Wednesday, November 24, 2021

TẬP CẬN BÌNH ĐANG DẪN TRUNG QUỐC ĐI ĐÂU? (Hiếu Chân / Người Việt)

 


Tập Cận Bình đang dẫn Trung Quốc đi đâu?

Hiếu Chân/Người Việt

November 23, 2021

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tap-can-binh-dang-dan-trung-quoc-di-dau/

 

Tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-ASEAN đang diễn ra, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cao giọng thề thốt rằng Trung Quốc không bao giờ tìm kiếm sự bá quyền hay lợi dụng kích thước to lớn của mình để chèn ép các nước nhỏ. “Trung Quốc đã, đang và sẽ luôn luôn là người hàng xóm tốt, người bạn tốt, đối tác tốt của ASEAN,” ông Tập được truyền thông nhà nước Trung Quốc trích dẫn.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/11/A1-Tap-Can-Binh-dan-Trung-Quoc-1068x712.jpg

Ông Tập Cận Bình lên ngôi cao và thâu tóm quyền hành vào tay cá nhân mình. Trong hình, một người dân Nhật biểu tình phản đối sự có mặt của Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng Đỉnh G20 ở Nhật Bản hôm 29 Tháng Sáu, 2019. (Hình minh họa: Takashi Aoyama/Getty Images)

 

Nhưng chỉ vài ngày trước đó, ba chiếc tàu Tuần Duyên to lớn của Trung Quốc đã ngăn chặn và bắn vòi rồng vào hai tàu tiếp liệu nhỏ bé của Philippines đang trên đường tiếp tế cho một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến của nước này đồn trú trên Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Reef) trong quần đảo Trường Sa mà Philippines đang chiếm đóng. Sự việc khiến Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte – người mà từ khi lên cầm quyền năm 2016 đã tuyên bố từ bỏ quan hệ với Washington để đi với Bắc Kinh, với hy vọng hão huyền là sẽ nhận được những khoản đầu tư và viện trợ của Trung Quốc – phải lên tiếng phê phán tại hội nghị, và gọi hành động của Trung Quốc là “đáng ghê tởm.”

 

Không chỉ ở Biển Đông mà gần như ở mọi nơi, Trung Quốc đang dần dần hiện hình là một kẻ đáng ghê sợ, chỉ cần xem tiêu đề các bản tin quốc tế: Trung Quốc thử nghiệm phi đạn siêu thanh phóng từ quỹ đạo trái đất. Trung Quốc nhanh chóng mở rộng kho vũ khí nguyên tử. Trung Quốc lập các mô hình hàng không mẫu hạm Mỹ trong sa mạc làm mục tiêu huấn luyện cho Không Quân và hỏa tiễn của họ…

 

Ở trong nước, Bắc Kinh gia tăng kiểm soát chặt 1.4 tỷ dân Trung Quốc, đàn áp những ai trái ý đảng, từ các ông trùm công nghệ điện toán cho đến một cô gái đánh tennis. Ở ngoài nước, Trung Quốc gây áp lực ngày càng nặng nề lên đảo quốc Đài Loan, từ xâm nhập vùng trời phía Nam đảo quốc đến trừng phạt những công ty Đài Loan làm ăn ở Hoa Lục nhưng ủng hộ chính phủ Đài Bắc. Trung Quốc ngày càng tỏ ra khó chịu, không khoan nhượng và sẵn sàng trả đũa với tất cả những gì mà họ coi là “xúc phạm tình cảm của người dân Trung Quốc.”

 

Tất cả những hành động hung hăng này đều diễn ra dưới bàn tay đạo diễn của ông Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền với quyết tâm giành lại vị thế xứng đáng của Trung Quốc trên sân khấu quốc tế và tự tin rằng đảng CSTQ đã có đủ nguồn lực về chính trị, quân sự và kinh tế để làm được điều đó, thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” mà Tập nhiều lần cổ xúy.

 

Mục tiêu đó là có thể hiểu được. Nhưng con đường mà Tập dẫn dắt dân tộc Trung Hoa đi tới cái gọi là “chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc trong thời đại mới” dường như lại không tương thích với mục tiêu xây dựng một xã hội hài hòa, một cường quốc có trách nhiệm của cộng đồng thế giới.

 

Nhìn lại con đường phát triển của Trung Quốc

 

Sau chiến thắng trong cuộc nội chiến Quốc-Cộng năm 1949, Mao Trạch Đông đã từng dẫn dắt Hoa Lục vào cuộc thay đổi toàn diện, đẩy đất nước vào ba mươi năm thử nghiệm đủ thứ chương trình mang tính cách mạng, từ Công Xã Hóa Nông Thôn, Trăm Hoa Đua Nở, Đại Nhảy Vọt đến Cách Mạng Văn Hóa, tất cả đều thất bại thê thảm và phải trả giá bằng hàng chục triệu sinh mệnh trong đói rách, trong đấu tranh đẫm máu. Khi Mao chết năm 1976, Trung Quốc là một quốc gia kiệt quệ, nghèo khó, bị cô lập với toàn cầu. Khát vọng vươn lên ấm no hạnh phúc của người dân Trung Quốc vẫn cháy bỏng, nhưng đường lối mà đảng CSTQ dẫn dắt họ theo đã sai lầm trầm trọng không cứu chữa được.

 

Đặng Tiểu Bình lên kế nghiệp Mao và hành động đầu tiên của nhà lãnh đạo Cộng Sản nhưng thực dụng này là nối lại nhịp cầu với phương Tây đã được Tổng Thống Richard Nixon và cố vấn Henry Kissinger thiết lập mấy năm trước. Tháng Mười Hai, 1978, Đặng được hội nghị trung ương 3 của đảng CSTQ đưa lên vị trí lãnh đạo tối cao thì một tháng sau, ngày 29 Tháng Giêng 1979, Đặng có chuyến công du Hoa Kỳ kéo dài chín ngày – chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc kể từ năm 1949.

 

Từ Mỹ trở về, Đặng khởi sự chương trình mở cửa Trung Quốc ra thị trường và ra thế giới; dù vẫn duy trì độc quyền lãnh đạo của đảng CSTQ và từ chối yêu cầu cải cách sâu rộng về chính trị, nhưng chính sách “mèo đen mèo trắng, bắt được chuột là tốt” – tức là không quan tâm tư bản hay Cộng Sản miễn là phát triển được kinh tế, dân giàu nước mạnh – của Đặng không chỉ mang lại hòa bình và ổn định mà còn là “câu chuyện phát triển thành công nhất trong lịch sử thế giới.” Trong bốn thập niên sau ngày Đặng mở cửa Trung Quốc, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng gần 10% một năm; và GDP bình quân đầu người đã tăng hơn 25 lần.

 

Phát triển kinh tế mang lại nguồn lực để Trung Quốc hiện đại hóa quân đội và nâng cao vị thế trên thế giới đến mức Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào từng đề nghị với Tổng Thống Barack Obama một mô hình quan hệ Mỹ-Trung là quan hệ tay đôi G-2, coi thế giới chỉ có hai siêu cường là Mỹ và Trung Quốc.

 

Có nhiều sách vở nghiên cứu về lịch sử “lột xác” của Trung Quốc với nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng hầu hết các học giả đều thống nhất nhận định rằng Trung Quốc đã có “thiên thời, địa lợi” khi mở cửa hội nhập vào lúc công cuộc toàn cầu hóa của kinh tế phương Tây đang bắt đầu tăng tốc, đặc biệt là sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc với sự sụp đổ dây chuyền của Liên Xô và khối Cộng Sản Đông Âu. Môi trường thế giới và khu vực được hòa bình, ổn định theo một trật tự quốc tế do Hoa Kỳ thiết lập từ Đệ Nhị Thế Chiến, cộng với cao trào toàn cầu hóa cho phép tư bản và công nghệ được tự do luân chuyển qua các biên giới quốc gia đã góp phần rất lớn cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.

 

Với hơn 1 tỷ dân, Trung Quốc có vô số nhân tài; người dân Trung Quốc có truyền thống lâu đời về doanh thương và công nghệ, khi được tháo cũi sổ lồng khỏi chế độ kinh tế kế hoạch hóa tập trung của Cộng Sản, họ đã lập tức bắt nhịp với cách làm ăn tư bản trên cái nền là hàng trăm triệu người nông dân đổ về các đô thị, vào các nhà máy để làm ra mọi thứ sản phẩm cho thị trường xuất cảng, với giá rẻ hơn nhiều lần so với ở thị trường phương Tây.

 

Chính sách của chính phủ Trung Quốc trải thảm đỏ mời gọi vốn đầu tư nước ngoài vào các khu kinh tế đặc biệt, khu chế xuất đã giúp cho nước này thu hút được hầu hết các nhà sản xuất tầm cỡ của thế giới, không chỉ tạo được việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn qua đó người Trung Quốc tiếp thu được công nghệ mới, cung cách quản trị hiện đại. Người Trung Quốc ở nước ngoài, gọi là Hoa Kiều, có mặt ở hầu hết các ngóc ngách của thế giới, đặc biệt ở Hồng Kông, Đài Loan, Singapore và Hoa Kỳ lũ lượt về nước làm ăn, mang theo tri thức và vốn liếng, mô hình kinh doanh và bí quyết công nghệ… giúp Trung Quốc nhanh chóng sản sinh ra những công ty, tập đoàn tầm cỡ thế giới.

 

Đảng CSTQ dưới thời các ông Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào một mặt nắm chặt quyền lãnh đạo chính trị, nhưng một mặt vẫn mở cửa xã hội, khuyến khích giao lưu giữa người dân Trung Quốc với thế giới bên ngoài và tạo dựng một không gian tự do tương đối để người dân trổ tài trong làm ăn sinh sống, miễn là không thách thức về chính trị với đảng cầm quyền.

 

Một nền kinh tế vận động theo thị trường, một xã hội tương đối cởi mở, một môi trường quốc tế hòa bình, thân thiện là những yếu tố chính làm nên câu chuyện phát triển thần kỳ của Trung Quốc bốn chục năm qua.

 

Tập Cận Bình đi ngược đường

 

Tất cả những điều đó bắt đầu bị đảo ngược từ sau khi ông Tập Cận Bình lên ngôi cao và thâu tóm quyền hành vào tay cá nhân mình.

 

Ông Tập không chỉ bãi bỏ luật lệ về chia sẻ quyền lực, theo đó mỗi nhà lãnh đạo chỉ cầm quyền tối đa hai nhiệm kỳ, tổng cộng 10 năm, mà ông ta chuẩn bị rất kỹ để nắm độc quyền cai trị trong tương lai, không giới hạn. Sau khi loại bỏ hầu hết các đối thủ chính trị qua chương trình chống tham nhũng gọi là “đả hổ diệt ruồi,” Tập đã sửa cương lĩnh, thay đổi Hiến Pháp để người cầm đầu đảng và đứng đầu cả nước có thể trị vì không giới hạn.

 

Ở trong nước Tập đã thúc đẩy Trung Quốc hướng tới sự đàn áp lớn hơn, không chỉ đàn áp những người bất đồng chính kiến với đảng mà cả những người giàu có, người nổi tiếng, người được công chúng hâm mộ trong các lĩnh vực công nghệ, văn hóa, thể thao vì lo ngại những người này có thể làm lu mờ vai trò trung tâm của đảng.

 

Về tư tưởng, ông Tập đề cao hệ tư tưởng Cộng Sản kết hợp với giáo điều “trung quân ái quốc” của Khổng Giáo, kịch liệt chống lại ảnh hưởng của các tư tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền của phương Tây.

 

Về kinh tế, ông Tập trấn áp các công ty, tập đoàn tư nhân và gây khó dễ cho các nhà đầu tư nước ngoài, thu hẹp không gian của thị trường tự do để đề cao vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước.

 

Về đối ngoại, ông Tập theo đuổi chính sách đối đầu quyết liệt, ăn miếng trả miếng với các nước lớn như Hoa Kỳ và Châu Âu, đe nẹt và chèn ép các nước nhỏ như Úc, Đài Loan hoặc Đông Nam Á.

 

Nói ngắn gọn, ông Tập đang làm ngược lại những gì mà những người tiền nhiệm Đặng, Giang và Hồ đã làm trong mấy chục năm qua.

 

Trong nghị quyết về lịch sử mà hội nghị trung ương đảng CSTQ vừa thông qua, ông Tập được đề cao lên ngang với Mao – người sáng lập nước Trung Quốc Cộng Sản – vượt qua cả Đặng, Giang và Hồ. Nghị quyết nhắc tên Mao 18 lần, nhưng chỉ nói tới Đặng sáu lần, Giang và Hồ mỗi người chỉ được nêu tên mỗi người một lần nhưng với ý chỉ trích phê phán. Thậm chí, nghị quyết còn coi Tập như là người “cứu” đảng CSTQ khỏi quốc nạn tham nhũng, suy giảm vai trò lãnh đạo của đảng!

 

Nếu như thành quả mà Đặng mang lại cho Trung Quốc gắn liền với câu châm ngôn nổi tiếng của ông “thao quang, dưỡng hối” với ý Trung Quốc phải giấu mình chờ thời, thì Trung Quốc của Tập lúc nào cũng huênh hoang, hung hăng, phô diễn sức mạnh cơ bắp và đòi thế giới phải thần phục. Khi bảo đàn em phải giấu mình, Đặng biết rõ Trung Quốc chưa phải là đối thủ ngang tầm của phương Tây, lại giáp biên giới với 14 quốc gia có tranh chấp với Bắc Kinh về lãnh thổ, về mô hình thể chế nên Trung Quốc phải hết sức cẩn thận, phải khiêm tốn để thế giới an lòng. Tập đã vứt câu châm ngôn của Đặng vào sọt rác!

 

Và hậu quả là hiện nay Trung Quốc phải đương đầu với một thế giới không còn thân thiện nữa; trong đó Hoa Kỳ và liên minh các nền dân chủ đang tập hợp với nhau để buộc Trung Quốc phải hành xử theo luật lệ. Tập Cận Bình có thể tiếp tục thề thốt những lời “hữu nghị, Trung Quốc là bạn tốt, hàng xóm tốt, đối tác tốt” nhưng thói nói một đàng làm một nẻo khiến không ai còn tin ông ta nữa! Môi trường quốc tế trong những năm tháng sắp tới sẽ rất khó khăn cho Trung Quốc, và chắc chắn trong môi trường đó nước này không thể phát triển mạnh như những năm qua.

 

Kinh tế Trung Quốc đang chậm lại; áp lực ngày càng tăng dưới gánh nặng nợ nần, khu vực kinh tế nhà nước được ưu đãi nhưng cồng kềnh và kém hiệu quả; khu vực kinh tế tư nhân năng động giỏi giang thì đang co cụm lại vì chính sách đánh tư sản kiến tạo “thịnh vượng chung” của Tập. Và trên hết, xã hội Trung Quốc trở nên ngày càng bị khép kín, ngột ngạt dưới guồng máy giám sát, theo dõi và đàn áp của chế độ công an trị.

 

Trung Quốc, và đảng CSTQ, sẽ không sụp đổ như dự báo của nhiều nhà quan sát chính trị Mỹ nhưng cũng sẽ khó duy trì được đà tăng trưởng “thần kỳ” trước đây, hoặc sẽ bị rơi vào cái gọi là “bẫy thu nhập trung bình” mà không thể tiến lên thành một quốc gia công nghiệp phát triển cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản hoặc Tây Âu. Đó là điều thật đáng tiếc cho người dân Trung Quốc, nhưng biết làm sao khi “hoàng đế anh minh” của họ, ông Tập Cận Bình, đã lựa chọn như vậy. [qd]





No comments:

Post a Comment