Thursday, December 30, 2021

"THUYỀN" VIỆT Á CHÌM, BỘ Y TẾ và BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CHỐNG CHẾ (Nguyễn An Thanh - Dân Việt)

 


"Thuyền" Việt Á chìm, Bộ Y tế và Bộ Khoa học Công nghệ chống chế 

Nguyễn An Thanh  -  Dân Việt

Thứ năm, ngày 30/12/2021 15:42 PM (GMT+7)

https://danviet.vn/thuyen-viet-a-chim-2-bo-vung-cheo-nhung-khong-kheo-chong-20211230153635442.htm

 

Bộ xét nghiệm của Việt Á liên quan đến ít nhất 3 đơn vị, Học viện Quân Y, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế. Đến nay 2 trong 3 đơn vị đã công bố nguyên nhân vì sao kit của Việt Á đã có mặt tại 62 tỉnh thành, nhưng càng giải thích càng khiến dư luận bức xúc.

 

Đầu tiên, Bộ KH&CN  đã có động thái "sửa sai", ngày 20/12, thông tin "WHO chấp thuận test kit của Công ty Việt Á" trên trang web chính thức của Bộ  đã được gỡ xuống. Rồi sau đó một tuần Bộ giải thích đây là "thông tin tổng hợp từ báo chí và gửi các phóng viên tham khảo", khiến giới phóng viên "bất ngờ và bất bình", như từ mà một tờ báo đã nhắc đến.

 

Các nhà báo đều nhớ, bộ phận truyền thông của Bộ đã gửi bản thông cáo báo chí chính thức cho các phóng viên theo dõi KHCN, với tiêu đề thông cáo ghi rõ "Bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận".

 

Bộ KH&CN cho biết, vào lúc 15h36 ngày 26/4/2020, bản tin này được đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ KH&CN tại địa chỉ www.most.gov.vn được tổng hợp từ nguồn báo chí. Song thực tế, "lưu vết trên internet", chỉ trước đó hơn nửa tiếng, vào hồi 14h54 ngày 26/4/2020, cũng chính Bộ gửi thông tin này  đến các báo.  

 

·         Tiếng thét của bé gái 8 tuổi bị bạo hành và sự im lặng đáng sợ

·         5.000 xe nông sản ùn tắc tại biên giới: Hòn đá lớn cản đường xuất khẩu

·         Tự "đại phẫu" mình đi, ngành Y

 

Thời đại công nghệ, bạn đọc đang chờ các chuyên gia CNTT của Bộ KH&CN chỉ ra báo nào mà dám "cầm đèn chạy trước ô tô" để quý bộ "trúng bả" thông tin như thế? Không khó để thấy dù Bộ KH&CN khá sốt sắng công bố những "thông tin đáng tự hào" như thế nhưng lâu nay làng báo Việt chả ai dại lại dám "dạy khôn" cơ quan quản lý nhà nước về khoa học công nghệ. Nhiều tòa soạn lại muốn dành vinh dự này cho Bộ KH&CN, vốn lâu nay đang mất ăn, mất ngủ trước nhiệm vụ chống dịch được giao.

 

Nếu như tháng 4/2020, các chuyên viên Bộ KH&CN và Bộ Y tế Việt Nam lúc mới nhận được thông báo WHO 'đã tiếp nhận hồ sơ', giả sử trình độ tiếng Anh còn hạn chế có thể hiểu nhầm thành 'hồ sơ được WHO phê chuẩn'. Nhưng tháng 10/2020, khi nhận được thư bác bỏ từ WHO thì Bộ &CN và Bộ Y tế Việt Nam lại lờ tịt đi, không lên tiếng đính chính việc đã 'sơ suất hiểu sai' thông báo cách đó 6 tháng.

 

Nói đến que thử của Việt Á, mới đây Bộ Y tế Việt Nam tuyên bố việc phê chuẩn bộ xét nghiệm Covid-19 để sử dụng tại Việt Nam không phụ thuộc vào việc WHO có phê chuẩn hay không. Bộ Y tế cho rằng khi xem xét sản phẩm của Việt Á đã được thực hiện đúng quy trình, theo đúng quy định của Việt Nam. Kể cũng lạ, khi gia hạn vaccine thì Bộ Y tế tuân thủ theo phê chuẩn của WHO, đến kit thì lại không cần.

Câu chuyện đúng hay sai, thật hay giả khi cuối tháng 1/2020 Công ty Việt Á mới đăng ký cùng Học viện Quân Y tham gia nghiên cứu, mà đầu tháng 3/3/2020 đã được Bộ Y tế xét duyệt thông qua, rồi tháng 5/2020 bắt đầu đem vào sử dụng sẽ được cơ quan có trách nhiệm trả lời. Điều kiện tối thiểu để xét duyệt một bộ xét nghiệm tùy vào hoàn cảnh dịch bệnh quốc gia, năng lực của công ty sản xuất, và cuối cùng là khả năng và kinh nghiệm thẩm định của cơ quan xét duyệt. 

Nâng giá kit xét nghiệm Covid-19: Ăn trên nỗi lo dịch bệnh của người dân là tội ác

 

Tại Mỹ, ngày 16/3/2020, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) thuộc Bộ Y tế Hoa Kỳ, chuyên trách xét duyệt các dụng cụ y khoa, gồm bộ xét nghiệm Covid-19, cũng từng "xét duyệt khẩn cấp" cho Labcorp, đơn vị sản xuất kít PCR đầu tiên của quốc gia này.

Đầu tiên là năng lực và uy tín của FDA là điều không cần bàn cãi. Thêm nữa, giới y học đều biết Labcorp là một công ty chuyên về phòng thí nghiệm lâm sàng thành lập năm 1978 tại Mỹ, có hơn 60.000 nhân viên làm việc, kinh nghiệm sản xuất các loại xét nghiệm PCR, gene ung thư, HIV, hay các xét nghiệm phức tạp nhất, mỗi năm xử lý khoảng 1,3 tỉ test (25 triệu test mỗi tuần)...

 

Dù vậy, bắt buôc FDA phải tiến hành đánh giá tiêu chuẩn địa chỉ phòng xét nghiệm, quy trình kiểm soát chất lượng ISO 13485 của Labcorp một cách nghiêm túc. Muốn được FDA chấp thuận Labcorp phải nghiên cứu nhóm đối chứng ngẫu nhiên ít nhất trên 60 bệnh nhân trong đó ít nhất 30 bệnh nhân dương tính với Covid-19 để kiểm tra đối chiếu chất lượng bộ kit. Độ nhạy và đặc hiệu phải trên 95%. 

 

Trong khi đó, Công ty Việt Á mới được thành lập năm 2007, địa điểm thí nghiệm, sản xuất thì chỉ 10m2, chứng chỉ ISO 13485 không có, bộ test Việt Á với độ nhạy 90%, là độ nhạy thấp với test PCR (10% ca dương tính bị lọt sổ). Thời điểm đó, số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam mới chỉ đếm trên đầu ngón tay (ngày 6.3, Hà Nội mới công bố ca nhiễm đầu tiên) thì kiếm đâu ra 60 ca dương tính để thử nghiệm là câu hỏi mà người dân đang thắc mắc. 

 

Theo Bộ Y tế lý giải, ngày 3/3/2020, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 đề tài độc lập cấp quốc gia đột xuất phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona đã họp và đề nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng cho 2 bộ sinh phẩm Realtime PCR chẩn đoán SARS-CoV-2 của Việt Á. Và chỉ trong vòng 1 ngày, ngày 4/3/2020, Bộ Y tế đã có đủ thời gian để kiểm soát và thẩm định.  

 

Trước tình hình đại dịch Covid-19 bùng nổ, các quốc gia sẽ có quy trình, tiêu chuẩn khác nhau bộ xét nghiệm nhưng rõ ràng sản phẩm Việt Á có nhiều điểm không phù hợp với tiêu chuẩn cơ bản về test PCR như số ca bệnh, chứng nhận ISO, và độ nhạy. 

 

Khá nhiều nhà khoa học ngán ngẩm khi ống kính của VTV đã quay cảnh phòng lab Việt Á dùng tủ đông Sanaky vốn chỉ dùng bảo vệ thực phẩm để lưu giữ hóa chất và sinh phẩm có chất lượng cao. Có nhà khoa học chỉ rõ, trong phòng lab này, nước dùng thí nghiệm chỉ là các bình nước lọc thông thường không phải là nước chuyên dụng cho thí nghiệm sinh học phân tử như bất cứ phòng lab nào trên thế giới. Ngoài thiết bị PT- PCR, trong 10m2 nhỏ hẹp này người ta không thấy máy đông khô primer và probe, theo quy chuẩn FDA, còn 3 máy ly tâm (centrifuge) nhỏ, 2 máy centrifuge lớn, 1 máy vortex đều sản xuất từ những năm 1990.

 

Bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Á là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước do Bộ KH&CN giao cho Học viện Quân Y thực hiện.Tới giờ người dân đang cần cơ quan chức năng trả lời vì sao lại là Việt Á, xác nhận độ chính xác tới đâu, nhất là so với kit test đã được WHO, FDA cấp phép. Ngưỡng pháp hiện mRNA virus như thế nào? Độ đặc hiệu, độ nhạy như thế nào?

 

Nhưng đến lúc này, "quả bóng" được Bộ Y tế chuyền cho Bộ KH&CN, rồi đến lượt bộ này đá ngược cho các cơ quan báo chí đã khiến cho dư luận lắc đầu ngán ngẩm. Liệu sắp tới Bộ KH&CN có bắt đầu bằng "Căn cứ vào dư luận báo chí và MXH…" để ban hành các quy định về quản lý nhà nước!

Hai bộ đã "vụng chèo" nhưng chẳng hề "khéo chống" nên người dân đang chờ ý kiến của Chính phủ trước sự kiện lớn, đang được dư luận quan tâm.

.

------------------------------------

.

Những ai góp vốn vào Công ty Việt Á? 

MẠNH THÌN

15:41 29/12/2021

http://daidoanket.vn/nhung-ai-gop-von-vao-cong-ty-viet-a-5676648.html

 

80% cổ phần của Công ty Việt Á thuộc về ai? Lợi nhuận từ việc bán kit test được chia như thế nào?

 

Bí ẩn 80% cổ phần còn lại của Việt Á

 

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vẫn đang điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.

 

Ngoài “ông trùm” Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, dư luận hiện đang rất quan tâm những người góp vốn vào doanh nghiệp này. Số phận của các cổ đông góp vốn vào Việt Á hiện ra sao sau khi vụ việc bị điều tra.

 

http://image.daidoanket.vn/w640/images/upload/vinhh/12292021/h1-dia-chi-cong-ty-viet-a-chi-duy-nhat-co-moi-cai-bang-hieu.jpg

Địa chỉ Công ty Việt Á chỉ duy nhất có mỗi cái bảng hiệu

 

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Việt Á thành lập năm 2007, trụ sở chính tại 372A/8 Hồ Văn Huê, Phường 9, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, với vốn đăng ký ban đầu chỉ 80 triệu đồng do 3 cổ đông sáng lập.

 

Người đại diện pháp luật Công ty Việt Á là ông Phan Quốc Việt (hộ khẩu TP Hồ Chí Minh), nắm giữ 10,2% cổ phần. Ngoài ông Việt còn có ông Đồng Sỹ Huy (hộ khẩu TP Hồ Chí Minh), nắm giữ 5% cổ phần công ty. Bà Hồ Thị Thanh Thủy (hộ khẩu tỉnh Long An), nắm giữ 4,8% cổ phần công ty.

 

Công ty này có sau 6 lần đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp, vốn điều lệ. Lần gần nhất Công ty này tăng vốn điều lệ là vào tháng 10/2017 với con số vô cùng ấn tượng, lên đến 1.000 tỷ đồng.

 

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù trải qua 6 lần tăng vốn điều lệ, nhưng tỉ lệ góp vốn của 3 cổ đông sáng lập vào Công ty Việt Á không biến động. Ông Phan Quốc Việt và 2 cổ đông còn lại vẫn nắm giữ khoảng 20% cổ phần vốn, 80% cổ phần còn lại (ước khoảng 800 tỷ đồng) do các cổ đông khác “bơm” vào.

 

Con số 800 tỷ đồng không phải là nhỏ với một doanh nghiệp, và nếu đó là vốn thật hiện hữu thì những “đại gia” nào đang đổ tiền vào Công ty Việt Á? Vấn đề này vẫn chưa được làm rõ.

 

Nguồn tin của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết cho biết, ngoài góp vốn vào Công ty Việt Á, bộ ba cổ đông sáng lập doanh nghiệp này cũng là 3 cổ đông sáng lập Công ty TNHH đầu tư phát triển kinh doanh Việt Á có vốn điều lệ khoảng 200 tỷ đồng.

 

Tỉ lệ vốn góp được xác định như sau (tính đến cuối năm 2020): ông Phan Quốc Việt nắm giữ 51%, ông Đồng Sỹ Huy nắm giữ 25% và bà Hồ Thị Thanh Thủy nắm giữ 24% vốn.

 

Công ty Việt Á có được ưu ái?

 

Để tìm hiểu kỹ hơn về Công ty Việt Á, phóng viên đã đi xác minh địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, chủ nhà tại địa chỉ 372A/8 Hồ Văn Huê, Phường 9, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh khẳng định Công ty Việt Á chỉ “mượn” chỗ để đặt cái bảng hiệu Công ty cả 10 năm nay. Địa điểm trên không có trụ sở, nhân viên làm việc hay tài liệu gì.

 

Một doanh nghiệp trong nước được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành kit xét nghiệm Covid-19 “made in Vietnam” đầu tiên nhưng đến cái địa chỉ đăng ký kinh doanh còn “mập mờ đánh lận con đen”, không nhân viên làm việc, không tài liệu thì đủ hiểu Công ty này hoạt động như thế nào.

 

Một trong những vấn đề dư luận cũng quan tâm là liệu Công ty Việt Á có được các Bộ, Ngành liên quan “ưu ái” trong vấn đề đấu thầu, sản xuất kinh doanh.

 

Việc thẩm định một doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia đấu thầu hay chí ít là sản xuất một mặt hàng trong thời điểm nóng bỏng được xem là “cần kíp” như kit test Covid-19 mà không có cơ quan nào xác minh thì cũng thật lạ.

 

Tìm hiểu về hoạt động của Công ty Việt Á, trước khi sản xuất kit xét nghiệm Covid-19 “made in Vietnam”, doanh nghiệp này đã được Bộ Y tế cấp phép sản xuất 15 kit thử tác nhân gây bệnh lao, viêm gan A, viêm gan B...

 

Vài năm trở lại đây, Công ty Việt Á nổi lên như một “ngôi sao sáng” giữa bầu trời thương trường doanh nghiệp cung ứng sinh phẩm, hóa chất phục vụ cho ngành Y tế. Doanh nghiệp này liên tục trúng hàng loạt gói thầu dạng “khủng” tại các bệnh viện lớn trên cả nước, như: gói thầu cung ứng hóa chất năm 2016 - 2017 (thuốc, hóa chất, vật tư y tế) cho Bệnh viện Quân y 175; gói thầu cung cấp hóa chất vật tư tiêu hao theo máy và vật tư tiêu hao phục vụ hoạt động xét nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai...

 

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, sau 17 tháng chỉ bán kit test Covid-19, Việt Á đạt mức doanh thu cực lớn với gần 4.000 tỷ đồng. Con số này mới chỉ là thống kê doanh số bán cho các đơn vị công lập, chưa nói đến khối tư nhân.

 

Như đã biết, kit test Covid-19 của Công ty Việt Á bắt nguồn từ 100% ngân sách và thuộc đề tài khoa học cấp quốc gia, nên đại diện chủ sở hữu nhà nước là Bộ trưởng Bộ KH&CN; tổ chức chủ trì là Học viện Quân y.

 

Theo Điều 43, Luật Khoa học và Công nghệ về phân chia lợi nhuận khi sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước quy định: “Lợi nhuận thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được chia cho tác giả tối thiểu 30%; phần còn lại được phân chia giữa chủ sở hữu, cơ quan chủ trì, người môi giới theo quy định của Chính phủ”.

 

Như vậy liệu lợi nhuận từ doanh số gần 4.000 tỷ đồng nói trên có vào được ngân sách thông qua chủ sở hữu và tổ chức chủ trì? Đây là câu hỏi cần sớm được trả lời vì đơn giản nếu để tiền “cứ thế” chui vào túi cá nhân thì con số thất thoát là rất “khủng” và phần chênh lệnh từ nâng giá khống cùng phần hoa hồng mà các lãnh đạo đơn vị công lập “bỏ túi riêng” chỉ là con số khiêm tốn.

 

Vụ việc kit test Covid-19 của Công ty Việt Á đã cho thấy nhiều lỗ hỏng trong khẩu quản lý. Quan trọng hơn cả là ngân sách thất thoát, đặc biệt, người dân, đất nước đã khó khăn trong đại dịch nhưng đâu đó vẫn còn những thành phần “tối” của xã hội trục lợi trên nỗi đau bệnh tật.

 

-------------------------------------

 

Tin liên quan

 

Cần xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ Công ty Việt Á ‘thổi giá’ kít xét nghiệm

27/12/21 12:03

 

Thủ đoạn ‘lại quả’ của Tổng Giám đốc Công ty Việt Á

22/12/21 06:49

 

Đồng Nai: Chi hơn 31 tỷ đồng cho Công ty Việt Á thực hiện xét nghiệm Covid-19

21/12/21 11:50

 

 




No comments:

Post a Comment