Thursday, December 2, 2021

TRUYỀN THÔNG THỔ TẢ / PHẦN 1 (Nguyễn Thọ)

 


Truyền thông thổ tả (Phần 1)

Nguyễn Thọ

02/12/2021

https://baotiengdan.com/2021/12/02/truyen-thong-tho-ta-phan-1/

 

Khái niệm “Truyền thông thổ tả” chỉ có trong tiếng Việt, không dịch được ra ngôn ngữ nào hết. Trước kia người Việt cánh hữu thỉnh thoảng gọi người phái tả là ”Bọn thổ tả”. Nhưng trong thời gian cầm quyền của D.Trump, người ta coi tất cả báo nào dám phê phán ông ta đều là “Truyền thông thổ tả”.

 

Rồi chống phân biệt chủng tộc, khen ngợi Bill Gates hay ủng hộ các biện pháp cách ly và tiêm phòng Covid-19 v.v và v.v cũng là “Thổ tả” tuốt. Khái niệm này hầu như được gắn cho gần hết báo chí phương Tây, từ CNN, WP, WSJ ở Mỹ, đến BBC, Financial Time ở Anh, Le Monde của Pháp, ZDF hay FAZ của Đức đến NZZ của Thụy Sỹ…

 

Truyền thông, báo chí được coi là quyền lực thứ tư trong xã hội dân chủ, bên cạnh ba trụ cột: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cái trụ thứ tư này không được thể chế hóa, không đầu não, không ngân sách, nhưng xem ra rất mạnh, có thể chiếu tướng cả ba cái trụ kia cùng lúc. Vì không có đầu não, không có tổ chức nên nó không bao giờ bị đánh bại hay bị khuất phục. Vì là một quần thể đa nguyên nên nếu tế bào nào chết thì cứ chết, tế bào khác lại mọc ra. Vì đa nguyên nên nó có quang phổ rộng, bao gồm mọi mầu sắc.

 

Trong chế độ không chấp nhận tam quyền phân lập thì ba chân chụm một. Truyền thông lẽ ra phải là chân thứ tư cũng vui vẻ chui tọt vào cái ống quần duy nhất. Người ta mừng vì có cái chân to gấp bốn, nhưng đáng buồn là 4 chân trong một ông quần khó mà đi nhanh, lại càng khó đứng vững. Cái “chân” truyền thông, lẽ ra phải chỉ cho bọn kia những điều cần phải chỉnh đốn, thì toàn a dua khen vùi những chuyện bậy bạ. Thậm chí, truyền thông trở nên lực lượng xung kích để tiêu diệt những cái gì mà ba tay kia không ưa. Trước khi kết tội, bắt giam ai đó, một chiến dịch vu khống được phát động để dọn đường dư luận.

 

Suốt một thời gian dài, bức màn sắt đã phát huy hết tác dụng của nó, nhốt hàng tỷ người trong u mê. Người ta tưởng rằng Internet sẽ làm cho truyền thông độc tài mất tác dụng. Đó là một nhầm lẫn chết người.

 

Về chủ quan: Internet giúp người ta tự do tiếp nhận thông tin, điều đó không thể chối cãi. Nhưng nó không giúp kẻ lười sàng lọc, hời hợt và ngại khó. Những người này chỉ thích vào các nơi dễ tham gia, như là đi lễ hội, thấy show nào đông thì xúm vào tìm chỗ giải trí. Họ lười đọc các phân tích sâu sắc, lười kiểm chứng các tin thật giả, thậm chí không cần quan tâm đến cách vượt tường lửa nên cái gọi là “Tự do thông tin” trên mạng chỉ lùa họ vào những cái bẫy mới, thâm độc hơn.

 

Khách quan thì có nhiều nguyên nhân biến internet thành một cái bẫy thông tin khổng lồ.

 

Thứ nhất là toàn cầu hóa và cách mạng kỹ thuật đã đưa thế giới xích lại gần nhau về công nghệ. Không còn chuyện phương tây xem TV-màu, phương đông ngồi nghe loa nén nữa. Mọi chế độ độc tài đều có khả năng kiểm soát kỹ thuật. Chúng sử dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (vốn bắt nguồn từ phương tây) để xử lý thông tin, tìm ra thị hiếu người đọc để tạo ra các thông tin theo hướng có lợi. Những tin giả này không nhất thiết phải phê phán kẻ thù, ca ngợi phe mình hoặc phản bác hoàn toàn tin thật. Loại tin rẻ tiền đó vẫn nhan nhản nhưng đang mất dần tác dụng.

 

Chiến tranh thông tin mới rất thâm độc. Fake news đưa ra có vẻ rất khách quan, có vẻ rất bất đồng, nhưng làm cho những ai nhẹ dạ, lười suy đoán bị mất phương hướng. Người ta vẫn còn nhớ đến vụ dân Anh bỏ phiếu Brexit hôm 23.06.2016. Gần ngày bầu cử bỗng xuất hiện một loạt kết quả thăm dò dư luận trên mạng chứng tỏ phe phản đối Brexit thắng áp đảo. Điều này khiến cho rất nhiều người trẻ tuổi, vốn thích ở lại EU, sao nhãng đi bầu, tranh thủ ngày nghỉ lễ ngủ bù cho đêm disco. Ngày hôm sau, khi phe Brexit thắng, các tài khoản tung tin đó biến mất.

 

Các kênh tin giả kiểu Russian Today (RT) hay Đại Kỷ Nguyên là những ví dụ rõ nét cho chiến thuật tung hỏa mù kiểu này tại các nơi mà internet phát triển rộng.

 

Đối với những nơi mà sự kìm kẹp trên mạng đã thành công như ở Trung Quốc thì internet là bộ máy tẩy não tuyệt vời. Người dân từ sáng đến tối bị khống chế bởi các loại tin nhắn, huấn thị của đảng. Khi lên mạng thì hoàn toàn chỉ được nghe, xem những thứ đã được chỉ đạo.

 

Vụ cô cầu thủ quần vợt Peng Shuai bị biến mất mấy tuần liền trên mạng Trung Quốc khiến thế giới kinh ngạc không chỉ ở các bức thư giả, email giả, ảnh giả của cô, mà ở chỗ một tỷ người sử dụng mạng không thể tìm ra chữ “Peng Shuai”, “Zhang Gaoli” (ông phó thủ tướng bị tố cáo hiếp dâm cô). Thậm chí từ “Tennis” (Quần vợt) cũng biến mất. Đó là cách xóa trí nhớ của một dân tộc.

 

Không thể kể hết các mánh khóe của cái lưới trời truyền thông độc tài giăng ra khắp không gian mạng. Đó là chưa kể đến sự đồng lõa của các nhà mạng phương tây tham tiền.

 

Vậy mà “Truyền thông 4 chân như một” không bị chửi là “Truyền thông thổ tả”, trong khi phần lớn truyền thông phương tây bị xếp vào cái rọ đó. Vả lại “cái quần một ống” không phải là chủ đề của bài viết này.

 

Tuy chỉ là anh thợ, nhưng vì có dính dáng đến báo chí và truyền hình ở Đức, tôi xin nói chuyện Đức để mổ xẻ một chút về cái gọi là “Truyền thông thổ tả”.

 

Từ hơn 200 năm trước, khi chủ nghĩa tư bản ra đời, người ta đã nghĩ đến tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. Đó là cách tốt nhất để phát triển con người và xã hội. Không có tự do thì không có con người sáng tạo [1]. Người ta coi việc phê phán nhà nước, phê phán pháp luật là điều cần thiết để giúp xã hội lành mạnh. Vì vậy nên dù sợ “Bóng ma cộng sản” của ông Marx người ta vẫn phải để ông in sách, viết báo.

 

Thời đó phương tây chỉ có báo chí tư nhân, nhà nước không rỗi hơi in báo. Họ chỉ nắm đài phát thanh quốc gia, (bên cạnh các đài tư nhân) là đủ để thông báo đường lối của chính phủ. Vì chính phủ của các đảng thay phiên nhau nên không đảng phái nào nắm được đài phát thanh.

 

Hitler lên cầm quyền ở Đức năm 1933, thành lập “Bộ khai dân trí và tuyên truyền đế chế” (Reichsministerium für Volksaufklärung und Propaganda) do Goebbels (nhiều người gọi là Gơ-Ben) cầm đầu. Ngay từ 1925, mặc dù chưa cầm quyền, đảng quốc xã (NSDAP) đã thành lập “Cơ quan chỉ đạo tuyên truyền đế chế” (Reichspropagandaleiters der NSDAP ) trực thuộc trung ương đảng.

 

Goebbels nắm tất cả các đài phát thanh, ra lệnh cho công nghiệp Đức sản xuất máy thu thanh rẻ (bằng ¼ giá máy đang hiện hành) để phổ cập nhanh chóng trong toàn quốc. Đồng thời y quốc hữu hóa công nghiệp điện ảnh và phần lớn công nghiệp in ấn. Báo chí tư nhân thì không dễ dẹp, nhưng bị khống chế toàn bộ. Khi truyền thông bị “nhét vào chung một ống quần” với bọn khác, bắt nói gì phải nói nấy thì thảm họa đã xảy ra. Cả một dân tộc văn minh, nổi tiếng về nền triết học, văn học, âm nhạc, hội họa… bổng bị tẩy não, thành một đám đông man rợ, bạc nhược đến thảm hại.

 

Để kể về bộ máy này của Hitler, từ kiểm duyệt đến các học viện báo chí tuyên truyền, phải mất mấy bài. Xin để lúc khác.

 

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, người ta nhận ra tác hại của báo chí nhà nước. Đã là báo chí ăn tiền của chính phủ, người lãnh đạo do chính phủ bổ nhiệm thì làm gì còn tính độc lập. Ăn cơm chúa múa tối ngày, kể cả khi chúa cởi truồng vẫn khen đẹp.

 

Nhưng nước Đức còn có hệ thống báo chí tư nhân khổng lồ thì sao lại để NSDAP thao túng như vậy? Báo chí nào thì cũng sống bằng tiền. Báo chí tư nhân sống được nhờ bú sữa của các nhà tư bản. Nhưng khi chế độ độc tài khống chế được đàn bò sữa thì bọn khát sữa chỉ còn biết hát theo kẻng. Và kẻ đánh kẻng là truyền thông nhà nước.

 

Từ nhận thức trên, ngay từ trước khi lập quốc năm 1949, CHLB Đức kiên quyết xóa bỏ truyền thông nhà nước. Trong xã hội chỉ tồn tại báo chí công cộng, báo chí tư nhân và gần đây có thêm mạng xã hội của các loại phó thường dân. Cũng như ở Mỹ, Anh và tất cả các nước phương tây khác, nhà nước bị cấm không được làm báo để tự tuyên truyền cho mình [3].

 

Vậy truyền thông công cộng (Public media, rechtlich-öffentliche Medien) khác truyền thông nhà nước ở chỗ nào? Vai trò của báo chí tư nhân trong xã hội dân chủ ra sao? Phải chăng mạng xã hội là một thành phần của báo chí hiện đại?

 

(Còn tiếp)

_____

 

*Ghi chú:

 

[1] https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/1468978406453561

 

[2] https://en.wikipedia.org/wiki/Propaganda_in_Nazi_Germany

 

[3] Từ năm 1948, nước Mỹ cấm không cho phép nhà nước bỏ tiền ra làm báo chí. Năm 2004 Lầu năm góc lập ra kênh PentagonChannel, chạy khá tốt. Nhưng vì dư luận lên án mạnh nên năm 2015 kênh này phải đóng.

 

.

43 BÌNH LUẬN

 




No comments:

Post a Comment