Hiếu
Chân/Người Việt
January 1, 2022
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/2022-va-nhung-niem-hy-vong/
Thế giới tiễn năm cũ 2021 – năm COVID-19 thứ
hai – bằng một đợt bùng phát dữ dội do biến thể Omicron gây ra. Những ngày cuối
năm 2021, hôm Thứ Năm, 30 Tháng Mười Hai, số người nhiễm trên toàn cầu trong một
ngày đã lần đầu tiên vượt mốc 1 triệu, phá “kỷ lục” lập được hồi Tháng Tư. Hoa
Kỳ vẫn là nước dẫn đầu với 344,543 người bị nhiễm trong một ngày, gần gấp đôi
so với trung bình 14 ngày trước.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/01/A1-Niem-hy-vong-2022-1068x712.jpg
Quảng trường Thời Đại,
New York, chuẩn bị đón năm mới 2022. (Hình minh họa: Rob Kim/Getty Images)
Nhưng năm COVID-19 thứ ba, 2022, đã có những
tín hiệu lạc quan. Biến thể Omicron tuy có sức truyền nhiễm nhanh và mạnh song
không độc hại bằng các biến thể trước; số nhiễm bệnh tăng gấp đôi gấp ba nhưng
số người bị bệnh nặng phải vào bệnh viện điều trị hoặc tử vong đã không tăng
tương ứng.
Để ứng phó và kiểm soát COVID-19, ngoài những
loại vaccine đã được bào chế thần tốc và chích vào cánh tay con người trong suốt
năm qua, các nhà khoa học đã cho ra những loại thuốc uống, dạng viên, mà người
nhiễm virus có thể uống tại nhà như uống Tylenol thông thường.
Trong ngày 22 và 23 Tháng Mười Hai, thuốc viên
Paxlovid của hãng Pfizer và Molnupiravir của hãng Merck lần lượt được Cơ Quan
Quản Trị Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê chuẩn, cho phép dùng để điều
trị COVID-19 ở những người có nguy cơ cao từ 12 tuổi trở lên. Dữ liệu nghiên cứu
lâm sàng của hãng dược cho thấy, thuốc Paxlovid có hiệu quả 90% và thuốc
Molnupiravir có hiệu quả 30%, giúp người nhiễm virus không phải nhập viện và tử
vong.
Với vaccine và thuốc điều trị có sẵn, chẳng
bao lâu nữa dịch COVID-19 sẽ bị khống chế, sẽ trở thành một thứ cúm mùa (flu)
mà nhân loại hoàn toàn có thể kiểm soát được; con người có thể sống chung với
virus mà không phải chịu quá nhiều tổn thất như trong hai năm qua.
***
Cùng với việc kiểm soát dịch, hoạt động kinh tế
toàn cầu chắc chắn sẽ được phục hồi nhưng sẽ không giống với thời trước
COVID-19. Dịch COVID-19 không chỉ gây ngăn cách giữa con người với con người mà
còn làm gãy đổ mối liên kết giữa các quốc gia, đảo ngược công cuộc toàn cầu hóa
và thúc đẩy xu hướng “tách ra” (decoupling) của các nền kinh tế.
Năm 2022 sẽ chứng kiến làn sóng các tập đoàn đa quốc gia giảm hoạt động ở Trung
Quốc, chuyển tới các nơi gần với các thị trường tiêu thụ lớn như Bắc Mỹ, Châu
Âu và Đông Á, tránh rủi ro do phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc – loại rủi ro
được thấy rõ trong hai năm đại dịch vừa qua. Với người Mỹ, đáng chú ý rằng hiện
chi phí lao động ở Mexico đã rẻ hơn ở Trung Quốc – cùng với hiệp định thương mại
tự do Bắc Mỹ (USMCA) – Mexico có cơ hội trở thành công xưởng mới của thế giới.
Nhiều tập đoàn sản xuất các sản phẩm chiến lược như chất bán dẫn, xe điện, pin
xe điện và dược phẩm đang quay trở lại Mỹ hoặc Mexico. Trên những kệ hàng ở các
siêu thị Costco, Walmart, Target, tỉ lệ hàng hóa “made in China” sẽ giảm, thay
bằng sản phẩm của Canada và Mexico – áp lực kinh tế mà Trung Quốc đè lên nước Mỹ
cũng sẽ giảm theo.
Sau một năm đầu tiên chao đảo vì COVID-19,
kinh tế Mỹ đã phục hồi nhanh hơn dự kiến. Theo dõi sự cạnh tranh giữa Trung Quốc
và Mỹ, người ta nhận thấy một hiện tượng thú vị. Suốt 30 năm, từ 1990 đến 2020,
tăng trưởng kinh tế hằng năm của Mỹ chỉ bằng một phần ba của Trung Quốc, bình
quân 4.5% so với 13%; giúp cho quy mô kinh tế của Trung Quốc tăng từ mức 5% GDP
của Mỹ năm 1990 lên tới 66% trong năm 2020.
Nhưng trong ba quý đầu năm 2021 xu thế này lần
đầu tiên bị đảo ngược, tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ bằng một nửa tăng trưởng
của Mỹ và tính theo giá trị tuyệt đối, nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn kém Mỹ tới
$7,000 tỷ.
Nhìn về tương lai, các kinh tế gia nhận thấy
Trung Quốc đang rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” (middle-income trap) và phải
đối mặt với nhiều thách thức lớn như dân số bị lão hóa nhanh, núi nợ cao ngất
ngưởng, mô hình kinh tế tư bản nhà nước dựa nhiều vào vốn đầu tư và xuất cảng
không còn hiệu quả trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng bị cô lập trên trường quốc
tế, nghĩa là Trung Quốc khó mà lập lại tốc độ tăng trưởng cao như trước.
Trong khi đó, nền kinh tế Hoa Kỳ dường như bộc
lộ một sức sống mới. Số đơn khai thất nghiệp lần đầu tiên ở Mỹ cuối năm 2021 thấp
hơn trước đại dịch COVID-19 nhờ thị trường lao động tiếp tục cải thiện. Thị trường
chứng khoán Mỹ phục hồi rất mạnh nhờ nguồn vốn đầu tư của xã hội liên tục đổ
vào; chỉ số S&P 500 chẳng hạn, đã tăng từ mức 2,237 điểm ngày 23 Tháng Ba,
2020 (ngày COVID-19 được công bố là đại dịch toàn cầu, pandemic) lên 4,766 điểm
ngày cuối cùng của năm 2021, vượt qua đỉnh cao nhất trước đại dịch là 3,327 điểm
đạt được vào ngày 2 Tháng Hai, 2020.
Ngày 15 Tháng Mười Một, Tổng Thống Joe Biden
ký ban hành đạo luật xây dựng hạ tầng cơ sở trị giá $1,200 tỷ – khoản đầu tư lớn
nhất vào các công trình giao thông, mạng internet băng rộng, mạng lưới trạm sạc
xe điện cùng nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật cốt lõi khác. Chắc chắn từ năm 2022
trở về sau, các hoạt động kinh tế của Mỹ sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ “khoản
đầu tư một lần trong một thế hệ” này.
“Nước Mỹ sẽ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh
kinh tế thế giới mà chúng ta đang tham gia với Trung Quốc và nhiều quốc gia
khác trên thế giới trong thế kỷ 21,” Tổng Thống Biden nhấn mạnh khi ký ban hành
đạo luật. Nhiều nhà kinh tế học đồng ý như vậy. Một ví dụ, Trung Tâm Nghiên Cứu
Kinh Tế Nhật Bản (Japan Center for Economic Research – JCER) có trụ sở tại
Tokyo năm ngoái dự đoán GDP của Trung Quốc sẽ bắt kịp Hoa Kỳ vào năm 2028-2029,
sau đó vượt qua Hoa Kỳ từ năm 2030; nhưng đến giữa Tháng Mười Hai vừa qua, JCER
đã phải điều chỉnh dự đoán, “hoãn” thời điểm Trung Quốc bắt kịp Hoa Kỳ vào năm
2033 hoặc sau đó nữa.
Tương lai kinh tế Hoa Kỳ khá tươi sáng; nhưng
trước mắt trong năm 2022, người dân Mỹ còn phải vất vả nhiều với nạn lạm phát,
hàng hóa tăng giá nhanh hơn mức tăng lương và thu nhập dù nhiều chuyên gia kinh
tế cho rằng, lạm phát có thể sẽ được kiềm chế vào giữa năm khi chuỗi cung ứng
hàng hóa toàn cầu được cải thiện và tình trạng thiếu lao động, thiếu nguyên liệu
của các công ty Mỹ được cải thiện.
***
Những ngày cuối năm 2021 chứng kiến sự gia
tăng căng thẳng về địa chính trị khi Nga điều động gần 100,000 quân và vũ khí
áp sát biên giới Ukraine, đe dọa một cuộc chiến tranh nóng có sức tàn phá khủng
khiếp ở Châu Âu. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục đàn áp lực lượng dân chủ ở Hồng
Kông, tăng sức ép quân sự lên đảo Đài Loan, ban hành những đạo luật gây hấn ở
Biển Đông và dùng những lời lẽ khiêu khích để đe dọa Hoa Kỳ và đồng minh.
Hành động của Nga đã gây lo ngại cho cả khối
Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đặt quân đội Hoa Kỳ và NATO vào tình huống cảnh
giác cao độ. Tối Thứ Năm, 30 Tháng Mười Hai, theo yêu cầu của Nga, Tổng Thống
Biden đã có cuộc điện đàm 50 phút với Tổng Thống Vladimir Putin tìm cách tháo
ngòi nổ xung đột. Cuộc đàm phán Biden-Putin được cho là đặt nền tảng chính trị
cho các cuộc hội đàm Nga – Châu Âu – Hoa Kỳ sẽ diễn ra trong những ngày đầu năm
mới 2022 vừa tìm giải pháp cho vấn đề Ukraine vừa thiết lập khung hợp tác giữa
các bên trong thời kỳ mới.
Năm 2021 đánh dấu 30 năm ngày Liên Bang Xô Viết
tan rã, chủ nghĩa Cộng Sản cáo chung ở nơi sinh ra nó. Trong ba thập niên qua,
công cuộc dân chủ hóa nước Nga hậu Cộng Sản gặp nhiều trắc trở và dưới quyền
Putin, nước Nga đang quay trở lại chế độ độc tài toàn trị kiểu Stalin – điều đó
có phần trách nhiệm của Hoa Kỳ và Châu Âu. Nếu phương Tây không quá tự mãn mà từ
bỏ sách lược Chiến Tranh Lạnh, biến đối thủ thành đối tác, thì có thể con đường
của Nga đã khác.
Cho đến nay, Nga vẫn yêu cầu NATO ngừng mở rộng
về phía Đông, không kết nạp Ukraine và không bố trí vũ khí hạng nặng ở gần biên
giới Nga. Dù NATO đánh giá yêu cầu của điện Kremlin là không thực tế, nhưng suy
cho cùng, quốc gia nào cũng muốn có một “vùng đệm” an toàn quanh lãnh thổ của
mình, ngăn cản đối thủ gây ảnh hưởng lên các nước lân cận; Nga không là ngoại lệ.
Sau cuộc điện đàm Biden-Putin tối 30 Tháng Mười
Hai, điện Kremlin nói ông Biden dường như đồng ý với quan điểm rằng Moscow cần
một số bảo đảm về an ninh từ phương Tây, và ông Biden cũng nói rằng Mỹ không có
ý định triển khai vũ khí tấn công ở Ukraine. Nếu đúng như vậy thì có thể ông
Biden sẽ là người khai mở một giai đoạn mới trong quan hệ Mỹ-Nga sau khi Tổng
Thống Ronald Reagan góp phần làm sụp đổ chế độ Xô Viết 30 năm trước.
NATO với 30 quốc gia thành viên, sẽ chẳng mạnh
thêm chút nào nếu kết nạp Ukraine; còn một sự trừng phạt kinh tế, dẫn tới sự đổ
vỡ quan hệ Nga-Phương tây sẽ chẳng mang lại lợi ích cho ai, nhất là trong bối cảnh
Châu Âu cần nguồn năng lượng của Nga, Nga cần nguồn đầu tư tài chính của Châu
Âu và Hoa Kỳ cần tách Moscow ra khỏi cuộc hôn nhân “đồng sàng dị mộng” với Bắc
Kinh.
Trung Quốc thì vẫn đi theo chủ nghĩa bành trướng
Đại Hán, muốn vươn lên vị thế bá chủ, định hình lại trật tự quốc tế. Nhưng lãnh
tụ Trung Quốc Tập Cận Bình đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó có sự
suy giảm kinh tế trong nước và sự ác cảm của cộng đồng quốc tế. Cơ hội của
Trung Quốc dường như ngày càng thu hẹp.
Và để phá vỡ thế bế tắc, Trung Quốc có thể sẽ
xuất cảng xung đột ra bên ngoài. Các điểm nóng Đài Loan, Biển Đông và biển Hoa
Đông có thể được Bắc Kinh chọn để phát động một cuộc chiến tranh mới mà hậu quả
chưa thể lường trước được. Nhiều quốc gia như Mỹ, Úc, Nhật và các nước Đông Nam
Á có thể lại bị lôi kéo vào một cuộc binh lửa mà không ai muốn.
Tuy vậy 2022 là một năm có nhiều ý nghĩa ở
Trung Quốc: Đầu năm sẽ diễn ra Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh; cuối năm sẽ có Đại
Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc, ở đó ông Tập có thể được suy tôn làm tổng bí thư
nhiệm kỳ thứ ba, phá vỡ quy tắc tối đa hai nhiệm kỳ của những người tiền nhiệm.
Trong một thời điểm ý nghĩa như thế, Bắc Kinh khó mà khinh suất gây ra một cuộc
chiến tranh xâm lược Đài Loan hoặc xung đột quân sự với Hoa Kỳ, Nhật Bản trên
Biển Hoa Đông và Biển Đông. Là tay chơi biết trường kỳ mai phục, Trung Quốc có
thể sẽ đợi đến khi ông Tập yên vị chắc chắn vào cuối năm 2022 mới tính tiếp nước
cờ. Hy vọng là Đông Á vẫn yên tĩnh trong năm 2022, cho dù là sự yên tĩnh trước
một cơn bão lớn.
***
Việt Nam năm cũ đầy bế tắc và phẫn nộ. Dịch
COVID-19 sau khi khá yên ắng trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021, đã bùng phát mạnh
ở Việt Nam từ Tháng Tư đến cuối năm. Chính sách chống dịch bất nhất vừa tham
lam và tàn bạo của nhà cầm quyền đã đẩy nền kinh tế tới bờ vực sụp đổ; hàng triệu
người rơi vào cảnh thất nghiệp, đói ăn đói thuốc phải bồng bế nhau rời bỏ thành
phố, về quê cách hàng ngàn cây số trên những chiếc xe gắn máy tồi tàn gây xúc động
mạnh trong cả nước.
Rồi những vụ thông đồng từ trên xuống dưới để
trục lợi trên nỗi khốn cùng của người dân mà tiêu biểu là vụ scandal bộ xét
nghiệm COVID-19 của công ty Việt Á, đã phơi bày một thực trạng kinh niên: sự bất
lương, bất tài của guồng máy cai trị.
Để chống đỡ với sức ép dư luận, những ngày cuối
năm 2021, Hà Nội vội vã khởi tố vụ án tại công ty Việt Á, truy tố một số cá
nhân về hành vi “đưa và nhận hối lộ,” “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi
hành công vụ,” “vi phạm quy định đấu thầu.” Nhưng nhìn vào danh sách các “bị
can,” người ta chỉ thấy những nhân vật “tép riu,” những con tốt đen, trong đó
quan chức cao cấp nhất chỉ ở cấp vụ trưởng. Những con cá mập ngồi ở chóp bu ký
những sắc lệnh chỉ thị này nọ bắt toàn dân phải “ngoáy mũi,” tạo điều kiện để bọn
gian manh tiêu thụ các bộ xét nghiệm có phẩm chất đáng ngờ với giá trên trời
thì hoàn toàn vắng bóng.
Bao che cho đồng bọn nhưng rất tàn độc với người
dân thấp cổ bé miệng và tay không tấc sắt. Những ngày cuối năm 2021, guồng máy
chuyên chính của đảng CSVN đã áp đặt hàng loạt các bản án tù lên những người bất
đồng chính kiến chỉ vì họ lên tiếng trước những bất công trong xã hội: nhà báo
Phạm Đoan Trang chín năm tù, ông Trịnh Bá Phương 10 năm tù, bà Nguyễn Thị Tâm
sáu năm tù, bà Cấn Thị Thêu và con Trịnh Bá Tư mỗi người tám năm tù; ông Đỗ Nam
Trung 10 năm tù, ông Vũ Tiến Chi 10 năm tù, ông Lê Trọng Hùng năm năm tù, tuyên
vào ngày cuối cùng của năm 2021… Tất cả đều bị kết án theo một đạo luật rất mơ
hồ và phi lý, không thấy ở bất kỳ quốc gia nào khác trừ Trung Quốc: “Tuyên truyền
chống nhà nước xã hội chủ nghĩa.”
Vài sự kiện như vậy cho thấy năm 2021 là thời
gian mà bản chất thối nát, phản dân chủ, của nhà cầm quyền Việt Nam được phơi
bày rõ nhất, gây phẫn nộ trong nhiều giới xã hội.
Nhưng sẽ là không thực tế nếu cho rằng, nhìn thấy bản chất thối nát của chế độ,
người dân Việt Nam sẽ vùng dậy phản kháng. Guồng máy đàn áp tinh vi và tàn bạo,
sự tuyên truyền nhồi sọ nhiều chục năm cùng với sự băng hoại về lối sống, văn
hóa đã gần như thui chột ý thức phản kháng trong đại bộ phận nhân dân, kể cả lớp
trẻ có học thức hay tầng lớp trung lưu. Công cuộc “thoát cộng” của Việt Nam phải
do người dân trong nước thực hiện, nhưng triển vọng về một cuộc đấu tranh dân
chủ hóa đất nước bằng phương thức bất bạo động xem ra còn rất xa xôi.
Chỉ có thể hy vọng năm 2022 sẽ có một bộ phận
trong hàng ngũ “tinh hoa” của xã hội Việt Nam – kể cả một số người có chức có
quyền, một số đảng viên Cộng Sản cao cấp – sẽ thức tỉnh trước thực tế bi đát của
đất nước mà có sự lựa chọn đúng: đảng hay dân tộc. Thay vì tiếp tục trung thành
mù quáng với một đảng chính trị đã trở thành phản động, thành vật cản con đường
tiến hóa thì sẽ có những người dũng cảm từ bỏ chức tước, bổng lộc, địa vị để đồng
hành cùng nhân dân đấu tranh đòi tự do, dân chủ và nhân quyền, để đất nước Việt
Nam thực sự hòa vào dòng chảy văn minh của nhân loại.
Những nhân vật như vậy – bị đảng Cộng Sản gọi
là những kẻ “tự diễn biến” – đã lác đác xuất hiện và năm 2022 hy vọng hạt giống
sẽ bật lên thành mùa màng ươm lại hy vọng tương lai cho đất nước thân
yêu. (Hiếu Chân) [qd]
No comments:
Post a Comment