Làm
thế nào để kiến tạo một quốc gia dân chủ? - Bài học từ một tiểu luận thời Việt
Nam Cộng hòa
Học để lựa chọn, chứ
không phải học để làm theo và bắt chước một cách mù quáng.
Ghi
chú: Những trích dẫn trong sách được giữ nguyên văn. Câu chữ và cách trình
bày phù hợp với tiếng Việt vào thời điểm sách ra đời.
***
“Việt Nam trước lựa chọn dân chủ” không
phải là một cuốn sách mới ra gần đây, cũng không nhắm tới thể chế độc đảng của
Việt Nam đương đại. [1] Nó ra mắt năm 1972 ở miền Nam để bàn về những lựa chọn
xây dựng một nền dân chủ cho miền Nam.
Tôi đặc biệt có hứng thú với những đề tài như
vậy, và cũng đặc biệt hứng thú với những tác giả trăn trở nghĩ suy về việc kiến
tạo một quốc gia dân chủ. Ông Trần Văn Ân - tác giả của tiểu luận “Việt Nam trước
lựa chọn dân chủ” - là một người như thế. [2]
Ông sinh năm 1903, là một nhà cách mạng lão
luyện và có ảnh hưởng lớn từ trước 1945 cho tới khi Sài Gòn sụp đổ năm 1975,
nhưng sử sách ngày nay không mấy khi nhắc tới. Vào thời điểm viết tiểu luận
này, ông đã gần 70 tuổi, vừa chấm dứt vai trò Chủ tịch Ủy ban Soạn thảo Sắc Luật
Bầu cử Quốc hội Lập hiến của Việt Nam Cộng hòa được vài năm, góp phần then chốt
lập ra nền Đệ nhị Cộng hòa với bản Hiến pháp năm 1967.
Cuốn “Việt Nam trước lựa chọn dân chủ” có cấu
trúc khá thú vị. Một nửa cuốn sách là tiểu luận của ông Ân, nửa còn lại là thư
từ trao qua đổi lại giữa ông và một số luật sư, cựu dân biểu, trí thức về nội
dung tiểu luận. Nó tựa như một cuộc thảo luận bằng văn bản, rất công phu, chỉn
chu và giàu tâm huyết. Giá giới trí thức và tranh đấu ở ta ngày nay cũng thảo
luận một cách chỉn chu như vậy thì chắc hẳn sẽ tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị
và gợi mở được đường hướng phát triển cho quốc gia.
Tiểu luận này của ông Ân là kết quả của những
trăn trở về hiện trạng của nền dân chủ Việt Nam Cộng hòa khi đó. Ông viết:
“Tính chất của nền dân chủ Việt Nam Cộng hòa -
Là tánh chất sanh non đẻ vội với tất cả bệnh hoạn của sự ấu trĩ. Nói thế là
nhìn nhận một sự thật để sửa chửa, chứ không có vấn đề bài xích với ý đồ xóa bỏ
cái gì đã làm. Ta đã dày công xây dựng dân chủ, đã tốn công của rất nhiều.
Không có vấn đề xóa đi làm lại, mà chỉ có vấn đề biết căn bịnh để mà trị liệu
đúng mức.”
Bài toán mà Việt Nam Cộng hòa phải giải, theo
ông Ân, là một xã hội:
·
vừa thoát thai ra khỏi chế
độ thực dân phong kiến, chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Đông và văn minh
chính trị Pháp;
·
kiến tạo dân chủ từ con số
không, trong khi phương Tây đã đi trước hàng trăm năm;
·
kiến tạo dân chủ trên nền
tảng một xã hội nông nghiệp, trong khi phương Tây đã công nghiệp hóa xong và đã
bước sang thời kỳ kỹ nghệ;
·
kiến tạo dân chủ trong
hoàn cảnh chiến tranh với nhà nước cộng sản độc tài ở miền Bắc;
·
kiến tạo dân chủ trong bối
cảnh khu vực châu Á gần như không có nước nào đáng gọi là dân chủ.
Ông giảng giải về các khái niệm chính trị học
như tự do, dân chủ với một tinh thần phê phán rất đáng quý, và luôn nhấn mạnh rằng
không có mô hình nào hoàn hảo, cũng không có mô hình nào mà Việt Nam có thể bê
nguyên về mà xài được.
“Ta quen học cái gì người ta đã thi hành mà quên rằng
có cái hay ở đây mà không hay ở nơi khác. Ta quen đem những công thức sẵn có áp
dụng cho ta mà quên rằng không có công thức nào là thích nghi cho mọi hoàn cảnh,
mọi địa phương và mọi dân tộc. Vẫn biết phải học, và có học mới có nên, nhưng học
là để lựa chọn, chớ không phải học để làm theo và bắt chước một cách mù quáng”, ông viết.
Vào lúc ông phê phán miền Nam như vậy, miền Bắc
đang tăng tốc trong việc bắt chước và rập khuôn mô hình Liên Xô. Còn miền Nam của
ông khi đó đang có một nền chính trị sôi nổi một cách hỗn loạn, với những đảng
chính trị không có cương lĩnh, không có viễn kiến, mang dáng dấp của những đảng
cách mạng hơn là đảng chính trị, và liên tục chửi bới, đánh nhau ở Nghị viện
như ở “chợ cá”. Việc thiếu nền tảng giáo dục chính trị, theo ông, khiến cho người
dân lẫn chính khách không biết cách thực hành dân chủ đúng đắn.
Ông Ân cho rằng có ba yếu tố chính để xây dựng
dân chủ là tự do, bình đẳng về cơ hội (mà ông gọi là bình đẳng điều kiện), và
điều hợp - mọi người dân có thể và có khả năng tham gia đúng mức vào các tiến
trình chính trị. Ông nhận định:
“Không ý thức giá trị tự do thì sự hành sử tự do sẽ
là bừa bãi, và bữa bãi là phản dân chủ. Không tạo bình đẳng điều kiện là không
hành sử được tự do và sự thăng bằng xã hội sẽ không có, thì sự điều hợp không
thể hiện được. Không có điều hợp là không có nhập cuộc sáng tạo. Không có sáng
tạo là không có tiến bộ.”
Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh tới tính hữu hiệu
của một chế độ dân chủ, thứ có lẽ rất gần với một khái niệm phổ biến trong
chính trị học hiện nay là quản trị tốt (good governance), và ông đề xuất một
chính quyền mạnh. Chính quyền mạnh, ông lưu ý, không phải là một chính quyền độc
tài, mà là một nền dân chủ điều hợp (démocratie harmonisante) để “tránh cuộc khủng
hoảng mà dân chủ ở Âu Mỹ đang gặp phải”.
“Trong điều hợp có yếu tố lấy quyết định mau, mặc dầu
không mau như trong chế độ độc tài, bởi vì có điều hợp là có nhập cuộc của các
tầng lớp nhân dân trong tinh thần đồng tiến”, ông viết.
Tuy vậy, trong hoàn cảnh Việt Nam Cộng hòa khi
đó, tự do sống là yếu tố tiên quyết, phải chấp nhận thiếu thốn những thứ tự do
khác để có tự do sống - ý ông muốn nói tới sự sống còn của miền Nam trước miền
Bắc.
Do đó, ông kết luận:
“Trong hiện tình đất nước, để sống còn và phát triển
quốc gia, thì
Trật tự phải đứng đầu.
Phải có trật tự để có tự do.
Kế đó là Ra sức làm việc, Có tổ chức hợp lý, và Làm
việc trong tinh thần hợp quần nhập cuộc, nhắm hiệu năng.
Còn thì mọi ‘cái gì khác’ đều là thứ yếu, trong lúc
nầy.”
Giải pháp cụ thể ông đề ra có giáo dục chính
trị, có khai dân trí, có mở trường, có mở báo, có viết sách, có mở hội thảo.
Những kiến giải và ưu tiên của Trần Văn Ân vào
cuối năm 1971, đầu năm 1972 có thể không còn phù hợp với thời đại ngày nay, tùy
góc nhìn của bạn đọc. Tôi điểm cuốn tiểu luận của ông cũng không phải để cổ xúy
cho mô hình dân chủ điều hợp mà ông đề xuất, mặc dù cái gọi là mô hình này cũng
mới chỉ dừng lại ở triết lý tổng quát chứ chưa đi vào thiết kế chính thể.
Cái tôi học được nhiều nhất từ tiểu luận của
ông lại là tinh thần phê phán quyết liệt và thái độ tranh luận rất đúng mực, là
hai yếu tố mà tôi nghĩ rằng đang quá thiếu thốn trong xã hội ta hiện nay, ngay
cả khi suy tư và tranh luận về giải pháp phát triển của dân tộc.
Tôi xin trích một đoạn trong tiểu luận của ông
Trần Văn Ân để khép lại bài viết cuối năm này:
“Nhìn vào sinh hoạt chính trị tại quốc hội Việt Nam
từ nhiệm kỳ I đệ nhị Cộng hòa đến nhiệm kỳ 2 - không kể đệ nhứt Cộng hòa - người
ta không ngạc nhiên vì mình học đòi dân chủ Âu Mỹ. Nhưng người ta không khỏi lo
sợ cho tiền đồ chế độ. Có người bảo rằng có xung đột mạnh, đánh đập nhau, chưởi
bới nhau (có cả rút ngòi lựu đạn và hâm dọa bằng súng tay) mới có dân chủ. Thật,
tôi không đồng ý, bởi tôi nhận định rằng tranh luận như thế ấy không bao giờ có
kết quả tốt. Những quyết định đạt được trong tinh thần căng thẳng và thù khích
không bao giờ là kết quả sáng suốt. Cãi vã nhau quá nóng nảy làm cho người biện
luận mất thăng bằng tri thức, tức mất trí khôn. Việc nầy nên dành cho trẻ con
chơi đùa, rồi đâm ra ẩu đả, chớ không nên áp dụng vào việc lấy quyết định có ảnh
hưởng đến quyền lợi quốc gia. Nhưng đây, ta mới học tập dân chủ, ta phải trả
giá dân chủ. Điều ta phải làm là vượt qua tình trạng ấu trĩ.”
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng
vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang,
rất mong chờ bài viết của bạn.
Chú thích
1. Việt Nam trước lựa chọn dân chủ.
(1972). Google Books. Retrieved 2021, from https://books.google.com.tw/books?id=Aq5LAAAAMAAJ&q=inauthor:%22V%C4%83n+%C3%82n+Tr%E1%BA%A7n%22&dq=inauthor:%22V%C4%83n+%C3%82n+Tr%E1%BA%A7n%22&hl=zh-TW&sa=X&redir_esc=y
2. Nguyễn Hoài Vân. (2002, Sep 11). Tiểu
sử Cụ Trần Văn Ân. Nam Kỳ Lục Tỉnh. https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/tac-gia-tac-pham/n/nguyen-hoai-van/tieu-su-cu-tran-van-an
No comments:
Post a Comment