Tuesday, December 21, 2021

THÂN NHÂN ĐỀ NGHỊ 5 LẦN, CHƯA ĐƯỢC THĂM BÀ PHẠM ĐOAN TRANG BỊ GIAM CẦM (VOA Tiếng Việt)

 


Thân nhân đề nghị 5 lần, chưa được thăm bà Phạm Đoan Trang bị giam cầm

VOA Tiếng Việt

21/12/2021

https://www.voatiengviet.com/a/th%C3%A2n-nh%C3%A2n-%C4%91%E1%BB%81-ngh%E1%BB%8B-5-l%E1%BA%A7n-ch%C6%B0a-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-th%C4%83m-b%C3%A0-ph%E1%BA%A1m-%C4%91oan-trang-b%E1%BB%8B-giam-c%E1%BA%A7m/6363437.html

 

https://gdb.voanews.com/43E9704D-CB69-4189-8053-E9C67C86D8F3_cx1_cy0_cw98_w1023_r1_s.jpg

Chuyên gia Bill Hayton chiếu ảnh Phạm Đoan Trang tại một hội thảo hôm 18/11/2021.

 

Anh trai của nhà hoạt động Pham Đoan Trang đang bị cầm tù vừa gửi lá đơn mới nhất đến viên giám thị một trại tù ở Hà Nội đề nghị cho gia đình được thăm bà Trang. Bốn lá đơn trước của ông về việc này đều đã bị từ chối.

 

Đăng trên trang Facebook mang tên bà Trang, hiện do người đại diên của bà quản lý, lá đơn đề ngày 21/12 của ông Phạm Chính Trực, người anh của bà, viết rằng đây là lần thứ năm ông đề nghị giám thị của Trại tam giam số 1 thuộc Công an Hà Nội về việc thăm gặp bà Trang.

 

Đơn cho biết nhà hoạt động nữ vì dân chủ và tiến bộ xã hội bị nhà chức trách Việt Nam bắt hồi tháng 10/2020 và đã ra tòa xét xử sơ thẩm ở Hà Nội vào giữa tháng 12 này. Như vậy, đã 14 tháng trôi qua song gia đình bà Trang chưa từng được nhà chức trách cho thăm gặp.

Gần đây nhất, cuối tháng 11, phía trại giam hồi đáp lá đơn thứ tư của gia đình và nêu lý do rằng việc thăm gặp bị trì hoãn do mối lo ngại về lây lan COVID-19, ông Trực cho biết trong lá đơn mới nhất vừa được đăng lên Facebook.

 

Nhưng ông Trực viết tiếp trong lá đơn này rằng ông không thấy đó là lời giải thích thỏa đáng.

 

Người anh của bà Phạm Đoan Trang lập luận rằng việc thân nhân thăm người nhà đang bị cầm tù không hề có tiếp xúc trực tiếp. Bên cạnh đó, ông Trực cho hay gia đình ông cam kết đã tiêm chủng đầy đủ, mang khẩu trang trong quá trình thăm gặp và chấp nhận làm xét nghiệm nhanh trước khi vào thăm nếu cần.

 

Anh trai của bà Trang đề nghị giám thị trại giam sớm chấp nhận và giải quyết vấn đề này.

Kèm nội dung đơn của ông Trực, trang Facebook mang tên bà Phạm Đoan Trang cũng đăng một ý kiến của người quản lý trang nêu ra chất vấn rằng “Về luân thường đạo lý mà nói thì việc chia cách một người với gia đình họ 14 tháng trời mà không cho gặp (dù là gặp qua cửa kính trại giam) có phải là việc đúng đắn hay không?”

 

Vẫn người quản lý trang đặt thêm các câu hỏi: “Thực ra nó có phải là truyền thống văn hóa của dân tộc ta không nhỉ? Hình như mấy nghìn năm phong kiến cũng có màn này? Thời nô lệ giặc Tây giặc Tàu cũng có?”

 

Trước đó một ngày, trang Facebook của nhà hoạt động nữ cũng đã loan báo rằng mẹ và anh trai bà Trang đã trực tiếp đến Trại tạm giam số 1, Công an Hà Nội, để yêu cầu thăm gặp nhưng bị từ chối và được chỉ dẫn rằng gia đình cần gửi đơn qua đường bưu điện.

 

“Đã điều tra xong. Đã xét xử xong. Vẫn không cho gặp. Thế là cái lý gì? Pháp luật nào mà vô đạo đức đến như vậy?” trang Facebook mang tên Phạm Đoan Trang nêu thắc mắc.

 

Hàng chục người bày tỏ quan điểm về hai bài đăng kể trên. Họ cho rằng việc trại giam không cho thăm gặp là một dạng “nhục hình biến tướng” và “hèn mọn”. Một số người gọi đó là hành động “thất đức”, “độc ác”, “man rợ” và “rừng rú”.

 

Như VOA đã đưa tin, nhà hoạt động và nhà báo nổi danh của Việt Nam, Phạm Đoan Trang, bị tuyên án 9 năm tù trong phiên xét xử “căng thẳng” và được thắt chặt an ninh ở Hà Nội hôm 14/12.

 

Bà Trang, người từng được Tổ chức Phóng viên Không Biên giới trao giải Báo chí Tự do, bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo một điều trong Bộ luật Hình sự Việt Nam mà giới hoạt động trong nước cũng như các tổ chức nhân quyền quốc tế cho là có nội dung mơ hồ.

 

Mỹ, Anh, Canada, EU cùng với một số nước và tổ chức quốc tế đều đã phản đối bản án và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho bà Trang.




No comments:

Post a Comment