Thursday, December 30, 2021

4 NGHIÊN CỨU ĐÁNG ĐỌC về VIỆT NAM NĂM 2021 (Nguyễn Tấn Trung - Luật Khoa)

 


4 nghiên cứu đáng đọc về Việt Nam năm 2021

NGUYỄN QUỐC TẤN TRUNG  -  LUẬT KHOA

30/12/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/12/4-nghien-cuu-dang-doc-ve-viet-nam-nam-2021/

 

Những công trình khoa học về các đề tài quan trọng nhưng ít được phổ biến.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/12/4-nghien-cuu-2021-1024x577.jpg

Ảnh gốc: Financial Times/Saga/Wikipedia. Minh họa: Luật Khoa

 

Ngoài sách, các nghiên cứu khoa học trên tạp chí quốc tế cũng là một trong những nơi tập trung rất cao hàm lượng tri thức liên quan đến Việt Nam, song ít được chú ý đến.

 

Người viết xin phép giới thiệu bốn nghiên cứu trong năm 2021 có tầm ảnh hưởng nhất định với những thông tin giàu ý nghĩa mà bạn đọc Việt Nam nên quan tâm. Về mặt tiêu chí, người viết chỉ lựa chọn các nghiên cứu có chủ đề pháp lý hay chính trị, với một chút thiên kiến cá nhân.

 

Các nghiên cứu y tế hay khoa học từ Việt Nam về đại dịch COVID-19, một chủ đề hiển nhiên rất thời sự, không thuộc thẩm quyền chuyên môn của người viết và không nằm trong lựa chọn của bài viết này.

 


 

Easy Prey: Illicit Enterprising Activities and the Trafficking of Vietnamese Women in China

(Mồi dễ bắt: Các hoạt động thương mại  bất hợp pháp và nạn buôn bán phụ nữ Việt Nam ở Trung Quốc) [1]

Tác giả: Weidi Liu, Geping Qiu & Sheldon X. Zhang

Tạp chí: Asian Journal of Criminology

 

Vấn nạn buôn phụ nữ Việt Nam đến Trung Quốc là một vấn đề nhức nhối với nhiều hệ lụy chính trị xã hội cho Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu chính thức nào cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh về nó. Nghiên cứu của ba tác giả Trung Quốc, với nguồn tư liệu mà chúng ta ít có thể tiếp cận, may mắn giúp người Việt Nam trả lời một số câu hỏi quan trọng.

 

Nghiên cứu bắt đầu với giả định đầu tiên cho rằng phần lớn hoạt động buôn người nước ngoài (đặc biệt là phụ nữ) vào Trung Quốc khởi nguồn từ hoạt động mai mối cho con trai nối dõi tông đường tại các vùng hẻo lánh của quốc gia này. Từ cuộc đại di cư từ nông thôn đến thành thị, sự lớn mạnh của vai trò và vị thế tài chính của người phụ nữ Trung Quốc trong xã hội Trung Quốc khiến cho kỳ vọng “mai mối”, “tìm dâu sinh cháu trai”, “nối dõi tông đường” trở nên quá xa vời cho các gia đình không giàu có. Việc “mua, bán” phụ nữ ở nước ngoài từ đó tìm được thị trường tại Trung Quốc và dần biến tướng.

 

Thêm vào đó, các tác giả cũng chỉ ra một vấn đề mà ít người Việt Nam để ý. Dù báo chí Việt Nam rất hay đưa tin tức, thảo luận về nạn buôn người và đặt trách nhiệm kiểm soát nạn buôn người cho phương Tây, đại đa số nạn nhân bị buôn người ở Việt Nam (và hầu hết các quốc gia Đông Nam Á) có điểm đến là Trung Quốc.

 

Các tác giả cho biết con số nạn nhân người Việt Nam bị buôn sang Trung Quốc có thể đã lên đến 65% tổng số nạn nhân bị bọn buôn người đưa đến quốc gia này. Cân nhắc vai trò và ảnh hưởng kinh tế quốc tế ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc, việc người dân nước này ngày càng giàu lên, kèm theo đó là khoảng cách địa lý lân cận, Trung Quốc mới là điểm nóng trong tương lai của vấn nạn buôn người ở Việt Nam.

 

Nghiên cứu cũng tổng hợp nhiều thông tin đặc biệt thú vị.

 

Ví dụ, các tác giả nhận thấy có đến gần 30% các nghi phạm tham gia vào hoạt động buôn phụ nữ là… phụ nữ. Điều này một mặt cho thấy giả thuyết về ảnh hưởng của truyền thống mai mối (thường là bà mai) tại vùng nông thôn đối với nạn buôn người là tương đối chính xác; mặt khác chứng tỏ các lợi ích kinh tế áp đảo phần nào tư duy bảo vệ người cùng giới.

 

Đặc biệt, các tác giả thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn và tìm hiểu chuyên sâu, từ đó cho chúng ta biết một số điểm đáng lưu tâm. Ví dụ như gần phân nửa nạn nhân “nhìn thấy” được những chiêu trò lừa đảo, dụ dỗ của con buôn, nhưng “nhắm mắt” làm liều vì đời sống cơ cực và kỳ vọng vào khả năng kiếm tiền tại Trung Quốc. Ngoài ra, 30% nạn nhân thậm chí được báo trước là họ được tuyển chọn để làm vợ cho đàn ông Trung Quốc.

 

Điểm đáng chú ý khác là việc các nhóm buôn người thậm chí không cần sang Việt Nam để tìm kiếm con mồi. Họ chỉ cần đến các tỉnh thành cận biên giới, nơi có dồi dào một lượng lao động nhập cư bất hợp pháp lẫn hợp pháp, và sau đó bẫy họ đưa vào sâu trong đại lục.

 

Với rất nhiều phản ánh và những phân tích chúng ta ít tìm thấy được trên báo chí lẫn mạng xã hội Việt Nam, người viết tin rằng nghiên cứu này có thể giúp người Việt Nam nhìn nhận lại chính xác tương lai bất bình đẳng kinh tế giữa Việt Nam – Trung Quốc và vấn nạn buôn phụ nữ, thứ sẽ còn ám ảnh xã hội Việt Nam trong thời gian dài.


 

Politics as a function of trademark: A new perspective from the historical development of trademark law in colonial and socialist Vietnam

(Chức năng chính trị của nhãn hiệu: Góc nhìn mới từ sự phát triển của luật nhãn hiệu trong lịch sử Việt Nam thuộc địa và Việt Nam xã hội chủ nghĩa) [2]

Tác giả: Trần Kiên

Tạp chí: The Journal of World Intellectual Property

 

Bắt đầu với một tiêu đề ấn tượng, nghiên cứu về chức năng chính trị của nhãn hiệu (trademark) đọc tương tự như một sản phẩm trinh thám ly kỳ. Nó kể về nguồn gốc và quá trình áp dụng pháp luật nhãn hiệu của Pháp tại Việt Nam vào thời kỳ thuộc địa cũng như tại Việt Nam đương đại.

 

Đóng góp đầu tiên của nghiên cứu có thể nói là hàm lượng tri thức lịch sử cao liên quan đến vai trò của Pháp trong việc phát triển và phổ biến pháp luật sở hữu trí tuệ nói chung và pháp luật về nhãn hiệu nói riêng trên lãnh thổ Việt Nam, từ đó gây ảnh hưởng đến nhu cầu tự tôn dân tộc và việc phát triển hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ riêng của triều đình nhà Nguyễn.

 

Về mặt biểu tượng và chức năng chính trị, tác giả giới thiệu một góc nhìn đặc biệt thú vị (nhưng ít khi được giới thiệu và gây tranh cãi tại các quốc gia cựu thuộc địa), đó là hầu hết các vùng lãnh thổ tiếp nhận tích cực, học tập các định chế chính trị lẫn sản phẩm pháp lý được du nhập, cấy ghép trong thời kỳ thuộc địa từ “kẻ đô hộ” là những nơi luôn phát triển nhanh hơn và tốt hơn so với các vùng lãnh thổ kháng cự.

 

Luật về nhãn hiệu, một nhánh luật dường như quá xa vời và không thiết thực cho các vùng đất đơn thuần chỉ là nơi để bóc lột, như vậy trở thành tuyên ngôn chính trị cho lời hứa khai sáng của chủ nghĩa thực dân.

 

Hiển nhiên, tác giả Trần Kiên cũng ghi nhận rằng theo quan điểm của các phong trào dân tộc chủ nghĩa, mọi sản phẩm pháp luật – chính trị – kinh tế du nhập từ phương Tây sang các lãnh thổ thuộc địa chỉ nhằm mục đích khai thác và bóc lột người bản địa tốt hơn mà thôi.

 

Riêng trong môi trường chính trị xã hội chủ nghĩa của Việt Nam đương đại, tác giả tóm lược và phân tích chi tiết các sản phẩm pháp lý của chính quyền Việt Nam về nhãn hiện qua nhiều thời kỳ. Thông tin và lập luận cho thấy khác với phương Tây, nơi nhãn hiệu được sử dụng nhằm thể hiện tính độc nhất vô nhị của các sản phẩm cá biệt, từ đó hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư, quảng cáo, nhận biết tiêu dùng và sản xuất sinh lợi khác, nhãn hiệu xuất hiện và được nuôi dưỡng trong môi trường chính trị xã hội chủ nghĩa trước tiên để nhằm quản lý thị trường, giám sát hoạt động sản xuất và kiểm tra chất lượng.

 

Người viết thừa nhận rằng đây không hẳn là một nghiên cứu dễ đọc, nhưng nó chắc chắn sẽ gợi mở nhiều thảo luận và suy nghĩ khác về cách tiếp cận với lịch sử lập pháp trong thời kỳ Pháp thuộc lẫn Việt Nam Cộng hòa – một chủ đề bị các chuyên gia nghiên cứu lập pháp bỏ rơi quá lâu.

 


 

Law for What? Ideas and Social Control in China and Vietnam

(Luật cho cái gì? Về vấn đề kiểm soát lý tưởng và xã hội tại Trung Quốc và Việt Nam) [3]

Tác giả: Juan Wang và Nhu Truong

Tạp chí: Problems of Post-Communism

 

Nghiên cứu của hai tác giả Việt Nam và Trung Quốc, so sánh điểm khác biệt trong không gian thảo luận lập pháp giữa hai nước, với những phát hiện khác biệt giữa hai hệ thống.

Những nghiên cứu chỉ ra điểm khác nhau giữa hai hệ thống này bao giờ cũng là các nghiên cứu thú vị, nhất là khi cân nhắc nỗ lực của chính quyền Việt Nam trong việc lượm lặt và bắt chước đúc khuôn gần như mọi chính sách mà chính quyền Trung Quốc thực hiện.

 

Mở đầu nghiên cứu, hai tác giả cho rằng có sự khác biệt cơ bản của tư duy bảo hiến xã hội chủ nghĩa (socialist constitutionalism) giữa Việt Nam và Trung Quốc.

 

Từ trước đến nay, giới chóp bu Trung Quốc khi bàn về bảo hiến thường đặt nặng trật tự xã hội, từ đó khẳng định diễn ngôn đối nghịch giữa “quyền hội họp và biểu tình” trong phạm vi thảo luận của phương Tây với những quyền con người “xác đáng” mà hiến pháp Trung Quốc bảo đảm cho người dân.

 

Ngược lại, hai tác giả nhìn nhận không gian thảo luận tại Việt Nam cởi mở hơn, và hướng đến “quyền” nhiều hơn, với những liên hệ tới quyền con người một cách công khai hơn.

 

Hiển nhiên, ở lúc đầu, các diễn giải của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đi theo định hướng tương tự tại Trung Quốc là pháp luật về hội nhóm, về biểu tình phải có ưu tiên cao nhất là bảo đảm trật tự xã hội. Song cho đến nay, sự chuyển dịch ngôn ngữ của giới lập pháp Việt Nam dường như chấp nhận và đi theo hướng bảo đảm quyền công dân, với mục tiêu quản lý có khuôn khổ các hoạt động tập thể.

 

Từ đó, nhóm nghiên cứu cho thấy, Trung Quốc có thể là quốc gia ban hành pháp luật về hội nhóm và biểu tình trước (Law of People’s Republic of China on Assembly, Procession and Demonstration 1988), song không gian chính trị Việt Nam nói chung (và Quốc hội Việt Nam nói riêng) lại cho phép nhiều thời gian để bàn về biểu tình và hội họp nhóm như là “quyền” hơn.

 

Đặc biệt, từ năm 2011, với phong trào biểu tình chống Trung Quốc, một số các nhà lập pháp Việt Nam có tầm ảnh hưởng nhất định như Dương Trung Quốc hay Trương Trọng Nghĩa đã bắt đầu có khả năng công khai, trực tiếp cổ súy cho biểu tình và hội họp như là một quyền không thể thiếu của công dân. Và việc thiếu vắng văn bản quy định hợp lý là lý do xảy ra những lộn xộn.

 

Thú vị hơn, nhóm nghiên cứu phát hiện là cho đến nay, bản thân Bộ Chính trị Việt Nam chưa từng có một nghị quyết nào hướng dẫn cụ thể về pháp luật về hội và biểu tình. Điều này phần nào cho thấy sự không thống nhất bên trong nội bộ của Bộ Chính trị.

 

Dù không hẳn đưa ra những thông tin hoàn toàn mới hay có tính điều tra cao (đặc biệt nếu người đọc là người Việt Nam), những tổng hợp của nghiên cứu phần nào cho thấy sự đặc sắc và các vấn đề riêng biệt của chính trị Việt Nam, thay vì chỉ là một bản sao mini của người láng giềng phương Bắc.

 


 

Alignment of Vietnamese Law on the Treatment of Juvenile Prisoners With International Standards and Norms

(Nâng cao tiêu chuẩn đối xử dành cho phạm nhân vị thành niên trong pháp luật Việt Nam cho phù hợp với quy chuẩn thế giới) [4]

Tác giả: Duy Tan Huynh Le và Yvon Danduran

Tạp chí: Youth Justice

 

Lại là một đề tài ít ai chú ý về tư pháp hình sự của Việt Nam, nhưng vấn đề để nói thì vô vàn.

 

Các tác giả trước tiên cho độc giả biết Việt Nam là thành viên của tất cả điều ước quốc tế về bảo vệ quyền trẻ em, nhưng việc thực thi trong tư pháp hình sự thì rất có vấn đề.

 

Họ ghi nhận rằng người vị thành niên tại Việt Nam có độ tuổi pháp lý bắt đầu từ 14 tuổi, và đúng là có mô hình giam giữ riêng. Nhưng ngay khi trẻ đủ 18 tuổi, mọi cơ chế và quyền lợi bị loại bỏ.

 

Điều này, theo các tác giả phân tích, là dấu hiệu đầu tiên cho thấy mô hình cải tạo hình sự và tái hòa nhập cộng đồng dành cho trẻ vị thành niên phạm tội là có vấn đề. Từ đó, họ tìm hiểu thêm và phát hiện hàng loạt những sai phạm, yếu kém ít ai để ý đến.

 

Theo các tác giả, quy chuẩn quốc tế đặt ra những nguyên tắc rất cơ bản. Một trong số đó yêu cầu các cơ sở giam giữ trẻ phải riêng biệt, có đầy đủ không gian để có thể phát triển lành mạnh, bảo đảm quyền riêng tư và quá trình hoàn thiện tâm sinh lý một cách bình thường. Đi kèm sau đó là các yêu cầu về giáo dục, hoạt động cộng đồng cũng như các chương trình thăm nuôi từ gia đình.

 

Đối chiếu với thực tế, nhóm tác giả bất ngờ cho thấy gần như không tiêu chuẩn nào được bảo đảm.

 

Phạm nhân vị thành niên bị giam chung cơ sở với các phạm nhân bình thường (dù có thể cách biệt về phòng ốc). Tất cả các hoạt động khác đều sử dụng chung với các tù nhân thành niên.

 

Thực tế này không thể được lý giải bằng kiểu lập luận “nước ta nghèo”, bởi chi phí giam giữ, tái hòa nhập và đào tạo những trẻ vị thành niên là không cao. Theo hai tác giả thống kê, tổng số phạm nhân vị thành niên chính thức trong các nhà tù Việt Nam chỉ là tầm 600 trẻ.

 

Ngoài ra, các vấn đề nhạy cảm nhưng quan trọng khác như giáo dục giới tính, hỗ trợ tâm sinh lý cho phạm nhân vị thành niên là nữ cũng không được quan tâm.

 

Nghiêm trọng hơn, nhiều nguồn tin khả tín cho thấy từ năm 2011 đến 2016, 100% phạm nhân vị thành niên không được đào tạo nghề và cấp bằng nghề. Và cho đến giai đoạn 2019 – 2020, hệ thống quy phạm pháp luật giải quyết một cách thỏa đáng những câu hỏi nói trên vẫn chưa tồn tại.

 

Dù không phải là một đề tài nóng hổi, dễ gây chú ý với bạn đọc thế giới về Việt Nam, người viết trân trọng cố gắng của nhóm nghiên cứu trong việc thu thập và phân tích những thông tin mà có lẽ giới nghiên cứu tư pháp hình sự Việt Nam cũng chưa thật sự tổng hợp và giới thiệu thành công cho công chúng.

 


 

Chú thích

 

1.  Liu, W., Qiu, G., & Zhang, S. X. (2020). Easy Prey: Illicit Enterprising Activities and the Trafficking of Vietnamese Women in China. Asian Journal of Criminology16(4), 319–335. https://doi.org/10.1007/s11417-020-09327-y

 

2.  Kien, T. (2021). Politics as a function of trademark: A new perspective from the historical development of trademark law in colonial and socialist Vietnam. The Journal of World Intellectual Property24(1–2), 122–151. https://doi.org/10.1111/jwip.12182

 

3.  Wang, J., & Truong, N. (2020). Law for What? Ideas and Social Control in China and Vietnam. Problems of Post-Communism, 1–14. https://doi.org/10.1080/10758216.2020.1783562

 

4.  Huynh Le, D. T., & Dandurand, Y. (2021). Alignment of Vietnamese Law on the Treatment of Juvenile Prisoners With International Standards and Norms. Youth Justice, 147322542199526. https://doi.org/10.1177/1473225421995266





No comments:

Post a Comment