Sunday, November 28, 2021

LẠM BÀN VỀ MỘT KHÍA CẠNH VĂN HÓA (Vũ Ngọc Tiến)

 


LẠM BÀN VỀ MỘT KHÍA CẠNH VĂN HÓA   

Vũ Ngọc Tiến

26/11/2021   23:16 

https://www.facebook.com/ngoctien.vu.18/posts/1581957578826818

 

Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa khai mạc ngày 24/11/21 là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh suy thoái văn hóa trầm trọng về các mặt trên bình diện cả nước. Có lẽ vì thế nên trên mạng xã hội có nhiều bài viết xoay quanh hội nghị này. Tôi đã đọc kỹ các bài của các trí thức, văn nghệ sĩ mà tôi trân quý như Mạc văn Trang, Trần Mạnh Hảo, Trần Sĩ Tuấn, Nguyễn Thế Hùng, Chu Mộng Long..., nhưng mới chỉ thấy các anh tập trung bàn về văn hóa giáo dục. Theo dõi diễn biến hội nghị, kể cả bài phát biểu của ông TBT Nguyễn Phú Trọng, tôi cũng ít thấy những lời bàn về văn hóa kinh doanh, một vấn đề rất cần cho sự phát triển đất nước. Nhân có việc phải lựa chọn, biên tập cho cuốn "Phê bình và tiểu luận", tuyển chon một số bài đã công bố trong 30 năm (1992- 2022), tôi gặp bài viết từ năm 1997. Lúc đầu nó đăng trên báo Pháp Luật cuối tháng có cắt bỏ vài đoạn, sau tôi đăng lại đầy đủ trên nội san của một công ty phần mềm vì hồi đó các bạn trẻ trong công ty này có hẳn một phong trào xây dựng bản sắc văn hóa cho riêng công ty, khiến tôi hào hứng cộng tác với họ. Vậy tôi post lên cho bạn bè đọc chơi tham khảo...

 

 

VĂN HÓA KINH DOANH VÀ PHÁT TRIỂN

 

Thế giới văn minh hậu công nghiệp với sự phát triển thần kỳ của khoa học đã làm thay đổi tận gốc rễ đời sống văn hóa tinh thần của con người. Một mặt nó làm cho nền văn hóa mỗi dân tộc trở nên đa dạng, phong phú hơn lên. Mặt khác nó dễ làm xói mòn các nền văn hóa sắc tộc, văn hóa đạo đức gia đình, văn hóa khu vực...

 

Việt Nam bước vào đổi mới và phát triển phải giữ gìn, trau chuốt thêm cho nền văn hóa làng xã của văn minh lúa nước, nền văn hóa đạo đức truyền thống của phương Đông. Đồng thời chúng ta cũng cần đa dạng hóa, hiện đại hóa nền văn hóa Việt Nam hòa nhập với văn minh văn hóa chung của nhân loại. Nền văn hóa đa dạng của một xã hội văn minh được cấu thành bởi văn hóa nghệ thuật, văn hóa đạo đức, văn hóa thể lực, văn hóa chính trị, văn hóa pháp luật, văn hóa tiêu dùng, văn hoá giáo dục và văn hóa kinh doanh...

 

Văn hóa kinh doanh chủ yếu phản ánh nhận thức, các giá trị, các truyền thống và các quan hệ phân phối lưu thông. Nó cũng quan hệ mật thiết với văn hóa sản xuất, sáng tạo, lưu giữ và tiêu dùng. Bản chất văn hóa kinh doanh là làm cho cái lợi gắn chặt chẽ với cái chân, cái thiện, cái mỹ. Người ta thường nói người kinh doanh có văn hóa cao bao chứa cả trí tuệ của nhà triết học, lòng dũng cảm của người lính và tài năng, chất lãng mạn của người nghệ sĩ. Việt Nam bước vào đổi mới thiếu hẳn một nền văn hóa kinh doanh lớn, càng hiếm các nhà kinh doanh có văn hóa cao. Điều này có những lý do lịch sử.

 

Người Đại Việt cách đây mấy nghìn năm đã định cư ở lưu vực sông Hồng, sông Đà, sông Mã và định hình ra nền văn minh sông Hồng mang sắc thái của văn minh lúa nước Đông Nam á mà đặc trưng chủ yếu của nó là thiết chế văn hóa làng. Xã hội Việt Nam là xã hội làm ruộng, làm vườn. Nền văn hóa Việt Nam có sự ưu tiên các quan hệ đạo đức. Dư luận xã hội trọng thị người làm quan, làm ruộng. Vị trí của nhà kinh doanh được xếp vào nấc chót trong hệ thống thang bậc của xã hội: Sĩ - Nông - Công - Thương. Thiết chế văn hóa xã hội ở Việt Nam trải mấy nghìn năm văn hiến vẫn xoay quanh cái trục gốc là đạo "Tam cương ngũ thường". Nó kìm hãm sự phát triển khoa học tự nhiên, năng lực sáng tạo của các cá nhân không được giải phóng. Hành lang pháp luật trong quản lý, điều hành xã hội chưa đủ sâu, chủ nghĩa kinh nghiệm và sự tùy tiện bám rễ rất chặt trong sản xuất phân phối và lưu thông.

 

Người Pháp xâm lược và đô hộ Việt Nam gần một trăm năm đã tiến hành hai cuộc khai phá thuộc địa trước và sau thế chiến lần thứ nhất. Cùng với các cuộc khai phá thuộc địa, mở mang đô thị ở Việt Nam thời đó bắt đầu hình thành đội ngũ các nhà kinh doanh nhỏ, buôn bán nội địa là chủ yếu. Có một số nhà doanh nghiệp lớn, có thương thuyền, có quan hệ quốc tế nhưng sự tồn tại của nó ngắn ngủi không tạo ra bề dày truyền thống. Sự thúc đẩy của nó đối với sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, với năng suất lao động nông nghiệp, với giải phóng cá nhân là không đáng kể. Văn hóa kinh doanh thời kỳ này chưa định hình rõ nét trên bình diện cả nước. Ở Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào, sau năm 1954, dưới ảnh hưởng Mỹ và Tây Âu đã hình thành một đội ngũ khá đông đảo các nhà kinh doanh lớn có, bé có. Do tác động của chiến tranh, với sự ưu đãi đặc biệt của người Mỹ đối với hàng ngũ tướng tá trong quân đội và cảnh sát nên ở Nam Việt Nam lúc đó, tâm lý và tập quán kinh doanh hướng về các thủ đoạn "mafia" câu kết chặt chẽ giữa quân đội với nhà kinh doanh độc chiếm thị trường, cạnh tranh tàn sát lẫn nhau. Đó là tập quán kinh doanh phản văn hóa, phi đạo đức.

 

Lịch sử rồi đây sẽ công bằng và khách quan ghi nhận một sự thật đáng tiếc: Sau năm 1954 ở miền Bắc và ở cả nước giai đoạn 1975 - 1986 là thời kỳ kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp nặng nề, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Trong mô hình quản lý đất nước và trong thiết chế văn hoá kinh doanh này, nhà doanh nghiệp không những không được trọng thị mà nhiều nơi, nhiều chỗ còn bị phê phán nghiêm khắc. Do những yếu kém về quản lý, những sơ hở trong phân phối lưu thông khiến xã hội tồn tại một thị trường ngầm, thị trường đen, Ở đó nhân cách và phẩm chất văn hóa của nhà doanh nghiệp bị phát triển méo mó và lệch lạc. Tâm lý móc ngoặc giữa mậu dịch viên với các "con phe", tâm lý ăn cắp thời gian, ăn cắp sản phẩm trong công nhân và tâm lý tiêu "tiền chùa" trong các chủ doanh nghiệp nhà nước, tâm lý làm hàng giả trong các chủ doanh nghiệp nhỏ... trở nên phổ biến. Đó là những nhát dao chém vào cơ thể ốm yếu của nền kinh tế ở một đất nước sau mấy chục năm chiến tranh liên miên, ác liệt.

 

Chúng ta bắt đầu đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, từ năm 1986. Ở những năm đầu, tàn dư ảnh hưởng của văn hóa kinh doanh những thời kỳ trước đó đã gây ra không ít khó khăn, tổn thất trên bước đường đổi mới và phát triển. Hơn bao giờ hết, cuối thế kỷ này và sang thế kỷ 21, Việt Nam phải hình thành một nền văn hóa kinh doanh tiên tiến, có bản sắc riêmg đồng thời phải hòa nhập tốt với văn hóa kinh doanh của thế giới văn minh hậu công nghiệp, văn minh tin học. Vậy văn hóa kinh doanh của một xã hội văn minh hàm chứa những yếu tố gì? Đó chính là điều chúng ta cần xem xét, lý giải thấu đáo.

 

Trước hết cần quán triệt một nguyên lý trong kinh doanh có văn hóa là sản xuất làm nảy sinh nhu cầu. Sản xuất tốt sẽ tạo ra các nhu cầu và thị hiếu lành mạnh, chất lượng văn hóa và uy tín cho nhà kinh doanh. Nhà kinh doanh, bằng năng lực sáng tạo và bản lĩnh kinh doanh đã nâng cao được trình độ, nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng thì nhân cách của họ được tôn trọng, bản lĩnh của họ sẽ được tăng cường.

 

Từ trong bản chất, văn hóa kinh doanh gắn chặt với văn hóa đạo đức. Thương trường là chiến trường, đầy rẫy những mưu mẹo và những yếu tố rủi ro. Nhà kinh doanh có văn hóa biết cách triển khai những “mẹo lừa” kinh doanh trên cơ sở luật pháp và nhân cách. Văn hóa đạo đức là sự phản ánh lợi ích cá nhân gắn chặt với lợi ích của của cộng đồng. Vì vậy lợi ích nhà kinh doanh có đạo đức là nằm trong lợi ích của cộng đồng. Hàng giả, đầu cơ tích trữ, buôn lậu là kinh doanh phi đạo đức, phản bội cộng đồng. Nó sẽ bị chính cộng đồng lên án và tiêu diệt. Khi nhà kinh doanh làm cho giá trị dạo đức của cộng đồng được củng cố thì bản thân mình cũng có sức mạnh bởi sự tín nhiệm của cộng đồng. Dân gian ta có những câu rất hay về nghề buôn: "Thật thà là cha quỷ quái"; "Nghề buôn có bạn, nghề bán có phường". Tín nhiệm của bạn hàng - ấy chính là nội lực phát triển của nghề kinh doanh. Trong khi cơ sở hạ tầng, truyền thống kinh doanh và kinh nghiệm chưa đủ độ dày độ chín, mặt bằng sản xuất và vốn liếng yếu kém, chúng ta mở rộng tiếp thị với các nền kinh doanh lớn của thế giới là cần thiết. Quảng cáo, thông tin, biểu diễn thời trang, thi hoa hậu... là những hình thức kinh doanh hiện đại của thế giới. Song đằng sau nó phải là chất lượng sản phẩm, trình độ công nghệ, hành lang pháp lý của nhà nước để kiểm soát tránh sự lừa đảo, phòng ngừa những biểu hiện phản văn hóa của chính những hình thức tưởng như hiện đại, rất văn hóa đã nói ở trên. Nhiều vụ kinh doanh với nước ngoài đã đổ bể vì không đặt đạo đức kinh doanh gắn với hiệu quả kinh doanh. Nhiều khi sự quảng cáo không gắn với chất lượng sản phẩm trở thành lố bịch, lợi ích nhà kinh doanh không gắn với sự phát triển của mọi mặt xã hội, với mục tiêu phát triển văn hóa của chúng ta. Hãy lấy câu "Khách hàng là thượng đế" làm ví dụ. Có thể câu nói đó đúng nếu trình độ và thị hiếu của khách hàng tuyệt vời như của "thượng đế". Song nếu có mặt thị hiếu của khách hàng, nhu cầu của khách hàng thấp mà nhà kinh doanh vì lợi nhuận nhắm mắt làm theo thì lúc đó lợi ích kinh doanh đã phản bội lại sự phát triển hướng về chân, thiện, mỹ của văn hóa xã hội. Nhu cầu nổi loạn, nhu cầu tình dục, nhu cầu bạo lực đối với truyền thống đạo đức Việt Nam là nhu cầu thấp. Các nhà sản xuất phim, các nhà xuất bản, in ấn, các nhà kmh doanh văn hóa phẩm nước ngoài vừa qua đã có lúc trượt dài theo "thượng đế" của họ, làm nhức nhối các bậc cha mẹ.

 

Văn hóa kinh doanh không thể tách rời văn hóa chính trị, văn hóa pháp luật. Đôi khi sự cưỡng hành của Nhà nước pháp quyền sẽ là cần thiết để lành mạnh hóa văn hóa kmh doanh, lành mạnh hóa cạnh tranh, ngăn ngừa cạnh tranh hoang dã theo kiểu luật rừng và tạo ra các cơ hội ngang nhau cho mọi khu vực, mọi thành phần kinh tế, mọi đối tượng kinh doanh. Nhưng sự cưỡng hành đó phải xuất phát từ việc xây dựng, củng cố một nền văn hóa chính trị, văn hóa pháp luật tiến kịp nền văn minh chung của nhân loại. Hiện nay kinh tế thị trường ở Việt Nam ta đã và đang phát triển chưa đầy đủ. Nó đang bung ra mạnh mẽ và nền văn hóa chính trị, văn hóa pháp luật chưa đủ hiệu lực kiểm soát, làm cho hiệu quả kinh doanh bị ách tắc và cũng làm cho nhiều hoạt động kinh doanh bị nhấn sâu vào vũng lầy phản văn hóa, phi đạo đức. Do chúng ta chưa kiểm soát được toàn diện kinh tế thị trường mà nhiều phản văn hóa trong kinh doanh đã nảy sinh, khiến một người bạn Mỹ của tôi là Robert cố tìm trong ngôn ngữ tiếng Anh để dịch các khái niệm "chụp giật", "trúng mánh", "vào cầu", "đánh quả", "lách luật", "buôn kiểu hàng xén", "buôn kiểu lái trâu"... Và khi được tôi giải nghĩa, ông lắc đầu nói: "Muốn phát triển, các ngài phải phăng teo nó". Người Việt có câu chúc nhau: "Một vốn bốn lời" là làm ăn phát đạt. Thời gian qua, có những "phi vụ" kinh doanh một vốn trăm lời như buôn đất vào những năm 1990 - 1992 chẳng hạn. Thậm chí có nhiều người chẳng cần có vốn, chẳng chút học vấn bỗng thành tỷ phú. Đó là tình trạng bất thường trong kinh doanh ở nước ta những năm đầu đổi mới. Nó dẫn đến khá nhiều các hội chứng phản văn hóa tiếp theo như phản ứng dây chuyền. Để "chụp giật", để "vào cầu lửa", họ đã đến xin tiền Bà chúa kho, vái Bà chúa Liễu, quỳ lạy ở miếu ông, miếu bà... Các dịch vụ tâm linh được mở ra cùng với các lễ hội truyền thống nhằm đáp ứng các nhà doanh nghiệp đến xin thần thánh ban tài, phát lộc. Tệ mê tín dị đoan được đà phát triển.

 

Có lẽ ở Việt Nam hiện nay, cả hai vấn đề vốn kinh doanh và hệ thống pháp luật trong kinh doanh đều nhức nhối ngang nhau. Để tạo ra một thị trường lao động, thị trường vốn phù hợp với nhu cầu chuyển giao công nghệ, nhu cầu sản xuất, nhu cầu tiêu dùng, đòi hỏi văn hoá chính trị, văn hóa pháp luật phải đồng hành với văn hoá kinh doanh trong bước đường phát triển. Vì thế đưa văn hóa vào kinh doanh không chỉ làm cho nội lực kinh doanh phát triển mà cả nền văn hóa chung của dân tộc cũng phát triển theo với cấp độ mạnh hơn, nội dung sâu sắc hơn. Văn hóa kinh doanh được thống nhất trong bản thân nó các giá trị đạo đức, giá trị kinh tế và được các giá trị này điều hòa. ở Việt Nam ta là sự điều hòa bằng Nhân - Nghĩa - Trí - Lễ - Tín. ở đây có sự giao hoà giữa triết học Đông - Tây, giữa những phát minh lớn của văn hóa phương Tây là Kinh tế thị trường - Xã hội công dân - Nhà nước pháp quyền với truyền thống đạo đức Khổng Mạnh là Nhân - Nghĩa - Trí - Lễ - Tín. Đó chính là đặc sắc của văn hóa kinh doanh châu á mà người Nhật, người Hàn Quốc đã làm được. Việt Nam ta cần thiết phải xây dựng nền văn hóa theo chuẩn mực ấy và nhất định chúng ta sẽ làm được. Tri thức về sản xuất và thị trường, đạo đức, thiện tâm, thiện ý, tín nghĩa và một quan điểm rõ ràng xác lập nguyên lý kinh doanh văn minh, hiện đại chính là bản lĩnh, cốt cách văn hóa của nhà kinh doanh Việt Nam bước vào thế kỷ 21.

 

Trung tâm vấn đề văn hóa kinh doanh là nhân cách và lối sống, nghệ thuật và luật pháp, vốn và thị trường, lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng, lợi ích trước mắt và nhu cầu phát triển. Để văn hóa bắt rễ vào kinh doanh, tạo ra tập tính buôn bán tử tế, cần phải đưa văn hóa kinh doanh trở thành một quốc sách và phải thiết lập được một chiến lược văn hóa kinh doanh trong suốt tiến trình phát triển.

 

Kết thúc bài viết này, tác giả muốn kể ra hai câu chuyện lý thú xảy ra ở đất Hà Nội văn hiến mà tác giả tận mắt chứng kiến. Một chuyện lúc còn nhỏ và một chuyện lúc tác giả đã vào tuổi 50 " tri thiên mệnh". Hy vọng hai mẩu chuyện này sẽ có những gợi ý tốt cho các nhà doanh nghiệp, các nhà quản lý.

 

Chuyện thứ nhất: Ai là người dân gốc Hà Nội đều biết ông MB. Ngôi nhà phố Hàng Gai thông sang ngõ Hàng Hành là đại bản doanh của nhà kinh doanh MB, ông vua tơ tằm ở xứ Đông Dương. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, người Nhật mở cuộc chấn hưng công nghiệp rửa mối hận bại chiến . Tơ nhân tạo của Nhật vừa tung ra thị trường với giá rẻ bất ngờ đã làm những nhà kinh doanh tơ tằm thế giới liêu xiêu, trong đó có ông MB. Các kho tơ tằm của ông MB đều ngập ứ hàng không xuất khẩu được, có nguy cơ phá sản. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông MB quyết định vét hết tiền vàng ở nhà băng và trong két ra. Ông thuê người đi tung tin giá tơ sắp lên vì tơ Trung Quốc bị mất mùa lại có chiến tranh ác liệt nên sản lượng hụt hai phần ba. Mặt khác ông tung tiền, vàng cho các nhà buôn tơ ở Nam Định, Thái Bình, Hà Đông hoặc Nha Trang, Bình Thuận, Ninh Thuận lên Hà Nội, Sài Gòn mua tơ của chính ông. Một cuộc rời kho tuần hoàn theo quy trình khép kín diễn ra nhộn nhịp khắp ba kỳ. Các nhà buôn có máu mặt thấy vậy đổ xô cạnh tranh mua vét tơ tằm ở các nơi với ông MB. Đặc biệt khi những đơn đặt hàng giả từ các nước Tây Âu, Bắc Âu tới tấp gửi đến qua đường điện tín bị lộ ra trên báo, cuộc mua tranh bán tranh tơ tằm càng trở nên hỗn loạn, khốc liệt. Nhờ mẹo lừa đó mà ông MB không những không bị phá sản mà còn thu lãi rất lớn. Tuy vậy ông MB là nhà kinh doanh có tài có đức, rất trọng giáo lý Khổng Mạnh. Ông sẵn sàng bỏ tiền ra bảo lãnh ở nhà băng hoặc ở tòa án để cứu các bạn hàng có nguy cơ phá sản vì vụ thu mua tơ tằm của mình. Qua 3 năm, khi tơ nhân tạo của Nhật bộc lộ yếu kém so với tơ tằm và thị trường được điều chỉnh lại, ông MB lại ra sức khai thác thị trường ở Bắc Âu giúp các bạn hàng ở Việt Nam thoát nạn, xuất khẩu hàng có lãi một chút. Nhờ vậy ngôi vị vua tơ tằm của ông vững chắc. Con cái ông nay đều là những nhà kinh doanh có tên tuổi ở Mỹ, Pháp và Bắc Âu.

 

Chuyện thứ hai: Tôi có một người bạn thân trước năm 89 đã từng là nhà khoa học có uy tín, có nhiều cống hiến. Anh cũng là con nhà có dòng dõi kinh doanh ở Hà Nội. Năm 1989 anh làm giám đốc một công ty của Nhà nước. Hồi đó doanh nghiệp nào cũng rất thiếu vốn. Bạn tôi có một ý tưởng rất hay là muốn xây dựng một mẫu hình doanh nghiệp đa năng vừa sản xuất, vừa buôn bán lại vừa nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực hóa sinh. Để thực hiện ý tưởng này, anh đã vay nhiều trăm ngàn USD (Mỹ) và Fs (Thụy Sỹ) và dám chịu trách nhiệm trước luật pháp về vốn vay đó. Qua 5 năm anh đã thất bại thảm hại vì các quy chế tài chính thời bao cấp vẫn chưa sửa đổi. Nó đã giam chân trói tay anh, không cho anh sử dụng đồng vốn do mình vay và tự chịu trách nhiệm trước cơ quan pháp luật. Khi vay vốn anh nhớ lại hình ảnh mẹ mình thời xưa đưa anh ra chợ Đồng Xuân. Hồi đó ở chợ Đồng Xuân người ta bày biện rất đẹp. Các sạp hàng xếp theo hình chóp nón và bà chủ ngồi chót vót trên đỉnh chóp nón đầu gần chạm vào mái tôn của chợ. Mẹ anh bảo: "Các bà kia không có tiền đâu. Người này cầm tiền bà Hỷ Hòa, người kia cầm tiền của cụ Hai Thìn hay ông bà Đức Lợi... Vì sao họ không có tiền lại được ngồi trên đống tiền hàng giữa chợ Đồng Xuân ? Đó là do tài đức của họ". Kinh nghiệm ấy của mẹ mình năm xưa anh đã áp dụng máy móc, giáo điều. Văn hóa kinh doanh mà anh có ý tưởng xây dựng là rất đẹp. Nhưng văn hóa chính trị, văn hóa pháp luật ở nước mình đã không theo kịp. Anh không giống các bà chủ ngồi trên đỉnh chóp nón chợ Đồng Xuân tự do sử dụng vốn vay. Nếu bạn tôi không bán ngôi nhà thừa kế ở phường Hàng Bài trả nợ đậy cho cơ quan thì có lẽ anh đã ra hầu tòa và lĩnh án ngồi bóc lịch trong tù. Bài học kinh nghiệm cay đắng của bạn tôi xin làm món quà dâng tặng bạn đọc, nhất là các doanh nhân trí thức trẻ bổ sung vào hành trang trí tuệ trên bước đường lập nghiệp,,.

 

Hà Nội, 08/1997

 

.

12 BÌNH LUẬN  





No comments:

Post a Comment