Tuesday, November 23, 2021

SINH THÁI, DỊCH BỆNH và VĂN CHƯƠNG (Nhà báo Hoàng Hải Vân)

 


Sinh thái, dịch bệnh và văn chương

Nhà báo Hoàng Hải Vân

ĐỖ TIẾN THỤY thực hiện

Thứ Hai, 22/11/2021 11:48

http://vannghequandoi.com.vn/vnqd-ket-noi/nhan-vat-tuan-nay/sinh-thai-dich-benh-va-van-chuong_12716.html

 

- Thưa nhà văn Hoàng Hải Vân...

+ Tôi là nhà báo.

 

- Tôi rất biết ông là nhà báo, một nhà báo kì cựu, một cây bút chống tiêu cực nổi tiếng của Báo Thanh Niên, nhất là vụ PMU-18. Nhưng tôi vẫn gọi ông là nhà văn bởi có nguyên do. Ông đã viết những thiên kí sự rất đậm chất văn học, đặc biệt là Kí sự Organic in 14 kì và Kí sự người nuôi chó in tới 35 kì trên báo Thanh Niên ròng rã suốt từ năm 2014 đến năm 2017, tạo ra một cơn sốt lớn. Bạn đọc háo hức đón đợi từng số. Lượng thư và điện thoại gọi đến tòa soạn nhiều đến nỗi Báo Thanh Niên phải tổ chức một cuộc giao lưu trực tuyến để ông trò chuyện với độc giả. Tôi đã theo dõi cuộc đó và được chứng kiến nhiều người gọi ông là nhà văn. Với riêng tôi, ông là một nhà văn sinh thái. Bởi xét theo mọi tiêu chí của dòng văn học này, Kí sự người nuôi chó có đủ. Trong tác phẩm của ông, động/ thực vật đều là nhân vật bình đẳng, dù giống loài khác nhau, có diện mạo tính cách riêng nhưng lại có thể giao tiếp với nhau, sống nương tựa vào nhau trong cái quần thể mà ông - con người - không được coi là chủ, chỉ là “con đầu đàn” của những con chó, con dê, con bìm bịp... mang những cái tên ngộ nghĩnh Tu Ti, Mít, Ổi, Xoài...

 

Kí sự Organic là viết về những gì tôi làm trên một cái vườn mà tôi muốn nó thành một vườn rừng. Kí sự Người nuôi chó là viết về những con chó sống trong cái vườn của tôi. Tôi còn viết rất nhiều bài về bảo vệ động vật hoang dã. Tôi viết loạt bài này bởi vì tôi luôn nghĩ chúng ta dù là ai, dù mang sứ mệnh cao cả gì thì trước hết cũng là một sinh vật. Chúng ta không thể sống tách rời khỏi thiên nhiên. Thiên nhiên bao gồm đất, nước, cây cỏ, khí trời và các sinh vật tuần hoàn trong nắng mưa giông gió. Đó là môi trường sống của chúng ta. Rời một chút thì chết một chút, rời một phần chết một phần, rời hẳn khỏi thiên nhiên thì chết hẳn. Con người hay con gì cũng vậy, hễ rời khỏi môi trường sống là chết.

 

Nhưng thiên nhiên, tức là môi trường sống đó, trên hành tinh chúng ta không nơi nào giống nơi nào. Nó phụ thuộc vào thổ nhưỡng, khí hậu cùng vô số những yếu tố tương tác khác. Nơi này cây này con này sống được nhưng cây kia con kia thì không. Cây vải thiều hay cây nhãn lồng trồng ở Lục Ngạn, Thanh Hà hay Hưng Yên trái rất ngon, nhưng ở miền Nam thì không thích hợp nên người ta không trồng. Người sống ở nước này cơ thể không giống ở nước khác, biểu hiện rõ ở màu da, màu mắt và màu tóc, là do ăn những sản vật bản địa, uống nước bản địa, hít thở khí trời bản địa và tương tác với các sinh vật bản địa.

 

Bạn hãy nhìn trong thiên nhiên, các sinh vật đều dung dưỡng và chế ước lẫn nhau để tồn tại trong sự sống vĩnh hằng. Tất cả những con vật hoang dã đều sống khoẻ mạnh mà không cần đến thuốc men. Chỉ riêng con người là lạ lùng. Hầu như mỗi người đều là một bệnh nhân, là khách hàng của các thầy thuốc và của các hãng dược. Số lượng bác sĩ ngày càng nhiều, số phát minh sáng chế trong lĩnh vực y dược ngày càng gia tăng, các hãng dược ngày càng trở nên giàu có, đằng sau những thứ được coi là thành tựu của văn minh đó là bệnh tật của con người diễn ra triền miên bất tận. Con người đã sống sai và khắc phục cái sai này bằng những cái sai khác. Con người muốn đứng trên muôn loài để thống trị muôn loài. Chúng ta muốn cải tạo xã hội, muốn làm chủ thiên nhiên và chúng ta đang phải trả giá.

 

Chúng ta không biết cách quay đầu. Chúng ta thiết kế những mô hình chúng ta cho là tốt đẹp nhưng thực thi thì ngược lại. Kêu gọi bảo vệ hoà bình thế giới to tiếng nhất chính là những kẻ sở hữu vũ khí hạt nhân. Kêu gọi bảo vệ rừng to tiếng nhất chính là những người phá rừng tàn bạo nhất. Tôi không tin mấy vào các chương trình bảo vệ sinh thái đao to búa lớn, cũng như không tin mấy vào kế hoạch của các đảng xanh ở phương Tây.

 

http://vannghequandoi.com.vn/thumbnail/VNQD-480-2021-11-22/image5_1.jpeg

Một góc khu vườn của nhà báo Hoàng Hải Vân.

 

 

- Vậy quan niệm về sinh thái của ông là gì?

 

+ Quan niệm của tôi về sinh thái, đó là sự khiêm nhường. Không chỉ khiêm nhường trước đồng loại mà còn phải biết khiêm nhường trước thiên nhiên. Chúng ta chỉ là một thành tố của thiên nhiên như những sinh vật khác. Tôi thích lời của một nhà sư Tây Tạng nói với các đệ tử, rằng chỉ có thể tạo ra một cộng đồng hạnh phúc khi con người và cả chúng sanh của cộng đồng đó được hạnh phúc. Chúng ta chỉ bảo vệ được môi trường sống của mình khi không một sinh linh, một ngọn cỏ nào vô cớ bị chúng ta làm hại.

 

 

- Từ khi xa rời cuộc sống đô thị, lên rừng mở trang trại trồng cây, thả cá, nuôi gia súc gia cầm như một lão nông tri điền thực thụ ông đã có những bài viết cực kì thú vị về thiên nhiên trên Facebook, nhận được hàng ngàn like, hàng trăm comment, điều này có chứng tỏ người dân Việt Nam rất quan tâm tới môi trường sống?

 

+ Tôi không ủng hộ xu hướng bỏ phố lên rừng. Xu hướng này có hại cho rừng rú hơn là có lợi. Bảo vệ rừng tốt nhất là ai ở đâu ở yên đấy. Thú thiệt là cho đến khi làm Tổng thư kí toà soạn Báo Thanh Niên, tôi vẫn chưa có được một chỗ ở thật sự là của mình. Tôi đến đây vì đất hoang ở đây rất rẻ, chỉ khoảng 200 triệu/1ha mà không có người mua. Cái vườn của tôi gần 3ha tôi mua với cái giá chưa bằng nửa một căn chung cư cấp thấp ở Sài Gòn. Tôi không có làm trang trại gì cả mà chỉ xây một căn nhà gạch cấp 4 để ở, sử dụng khoảng 1/3 đất để trồng cây nuôi chó và heo gà, còn lại bảo tồn sự hoang dã cho chim chóc về trú ngụ. Cây rừng bản địa tại đây từ từ hồi phục, tôi cũng trồng thêm cây rừng và một số cây ăn quả bản địa trồng từ hạt. Rồi nó bắt đầu trở thành vườn rừng. Sau 2 năm, tôi viết Kí sự Organic. Đó là những bài học đầu tiên tôi học từ cây cỏ tại nơi này, có nói leo qua một số chuyện khác. Giờ cái vườn này đã qua năm thứ 9, những bài học là nhiều vô số kể. Thỉnh thoảng tôi “chém gió” chuyện này chuyện khác cho vui thôi, vì càng sống lâu tại đây tôi càng thấy mình ít tư cách để viết nghiêm túc về thiên nhiên cây cỏ. Tôi không quan tâm mấy những cái like trên từng status, vì không thể biết những ai like dạo để xã giao và những ai thật sự thích những điều tôi đề cập. Bởi thế, nhiều like hay ít like cũng chưa nói lên được điều gì.

 

 

- Tôi lại không nghĩ thế. Trước khi kết nối với ông để thực hiện cuộc trò chuyện này, tôi đã đọc rất kĩ những comment, thấy phần lớn những người bình luận là các nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, thậm chí có cả những bác sĩ. Hẳn là trong những bài viết của ông có một cái gì đó đáng bàn chứ.

 

+ Bạn có biết vì sao trong những khu rừng tự nhiên cây cối không bao giờ bị sâu rầy hay các loài thú ăn cỏ tàn phá không? Tôi bắt đầu hiểu điều đó từ những con dê ăn lá. Nếu cắt lá vào treo cho chúng ăn, chúng sẽ lần lượt ăn sạch. Nhưng nếu để chúng ăn tự do ngoài tự nhiên, chúng sẽ ăn cây này một ít rồi chuyển sang ăn cây khác, không bao giờ ăn triệt lá của một cây nào. Sau này đọc một cuốn sách của một người giữ rừng nước Đức, tôi hiểu rõ đạo lí này: Một số loài cây bị sâu rầy hoặc thú rừng ăn một cách thái quá, nó liền tiết ra một chất độc để tự vệ, chất độc đó khiến cho con sâu hoặc con thú không thể ăn tiếp được nữa. Những cái cây khi bị thương, chúng còn truyền tin cho những cây khác để cảnh báo. Đó là lí do cây cối sống trong tự nhiên không bị các sinh vật khác làm hại. Những cây lai tạo không còn bản năng này.

 

Một bài học khác. Nếu bạn trồng rau đậu độc canh theo từng đám, kiểu gì bạn cũng phải phun thuốc trừ sâu. Nhưng nếu bạn trồng rau đậu xen trong cỏ dại thì không cần. Chính sự đa dạng của cây cỏ góp phần chế ước côn trùng gây hại, vì rất nhiều cỏ dại là khắc tinh của một số loài sâu bướm. Đó là chưa nói rau đậu trồng xen trong cỏ dại ăn tốt cho sức khoẻ hơn là rau đậu độc canh. Ông Masanobu Fukuoka, vị tổ sư của nông nghiệp tự nhiên Nhật Bản từng khẳng định: rau củ quả canh tác theo cách hiện đại có thể ăn được (nếu không bị nhiễm hoá chất độc hại) nhưng không có tác dụng chữa bệnh, còn rau củ quả trồng xen trong cỏ dại vừa ăn được vừa là những vị thuốc chữa bệnh.

 

 

- Con người chúng ta luôn ngạo mạn và ảo tưởng cho rằng mình là loài thượng đẳng, có thể dạy dỗ muôn loài. Nhưng qua những gì ông quan sát và miêu tả thì dường như... ngược lại. Có phải vì thế mà ông đã tôn... một con chó làm thầy, và khẳng định thiên nhiên mới là thầy dạy con người cách xứng xử trong các tình huống sinh tồn?

 

+ Tôi chưa bao giờ thấy con người là thượng đẳng. Lòng trung nghĩa ở loài người là đức tính của các bậc chí nhân quân tử, trong khi trung nghĩa là thuộc tính thường hằng của loài chó, không có ngoại lệ. Loài người chúng ta có vô số các vị phản trắc với đồng đội, với bạn bè, thậm chí với cả cha mẹ, nhưng trên đời này không bao giờ có con chó nào phản chủ. Con chó cũng như những con vật khác, nếu sống tự do giữa thiên nhiên, chúng đều biết cách ăn ở sao cho không bệnh tật. Bản năng đó của con người đã bị thoái hoá từ rất lâu. Chúng ta tự phụ có thể dùng khoa học để “thế thiên hành đạo” mà không nghĩ rằng những tri thức khoa học chỉ bé bằng hạt cát trên sa mạc những điều khoa học không hề biết.

 

- Vừa rồi ông nhắc tới Masanobu Fukuoka. Tôi có đọc cuốn Cuộc cách mạng một cọng rơm của “người nông dân vĩ đại” này. Với tôi, đây cuốn sách cực hay, chứa đựng tư tưởng minh triết về nông nghiệp bền vững. Nhưng phát hiện về khả năng chữa bệnh của thực vật mọc hoang không phải của riêng Fukuoka. Từ thế kỉ XIV, danh y Tuệ Tĩnh của Việt Nam trong cuốn Nam dược thần hiệu đã đề cập đến dược tính của cây cỏ, chính vì thế mà cụ đã chủ trương thay vì dùng thuốc Bắc của người Trung Quốc có cả các vị lấy từ động vật, người nước Nam nên dùng thuốc Nam thuần thảo dược. Trong thời gian cả nước chìm trong đại dịch Covid-19, ông đã nhắc nhiều đến cơ địa người Việt và giới thiệu nhiều bài thuốc Nam, đặc biệt những bài thuốc giúp tăng cường đề kháng hệ hô hấp đã được nhiều người áp dụng, mang lại hiệu quả bất ngờ. Ông có học nghề thuốc không?

 

+ Trong nghề báo, tôi chưa từng học một ngày nào, nhưng tôi có thể làm một cách chuyên nghiệp tất cả các khâu làm báo. Còn đối với thuốc men, tôi nghiên cứu y thuật 10 năm kết hợp với khảo nghiệm công dụng chữa bệnh của cây cỏ, nhưng cũng chỉ biết sử dụng vài loại cây lá. Và cũng chỉ dám hướng dẫn những thứ làm thức ăn hoặc nước uống, để nếu không khỏi bệnh cũng hoàn toàn vô hại.

 

Thiên nhiên đã bao bọc người Việt chúng ta bằng một thảm cỏ cây vô cùng phong phú với hơn 12 ngàn loài thực vật được ghi nhận, gấp hàng chục lần châu Âu. Mặc dù rừng rú cây cỏ bị tàn phá nghiêm trọng do chiến tranh và chất độc hóa học trong thế kỉ XX, nhưng kết quả điều tra đầu thế kỉ XXI của Viện Dược liệu thống kê được 3.948 loài là cây thuốc. Như vậy cỏ cây nước ta cứ 3 cây thì có 1 cây thuốc. Những cây thuốc đó không chỉ nằm ở rừng sâu núi cao mà còn ở ngay trong vườn tược, khắp các bờ bụi ao hồ. Thống kê trên chắc chắn là chưa đủ, vì cây lúa cũng chính là cây thuốc nhưng không được đưa vào, hạt lúa để lâu năm có thể chữa được bệnh nan y, hồi sinh cho người kiệt sức, tất nhiên cây lúa đó không phải là lúa lai.

 

http://vannghequandoi.com.vn/thumbnail/VNQD-480-2021-11-22/e8e685cc-05be-4651-a50f-4c84f00d899a.jpeg

Hoàng Hải Vân áp dụng triết lí về thiên nhiên cây cỏ trong khu vườn của mình. Ông để quả tự chín trên cây để chim có cái ăn.

 

Do sống thuận với thiên nhiên, bữa ăn truyền thống của người Việt chúng ta bản thân nó là một thang thuốc phòng ngừa bệnh tật. Thuốc đã hàm chứa trong cơm gạo thịt cá rau quả, cái gì ăn được cái đó chính là thuốc. Những khi trái gió trở trời, đã có đủ cây lá trong vườn nhà. Hãn hữu lắm mới có người gặp biến cố mắc bệnh nan y phải cần đến thầy thuốc.

Bệnh tật là gì? Là phản ứng của cơ thể trước sự xâm nhập của vi khuẩn, virus hoặc do tác động bất thường của thời khí và những tác động khác từ bên ngoài. Thầy dạy y thuật cho tôi nói, trong số các bệnh mà dân ta mắc phải, có tới 95% là tự khỏi, chỉ có 3% gây ra biến chứng khó tránh và 2% là “được phép chết”, tức là phải chấp nhận tử vong. Trong số 95% số bệnh tự khỏi đó, có tới 30% sau khi tự khỏi sức đề kháng của cơ thể sẽ tăng lên gấp bội. Trong môi trường sống không bị huỷ hoại, con người hay các sinh vật căn bản không có vấn đề bệnh tật.

 

Như đã nói, tôi học y thuật 10 năm cũng chỉ biết công dụng của vài loại cây lá. Do tối cần thiết mới phải trị bệnh, tức là chữa trị 3% cái gọi là bệnh ấy, cho nên việc trị bệnh là rất phức tạp, đòi hỏi sự chuẩn xác. Và làm một thầy thuốc ngày xưa không dễ chút nào. Thầy tôi nói, chỉ riêng việc bắt mạch thôi, một thầy thuốc ông truyền cho cháu hoặc cha truyền cho con, người nào thông minh thì phải mất 15 năm mới có thể học được 8 mạch danh căn bản trong số 24 mạch danh mà một thầy thuốc cần biết. Trình độ 10 năm “tu luyện” y thuật của tôi cũng chỉ chữa được những bệnh lặt vặt mà nếu ai biết ăn ở đúng cách cũng không cần chữa.

 

 

- Ông vừa nói “Trong môi trường sống không bị huỷ hoại, con người hay các sinh vật căn bản không có vấn đề bệnh tật”, nghĩa là bệnh tật, đặc biệt là những đại dịch trên thế giới là do con người tự tàn phá môi trường sống của mình?

 

+ Những trận đại dịch đã giết chết một nửa dân số châu Âu vào thế kỉ XIV-XV có nguyên nhân sâu xa là con người tách khỏi thiên nhiên trong quá trình đô thị hoá. Trong khi lịch sử nước ta không ghi nhận một đại dịch nào gây chết người hàng loạt, trừ một số trận dịch được ghi nhận thời triều Nguyễn nhưng đều nhanh chóng bị dập tắt.

 

Tạo hoá sinh ra muôn loài đồng thời tạo ra hệ miễn dịch để cho chúng có thể trường tồn. Chúng ta chỉ mất sức đề kháng khi cưỡng lại thiên nhiên. Nhưng lịch sử nhân loại còn cho thấy, xin trích dẫn một khảo cứu của Jared Diamond trong cuốn sách nổi tiếng đoạt giải Pulitzer Súng, vi trùng và thép. Trong những thế kỉ trước, sau những trận đại dịch kinh hoàng như đã nói, người châu Âu khi chinh phục châu Mĩ, đã tiêu diệt các dân tộc bản địa châu Mĩ không phải bằng gươm bằng súng hay bằng trí tuệ hơn người mà chính là bằng vi trùng mang trong người họ. Ông viết: “Những căn bệnh từ các dân tộc đi xâm lược vốn đã mang kháng thể đáng kể lây nhiễm sang các dân tộc không có kháng thể. Bệnh đậu mùa, bệnh sởi, cúm, sốt phát ban, dịch hạch và những căn bệnh truyền nhiễm khác ở châu Âu đã đóng vai trò quyết định trong những cuộc chinh phục của người châu Âu, bằng cách giết hại nhiều dân tộc trên các châu lục khác”. Jared Diamond viết tiếp: “Khắp nơi ở châu Mĩ, các bệnh dịch do người châu Âu mang tới đã lan tràn từ bộ lạc này sang bộ lạc khác từ lâu trước khi bản thân người châu Âu đến, giết chết khoảng 95% dân số người châu Mĩ bản địa tiền Columbus. Những xã hội bản địa đông dân và có tổ chức cao nhất ở châu Mĩ, các tù trưởng quốc vùng Mississippi, đã biến mất bằng cách đó trong khoảng từ năm 1492 đến cuối thế kỉ XVII, ngay cả trước khi bản thân người châu Âu đến định cư lần đầu tiên ở khu vực sông Mississippi. Một trận dịch đậu mùa vào năm 1713 đã là bước duy nhất và lớn nhất để người di cư châu Âu tiêu diệt sạch dân tộc San bản địa Nam Phi. Chẳng bao lâu sau khi người Anh định cư ở Sydney vào năm 1788 đã bắt đầu trận dịch đầu tiên làm chết hầu hết người châu Úc bản địa. Một thí dụ có bằng chứng rõ ràng từ các đảo Thái Bình Dương là trận dịch đã quét qua Fiji vào năm 1806 do một vài thủy thủ châu Âu bị đắm tàu Argo mà dạt lên bờ. Những trận dịch tương tự cũng xảy ra trong lịch sử Tonga, Hawatii và các đảo Thái Bình Dương khác.”

 

 

- Và bây giờ thì nhân loại lại đang phải đối mặt với một đại dịch mới mang tên Covid-19. Xét về góc độ dịch tễ thì con đường lây nhiễm của virus Corona tương tự như vi khuẩn dịch hạch, virus đậu mùa..., nó xuất hiện ở một nước rồi lây lan ra nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê, số lượng người Việt nhiễm loại virus này đã gần một triệu, tính theo dân số là xấp xỉ 1%; nhưng số người chết đã hơn 2 vạn, tỉ lệ tới gần 2,5% số người nhiễm, xếp thứ 34/222 quốc gia, vùng lãnh thổ. Những số liệu này cho thấy sức đề kháng (xét theo cả hai nghĩa sinh học và xã hội) của người Việt trước dịch bệnh là không cao. Ông có đề xuất nào đề công tác phòng chống dịch ở Việt Nam hiệu quả hơn?

 

+ Tôi ủng hộ những biện pháp đúng đắn trước mắt của Chính phủ. Còn về lâu dài, chúng ta phải sống thuận với thiên nhiên.

 

 

- Tôi đồng tình với ý kiến của ông. Hiện nay trên thế giới chưa có loại thuốc nào diệt được triệt để virus Corona. Những biện pháp đã và đang áp dụng chỉ là những giải pháp tình thế nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Nhưng nếu cứ giãn cách, phong tỏa, cách li mãi thì cuộc sống sẽ ngưng trệ. Bởi vậy nhiều nước đã chuyển chiến lược phòng chống dịch Covid-19 từ “bao vây ngăn chặn” sang “tìm cách sống chung với virus”. Và cách chung sống hữu hiệu nhất đó là biết tôn trọng những nguyên tắc căn bản trong mối quan hệ mật thiết giữa con người với thiên nhiên, hướng tới xây dựng một hệ sinh thái hài hòa trên toàn cầu để nhận lại thứ “vắc xin tự nhiên” có khả năng miễn dịch trước mọi loại bệnh tật. Đây không chỉ là mối quan tâm lớn của các chính khách, các nhà khoa học, mà còn là một chủ đề lớn của văn chương. Xin cám ơn ông và hi vọng qua cuộc trao đổi này, những ý kiến thẳng thắn và bổ ích của ông sẽ là những gợi ý hay để các nhà văn Việt Nam bắt tay vào sáng tạo những tác phẩm văn học sinh thái đúng nghĩa và hấp dẫn.

 

ĐỖ TIẾN THỤY thực hiện

 




No comments:

Post a Comment