Sunday, November 28, 2021

HƯỞNG ỨNG GS TRẦN NGỌC THÊM (Nguyễn Đình Cống)

 


Hưởng ứng GS Trần Ngọc Thêm

Nguyễn Đình Cống

28/11/2021

https://baotiengdan.com/2021/11/28/huong-ung-gs-tran-ngoc-them/

 

Tham luận của GS Trần Ngọc Thêm tại Hội thảo “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới GD-ĐT”, do Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 21/11/2021, đã  gây nên một đợt bàn tán sôi nổi xung quanh điều kết luận, mục 5.3. GS viết: “Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo...”

 

Một số bài phản biện cho rằng: Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” (THLHHV) vẫn phù hợp (Nguyễn Minh Thuyết, Bích Hà). Bỏ “Tiên học lễ” là một sai lầm lớn , Bỏ “Tiên học lễ” thì đạo đức xã hội sẽ ra sao? (Nguyễn Văn Nghệ). Không còn “THLHHV” thì sẽ là gì? (Phạm Văn Chung), Bỏ “THLHHV”, giáo dục thay bằng khẩu hiệu gì? (Quang Đại). Cái cần là thay đổi chương trình giáo dục chứ không nên bỏ THLHHV (Lê Nữ Kim Cương). Tư duy phản biện không bị trói buộc bởi quan niệm “Tiên Học Lễ” (Lê Học Lãnh Vân). Không nên bỏ THLHHV, vì những thầy cô chân chính luôn chú trọng THLHHV (Nguyễn Văn Mỹ).

 

Lập luận ở các bài kể trên cho rằng không nên hiểu khái niệm LỄ một cách hẹp mà phải hiểu rộng ra, nó bao gồm cả đạo đức làm người, rằng đạo đức xã hội đang xuống cấp mà bỏ học lễ thì nguy hiểm, rằng để có được tư duy phản biện thì phải học nhiều thứ khác chứ việc học lễ, học đạo đức không ngăn cản gì tư duy phản biện.

 

Tôi đứng về phe hưởng ứng lời của GS Thêm, xin góp thêm vài ý kiến mà GS đã có đề cập nhưng chưa được rõ, hoặc chưa đề cập đến.

 

Thứ nhất, lễ được giải thích bao gồm cả đạo đức là một suy diễn mở rộng. Ở VNCH trước 1975 trong các trường học có treo câu “Tiên học lễ, hậu học văn” sau khi đã giải thích rộng rãi sự mở rộng đó để mọi người biết. Ở nước CHXHCNVN hiện nay, chưa có một giải thích gì cả mà tự động suy diễn là khiên cưỡng, có tính chất ngụy biện.  Như vậy chúng ta vướng vào việc trao đổi mà không thống nhất về khái niệm.

 

“Tiên học lễ…” là do chúng ta thừa kế từ tổ tiên, từ Nho giáo, chứ không phải thừa kế của nền giáo dục VNCH. Nội hàm và ngoại diên của khái niệm lễ trong cụm từ ‘tiên học lễ’ do tổ tiên truyền lại không có gì rõ ràng thuộc những yêu cầu cơ bản của đạo đức. Tự ý thêm vào nội dung của khái niệm trong quá trình đối thoại là việc làm tùy tiện. Cơ bản của lễ là mọi việc liên quan đến hành xử văn hóa của con người phải nằm trong sự quy định chặt chẽ của khuôn phép, là cấp trên nói thì cấp dưới phải nghe và làm theo, không được làm trái.

 

Việc “Học lễ” có thể chưa đụng gì trực tiếp đến tư duy phản biện, nhưng khi thực hành phản biện thì  gặp phải những ngăn cản của lễ. Trong suốt hàng ngàn năm theo Đạo Nho  với THLHHV đất nước ta bị chìm đắm vào những ràng buộc của lễ giáo. Trong lễ của Đạo Nho có một số điều tốt, còn phù hợp, hãy lọc ra và chỉ giữ lại những điều tốt chứ không ôm trọn cả gói. Nói rằng THLHHV là ôm trọn cả gói.

 

Thứ hai là GS đề nghi “chấm dứt sử dụng khẩu hiệu Tiên học lễ… chứ không đòi bỏ việc “Học lễ”. Ai muốn học cứ học, chỉ là đừng đề lên thành khẩu hiệu. Khi đã thành khẩu hiệu thì nó trở nên đặc biệt quan trọng. Học đọc, học toán, học ngoại ngữ có quan trọng không, sao không đề thành khẩu hiệu. Nên chấm dứt việc sử dụng khẩu hiệu tràn lan và lâu dài, nó dễ trở thành nhàm chán.

 

Thứ ba, cái cần bỏ nhất trong cụm từ “Tiên học lễ”, không phải là chữ lễ mà là chữ “tiên”. Khi viết “tiên học lễ” là đã nhấn mạnh vào chữ “tiên”. Trước nhất, quan trọng nhất là học “lễ”. Phải chăng đó là nguyên lý?

 

Trong giáo dục có một nguyên lý được công nhận: Trước tiên hãy học làm người. Đó là người lương thiện, người tử tế. Lễ chỉ là một phần nhỏ của “làm người”, hơn nữa trong lễ lại chứa một số tiêu cực. Thế mà đưa nó lên hàng đầu thì có hợp đạo lý không.

 

Thứ tư, có vị đặt câu hỏi: Bỏ tiên học lễ thì sẽ ra sao? Đó là một câu hỏi hời hợt, thiếu suy nghĩ sâu sắc. Khi đặt câu hỏi như thế liệu các vị đã xem rất nhiều nước trên thế giới không hề đề ra câu “Tiên học lễ” mà giáo dục của họ, đạo đức của họ vượt xa trình độ của ta. Ta có bỏ đi, chỉ mong làm được như họ. Có mạnh dạn từ bỏ những thứ rác rưởi mới đủ sức kiến lập những thứ tiện bộ hơn.




No comments:

Post a Comment