Saturday, December 25, 2021

PUTIN MUỐN HỒI PHỤC HÀO QUANG LIÊN XÔ CŨ (Anh Vũ - RFI)

 


Putin muốn hồi phục hào quang Liên Xô cũ

Anh Vũ

22/12/21

https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/23632-putin-muo-n-ho-i-phu-c-ha-o-quang-lien-xo-cu

 

30 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga trên đường phục hưng ảnh hưởng

Anh Vũ, RFI, 22/12/2021

 

Ngày 25/12/1991, tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev từ chức đánh dấu sự sụp đổ chính thức của đế chế cộng sản lớn nhất thế giới, một khối liên bang cưỡng ép 15 quốc gia trải rộng từ vùng Baltic sang Trung Á.

 

Ba mươi năm sau, Liên bang các nước Cộng Hoà Xã hội Chủ Nghĩa Xô Viết không còn nữa, 15 nước cộng hòa đã trở thành những quốc gia độc lập, nhưng nước Nga nổi lên như một cường quốc cố gắng duy trì không gian hậu Xô Viết trong vòng ảnh hưởng của mình.

 

Trong đống tro tàn sụp đổ của Liên Xô, nước Nga cũng giống như các nước cộng hòa anh em khác thuộc Liên Xô cũ gượng dậy với một nền kinh tế kiệt quệ đổ nát, đối mặt với rất nhiều vấn đề bất ổn từ nội bộ xã hội, tôn giáo, dân tộc đến lãnh thổ.

 

Nước Nga rộng lớn thời Liên Bang Xô Viết từng đóng vai trò hạt nhân, không muốn nhìn thấy vùng ảnh hưởng của mình bị mất dần khi mà các vệ tinh được thoát khỏi sự thống trị của chủ nghĩa Cộng Sản sau gần 70 năm, đều có xu hướng tìm đến chân trời mới phương Tây.

 

Phải đợi đến năm 1999, khi ông Vladimir Putin, từ một sĩ quan tình báo Liên Xô (KGB), lên làm tổng thống, nước Nga mới bắt đầu tìm lại vị thế đang mất dần của một cường quốc. Về đối nội, nước Nga dưới thời tổng thống Putin, không còn tôn thờ chủ nghĩa Cộng Sản, nhưng vẫn chủ trương duy trì một chế độ toàn trị, dùng bàn tay sắt bóp nghẹt đối kháng. Hạn chế các quyền tự do đã được nhen nhóm bởi các phong trào « Perestroika » hay « Glasnost ». Và đối ngoại, chế độ Putin thẳng tay bóp chết mọi ý đồ ly khai manh nha đòi độc lập của các vùng đất tự trị của Nga.

 

Để có được uy quyền duy trì được không gian hậu Xô Viết, Kremlin đã triển khai một chiến lược hợp tác quân sự, sử dụng nguồn năng lượng và hệ thống hạ tầng cơ sở như sợi dây trói các nước thuộc không gian Xô Viết cũ trong vòng ảnh hưởng của mình.

 

Từ năm 2000, không gian hậu Xô Viết được phân chia thành ba khu vực với các đặc điểm khác biệt :  Ukraina, Gruzia và Moldavia có xu hướng thoát Nga. Armenia hay Belarus chấp nhận chịu ảnh hưởng của Nga. Một số nước vùng Trung Á do đặc thù tôn giáo phức tạp có xu hướng chia sẻ chút ít với thế giới Hồi Giáo, nhưng vẫn lệ thuộc về quân sự và kinh tế vào Nga.

 

Những vấn đề phức tạp bắt đầu nảy sinh từ những cuộc cách mạng màu ở các nước Gruzia và Ukraina những năm đầu thập niên 2000, dẫn đến việc các nước này quyết tâm gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và NATO. Đến lúc đó, nước Nga không chỉ mất vùng ảnh hưởng mà còn cảm thấy an ninh của mình bị đe dọa. Matxcơva không ngần ngại thực thi chiến lược can thiệp đối với các nước trong không gian Xô Viết muốn thoát Nga để đến với phương Tây.  Vụ sáp nhập Crimée năm 2014 và những động thái gây căng thẳng ở biên giới Ukraina hiện nay làm một minh chứng rõ rệt nhất cho chính sách của Nga với các nước thuộc Liên Xô cũ.

 

Để chứng tỏ sự hùng mạnh trở lại của nước Nga, tổng thống Putin đã can thiệp trực tiếp vào Syria, trước sự bất lực của các nước phương Tây, cũng như khiến tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan phải ngậm đắng nuốt cay. Gần đây sự hiện diện của Nga ở trong các vùng xung đột của châu Phi cũng được nhắc đến nhiều qua các cáo giác về lính đánh thuê Nga của công ty tư nhân Wagner.

 

Ông Putin đã từng có nhận định rằng, sự sụp đổ của Liên Xô là tai họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20. Những gì đang diễn ra xung quanh nước Nga ngày nay, khiến dư luận có cảm giác dường như ông Vladimir Putin không chấp nhận sự sụp đổ của Liên Xô và ông đang có bước đi theo cách của những tiền nhân thời Xô Viết trên các mặt trân chính trị, ngoại giao và chiến lược.

 

Ở phương Tây người ta đặt câu hỏi : Để bảo vệ vùng ảnh hưởng và các lợi ích của mình nước Nga sẽ còn đi tới đâu ?  Phải chăng sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết Cộng Sản lại là sự khởi đầu tiến trình hồi sinh của một đế chế mới ? Với phương Tây, giờ đây nước Nga là mối đe dọa mới, còn với các láng giềng nước Nga vẫn luôn là mối e sợ.

 




No comments:

Post a Comment