Wednesday, December 1, 2021

HAI CHỨNG CỨ CHỨNG MINH ĐÀN BẦU LÀ CỦA VIỆT NAM (Nguyễn Xuân Diện)

 


HAI CHỨNG CỨ CHỨNG MINH ĐÀN BẦU LÀ CỦA VIỆT NAM    

Nguyễn Xuân Diện  

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

 http://xuandienhannom.blogspot.com/2021/11/hai-chung-cu-chung-minh-bau-la-cua-viet.html

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/a/AVvXsEhSkN7RP-e9esajto6VcdpeW8Fzxn4nyn5IA0DrwcKQb6ainLG16SwkIQE4XFHK_bmkdFuKYfT-LUycDDIL5HTi4ujxR1qUyrbGvwIQJQ4jO2-_7bzEmuG8KJ80kg3ytoq0uap_q9AwBuna3aMTmJEGppGknD99zlvJ-kyKUwSO3meuJ_CCC8ZEmgpymg=s16000

Đàn bầu

 

HAI TRONG NHIỀU CHỨNG CỨ CHỨNG MINH
ĐÀN BẦU LÀ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM 

Nguyễn Xuân Diện

 

Lê Quý Đôn (1726 – 1784)(1) trong Vân đài loại ngữ và Kiến văn tiểu lục đã ghi nhận nhiều tư liệu về âm nhạc và vũ đạo các đời. Kiến văn tiểu lục chép: "Sứ Giao tập chép: [Trần Cương Trung] “thường dự yến ở điện Tập Hiền, thấy con trai đóng vai kép, con gái đóng vai đào, mỗi bên 10 người, đều ngồi dưới đất; các thứ đàn, có đàn tì bà, đàn tranh và đàn bầu, v.v.”.(Bản dịch của Phạm Trọng Điềm) (2).

 

Cũng đoạn văn trên, bản dịch của Trúc – Viên Lê Mạnh Liêu xuất bản tại Sài Gòn năm 1963 như sau: 

“Tập Sứ-giao lại chép rằng: Tôi được Vua đãi yến ở điện Tập-hiền, phường hát trò chừng 10 người con trai và 10 con gái, đều ngồi cả dưới đất, có đàn tỳ bà, đàn tranh, đàn một dây”(3).

 

Nguyên văn chữ Hán, theo bản Kiến văn tiểu lục見聞小錄, bản lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm mang ký hiệu VHv.1322/2, ở tờ 13b chép như sau: Sứ Giao tập viết: Thường yến ư Tập Hiền điện, nam ưu nữ xướng thập nhân giai địa tọa, hữu tỳ bà, Tần tranh, nhất huyền chi thuộc (使交集曰常宴於集賢殿男優女倡十人皆地坐有琵 琶秦箏一絃之屬); dịch là: Sứ Giao tập chép: thường dự tiệc ở điện Tập Hiền; con trai làm trò, con gái hát múa mỗi bên mười người ngồi ở dưới đất, có các loại đàn tỳ bà, đàn Tần tranh và đàn một dây. 

 

Như vậy, ghi chép của Lê Quý Đôn thu thập Sứ Giao Châu tập của sứ giả nhà Nguyên là Trần Cương Trung (lúc ấy nước ta là đời Trần), phần ghi nhạc cụ đoạn văn vừa nhắc chỉ có 3 loại: tỳ bà, đàn Tần tranh và đàn một dây. Đàn một dây này có thể là loại đàn Độc huyền cầm, tức là đàn Bầu. Nếu vậy, theo ghi chép này, đàn bầu đã có từ thời Trần, và loại đàn này đã được một sứ giả nhà Nguyên trông thấy trong cung điện hoàng cung nhà Trần. Điều này cho thấy cây đàn bầu vốn ban đầu không phải là của những người hành khất khiếm thị, nó là một nhạc cụ sang trọng được sử dụng trong hoàng cung, cùng với đàn tỳ bà, đàn tranh.

 

Tiếp theo, một tài liệu quan trọng khác có ghi về Đàn bầu là Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa 指南玉音解義 (AB.372)(4), một cuốn từ điển song ngữ Hán Nôm đầu tiên của Việt Nam được khắc in năm 1761. Sách có 38 chương, giới thiệu về mọi mặt sinh hoạt của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Chương thứ 26 giới thiệu các loại nhạc cụ, ở mỗi chương đều có hai phần. Phần chính văn giải thích các từ theo lối văn lục bát. Tiếp đến là phần Bổ di.

 

Trong cuốn từ điển này, Đàn bầu được viết chữ Nôm là Đàn bầu 弹保và còn có tên chữ Hán là Huyền lô 絃蘆. So sánh giữa tên Nôm và tên Hán của Đàn bầu cho thấy đàn này được làm từ quả bầu (chữ Nôm viết là bầu ), còn chữ Hán là Huyền lô, trong đó chữ Lô là quả bầu được tỉnh lược từ hai chữ Hồ lô là quả bầu. Chữ huyền  có nghĩa là dây đàn . Xét từ mặt văn tự, cho thấy đàn bầu chính là một loại đàn thuộc nhạc khí dây, trong đó có hai bộ phận quan trọng là dây và bầu đàn (làm bằng quả bầu khô). 

Nguyễn Xuân Diện

Ảnh: Hai trang sách cổ ghi về Đàn Bầu. 

 

Chú thích:

 

1- Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 – 1784), tên thuở nhỏ là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, đỗ Bảng nhãn khoa thi năm Nhâm Thìn (1752). Ông làm quan dưới thời Lê trung hưng, cũng là nhà thơ và là "nhà bác học của Việt Nam". Ở thế kỷ 18, Lê Quý Đôn với học vấn uyên bác của mình đã trở thành người "tổng hợp" mọi tri thức của thời đại. Tác phẩm của Lê Quý Đôn thống kê có tới 40 bộ sách, kết tinh tri thức uyên bác và đa dạng về văn hóa Việt Nam và phương Đông. 

 

2- Lê Quý Đôn toàn tập, Tập II: Kiến văn tiểu lục, Phạm Trọng Điềm phiên dịch và chú thích, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1977, tr.71. 

 

3- Quế Đường Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Trúc Viên Lê Mạnh Liêu dịch, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1963, tr.119. 

 

4-Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa 指南玉音解義là cuốn từ điển song ngữ Hán Việt cổ nhất hiện còn, hiện chưa biết tác giả là ai, xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, được sửa chữa, biên soạn lại và khắc in ván gỗ vào giữa thế kỷ XVIII. Hiện nay còn 7 bản gồm 5 bản in và 2 bản chép tay, trong đó Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu giữ 03 bản (1 bản in và 2 bản chép tay). - Theo PGS.TS Hoàng Thị Ngọ trong sách Từ điển Song ngữ Hán Việt Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa, Hoàng Thị Ngọ khảo cứu, phiên âm, chú giải. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2020.

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/a/AVvXsEhqs7wUxWIxC8EFMB33oA-H8anuF69Arr1tT8sLzBi6_6yvJ4S0R6PI-GIAbxMabVa5EVbAZ0lpCmAfoUfoPvrYh6hsqcnIoRVqxjp74xUUH39azAWSd5wnXh0o_O4i9DHQn9lxVWaaQgHC54QIh0aZUtwEFthYQ50SHxFEVEbr9EsBeyT1n-xGa2YcbA=s16000

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/a/AVvXsEi0lpH5dVTbRm3wHA0y_jo58ERtmx2M9gK033kjSqQW372WuYem1YlKci52ExVJV3ci6yFIjq2UKyXcrnIsZdeQS6eRRpBPaYpEJCWLLkEu4QRKw1WkC8T4ryoPCU_ATp87w8sGPJ5tl8R2oqe6UXI4bqDUyXEgm4Q0kqfDpDHacNurbCOWabfVLByvjg=s16000

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/a/AVvXsEivJj13oTyYKnpM_PvCCpDVU5mW5sns--umRbBcLZ-dttYxE8RgRkbg-uOPVMXevANVyiQHck3Zt9Mm_6PyEkkKKF073ySL6TvZZWpQB_t8eP5dSMCITO4LyM7vNkqZXUiIPsPdxzKmgXVcMWcXtTeAetxp0PFmHeMHFfElbZ57eFGrOn-GD2dXMUYrVA=s16000

 




No comments:

Post a Comment