Thursday, January 6, 2022

BÀI HỌC LITHUANIA VỚI TRUNG CỘNG (Ngô Nhân Dụng)

 


Bài học Lithuania với Trung Cộng

Ngô Nhân Dụng

05/01/2022

https://www.voatiengviet.com/a/lithuania-bai-hoc-voi-trung-cong/6383620.html

 

https://gdb.voanews.com/C56BAA56-E3FF-4940-AC0F-891E33C09A19_w650_r1_s.jpg

Cờ Lithuania bay bên cạnh cờ Liên Minh Châu Âu. Hình minh họa.

 

Dân Đài Loan sắp được uống rượu “RUM” nhập cảng. Công ty rượu của chính phủ Đài Bắc vừa mới đặt mua 20,400 chai rượu “rum mầu nâu” của nhà sản xuất MV, nước Lithuania. Những thùng rượu này đang trên đường tới Trung Quốc, nhưng sẽ không được hải quan cho qua vì xung đột ngoại giao. Công ty TTL (Taiwan Tobacco and Liquor) ra tay mua giúp. Họ sẽ dán thêm nhãn hiệu bằng chữ Trung Quốc để dân Đài Loan mừng Tết Nhâm Dần.

 

Hai nước này vẫn thân thiện; năm ngoái Đài Loan đã tặng Lithuania mạng che miệng ngừa Covid-19, và tháng Bảy vừa qua Đài Loan lại tặng 20,000 liều vaccine do AstraZeneca sản xuất Lithuania đang cần. Đài Loan vẫn mở một văn phòng đại diện ở Vilnius, thủ đô Lithuania.

 

Các quốc gia giúp lẫn nhau là điều đáng khuyến khích. Gây sự với nhau chỉ có hại. Trung Cộng mới được Lithuania cho một bài học.

 

Năm 1978 Đặng Tiểu Bình báo trước Cộng Sản Trung Quốc sẽ “cho Việt Nam một bài học.” Mấy tháng sau, đưa quân qua đánh Lạng Sơn, Cao Bằng, Trung Cộng cũng được học một kinh nghiệm: Chết mấy ngàn quân sĩ rồi cũng lại rút về.

 

Năm nay, Trung Cộng tính cho nước Lithuania một bài học. Vì hai nước cách xa nhau nửa vòng trái đất, họ không thể đánh bằng súng đạn mà dùng đòn ngoại giao. Nhưng ba tuần lễ rồi, chính Lithuania đã cho Trung Cộng một bài học. Bài học thấm thía, vì một nước nhỏ 2.7 triệu dân đương đầu với 1.4 tỷ dân Trung Quốc.

 

Câu chuyện bắt đầu rắc rối khi Bắc Kinh phản đối tại sao văn phòng ở Vilnius lại ghi là “đại biểu của Đài Loan.” Cửa văn phòng vẫn treo cờ “thanh thiên bạch nhật mãn địa hồng” nhưng không ghi tên nước Cộng Hòa Trung Hoa Dân Quốc. Như thế tưởng đã là một nhượng bộ rồi; mà Trung Cộng vẫn chưa hài lòng. Lâu nay họ vẫn làm ngơ khi Đài Loan giao dịch với các nước, nhưng phải ghi là đại diện cho thủ đô Đài Bắc thôi. Lithuania cứ dùng tên Đài Loan thay vì Đài Bắc!

 

Trung Cộng nổi xung, yêu cầu hạ thấp quy chế ngoại giao xuống, không còn cấp đại sứ mà chỉ có một “chargé d’affaires,” xử lý thường vụ. Sau đó, Bắc Kinh yêu cầu nhân viên sứ quán Lithuania trả lại những tấm “thẻ ngoại giao.”

 

Ngày 15 tháng 12, sứ quán Lithuania khóa cửa, bỏ nhà trống, rút hết nhân viên và gia đình họ về nước, mang theo cả chó, mèo. Không ai trả lại cái thẻ nào hết. Khi họ xếp hàng chờ lên xe buýt ra phi trường bay về Paris, nhân viên ngoại giao các nước khác đến chào từ biệt. Bộ ngoại giao Pháp, Đức, Anh và Mỹ đã lên tiếng ủng hộ Lithuania trước “tình trạng gia tăng cưỡng chế chính trị và kinh tế.”

 

Quan hệ kinh tế quá nhỏ, Lithuania không mua bán gì nhiều với Trung Quốc. Nhưng hàng nhập cảng từ Lithuania sẽ không thể đem vào bến vì đã bị xóa trong danh sách các nước giao thương. Theo báo Economist, các công ty Pháp và Đức đã được cảnh cáo ngưng gửi những món hàng hóa qua Trung Quốc nếu trong đó có những bộ phận mua từ Lithuania! Hàng trăm thùng chở hàng đang trên đường đi sẽ không được bốc rỡ, trong đó có 20,000 chai rượu rum!

 

Chính phủ Lithuania sẽ bồi thường $147 triệu mỹ kim cho các công ty bị Bắc Kinh gây thiệt hại. Theo bản tin Bloomberg Quỹ Phát Triển của Liên Hiệp Âu châu đã quyết định trợ giúp €6 triệu đồng Euro.

 

Trong mấy năm qua, Mỹ đã quan hệ mật thiết với Trung Hoa Dân Quốc hơn trước. Các ông Donald Trump và Joe Biden đều trực tiếp nói chuyện với Tổng thống Thái Anh Văn qua điện thoại. Các đại biểu quốc hội Mỹ và nhân viên cao cấp bay tới thăm Đài Bắc. Ông Joe Biden lập lại lời hứa Mỹ sẽ giúp Đài Loan tự bảo vệ nếu bị Trung Cộng tấn công. Chính phủ Mỹ vẫn bán vũ khí, hỏa tiễn, tàu ngầm cho Đài Loan, mỗi lần đều bị Bắc Kinh phản đối nhưng không làm gì hơn. Nhưng vào năm 1981, Trung Cộng đã triệu hồi đại sứ ở Amsterdam sau khi Hòa Lan bán một tàu ngầm cho Đài Loan; ba năm sau mới trở lại bình thường. Không hiểu tại sao năm nay Trung Cộng lại “dở chứng” lần nữa với Lithuania!

 

Chỉ có thể giải thích rằng Bắc Kinh theo chính sách “mềm nắn, rắn buông.” Đối với các nước lớn, mạnh thì mềm mại nhẹ nhàng nhưng sẵn sàng bóp cổ các nước nhỏ. Báo chí Bắc Kinh còn “nhục mạ” Lithuania, nói rằng quốc gia nhỏ bé này không thể tự mình thay đổi chính sách ngoại giao; đã dùng tên Đài Loan thay cho tên Đài Bắc vì muốn lấy lòng Mỹ, hoặc được Mỹ ra lệnh.

 

Trung Cộng vẫn khinh thường các nước nhỏ. Đới Bỉnh Quốc từng nói thẳng rằng những nước nhỏ trên thế giới phải biết phận của mình. Nhưng họ lầm to. Ở Âu châu có rất nhiều nước nhỏ, và người dân mỗi nước đều tự hào về dân tộc, quốc gia của họ. Họ vẫn ghét những hành động can thiệp, chèn ép của các cường quốc.

 

Trong lịch sử, Lithuania với dân số nhỏ chưa bằng quận Cam, California, đã chống lại áp lực của Đức Quốc Xã cũng như Liên Xô. Năm 2019, chính phủ Lithuania đã công khai phản đối sứ quán Trung Cộng cho nhân viên đi gây rối trong một cuộc biểu tình của dân thủ đô Vilnius để ủng hộ phong trào dân chủ ở Hồng Kông. Năm 2021, Lithuania đã phản đối Trung Cộng gây chia rẽ, và rút chân không tham dự một tổ chức do Bắc Kinh thành lập gồm các nước cộng sản cũ ở Trung Á và Âu châu.

 

Ông Victor Nakas, thuộc sứ quán Lithuania ở Washington, mới viết trên nhật báo Wall Street Journal nhắc lại rằng Tổng thống Vytautas Landsbergis là người khơi mào vụ sụp đổ của Liên Xô khi tuyên bố rút Lithuania khỏi Liên bang Xô Viết năm 1990, sau 50 năm bị đô hộ – cháu nội ông hiện giờ là bộ trưởng ngoại giao. Ông Nakas bác bỏ ý kiến của báo Wall Street nói rằng hành động rút hết nhân viên sứ quán về của Lithuania không thể ảnh hưởng gì đến Trung Cộng. Ông viết, “Nếu một tên anh chị chuyên bắt nạt trẻ con bị một em bé yếu ớt chống lại thì các đứa bé khác trong xóm sẽ biết đoàn kết để cùng nhau chống cự tên đầu gấu.”

 

Trung Cộng từng hành động như một tên anh chị, đe dọa các nước khác, khi ngưng nhập cảng quặng mỏ của Australia hoặc vô cớ bắt giam hai công dân Canada vì vụ công ty Huawei. Nước Canada đã theo đúng luật lệ quốc tế khi giữ bà Mạnh Vãn Châu, phó chủ tịch công ty này, vì chính phủ Mỹ yêu cầu dẫn độ để điều tra Huawei bán hàng cấm cho Iran. Nhưng Trung Cộng đã bắt giữ hai người Canada rồi đưa ra tòa với những lời buộc tội hoàn toàn ngụy tạo.

 

Những hành động đó chứng tỏ Trung Cộng bất chấp luật pháp cũng như các quy tắc ngoại giao. Từ khi mở cửa làm ăn với thế giới tư bản, Trung Cộng vẫn nói sẽ tôn trọng các quy luật kinh tế, thương mại nhưng trong thực tế thì không.

 

Các quốc gia sẽ phải làm như ông Victor Nakas đề nghị: Đoàn kết với nhau chống lại tên đầu gấu! Dân Đài Loan sẽ hoan nghênh, khi uống rượu rum mừng Tết Nhâm Dần!

 

----------------------------------------------------------------------

.

.

 

‘Chọc tức Bắc Kinh’, Đài Loan mua 20.000 chai rum Lithuania

BBC News Tiếng Việt

5 tháng 1 2022, 18:34 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/world-59880744

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/969E/production/_122585583_gettyimages-1300893109.jpg.webp

Một công ty nhà nước Đài Loan đã mua lại lô hàng 20.000 chai rượu rum Lithuania mà Trung Quốc từ chối

 

Truyền thông nhà nước nói công ty Tobacco và Liquor Corp (TTL) mua lô rượu rum sau khi họ có tin lô hàng này có thể bị chặn không cho vào Trung Quốc.

 

Vụ việc xảy ra sau khi Lithuania mở một văn phòng thực chất là sứ quán ở Đài Loan, một dấu hiệu cho thấy quan hệ ngày càng mật thiết giữa Lithuania và Đài Loan.

 

Sau đó vài ngày, Trung Quốc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Lithuania.

 

Mỹ, Nhật ‘lên kế hoạch cho tình huống TQ xâm lược Đài Loan’

'Trung Quốc sẽ không xâm lược được Đài Loan dễ dàng'

 

Sứ quán Lithuania dùng chữ Đài Loan thay vì "Đài Bắc Trung Quốc", tên mà nhiều quốc gia sử dụng để tránh xúc phạm Trung Quốc.

 

Mặc dù Đài Loan coi mình là một quốc gia dân chủ tự trị, Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình. Trong năm qua, Trung Quốc đã tăng sức ép để cô lập hòn đảo này với các đồng minh quốc tế.

 

Công ty quốc doanh TTL cho biết họ được Bộ trưởng Tài chính Đài Loan và người đứng đầu Văn phòng Đại diện Lithuania tại Đài Loan Eric Huang thông báo rằng lô rượu rum có thể bị ngăn không cho vào Trung Quốc, theo hãng tin nhà nước CNA.

 

TTL nói họ có lý do để tin rằng lô rượu sẽ bị chặn vì các chuyến hàng chở bia vào Trung Quốc đã từng bị chặn.

 

Hội đồng Phát triển Quốc gia Đài Loan sau đó viết trên Facebook rằng lô rượu rum "không thể qua hải quan Trung Quốc."

 

Họ cũng khuyến khích người dân Đài Loan mua rượu rum vào cuối tháng Một, khi lô hàng sẽ được bán, và chia sẻ công thức cocktail Dark 'n' Stormy, cũng như các món French toast (bánh mì tẩm trứng kiểu Pháp), bít tết và sô cô la nóng có vị rượu rum.

 

Bài đăng trên Facebook của Hội đồng Phát triển Quốc gia Đài Loan cũng nói về quan hệ thân thiện với Lithuania. Hai quốc gia đã ký biên bản hợp tác và đón các đoàn đại biểu đàm phán hiệp định thương mại song phương.

 

Trung Quốc phủ nhận đã ngăn chặn hàng hóa từ Lithuania - điều vi phạm quy tắc thương mại quốc tế - nhưng Liên minh Châu Âu nói họ có các nguồn tin được kiểm chứng từ các nước thành viên cho thấy hàng hóa bị chặn bởi hải quan Trung Quốc.

 

Ủy ban Châu Âu đã phản đối thay mặt cho Lithuania, và hiện đang theo đuổi vụ việc với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

 

Vụ chặn rượu rum là một ví dụ mới nhất cho thấy những khó khăn mà doanh nghiệp Đài Loan phải đối mặt - mặc dù thị trường Trung Quốc chỉ chiếm 1% xuất khẩu của Lithuania.

Bắc Kinh từ lâu đã áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại không chính thức lên các quốc gia mà nước này có tranh chấp về chính trị. Hiện tại, Trung Quốc cũng tẩy chay hàng chục mặt hàng của Úc, trong đó có thịt bò, rượu vang và đại mạch.

 




No comments:

Post a Comment