Wednesday, December 22, 2021

ĐIỂM SÁCH "RED ROULETTE" : CUỐN SÁCH GÂY NHỨC NHỐI CHO BẮC KINH (Trùng Dương)

 


Điểm sách “Red Roulette”: cuốn sách gây nhức nhối cho Bắc Kinh

Trùng Dương

US Vietnam Research Center

12 Tháng Mười Hai, 2021

https://usvietnam.uoregon.edu/3579-2/?fbclid=IwAR377H22R7H_E0RUR792iC9Rl6NkvG0frgk6ZwVRp58aTRDGBxFaoNsL1JA

 

https://usvietnam.uoregon.edu/wp-content/uploads/2021/12/TD-Red-Roulette-cover-e1639286019262.jpeg

Hình bìa sách “Red Roulette”

 

Lần đầu tiên và duy nhất tôi viếng Hoa Lục, qua ba thành phố Thượng Hải, Nam Kinh và Bắc Kinh, là thời gian lưu trú ở Hương Cảng vào cuối năm 1990, để nghiên cứu cho luận án cao học về các vùng kinh tế đặc biệt của Trung Hoa, trong đó có Thẩm Quyến (Shenzhen) ở sát Hương Cảng (lúc ấy còn thuộc Anh Quốc). 

 

Đó là một Trung Hoa còn nghèo nàn, rất ít xe hơi, đầy nghẹt xe đạp, và những bộ áo quần mầu xám điểm đó đây là vài tấm khăn quàng đầu có tí mầu sắc xanh đỏ vàng của vài phụ nữ. Chị bạn đồng hành của tôi, Helen, một giáo sư dậy về văn chương Mỹ tại Đại học Macao (lúc ấy còn thuộc Bồ Đào Nha), kể là chị nằm mơ bị xe đạp cán vì vẫn chưa biết cách sang đường phải tránh xe đạp ra sao trong vài ngày chúng tôi viếng Bắc Kinh. 

 

Bắc Kinh hồi ấy không khí cũng ô nhiễm vì các cơ xưởng chạy bằng than và dân chúng dùng than củi để nấu nướng sưởi ấm, nhưng kém bây giờ nhiều. Tôi vẫn nhớ hình ảnh của những người cha hay mẹ đi xe đạp kéo theo một cái hộp bọc kính trên khung xe hai bánh, trong đó là đứa con, phần nhiều là con trai–cục cưng của gia đình một con, như chính sách mỗi gia đình chỉ được phép sinh một con của chủ tịch Đặng Tiểu Bình, nhằm hạn chế gia tăng dân số mà nông nghiệp Trung Hoa hồi ấy không đủ sức cung cấp. Gần đây, người dân Trung Hoa đã được phép có hơn một con vì chính phủ đang phải đương đầu với tình trạng giảm sút sinh đẻ và tương lai dân số người già ngày một gia tăng.

 

https://usvietnam.uoregon.edu/wp-content/uploads/2021/12/TD-RouletteDo-01-1-300x212.jpeg

Tác giả trước cửa Trường Đại học Nam Kinh. (Ảnh Trùng Dương, 1990).

 

https://usvietnam.uoregon.edu/wp-content/uploads/2021/12/TD-RouletteDo-02-1.jpeg

Khu cư xá sinh viên trong đaị học. (Ảnh Trùng Dương, 1990).

 

Năm ấy, 1990, Trung Hoa vừa trải qua một thập niên thử nghiệm nền kinh tế thị trường để tự cứu vãn sau bốn thập niên theo đuổi chủ nghĩa cộng sản đến kiệt quệ, qua việc thiết lập năm vùng kinh tế đặc biệt (Special Economic Zone, SEZ). SEZ là một vùng chế xuất đặc biệt để thu ngoại tệ, với các đặc quyền đặc lợi để lôi cuốn đầu tư ngoại quốc. Sự thành công của các SEZ, đặc biệt Thẩm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông, đã khiến các tỉnh khác đua đòi xin mở cửa cho đầu tư ngoại quốc đồng thời hấp thụ kỹ thuật mới và phương pháp quản trị của Tây phương để cải tiến công cuộc sản xuất và phát triển kinh tế.

 

Nhiều người dạo ấy tin tưởng, và hy vọng, là để giúp Trung Hoa phát triển kinh tế, gia nhập cộng đồng thế giới, đồng thời giúp tạo nên một tầng lớp trung lưu thành thị có đời sống vật chất tương đối và có học vấn, họ sẽ tham gia vào các sinh hoạt chính trị và như thế sẽ giúp Trung Hoa tiến tới một thể chế dân chủ hơn.

 

40 năm phát triển: Một Trung Hoa hiện đại đến choáng ngợp

 

Ba mươi năm sau lần viếng Hoa Lục, nhìn lại Trung Hoa hôm nay, tôi thường không khỏi ngạc nhiên và không tránh khỏi nhớ lại một Trung Hoa mà tôi đã thấy với Helen. Đúng là “một trời một vực”, không thể có cụm từ nào thích hợp hơn. 

 

Cao ốc mọc lên như nấm khắp nơi, nói lên sự kiện đô thị hóa chóng mặt. Từ 19 phần trăm dân sống ở các đô thị vào năm 1980 đã tăng vọt lên tới 64 phần trăm trong vòng có 40 năm, theo trang mạng Statista. Cao ốc có người ở và làm việc cũng có, cao ốc không người ở và bị bỏ hoang cũng nhiều tại những thành phố ma tân lập. 

 

Tình trạng đô thị hoá này, với những phần đất lẽ ra là hệ thống ngấm nước tự nhiên đã bị đào móng đổ xi măng và láng nhựa lấp bằng, cũng đã góp phần vào nạn lụt lội làm trôi nhà trôi cửa chết người, bên cạnh ảnh hưởng của hiện tượng khí hậu thay đổi và các nguyên nhân nhân tạo khác.

 

https://usvietnam.uoregon.edu/wp-content/uploads/2021/12/TD-RouletteDo-03-1.jpeg

Thành phố Thượng Hải vào đầu thập niên 1980, trái; và hiện giờ, phải. (Ảnh industrytap.com)

https://usvietnam.uoregon.edu/wp-content/uploads/2021/12/TD-RouletteDo-04-1.jpeg

 

Có lẽ không ở đâu thay đổi nhanh như vậy trong chưa tới nửa thế kỷ. Hàng rừng xe đạp độ nào đã khiến chị bạn tôi nằm mơ thấy mình bị xe đạp cán được thay thế bởi hàng hàng lớp lớp xe hơi đủ loại bóng loáng tràn ngập phố xá, từ Bắc Kinh tới Thượng Hải và cả Thẩm Quyến, vốn xưa chỉ là một làng chài nghèo vô danh bên một Hương Cảng tân tiến. 

 

Đời sống người dân cũng đã được nâng cao, từ mức thu nhập 195 Mỹ kim trung bình mỗi dầu người năm 1980 tới 10,500 Mỹ kim năm 2020. Theo thống kê năm 2018 của World Atlas, toàn thế giới có tổng cộng 2,208 tỉ phú thì Trung Hoa đã chiếm tới 819, vượt cả Hoa Kỳ xếp hàng thứ hai với 585. Trung Hoa hiện là nền kinh tế lớn thứ hai sau Hoa Kỳ, qua mặt Nhật Bản. 

 

Đấy là chưa kể các lãnh vực cải cách khác mà lãnh tụ Đặng Tiểu Bình khởi xướng, sau khi ông được phục hồi trở lại cầm quyền và đã quyết tâm đem Trung Hoa ra khỏi tình trạng kiệt quệ dưới thời Mao vốn đặt nặng hồng hơn chuyên. Bốn chương trình cải cách chính mà họ Đặng khởi xướng vào cuối thập niên 1970 là nông nghiệp, kỹ nghệ, khoa học và kỹ thuật, và quân sự. 

 

Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là phát triển về quân sự, có lẽ vì tôi thường không theo dõi sát sự phát triển này cho tới gần đây khi nhìn những hình ảnh hàng không mẫu hạm của Trung Hoa, và đọc tin về các công trình khám phá không gian của quốc gia cộng sản này. Đặc biệt hơn nữa là việc Trung Hoa đã thiết lập được một trạm không gian riêng của họ. Tôi thán phục song không khỏi thắc mắc: làm thế nào mà Trung Hoa đã thực hiện được những công trình tiến bộ vượt bực làm vậy? Thế lực nào đã giúp hay cố vấn? Có bao nhiêu phần là… đánh cắp?

 

Từ giữa thập niên 2010, dưới quyền chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Hoa đã vươn ra bên ngoài với hệ thống Đường Tơ Lụa Mới (tên chính thức là Belt and Road Initiative), với các chương trình tài trợ (bằng cách cho vay) các quốc gia cần phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu cống, đường sá, hải cảng—nền tảng cho việc phát triển kinh tế. Nhiều quốc gia đã ghi tên gia nhập hệ thống này. 

 

Con Đường Tơ Lụa hiện nay đã vuơn tới tận Âu Châu và Phi Châu. Và cũng không thiếu quốc gia đã vướng vào vòng nợ nần. Có quốc gia, như Sri Lanka, đã phải ký giao cho Trung Hoa quyền khai thác trong 99 năm nguyên một hải cảng tại một vị trí chiến lược, vì quốc gia này không có chuyên viên và quỹ điều hành, cũng như khả năng trả nợ. 

 

Bề trái của sự phát triển kinh tế

 

Thế nhưng sự phát triển kinh tế nào cũng có bề trái của nó. Khi mở Trung Hoa ra cho phát triển theo kinh tế thị trường, ông Đặng đã khuyến khích dân Tầu, vốn quen với đời sống kham khổ tằn tiện (vì quá nghèo) dưới thời Mao, với phương châm Làm giầu là vinh quang. Ông cũng nói, để trấn an phe bảo thủ, là sẽ không tránh khỏi khi mở cửa thì thế nào cũng có vài con ruồi lọt vào. 

 

Nhờ các chương trình cải cách đặt nền tảng trên các nguyên tắc thị trường của tư bản chủ nghĩa mà hàng trăm triệu người Trung Hoa đã có một đời sống dễ thở hơn. Song sự bất bình đẳng lợi tức giữa người giầu kẻ nghèo, giữa thành thị và nông thôn vẫn tồn tại và ngày một trở nên sâu xa. Chưa kể hàng ngũ tỉ phú phất lên nhờ kỹ nghệ điện toán đang là một mối đe dọa tới quyền lực của Đảng Cộng sản. Từ nhiều tháng nay người ta thấy chủ tịch đảng Tập Cận Bình phát động một chiến dịch mà ông nói là nhằm tạo một ý thức hệ chính trị mệnh danh là “sự phồn thịnh chung”, nghe rất mực hoa mỹ. 

 

Đi đôi với khẩu hiệu “sự phồn thịnh chung” này là việc phát động một chiến dịch tước bỏ quyền lực của các cơ sở kinh doanh tư nhân mà lâu nay Bắc Kinh nương tay cho mặc sức làm giầu. Trong số các vụ đàn áp này là việc cấm không cho phép hãng công nghệ cao Ant Group thuộc công ty Alibaba—một thứ Amazon Trung Hoa—mở tài khoản chứng khoán trị giá 34 tỉ Mỹ kim mà không có sự tham dự của công ty quốc doanh; phạt tiền (tổng cộng 2.75 tỉ Mỹ kim) Alibaba về tội độc quyền; giới hạn gắt gao khả năng thu thập thông tin và cung cấp dịch vụ của các hãng công nghệ cao do tư nhân làm chủ và giao lại cho các công ty quốc doanh; và đóng cửa các trường dạy kèm dân lập vì lợi nhuận.

 

Bề ngoài thì thấy chiến dịch này nhằm vào việc quân bình hoá tình trạng bất bình đẳng lợi tức hiện tại trong xã hội Trung Hoa. Như ông Tập nói vào hồi đầu năm là, “Chúng ta không thể để cho hố ngăn cách giữa người giầu kẻ nghèo tiếp tục như hiện tại.” 

 

Thế nhưng cuốn hồi ký của Desmond Shum, “Roulette Đỏ: Chuyện của một nhân chứng về tài sản, quyền lực, tham những và trả thù tại Trung Hoa ngày nay,” ghi lại chi tiết về các dịch vụ làm ăn của ông và bà vợ (nay đã ly dị), qua một hệ thống móc ngoặc chằng chịt với các chức sắc cao cấp trong đảng và thân nhân của họ, đã cho thấy một Trung Hoa không thuần túy vì lợi ích xã hội nói chung.

 

Chẳng thế mà vài ngày trước khi cuốn sách ra mắt vào đầu tháng Chín, tác giả nhận được cú điện thoại của người vợ cũ, lâu nay không biết tông tích ở đâu, xin ngưng ngay việc phát hành sách, nếu không bà và cả con trai bà có thể bị hãm hại. 

 

‘Red Roulette’: Cuốn sách gây nhức nhối 

 

Đảng Cộng sản Trung Hoa ngày nay, qua cuốn hồi ký dài trên 300 trang của Desmond Shum dựa vào kinh nghiệm cá nhân của một nhà kinh doanh tư và vợ, Whitney Duan, người vốn có nhiều liên hệ với các chức sắc cao cấp trong đảng, là một đảng kết tinh của chủ nghĩa tư bản quá độ. Nó được dùng để phục vụ và bao che quyền lợi bè phái, và đã sinh sản ra một thế hệ con ông cháu cha dòng dõi Hồng Triều tiêu tiền không tiếc tay—những đồng tiền kết quả từ các vụ tham nhũng tràn lan, mua bán ảnh hưởng, các thủ thuật chính trị và đâm sau lưng nhau nếu cần trong hệ thống đảng. Tóm lại, cuốn hồi ký vạch trần hệ thống kinh tài phục vụ lợi ích cá nhân và phe phái trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Hoa.

 

https://usvietnam.uoregon.edu/wp-content/uploads/2021/12/Red-Roulette-cover-199x300.jpeg

Bìa sách “Red Roulette” (trên) và tác giả Desmond Shum (dưới)

https://usvietnam.uoregon.edu/wp-content/uploads/2021/12/TD-Desmond-Shum.jpeg

 

Desmond sinh năm 1968 tại Thượng Hải, vào lúc cao độ của cuộc Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông chủ xướng nhằm xoá bỏ một Trung Hoa cổ kính để xây dựng một xã hội mới, một Trung Quốc hoàn toàn độc lập với quá khứ và ảnh hưởng của ngoại bang. Cuộc cách mạng đã đẩy Trung Hoa tới bên bờ vực thẳm do những chính sách phát triển sai lầm. 

 

Ông nội của Desmond, nguyên là một luật sư tên tuổi, đã phải đóng cửa văn phòng, gia đình bị đuổi ra khỏi ngôi nhà ba tầng ở Thượng Hải, nên dọn về quê sống. Bên ngoại thì khá hơn nhờ ông ngoại có liên hệ với Giang Trạch Dân, người sau này trở thành chủ tịch đảng năm 1989 rồi chủ tịch nhà nước năm 1993. Đồng thời ông cụ, nhờ sinh sống và có cơ sở kinh doanh ở Hương Cảng lúc ấy còn thuộc Anh Quốc, cũng đã phần nào giúp kinh tài cho Trung Hoa trong thời kỳ bị Hoa Kỳ phong tỏa kinh tế. 

 

Desmond có một thời thơ ấu khó khăn, sống kham khổ, nhưng chịu khó học. Năm ông lên 10 tuổi thì ông ngoại ông đón mấy mẹ con ông sang Hương Cảng, nói dối là sang thăm, rồi xoay sở xin ở lại, và sau đó đón cha ông sang đoàn tụ. Tại đây, Desmond nhờ chịu khó học nên được chọn vào Queen’s College danh tiếng. Nhờ một thân hình cao lớn và khả năng bơi lội, Desmond thường dẫn đầu đội bơi lội của trường, đem về nhiều giải thưởng. 

 

Cũng nhờ được giáo dục ở Hương Cảng mà ông thông thạo tiếng Trung Hoa, Quảng Đông và Anh ngữ. Việc làm đầu tiên mà Desmond có được là dậy bơi, mang về cho ông một lợi tức là 1,000 Mỹ kim. Ông bắt đầu thích tìm hiểu về tài chính và muốn làm thương mại để có được nhiều tiền. Cuối năm 1989, nhờ một người bạn thân khuyến khích, Desmond sang Mỹ theo học về tài chính và kế toán tại Đại học Wisconsin vì học phí ở đây rẻ hơn so với các trường khác, do cha mẹ ông đài thọ.

 

Sau khi tốt nghiệp và trở lại Hương Cảng vào lúc Trung Hoa vừa hồi phục sau vụ tai tiếng đàn áp đẫm máu các sinh viên biểu tình đòi dân chủ ở Thiên An Môn vào tháng Sáu năm 1989, Desmond đối diện với một Hoa Lục mở rộng cửa thêm đón tư bản ngoại quốc hầu xóa đi ấn tượng xấu về vụ thảm sát. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài không mong muốn gì hơn là có cơ hội làm ăn tại nơi mà thị trường trên cả tỉ người đầy hứa hẹn. 

 

Desmond cũng khởi sự tìm cơ hội làm tiền. Sinh ra ở Hoa Lục, lớn lên ở Hương Cảng, tốt nghiệp đại học ở Mỹ, ông không thấy mình thuộc hẳn về nơi nào. Lại càng không thuộc về Hoa Lục, nơi, muốn thành công, đòi hỏi phải có “guanxi” (关系, tức “quan hệ”), một liên hệ đặc thù trong đó ngầm chứa cả bổn phận đối với nhau, sẵn sàng làm bất cứ gì cho nhau kể cả bẻ cong luật lệ, và được xây dựng qua một thời gian dài, đặc biệt trong một xã hội như xã hội cộng sản, mà sự nghi kỵ lẫn nhau đã trở thành một phần bản chất. 

 

Sau vài thất bại trong việc làm ăn trong Hoa Lục, Desmond hiểu rằng mình cần một người trong lòng chế độ có “guanxi” để dẫn dắt mới mong thành công. Và ông đã gặp Whitney Duan, chủ tịch của công ty Đại Hải chuyên về máy vi tính, và Desmond hy vọng móc nối công ty công nghệ cao chuyên về phần mềm mà ông và một người bạn vừa thiết lập với công ty của Whitney. Họ thích nhau nhưng đồng ý giữ ở liên hệ đồng doanh nghiệp, mấy năm sau mới chính thức hoá với nhau. Whitney, gốc dân thường (không thuộc giòng giống cách mạng) sinh ra và lớn lên ở tỉnh Sơn Đông song tốt nghiệp Học Viện Bách khoa Nam Kinh (Nanjing Polytechnic Institute – NJPI), và là một phụ nữ nhiều tham vọng. Bà cũng cần một người có thể tin cậy để cùng thực hiện các dự án thương mại lớn khác. 

 

Phải ba năm sau, vào năm 2002, khi cảm thấy có thể tin cậy được nhau, Whitney mới giàn xếp giới thiệu Desmond với bà Zhang Beili, mà Whitney gọi là “Cô Trương.” Desmond chỉ được biết sau này, rằng Cô Trương chính là vợ của Ôn Gia Bảo (Wen Jiabao), lúc đó là phó thủ tướng và vào năm 2003 lên làm thủ tướng và là nhân vật quyền lực thứ hai trong Đảng. 

 

Nấp bóng quyền lực của ông Ôn qua bà vợ, cặp Desmond-Whitney tìm kiếm đồ án làm ăn, trong đó có những công trình tái khai triển đất đai. Một trong các đồ án quan trọng mà họ đã thực hiện là công trình tái khai triển phi trường Bắc Kinh thành một “thị trấn” trong lòng Bắc Kinh, cung cấp mọi dịch vụ cần thiết ngay tại đây, như các kho chứa đồ xuất nhập cảng, xưởng sửa chữa máy bay, cửa hàng, tiệm ăn, khách sạn. Đồ án này tất nhiên là có phần hùn của vài công ty quốc doanh. Khi bán lại phần hùn của mình, cặp Desmond-Whitney và cả “Cô Trương” kiếm được món lời hàng trăm triệu.

 

Dù vậy, họ một mực bao che để không ai biết trong các áp phe làm ăn có “Cô Trương” dính dáng hay góp vốn. Theo Desmond, thì cả “Cô Trương” lẫn Whitney cùng khẳng định là ông Ôn không hề hay biết gì về việc làm áp phe của vợ. Tuy vậy, tờ New York Times vào năm 2012 đi một bài liệt kê tài sản của Thủ tướng Ôn, tổng cộng gần 3 tỉ Mỹ kim, nhưng dưới tên của các người thân, kể cả mẹ ông, một bà giáo già góa chồng đã 90 tuổi, khi chuyện vỡ lở. Bài báo cũng nhắc tới Whitney. 

 

“Cô Trương” kể lại với Desmond và Whitney một năm sau khi vụ việc bị phanh phui, là vì bài báo mà bà và các con sau này phải giao toàn tài sản cho nhà nước để tránh bị trừng trị.

Tiền bạc vào như nước, cặp Desmond-Whitney cũng tiêu tiền không tiếc tay trong các chuyến đi mua sắm, ăn chơi du hí bài bạc ở hải ngoại, có khi bằng máy bay riêng của các con ông cháu cha của các chức sắc cao cấp trong Đảng—những công chúa hoàng tử của Triều đình Đỏ, như lời mô tả của Desmond. Dù vậy, Desmond cũng cho biết ông đã tặng hàng chục triệu cho các đại học, và mở quỹ học bổng cho các sinh viên nghèo hiếu học. Có lúc Desmond cho thấy ông thành thực tin tưởng Trung Hoa đang trên đường hoá thân và sẽ đi dần tới chỗ dân chủ hơn. 

 

Nhưng rồi Tập Cận Bình trở thành chủ tịch đảng vào năm 2012, theo đuổi các chính sách đối nội gay gắt, trong đó có chiến dịch chống tham nhũng. Desmond dần nhận ra chiến dịch chống tham nhũng có vẻ nhằm thanh toán các phần tử có thể cản đường đi tới độc quyền của Chủ tịch Tập hơn là để làm sạch xã hội và tạo sự bình đẳng lợi tức. 

 

Khi Bắc Kinh thẳng tay trừng trị và dập tắt khát vọng dân chủ của dân Hương Cảng, vốn còn đang được hưởng chế độ tự trị trong thời gian 50 năm (như đã giao ước giữa Anh và Bắc Kinh khi Anh trao trả Hương Cảnh vào năm 1997), Desmond hiểu Trung Hoa sẽ ít có cơ hội trở thành một Trung Hoa như ông kỳ vọng. 

 

Trước đó ông cũng đã nghĩ tới việc mang tài sản đã gây dựng được ra khỏi Hoa Lục. Phần khác, ông cũng muốn tìm cơ hội kinh doanh ở nước ngoài, đấu thầu các dự án một cách đàng hoàng hợp pháp hơn là phải đi bằng hệ thống “guanxi” mà Whitney ưa thích, cho là hữu hiệu hơn cả. Desmond gặp phải sự phản kháng quyết liệt của vợ, bà cho rằng rồi Trung Hoa sẽ thay đổi, như đã thay đổi nhiều lần, việc làm ăn của họ lại sẽ dễ dàng như trước. Hai vợ chồng do đấy ngày một trở nên xung khắc.

 

Chính Whitney đòi ly dị. Whitney nắm trong tay mọi tài sản tiền bạc, nhất định không chịu chia của, lại nói nếu Desmond cần tiền thì đi đòi số tiền 30 triệu Mỹ kim ông đã cho người bạn thân mượn không giấy tờ, mà người này thì đã biến mất. Desmond muốn họ xin ly dị ở tòa Hương Cảng, để Whitney Không thể dùng hệ thống “guanxi” của bà, nhưng Whitney không chịu. 

 

Cực chẳng đã, Desmond phải dọa sẽ phanh phui các chuyện làm ăn khác của Whitney với tờ New York Times, nhiều hơn cả những gì báo này này đã khai thác trước đó. Cuối cùng, Whitney đành nhượng bộ. Họ đồng ý ly dị vào giữa tháng 12, 2015. Desmond dọn sang Anh với đứa con trai nhỏ, Ariston, của hai người, vì chính Whitney cũng muốn cậu bé lớn lên ở nước ngoài. Whitney có đi thăm con một năm sau đó, rồi trở về nước. Và bà biến mất kể từ đó. Mặc dù Desmond đã làm mọi cách để tìm ra tông tích của vợ cũ, nhưng vô vọng. 

 

Cho mãi tới đầu tháng Chín năm nay, trước khi nhà xuất bản Scribner tung ra thị trường cuốn hồi ký Red Roulette của ông, mà ông nói thoạt đầu viết là để lại cho con trai, thì Desmond bỗng nhận được điện thoại của Whitney, nói phải ngưng ngay việc phát hành cuốn sách, rằng bà hiện được tạm tha, nhưng nếu Desmond không ngưng cuốn sách thì sẽ bị giam trở lại. Whitney không chỉ gọi một lần mà còn gọi thêm một lần nữa. Lần sau này, bà báo là nếu cuốn sách vẫn ra mắt thì chẳng những bà gặp khó khăn mà cả con trai của họ có thể bị hại.

 

Tất nhiên là cuốn Red Roulette vẫn ra mắt vào ngày 7 tháng Chín, 2021. 

 

Độc giả tiếng Việt có thể đọc bản dịch—chưa được chỉnh lắm, có lẽ vì dịch vội để ra mắt—tại đây.

 

Điều Roulette Đỏ không đề cập tới

 

Trong khi đọc Roulette Đỏ về các công trình kinh doanh, trong đó có việc tái khai triển đất đai, của cặp Desmond-Whitney nhờ vào hệ thống “guanxi” tinh vi của Whitney qua “Cô Trương”, tôi chờ đợi một câu nào đó trong đó tác giả đề cập tới các vụ cưỡng chế đất đai của dân cho mục tiêu phát triển kinh tế và đô thị hoá, nhưng không thấy. Có thể vì tác giả chủ ý không đề cập tới để không làm loãng chủ đề của cuốn sách, hoặc chính ông cũng không để ý đến cái nền tảng trên đó Đảng Cộng sản Trung Hoa xây dựng “phép mầu kinh tế” của họ. 

 

Trong số những nhận định về cuốn hồi ký vạch trần tình trạng tham nhũng của các chức sắc cao cấp trong đảng đang gây nhức nhối cho Bắc Kinh, tới độ đã gây áp lực tác giả phải ngưng phát hành cuốn sách, tôi bắt gặp một nhận định trùng hợp với thắc mắc của tôi. Đó là nhận xét của ký giả Melissa Chan khi chị khe khắt nhận xét là tác giả viết cuốn sách này cũng là để phục hồi danh dự cho mình. Melissa viết, “Biết bao nhiêu tài sản địa ốc [có được] ở Trung Hoa là do cuỡng chế đất đai của nông dân mà có.” 

 

Thật vậy, theo bài tóm tắt chi tiết bằng tiếng Anh từ một nghiên cứu bằng tiếng Trung Hoa vào năm 2015, để đẩy mạnh công cuộc đô thị hoá và xúc tiến cái gọi là cải cách nông nghiệp và đô thị hoá nông thôn, Bắc Kinh và các giới hữu chức tỉnh thành đã phát động chiến dịch thu hồi đất đai để sung vào các công trình xây cất công xưởng (sản xuất đồ tiêu thụ để xuất cảng thu ngoại tệ), công viên, khu giải trí, cao ốc chung cư cho kế hoạch đô thị hoá và kỹ nghệ hoá dưới danh nghĩa phát triển kinh tế. Gọi là thu hồi vì, cũng giống như ở Việt Nam, người dân không còn là chủ đất đai của mình mà chỉ có quyền sử dụng đất đai do nhà nước làm chủ. 

 

Sau hai thập niên từ giữa thập niên 1990 đến năm 2013, có tổng cộng 130 triệu nông dân không còn đất để canh tác, trở thành vô sản và cả vô gia cư. Hàng triệu người đã phải vào thành phố đi làm thợ và sống chui rúc trong các khu ổ chuột, nơi mà chẳng mấy lúc cũng bị san bằng lấy chỗ cho các công trình xây cao ốc chung cư sang trọng. Ngoài ra, có khoảng 1,5 triệu ngôi làng, tức trên 30 phần trăm tổng số làng ở Trung Hoa, bị san bằng để mở đường cho các kế hoạch đô thị hoá, mà thực tế ở nhiều nơi là để các quan chức địa phương cho nhà thầu thuê để xây các cao ốc chung cư bán lấy lời.

 

Các vụ cưỡng chế đất đai vẫn còn xẩy ra hiện nay, vì chủ quyền đất đai còn nằm trong tay giới cầm quyền, đặc biệt ở vùng quê. Việt Nam, một phó bản của Trung Quốc, cũng không khác nước này với những Đồng Tâm, Lộc Hưng và nhiều nơi khác. Đồng thời, cho đến nay, Việt Nam có một số tỷ phú nhưng tất cả đều xuất phát từ bất động sản. Trung Quốc còn có 2% tỷ phú không xuất phát từ bất động sản, tức là khoảng hơn 150 người. Việt Nam chưa có ai trở thành tỷ phú nhờ phát minh kỹ thuật, công nghệ.

 

Cưỡng chế đất đai đã trở thành một công cụ nòng cốt để xây dựng nên cái gọi là “phép lạ kinh tế” của Trung Hoa, và đã tạo ra nhiều cảnh đau thương, nhất là đối với nhiều người lớn tuổi đã sinh sống trong ngôi nhà của nhiều thế hệ. Ai mà không choáng ngợp khi nhìn những đô thị tái tạo hoặc tân tạo với các tòa nhà chọc trời ngất ngưởng đủ kiểu kiến trúc tân kỳ. Các giới chức cầm quyền địa phương đã trưng thu đất đai cho các công trình xây cất cao ốc, công viên giải trí, nhân danh phát triển kinh tế và đô thị hoá nông thôn. 

 

Các nhà kinh doanh tư có “guanxi” tới nhiều chức sắc cao cấp trong đảng, có thể lấy cho mình những lô đất tuyệt hảo ở chốn thị thành hay ngoại ô, rồi khai triển thành cao ốc chung cư bán kiếm lời. Theo một thống kê thì, vào cuối thập niên đầu của thế kỷ 21, cứ 10 nhà tỉ phú ở Trung Hoa thì có 8 đã làm giàu bằng địa ốc. Và số tỉ phú Trung Hoa làm giầu bằng địa ốc chiếm 58 phần trăm tổng số tỷ phú nhờ địa ốc trên thế giới.


Huy động lực lượng cảnh sát hùng hậu để cưỡng chế đất đai: Trái, tại Trung Hoa. Phải, tại Việt Nam: lực lượng cảnh sát trang bị áo giáp chống đạn tụ họp tại cổng vào đình làng Đồng Tâm sáng ngày 9 tháng Giêng năm 2020 chuẩn bị tấn công. 

 

Vì tình trạng khai thác đất đai vô tội vạ mà Trung Hoa hiện đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng địa ốc có thể nói là lớn nhất thế giới, có triển vọng lớn hơn cả vụ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đó là vụ Evergrande. Evergrande nguyên thủy là hãng tư nhân chuyên khai thác địa ốc, đã khởi công xây cất cả rừng cao tầng chung cư, với tổng số khoảng 30 triệu đơn vị gia cư, rải rác khắp Hoa Lục, trong đó có nhiều công trình chỉ mới có sườn cao ốc, mặc dù nhiều đơn vị gia cư đã có người mua và làm chủ trên giấy tờ, chỉ chờ hoàn tất là dọn vào. Tiền bán nhà, thay vì để hoàn tất xây cất các công trình mà các đơn vị gia cư đã có người đặt mua, thì Evergrande lại dùng vào khai thác những công trình xây cất khác, kể cả sân vận động bóng tròn, công viên giải trí, công ty sản xuất xe chạy bằng điện, mà chẳng công trình nào đã hoàn tất hay thành công. 

 

Evergrande hiện nợ khoảng 300 tỷ Mỹ kim, có nhiều triển vọng phá sản, và ảnh hưởng dây chuyền đáng kể tới nhiều ngành nghề, chưa kể hàng triệu người bỏ tiền mua nhà mà có lẽ sẽ không bao giờ có nhà, trong đó có nhiều thường dân. Evergrande chỉ là một trong những hãng địa ốc lớn nhỏ gặp khó khăn, và cái bong bóng địa ốc của Trung Hoa có triển vọng bục bất cứ lúc nào. Vài quan sát viên nhận định là Bắc Kinh có thể sẽ nhân cơ hội này quốc doanh hoá các công ty này. Kẻ thiệt thòi, như trong các vụ cưỡng chế đất đai, vẫn là người dân thường, những người đã dốc cả tiền để dành, tiền hưu trí để mua những căn hộ sẽ không bao giờ hoàn tất.

 

Cưỡng chế đất đai là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng bất bình đẳng trong xã hội Trung Hoa, với gốc rễ sâu xa trong hệ thống “guanxi” đầu mối của tham nhũng. Chủ tịch Tập có hô hào vì “thịnh vượng chung” và quyết diệt tham nhũng cách mấy thì cũng vẫn không thay đổi được gì, vì mầm ung thư còn đó. Nhất là khi ông Tập, như một số quan sát viên nhận định, chỉ dùng chúng như bức bình phong để củng cố quyền lực của mình và phe nhóm.

 

[TD2021-12]




No comments:

Post a Comment