Sunday, November 28, 2021

NGA CÓ ĐÁNH UKRAINE? (Theo militarynews)

 


Nga có đánh Ukraine?

Đàn Chim Việt   (Theo militarynews)

27/11/2021

http://www.danchimviet.info/nga-co-danh-ukraine/11/2021/24531/

 

Các quan chức Ukraine và phương Tây lo ngại việc Nga điều động quân đội gần Ukraine có thể báo hiệu kế hoạch tấn công Ukraine, nước láng giềng Xô Viết cũ của Moscow.

 

Điện Kremlin khẳng định họ không có ý định như vậy và cáo buộc Ukraine và phương Tây đưa ra các thông tin giật gân nhằm che đậy các kế hoạch gây hấn.

 

Không rõ liệu việc tập trung binh sĩ của Nga có báo trước một cuộc tấn công sắp xảy ra hay lại là một nỗ lực của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm thuyết phục Mỹ và các đồng minh NATO không gửi binh sĩ và vũ khí tới Ukraine, đồng thời từ bỏ kế hoạch hội nhập nước này vào NATO.

 

Dưới đây là một cái nhìn về những căng thẳng hiện tại:

 

Nguồn gốc của sự xích mích Nga-Ukraine

 

Nga sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014 sau khi tổng thống thân Moscow của Ukraine mất quyền lực trước các cuộc biểu tình đông đảo. Nhiều tuần sau đó, Nga đã ủng hộ một cuộc nổi dậy ly khai ở miền đông Ukraine.

 

Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga điều quân đội và vũ khí đến giúp phiến quân. Moscow bác bỏ và khẳng định rằng những người Nga tham gia lực lượng ly khai là quân tình nguyện.

Hơn 14.000 người đã chết trong cuộc giao tranh mang lại tàn phá cho Donbas, trung tâm công nghiệp phía đông của Ukraine.

 

Một thỏa thuận hòa bình năm 2015 do Pháp và Đức làm trung gian đã giúp chấm dứt các trận chiến quy mô lớn, nhưng nỗ lực đạt được một thỏa thuận chính trị đã thất bại và các cuộc giao tranh lẻ tẻ vẫn tiếp tục diễn ra trong suốt khu vực.

 

Đầu năm nay, các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn gia tăng ở miền đông và sự tập trung quân của Nga gần Ukraine làm dấy lên lo ngại chiến tranh, nhưng căng thẳng đã giảm bớt khi Moscow rút phần lớn lực lượng sau cuộc diễn tập hồi tháng 4.

 

Tăng cường quân sự mới nhất của Nga

 

Trong tháng này, Ukraine đã phàn nàn rằng Moscow đã giữ khoảng 90.000 quân gần biên giới hai nước sau các cuộc tập trận lớn ở miền Tây nước Nga.

 

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết các đơn vị thuộc Quân đoàn 41 của Nga vẫn ở gần Yelnya, một thị trấn cách biên giới Ukraine khoảng 260 km về phía bắc.

 

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, Trung tướng Valeriy Zaluzhny, cho biết Nga cũng có khoảng 2.100 quân nhân ở miền đông Ukraine đang do phiến quân kiểm soát và các sĩ quan Nga nắm giữ tất cả các vị trí chỉ huy trong lực lượng ly khai. Moscow đã nhiều lần phủ nhận sự hiện diện của quân đội mình ở miền đông Ukraine.

 

Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine, tuyên bố Moscow đang chuẩn bị một cuộc tấn công từ nhiều hướng, kể cả hướng Belarus, đồng minh của Nga, vào cuối tháng Giêng hoặc đầu tháng Hai.

 

Nga không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về quân số và địa điểm của quân mình, cùng lúc nói rằng việc triển khai quân trên lãnh thổ của mình không nên quan tâm đến bất kỳ ai.

 

Moscow muốn gì?

 

Điện Kremlin cáo buộc Ukraine không tôn trọng thỏa thuận hòa bình năm 2015 và chỉ trích phương Tây không khuyến khích Ukraine tuân thủ. Thỏa thuận này là một cú đánh ngoại giao của Moscow, nội dung yêu cầu Ukraine trao cho các khu vực nổi dậy quyền tự trị rộng rãi và ân xá những người nổi dậy.

 

Ngược lại, Ukraine đã chỉ ra các vi phạm ngừng bắn của phe ly khai do Nga hậu thuẫn và cho rằng quân đội Nga tiếp tục hiện diện ở khu vực phiến quân ở phía đông – những cáo buộc này đã bị Nga bác bỏ.

 

Nga còn từ chối một cuộc họp bốn bên với Ukraine, Pháp và Đức, nói rằng cuộc họp này vô ích vì Ukraine không tuân thủ thỏa thuận năm 2015 .

 

Moscow chỉ trích mạnh mẽ việc Hoa Kỳ và đồng minh NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine và tổ chức các cuộc tập trận chung, nói rằng điều đó khuyến khích phe diều hâu Ukraine giành lại các khu vực do phiến quân nắm giữ bằng vũ lực.

 

Đầu năm nay, ông Putin nói một cách nghiêm trọng rằng nỗ lực quân sự của Ukraine nhằm giành lại miền đông sẽ gây ra “những hậu quả nghiêm trọng đối với nhà nước Ukraine.”

 

Nhà lãnh đạo Nga đã nhiều lần khẳng định rằng người Nga và người Ukraine là “một dân tộc”, đồng thời cho rằng theo lịch sử, nhiều mảng đất lớn của Ukraine là của Nga, do các nhà lãnh đạo Cộng sản dưới thời Liên Xô tự ý cấp cho Ukraine.

 

Ông Putin nhấn mạnh nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine là lằn ranh đỏ đối với Moscow, đồng thời lo ngại về kế hoạch NATO muốn thành lập các trung tâm huấn luyện quân sự ở Ukraine. Ông nói rằng điều đó sẽ mang lại cho họ một lợi điểm quân sự, ngay cả khi Ukraine không gia nhập NATO.

 

“Họ có thể cài đặt bất cứ thứ gì ở đó dưới vỏ bọc của các trung tâm huấn luyện”, ông Putin nói vào tháng trước. “Tư cách thành viên chính thức của NATO có thể không bao giờ xảy ra, nhưng sự phát triển quân sự đã được tiến hành.”

 

Đe dọa xâm lược của Nga là thật?

 

Nga gọi thông tin cho rằng Nga có âm mưu xâm lược là một thủ đoạn bôi nhọ của phương Tây và cho rằng những thông tin này có thể che giấu ý định của Ukraine muốn tấn công ở phía đông. Ukraine phủ nhận các kế hoạch như vậy.

 

Các quan chức Mỹ thừa nhận rằng ý định của Moscow chưa rõ ràng, nhưng các hành vi trong quá khứ của Nga là lý do gây lo ngại.

 

Phát biểu cạnh Ngoại trưởng Ukraine trong tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết “bổn cũ soạn lại” của Putin là xây dựng lực lượng quân sự gần biên giới và sau đó xâm lược, “lấy lý do sai trái rằng Nga đã bị khiêu khích.”

 

Một số nhà quan sát giải thích việc tăng quân là cách Putin cho thấy rằng Nga đang trong tư thế sẵn sàng, nhằm thuyết phục NATO tôn trọng lằn ranh đỏ của Moscow và ngừng gửi quân và vũ khí tới Ukraine.

 

Tuần trước, tại Bộ Ngoại giao Nga, ông Putin vui vẻ lưu ý rằng những lời cảnh báo của Moscow cuối cùng cũng có tác dụng và gây ra một “căng thẳng nhất định” ở phương Tây. Ông nói thêm: “Cần phải giữ phương Tây trong tình trạng đó càng lâu càng tốt để không xảy ra xung đột nào ở biên giới phía tây mà chúng ta không cần.”

 

Ông kêu gọi các nhà ngoại giao Nga thực hiện “những bảo đảm lâu dài nghiêm túc nhằm mang lại an ninh trong khu vực này, bởi vì Nga không thể tiếp tục như vậy, cứ phải không ngừng suy nghĩ về những gì có thể xảy ra ở đó vào ngày mai.”

 

(Theo militarynews)

.

=================================

.

.

Ukraina lo ngại Nga mở chiến dịch « xâm lược » quy mô lớn

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 27/11/2021 - 15:12

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211127-ukraina-nga-chien-dich-xam-luoc-quy-mo

 

Tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky, hôm qua, 26/11/2021, bày tỏ lo lắng trước những tín hiệu « rất nguy hiểm » từ Nga. Chính quyền Kiev tố cáo Matxcơva triển khai quân đông đảo ở biên giới nước này. Nguyên thủ quốc gia Ukraina tuyên bố « hoàn toàn sẵn sàng » cho một cuộc leo thang quân sự với Nga.

 

https://s.rfi.fr/media/display/e08d1dee-4eda-11ec-96f9-005056bfb2b6/w:1024/p:16x9/000_9TF3YY.webp

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo ở Kiev ngày 26/11/2021. AFP - HANDOUT

 

Trong buổi họp báo, tổng thống Ukraina lên án « lời lẽ nguy hiểm » từ phía Nga và cho rằng đây là « tín hiệu cho một cuộc leo thang tiềm tàng ». Vẫn theo ông Zelensky, Nga đang tìm cớ để can thiệp quân sự vào Ukraina. Ông liệt kê những chỉ trích từ phía Matxcơva về sự hiện diện của NATO tại Ukraina, cũng như những cáo buộc của Nga, theo đó, Kiev đã phá hỏng tiến trình hòa bình với phe đòi ly khai.

 

Tổng thống Zelensky khẳng định : « Hôm nay là những lời hăm dọa, thì ngày mai sẽ là chiến tranh ». Do vậy, ông khẳng định đất nước Ukraina đủ sức và đã được chuẩn bị cho một cuộc leo thang quân sự. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Ukraina và Nga, tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua cho biết có thể ông sẽ hội đàm với cả hai đồng nhiệm Nga và Ukraina.

 

Trước những cáo buộc này từ Kiev, điện Kremlin có phản ứng ra sao ?

 

Từ Matxcơva, thông tín viên đài RFI, Anissa El Jabri tường thuật :

 

« Khi tổng thống Ukraina yêu cầu nguyên thủ quốc gia Nga cải chính thông tin về kế hoạch  xâm lược quy mô lớn. Matxcơva hoàn toàn im lặng. Hôm qua, điện Kremlin chỉ thông báo về chuyến đi Ấn Độ sắp tới của ông Vladimir Putin. Một chuyến công du nước ngoài hiếm hoi của tổng thống Nga.

 

Vladimir Putin có vẻ cũng bận rộn về vùng Kavkaz sau khi thất bại trong việc tập hợp các nước trong vùng cho một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến cách đây hai tuần.

 

Tại Sotchi, tổng thống Nga đã  tiếp đón thủ tướng Armenia và tổng thống Azerbaijan. Các hãng truyền thông Nga thậm chí còn phát đi hình ảnh  Ilham Aliev et Nikol Pachinian, ngồi cạnh một chiếc bàn, đối diện với tổng thống Nga cứ như thể họ bị triệu mời.

 

Không một thông báo cụ thể nào về việc phân định đường biên giới, khôi phục các tuyến giao thông được đưa ra sau cuộc gặp đó. Nhưng ông Putin tin chắc là những thông báo này sẽ sớm được đưa ra. Và nếu một năm sau thỏa thuận chấm dứt chiến tranh giữa Armenia và Azerbaijan, việc cụ thể hóa những cam kết vẫn chưa có thì cũng chẳng sao.

 

Về hồ sơ Ukraina, chủ đề này sẽ được tranh luận trong tuần tới tại cuộc họp thường niên của bộ trưởng các nước thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu với sự hiện diện của Sergueï Lavrov và Anthnoy Blinken. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2017, hai ngoại trưởng Nga và Mỹ gặp nhau trong khuôn khổ cuộc họp này. »

 

--------------------------------

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

NGA - UKRAINA

Nga phủ nhận có kế hoạch tấn công Ukraina

 

NGA - HOA KỲ

Chỉ huy quân đội Nga và Mỹ điện đàm về an ninh quốc tế

 

PHÁP - NGA - UKRAINA

Ngoại trưởng Pháp : Nga là một láng giềng « phiền toái » và rất « khó chịu »





No comments:

Post a Comment