói mòn niềm tin của người dân vào tính hợp pháp của các cuộc bầu cử của chúng ta, đã bị các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật của cả chính quyền cuối cùng và chính quyền này, cũng như mọi tòa án – liên bang và tiểu bang – đã xem xét chúng.

 

Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục làm tất cả những gì có thể để bảo vệ quyền bầu cử bằng cách thực thi các quyền mà chúng tôi có. Điều cần thiết là Quốc hội phải hành động để trao cho Bộ quyền hạn mà chúng tôi cần để bảo đảm rằng, mọi cử tri đủ điều kiện đều có thể bỏ phiếu.

Nhưng cũng như bạo lực và đe dọa bạo lực, Bộ Tư pháp – thậm chí cả Quốc hội – không thể một mình bảo vệ quyền bầu cử. Trách nhiệm duy trì nền dân chủ – và duy trì niềm tin vào tính hợp pháp của các quy trình thiết yếu của nó – thuộc về mọi quan chức được bầu và mọi người Mỹ.

 

Tất cả người Mỹ được quyền tham gia các cuộc bầu cử tự do, công bằng và an toàn để bảo đảm họ có thể bầu những người đại diện mà họ lựa chọn.

 

Tất cả người Mỹ được quyền sống trong một quốc gia mà ở đó các công chức do họ bầu ra có thể thực hiện công việc phục vụ công chúng mà không bị bạo lực và các mối đe dọa bạo lực bất hợp pháp.

 

Và tất cả người Mỹ đều có quyền sống trong một quốc gia mà quá trình chuyển đổi từ một chính quyền dân cử sang một chính quyền tiếp theo được thực hiện một cách ôn hòa.

Bộ Tư pháp sẽ không ngừng làm việc để bảo vệ nền dân chủ mà tất cả người Mỹ được hưởng.

 

Như tôi đã nhận ra khi lần đầu tiên nói chuyện với các bạn hồi tháng 3 năm ngoái, phục vụ trong Bộ Tư pháp không chỉ là một công việc mà còn là một vinh dự. Đó là một sự cống hiến.

 

Mỗi người trong chúng ta – các bạn và tôi – đến làm việc ở đây vì chúng ta cam kết tuân theo pháp quyền và tìm kiếm công lý bình đẳng theo luật.

 

Chúng ta đến làm việc tại đây vì chúng ta cam kết bảo đảm các quyền dân sự và tự do dân sự của người dân.

 

Chúng ta đến đây làm việc là vì chúng ta cam kết bảo vệ đất nước của chúng ta – như nội dung lời thề của chúng ta – khỏi mọi kẻ thù, trong và ngoài nước.

 

Cùng nhau, chúng ta sẽ tiếp tục chứng minh cho người dân Mỹ thấy, qua lời nói và việc làm, rằng đây là những nguyên tắc làm nền tảng cho công việc của chúng ta.

 

Những thách thức mà chúng ta đã phải đối mặt và chúng ta sẽ tiếp tục đối mặt là rất lớn. Nhưng tôi rất cảm động và khiêm nhường trước công việc phi thường mà các bạn làm mỗi ngày để đáp ứng chúng.

 

Tôi mong được gặp trực tiếp các bạn nhiều hơn và chúng ta sẽ tiếp tục cùng nhau làm việc.

 

Cảm ơn tất cả mọi người.




No comments:

Post a Comment