Tuyên
Quang: Bắt người H'Mông theo đạo 'để chống Covid hay trấn áp tôn giáo'?
BBC News
Tiếng Việt
29 tháng 12 2021
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59815134
https://ichef.bbci.co.uk/news/659/cpsprodpb/412A/production/_122528661_untitled.png.webp
Toàn cảnh vụ việc tại thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm, huyện
Tuyên Quang hôm 12/12/2021 (ảnh từ video của người dân đăng tải trên mạng xã
hội)
Một vụ việc vừa xảy ra tại Tuyên Quang hồi giữa
tháng 12/2021 hiện bị một tổ chức nhân quyền cho Việt Nam nói là “đàn áp tôn
giáo” nhân danh công tác chống Covid-19′ còn nhân chứng cho là có sự hiểu lầm
nghiêm trọng về tín ngưỡng của người H’Mông.
Theo các tài liệu mà Mạng lưới Tổ chức Người bảo
vệ Nhân quyền tại Đức (VETO) cung cấp cho BBC, vụ việc xảy ra ngày 11/12/2021 tại
thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm, huyện Tuyên Quang.
Vụ việc nêu ra điều mà chính quyền Việt Nam
đã chú ý ít ra từ 2015, với các ý kiến của giới quản lý tôn giáo nhìn trước được
trình độ hiểu biết, ứng xử của “cán bộ địa phương” trước hiện tượng tín ngưỡng
mới trên địa bàn của họ.
Nhiều người dân H’Mông theo đạo Tin lành bị bắt,
một số người nói họ ‘bị đánh’ tại nơi giam giữ sau khi họ tham dự đám tang của
ông Dương Văn Mình – người mang đức tin về Đức Chúa Trời đến với người H’Mông ở
Tuyên Quang từ năm 1989 – mà báo chí và nhà nước Việt Nam gọi là ‘đạo Dương Văn
Mình’.
“300 cảnh sát ập
vào thôn”
Trong ngày 28/12, BBC đã liên lạc được với một
nhân chứng tại thôn Ngòi Sen nơi xảy ra vụ việc.
Nhân chứng dấu tên cho hay người này tới viếng
ông Mình nhưng bị công an chặn đường không cho vào nên phải quay về. Sau đó
nhân chứng được xem video sự việc do các tín đồ khác gửi và được nghe thuật lại
cuộc đụng độ.
Nhân chứng nói với BBC qua điện thoại từ Tuyên
Quang rằng ông Dương Văn Mình mắc bệnh nặng, bị viện Huyết học trung ương trả về,
nửa đường thì mất vào 4h sáng 11/12.
Sáng sớm cùng ngày, có đoàn y bác sỹ tới nhà
ông Mình chia buồn và nói tài xế xe cứu thương dương tính với Covid, do đó yêu
cầu xét nghiệm ông Mình và một số người đi cùng, tuy nhiên gia đình không đồng
ý với lý do đang đau buồn, và muốn tập trung lo hậu sự cho ông Mình.
Sau đó, đoàn tiếp tục quay lại thêm nhiều lần
nữa để thuyết phục, có thời điểm lên tới 60 người.
Vào chiều 12/12, đoàn 30 người mặc áo bảo hộ
cùng một số mặc thường phục lại đến nhà ông Mình yêu cầu xét nghiệm. Do gia
đình tiếp tục không đồng ý, đoàn ‘y tế’ này đã xô đẩy, bắt một số người đưa đi.
Những người dân nhảy vào can ngăn phản đối đều bị ‘đấm đá, kéo đi’. Một lúc
sau, đoàn cảnh sát cơ động khoảng 300 người ập tới.
“Họ bắt đầu đuổi bắt những người quay phim, chụp
ảnh, đánh đập họ, bắt hết những người đứng ở trước cửa nhà bác Mình chứng kiến
sự việc. Sau đó họ phá cửa sổ nhà bác Mình, nhảy vào, yêu cầu người trong đó mở
cửa, la hét um sùm, đánh đập kêu gào, dí điện,” nhân chứng thuật lại.
“Bà con bị khống chế nên mở cánh cửa, đoàn mặc
áo bảo hộ y tế và thường phục tiến vào trong nhà. Họ kêu các anh em và vợ bác
Mình phải lùi lại, đứng ở một góc. Họ phá cửa buồng bác Mình đang nằm, chọc vào
mũi bác. Rồi họ nói là ‘xong’, rồi đi lục soát tủ quần áo, lục soát tung ra hết.
Một người mặc thường phục ra lệnh bắt hết bà con, cả con dâu và con trai bác
Mình cũng bị bắt đi luôn,” vẫn theo lời nhân chứng.
Sau đó, cảnh sát vào ‘trực luôn ở làng’ và
canh nhà ông Mình, đồng thời yêu cầu gia đình chôn cất ông trong vòng 24h do
tình hình dịch bệnh.
Đến chiều 13/12, khoảng 100 bà con H’mong kéo
lên nhà văn hóa đòi thả người thân. Những người này bị công an chặn đường và
đánh đập. Trong đó, một “người bị đánh vỡ đầu, được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Bị khâu 7 mũi”, theo lời nhân chứng giấu tên.
Đến 15/12, chính quyền kêu gọi ai liên quan đến
vụ việc ‘chống chính quyền’ vừa rồi phải ra trình diện, nếu không sẽ bị bắt. Đồng
thời yêu cầu bà con làm giấy cam kết không đi ra ngoài, không tiếp xúc với ai.
Nhân chứng cho BBC hay rằng tổng cộng trong
các ngày từ 12-15/12, có khoảng 48 người bị bắt, 11 người bị tạm giam. Hai người
sau đó được tạm thả đề ‘về lo hậu sự cho ông Mình’ là con trai và con dâu ông
Mình.
Chống Covid hay
đàn áp tôn giáo?
Theo bản tường trình của các nhân chứng do Mạng
lưới Tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền tại Đức (VETO) cung cấp cho BBC, các bản
tin hàng ngày từ 8-18/12/2021 của Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang cho biết ở xã Yên
Lâm (thôn Ngòi Sen) không có ca nhiễm Covid nào. Nhưng rạng ngày 11/12/2021,
chính quyền lại đòi đưa dân ở đây đi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm –
kể cả đối với cái xác của ông Dương Văn Mình.
“Mọi lời khẩn cầu xin cho cách ly tại nhà
riêng theo chỉ thị của thủ tướng chính phủ hoặc cho người dân đi xét nghiệm
Covid-19 vào ngày 13/12/2021 đều không được chấp nhận. Dân quân, công an và cảnh
sát cơ động đã bao vây thôn, lập chốt canh và chặn không cho người lạ vào. Điện
thoại và internet bị cắt. Nhiều tín đồ ở các tỉnh khác cũng bị công an cản
không cho đi viếng xác hay buộc phải quay xe về.
“Trong số 35 người bị bắt giữ vào ngày
12/12/2021, nhiều người đã bị tra tấn tại trụ sở của Công an huyện Hàm Yên. Các
nhân chứng đã nhìn thấy nhiều người bị đánh có thương tích trong đồn công an.
Các câu hỏi thẩm vấn xoáy vào sinh hoạt tôn giáo cho thấy lý do bắt giữ có liên
quan đến việc đàn áp quyền tự do tôn giáo,” theo báo cáo của VETO.
‘Đạo Dương Văn
Mình’ thực sự là gì?
Trong suốt hơn 30 năm qua, kể từ khi ông Dương
Văn Mình giới thiệu niềm tin vào Đức Chúa Trời tới người H’Mông ở Tuyên Quang
và thu hút hàng trăm ngàn tín đồ miền núi phía Bắc Việt Nam, nhà nước Việt Nam
không công nhận niềm tin tôn giáo này.
Truyền thông Việt Nam gọi đây là ‘đạo Dương
Văn Mình’, ‘tà đạo’, ‘tổ chức tôn giáo bất hợp pháp’, v.v…
Một phóng sự của Truyền hình Công an Nhân Dân
hôm 30/9/2021 nói “đạo Dương Văn Mình reo rắc kinh hoàng’ cho gia đình người
H’mong phía Bắc Việt Nam”, khiến họ “bỏ bê đồng ruộng, không chịu làm ăn, bị lừa
bịp.”
Phóng sự cũng nói ông Dương Văn Mình “kích động
ly khai, tự trị, âm mưu lập nhà nước Mông, bộc lộ động cơ chính trị’, móc nối với
các tổ chức, cá nhân chống đối trong và ngoài nước”, và rằn đạo này “xúc phạm,
xuyên tạc văn hóa người Mông”.
Bản thân ông Dương Văn Mình từng bị kết án 5
năm tù giam vào năm 1990 với tội danh ‘lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công
dân’ và ‘tuyên truyền mê tín dị đoan’.
Tuy nhiên, nhân chứng dấu tên nói với BBC rằng
không có đạo nào tên ‘đạo Dương Văn Mình’.
“Tôi chỉ gọi đây là một niềm tin, niềm tin vào
Đức Chúa Trời, do bác Dương Văn Mình là người khởi xướng, giúp đời sống bà con
tốt đẹp hơn nên bà con biết ơn bác.”
“Nhà nước cứ gọi là ‘tà đạo Dương Văn Minh’, rồi
gọi là ‘tổ chức tôn giáo bất hợp pháp Dương Văn Mình’, rồi lại gọi là ‘tổ chức
bất hợp pháp’, Nhưng chúng tôi đâu có cơ cấu ban bệ gì đâu mà là tổ chức. Chúng
tôi chỉ là một nhóm có chung niềm tin.”
“Trước đây người H’mong chúng tôi có nhiều hủ
tục kiêng kỵ rất nặng nề, tin vào ma quỷ. Ốm đau bệnh tật thì mời thầy mo về
cúng bái, Không ai dám bỏ hủ tục vì sợ bị ám chết.
“Ngày xưa theo tục lệ người Mông, người chết
không cho quan tài mà treo lên cáng 7 ngày, mổ trâu bò làm đủ các lễ rồi mới
khiêng xác ra nơi chôn cất, bỏ vào quan tài.
H’mong, Vietnam
“Bác Mình nói giờ không phải lo sợ nữa. Giờ
người chết được bỏ ngay vào quan tài và tùy ý nguyện của gia đình mà chôn luôn
hoặc để 3 -5 ngày cho anh em ở xa về gặp mặt. Gia đình có người chết cũng không
lo phải để dành con bò cúng cho bằng anh bằng em. Ốm đau đi tìm thuốc, đi bệnh
viện. Bà con không sợ ma quỷ nữa mà lo làm ăn kinh tế… Những cái này đều phù hợp
với đường lối của Đảng và Nhà nước.”
“Tôi biết bác Mình 10 năm rồi. Tôi biết người
H’mong có thiện chí với bác Mình vì bác là người đầu tiên dám bỏ hủ tục. Bác
làm trước, và không chết. Cái gì bác cũng tự làm trước chứ không phải bác nói để
bà con làm trước. Từ đó bà con có lòng tin,” nhân chứng nói với BBC.
Ngày 26/3/2021, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò phát biểu trước Quốc hội,
đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang rằng lực lượng công an, chính quyền địa phương
đã ‘thiếu trách nhiệm’, không đi xác minh rõ “để tham mưu cho Đảng và chính phủ”,
kết luận vội vàng về đạo Dương Văn Mình.
“Xin nói thật với các đồng chí là cái tổ chức
Dương văn Mình là do sức ép của cái phong tục lạc hậu nên ông ấy đã bỏ phong tục
tập quán cũ, ông ấy làm tập quán mới, bản chất vẫn là phong tục của người
H’mong thôi… Người chết không quá 24 tiếng đồng hồ, không uống rượu chè, không
mổ trâu, mổ bò, và người ta chỉ làm ma có một lần thôi, sau đó là mang đi chôn,
chôn chặt, không thờ cúng sau này nữa”.
Thiếu tướng Cò cho rằng chỉ vì lễ tang kiểu mới
không có khèn, không có trống mà chính quyền địa phương quy cho Dương Văn Mình
là tổ chức bất hợp pháp, mê tín dị đoan, ‘nhà nước H’mong riêng’, chuẩn bị xưng
vua xưng chúa… suốt 32 năm qua.
Thiếu tướng Cò đề nghị để giải quyết triệt để
vấn đề này, cần có đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và người dân địa phương
xem thực hư thế nào để ‘giải quyết cho đồng bào’.
Chính quyền có thật
lòng?
Theo lời nhân chứng nói với BBC, nhờ niềm tin
vào Thiên Chúa mà ông Mình mang lại, từ 1989, hầu như tất cả người Mông ở Hà
Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lào Cai, Yên Bái “đều bỏ hủ tục”.
Nhưng khi chính quyền bắt ông Mình đi tù, nói
là mê tín dị đoan, đe dọa bỏ tù bà con, nhiều người đành tuyên bố từ bỏ đức
tin, nhưng trong lòng thì vẫn giữ.
“Mong muốn của người dân là được có quyền tự
do thực hiện đức tin của mình. Mong chính quyền để yên cho người dân. 32 năm
qua đã chứng minh người dân không mê tín, không có ác ý gì với chính quyền… Đất
nước đã rất văn minh rồi, tại sao lại ngăn cấm niềm tin của chúng tôi? Đa số
hay thiểu số đều phải thương yêu nhau chứ không nên chia rẽ, sợ ‘nó’ đoàn kết lại
‘nó’ chống lại mình.
“Tôi cho rằng đây chỉ là sự hiểu lầm của nhà
nước,” nhân chứng nói.
Khi được hỏi về một cuộc đối thoại giữa chính
quyền và người dân như gợi ý của tướng Sùng Thìn Cò, nhân chứng trần tình với
BBC:
“Chúng tôi từng đề nghị chính quyền đối thoại
với bà con nhưng khi cử ra người đại diện đối thoại thì chính quyền lại bắt đi,
cho là ‘kẻ cầm đầu’, rồi dọa nạt, làm khó họ, khiến bà con sợ. Bà con nói chính
quyền lừa mình để bắt người chứ không thực sự muốn đối thoại.
“Nếu muốn tìm ra hướng giải quyết tốt nhất thì
chính quyền phải thực lòng”.
Tín đồ H’Mông là sinh
viên dự một buổi lễ trong nhà thờ ở Hà Nội – ảnh trong bài hồi 2017 của Seb
Rumsby từ ĐH Warwick, Anh Quốc
Hồi 2017, một nhà nghiên cứu tôn giáo từ Anh
viết cho BBC News Tiếng Việt về phong trào theo đạo Tin Lành trong cộng đồng
H’Mông ở Trung Quốc và miền Bắc của Việt Nam.
Ông Seb Rumsby trong bài “VN: Người H’Mông ‘vươn lên
qua đạo Tin Lành’” nói rằng:
“Vùng cao ở Việt Nam đã chứng kiến sự thay đổi tôn
giáo mạnh mẽ của một dân tộc thiểu số bị gạt bên lề xã hội trong suốt ba thập
niên qua.
“Kể từ thập niên 1980, từ chỗ đạo Tin Lành hầu như
không được nhắc đến ở vùng núi phía bắc Việt Nam, đến nay khoảng 300.000 trong
số 1.000.000 người H’Mông là tín đồ Tin Lành.
“Theo thời gian, những tác động của việc thay đổi
tôn giáo đối với xã hội, kinh tế và chính trị ngày càng khó bỏ qua, từ việc bị
ngược đãi, di dân đến việc thay đổi lối sống và các quan hệ mới về giới.
“Trước sự lớn mạnh của đạo Tin Lành trong người
Hmong, chính quyền Việt Nam phản ứng bằng cách bác bỏ, và không công nhận sự tồn
tại của đạo này, phát tán các ấn phẩm tuyên truyền chống lại đạo này và hạn chế
sự tự do tín ngưỡng.”
Lý luận về tôn
giáo
Chính quyền Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo
cũng đã nhìn nhận những mặt họ cho là “tích cực” của việc một bộ phận người
H’Mông theo đạo Tin Lành.
Một bài từ 2015 về trên tạp chí Lý
luận Chính trị của ĐCS viết:
“…Về mặt kinh tế – xã hội, đức tin tôn giáo khuyến
khích người H’Mông trong làm ăn kinh tế. Môi trường sống của thôn bản cũng sạch
sẽ, gọn gàng hơn. Bạo lực gia đình có biểu hiện giảm. Người H’Mông theo Tin
lành cũng thực hiện khá tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước
và quy định của các địa phương.
Trong cộng đồng theo đạo Tin lành, người phụ nữ trở
nên năng động và tích cực hơn trong việc tham gia các hoạt động xã hội và tôn
giáo, phụ nữ H’Mông có nhiều cơ hội tham gia các công việc trong cộng đồng và
thể hiện mình hơn…”
Thế nhưng, bài viết này cũng nêu ra điều họ gọi
là “xung đột văn hóa”:
“Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, đạo Tin lành
cũng có những tác động tiêu cực đến đời sống văn hoá của đồng bào H’Mông ở Tây
Bắc.
Đạo Tin lành là một tôn giáo độc thần, coi Chúa trời
là duy nhất, là nguồn gốc của mọi sự vật, hiện tượng trên thế giới. Đạo Tin
lành phát triển vào cộng đồng người H’Mông đã làm cho văn hóa truyền thống có
phần bị “tổn hại”.
Người H’Mông theo Tin lành đã từ bỏ hầu hết những
sinh hoạt tôn giáo truyền thống, kể cả việc thờ cúng ông bà, tổ tiên. Với đa số
người H’Mông nói riêng và phần lớn người dân Việt Nam nói chung thì hành động
này là không thể chấp nhận được, vì vậy, xung đột văn hóa đã xảy ra…”
Bài báo thừa nhận: “Đội ngũ cán bộ làm
công tác tôn giáo ở khu vực Tây Bắc còn nhiều bất cập. Hầu hết chưa được đào tạo
bồi dưỡng kiến thức về công tác tôn giáo, do đó gặp nhiều khó khăn trong công
tác.”
Việc thay đổi cái nhìn cứng nhắc của các quan
chức địa phương, luôn sẵn sàng quy mọi vụ việc vào vấn đề an ninh xem ra không
dễ.
Tuy nhiên, để sinh hoạt của các cộng đồng hài
hòa hơn, chính quyền cần có cách tiếp cận không dùng vũ lực và sẵn sàng đối
thoại, giới quan sát từ bên ngoài Việt Nam nêu khuyến nghị.
----------
Xem thêm:
Tôn giáo và nhu cầu sống
thành nhóm ở loài người
Nghi thức tôn giáo thuở
sơ khai và thách thức Thời Trục
Nhà thờ Bùi Chu, Công giáo
và xã hội VN
'Báo chí chưa có bao giờ
được như hôm nay'
--------------------
Tin liên quan
VN: Người Hmong 'vươn lên
qua đạo Tin Lành'
22 tháng 10 năm 2017
.
Tôn giáo: Người Việt
đi chùa cầu tài cầu lộc hay tìm điều gì khác?
25 tháng 6 2021
.
Covid-19: Chính quyền vội
vàng khi khởi tố vụ án liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng?
4 tháng 6 năm 2021
.
Tin về Hội Thánh Đức
Chúa Trời 'cần được kiểm chứng'
27 tháng 4 năm 2018
.
Vì vụ Đồng Tâm, Trịnh Bá
Phương 10 năm tù, Nguyễn Thị Tâm 6 năm tù
15 tháng 12 năm 2021
.
Vì sao chính phủ Việt Nam
vẫn nhìn ‘nhân quyền’ rất khác thế giới?
16 tháng 12 năm 2021
.
Phán quyết từ LHQ nói VN
'bắt giữ tùy tiện' nhà hoạt động Phạm Đoan Trang
29 tháng 10 năm 2021
.
Từ phiên tòa Phạm Đoan
Trang, VN trông đợi gì ở Mỹ trong vấn đề nhân quyền?
14 tháng 12 năm 2021
.
Nhân quyền Việt Nam: Tại
sao phương Tây và Mỹ 'mềm mỏng' với Hà Nội?
17 tháng 12 năm 2021
.
Xưng tội và Tự phê có gì
giống nhau?
18 tháng 1 năm 2018
No comments:
Post a Comment