Friday, December 3, 2021

RAU CHỢ TRỜI (Lê Dũng)

 


Rau chợ trời

Lê Dũng  

03/12/2021

http://thuymyrfi.blogspot.com/2021/12/le-dung-rau-cho-troi.html#more

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/a/AVvXsEiCw7jWUYUf-j19A6JGIP75aL9k9p9V-HPOHpe8rWA8Vd99PwB7Nr2AsHQafpe8wJEzRuNEaKHQBm0gvUV_h_-ufkq6byGugCjk3_N_xnEcgifndHMOyv-mqgk0WeOdBCSbqRxknCxMHEzpYuJ6r_EBa_9XTt9bVAbtv6V4K-oiU66TxF5l4rHVfCELEw=w400-h300

Rau chợ trời

 

Mọi người không ở Hà Nội, có thể xa lạ với mỹ từ này. Nó xuất hiện, phát triển và tồn tại như một minh chứng cho sự sai lầm của nền kinh tế bao cấp.

 

Trước mở cửa kinh tế, mua gì phải vào cửa hàng thương nghiệp và chợ chính thống. Nhưng nơi đó chỉ có hàng hóa theo phom, giá cả ấn định và người bán phải có đăng ký. Những thứ các nơi đó không có mà nhu cầu con người có, thì chợ trời bán. Tên gọi như một cách gọi thứ ngoài luồng, ngoài quy luật, kiểu trời sinh nó ra thế, trời đày, trời hại. Thứ không định danh được thì gán cho trời thôi.

 

Tuần nay gần nhà tôi có hai cái chợ cóc bị phong tỏa, người bán hàng không có chỗ đứng. Và để tránh bị truy đuổi, họ cho rau, thịt và các loại lên xe chạy vòng vòng, rồi tạm trú trong các ngõ nhỏ. Dù gần đó cũng có hai siêu thị. Nhưng người dân quen chợ không nói, thực phẩm cũng tươi hơn, và giá rẻ bằng nửa. Thế là chợ trời rau ra đời.

 

Những lần đầu, dân nghe chính quyền và sợ dịch. Giờ họ không nghe, không sợ nữa, bởi hai lẽ:

 

- Cần phải sống. Muốn sống phải có tiền. Muốn có tiền thì phải tiêu thụ được nông sản.

 

- Cần phải sống. Muốn sống phải chi tiêu mua thực phẩm. Và muốn lâu dài thì hạn chế chi tiêu bằng cách tìm mua thực phẩm giá rẻ.

 

Nói ra thì phản cảm, nhưng ngoài việc hô khẩu hiệu, nhà nước đã không làm gì rõ ràng để giúp người dân thông qua chính sách.

 

- Lúc thịt lợn lên thì đi đâu cũng nói tăng đàn, tăng giống, nhập khẩu để hạ giá, yêu cầu các cấp các ngành, hệ thống chính trị phải vào cuộc để hạ giá lợn.

 

- Giờ lợn rớt giá thê thảm, nuôi cũng chết mà không nuôi cũng chết, lại mấy cái mồm đó lên tivi loa, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để giải cứu lợn, đẩy lợn lên giá.

 

Điều đáng buồn cười là khi người dân tự cứu mình, đưa lợn từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng thì phạt, thì truy đuổi, truy đuổi như kẻ tội đồ hay thằng ăn cắp. Chính sách mang tính thời vụ, ngắn hạn, chụp giật, manh mún, bị động, chắp vá và thiếu hệ thống.

 

Các cụ có nhớ chị bán rau ở Hạ Long nổi tiếng trên mạng hồi đầu năm không? Y thế luôn.

Nhà nước không sản xuất được có thể đi ăn mày vaccin. Nhưng người dân sản xuất được thì nó không cho tiêu thụ kiểu thế. Mà đi ăn mày như nhà nước ngày một ngày hai thì được, nhưng cả đời thì không thể, vì không ai cho. Mà có cho cũng không xuể, cứ nhìn Sài Gòn là biết.

 

Tết nhất đến nơi rồi. Rau đang vào vụ, quả chín trĩu cành, thịt ê hề trong chuồng.  Không tưới không cho ăn thì nó chết, mà tưới mà cho ăn thì tốn tiền, đi bán lại trốn chui trốn nhủi. Vậy tiền đâu?

 

Lần đầu tiên trong lịch sử, nền kinh tế Sài Gòn tăng trưởng âm tiệm cận hai con số. Dù có nói, có bôi vẽ bằng bất cứ cách nào, thì qua đó cũng không chối cãi được thực trạng nền kinh tế nước nhà.

 

Lưu thông là máu. Càng hạn chế lưu thông càng chóng chết. Cái mà các lực lượng thực thi công vụ cơm vua ngày trời đôi lúc họ không cảm nhận được, bởi đến tháng nhận lương. Nhưng lấy đâu ra mà nhận mãi, khi không có người làm và ngân sách không có mà thu?

 

Quỹ vaccin nổ thế được rồi, to rồi. Nhưng thực tiễn cần chú trọng, đó là cần thiết phải yêu cầu/kêu gọi việc xã hội hóa một cách tự nguyện việc tiêm vaccin và trang thiết bị y tế lưu động tại chỗ cho mỗi trường học trước khi đưa các con trở lại lớp. 30% huy động, 30% ngân sách và 40% phải có chính sách cho các trường vay ưu đãi ngân hàng và trả chậm để chủ động ứng phó. Số 40% đó sẽ được xã hội hóa từ phụ huynh và các tổ chức xã hội tự nguyện, khi nền kinh tế ổn định hơn.

 

Vùng nào khó khăn phải cho phép nhà trường vay ưu đãi từ ngân hàng với tỉ trọng cao hơn, thậm chí là 100%. Miễn sao an toàn cho giáo viên và học sinh, để cha mẹ các con yên tâm sản xuất.

 

Và nếu không chỉ đạo được, tốt nhất nên thu hẹp bộ máy công chức, động viên 1/2 công chức cả nước nghỉ không lương cho đến hết dịch, rồi nhập lại thành một tỉnh do thủ tướng làm tỉnh trưởng để chỉ đạo thông suốt. Qua dịch ta lại chia ra cũng chưa muộn.

 

Chứ cứ như giờ, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, mạnh ai nấy làm, quy định như ma trận. Nhìn cái hệ thống chính trị thực thi công vụ không khác cái chợ trời chạy loạn khi bị công an truy đuổi là bao.

 

LÊ DŨNG 03.12.2021





No comments:

Post a Comment