Tuesday, November 2, 2021

ĐÀI LOAN và BIỂN ĐÔNG TRONG BÀN CỜ CHIẾN LƯỢC MỸ - TRUNG (Nguyễn Quang Dy)

 


Đài Loan và Biển Đông trong bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung 

Nguyễn Quang Dy

Viet Studies  01/11/2021

http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_DaiLoanvaBienDong.html

 

Gần hai năm qua, Mỹ và thế giới phải tập trung đối phó với đại dịch Covid-19, với tổn thất nặng nề, làm hơn 664.000 người Mỹ chết. Trung Quốc đã nhân cơ hội đó gia tăng sức ép tại eo biển Đài Loan và Biển Đông, đặc biệt sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, làm chính quyền Kabul sụp đổ nhanh chóng trước Taliban, như “Cú sốc Việt Nam” năm 1975. Tiếp theo bài AUKUS và QUAD trong chiến lược Indo-Pacific (Viet-studies, 19/10/2021), bài này sẽ phân tích vấn đề Đài Loan và Biển Đông trong bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung.

 

Hai thùng thuốc súng

 

Dù có phải “thuyết âm mưu” (conspiracy theory) hay không, Trung Quốc đã tranh thủ tối đa “cơ hội trời cho” (windfall) để gia tăng sức ép tại Đài Loan và Biển Đông. Ngày 4/10 là đỉnh điểm khi 49 máy bay của Trung Quốc đã xâm phạm vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Để đối phó với trò chơi “bên niệng hố chiến tranh” của Trung Quốc, Mỹ đã cùng với đồng minh Anh và Úc lập ra “AUKUS” (15/9) và họp thượng đỉnh “QUAD” tại Washington (24/9), như một nước cờ thế mới trong bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung.

Đài Loan và Biển Đông là hai lò lửa chiến tranh như hai “thùng thuốc súng” (power keg) trong bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhưng xét về thứ tự ưu tiên trong “lợi ích cốt lõi” (core interests) của Trung Quốc thì Đài Loan quan trọng hơn Biển Đông. Trong khi Đài Loan thuộc “vòng tròn đồng tâm thứ nhất” (first concentric circle) và “chuỗi đảo thứ nhất” (first island chain), trong “chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực” (Anti-Access/ Area Denial) thì Biển Đông thuộc “vòng tròn đồng tâm thứ hai”.

 

Xét về mặt địa lý và dân tộc, thì Trung Quốc coi Đài Loan (cũng như Hongkong) là “một tỉnh của Trung Quốc”, và người Đài Loan là một bộ phận của dân tộc Trung Hoa. Sau khi thất bại trong cuộc nội chiến tại Trung Quốc, Quốc Dân Đảng đã rút chạy ra Đài Loan. Vì vậy, Trung Quốc coi việc “thống nhất” (hay thôn tính) Đài Loan là mục tiêu chính đáng và “chỉ là vấn đề thời gian”. Trong khi đó, “Biển Đông chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc”, và dân tộc Việt Nam “chưa bao giờ bị đồng hóa” bởi người Hán ở Trung Quốc.

 

Trung Quốc coi diễn biến tại Afghanistan là một đòn mạnh giáng vào uy tín của Mỹ, làm tổn hại cho cam kết “nước Mỹ trở lại” của Joe Biden. Trước sự hỗn loạn tại Kabul, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói (18/8) “Đài Loan không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tăng cường sức mạnh quốc phòng”. Theo bà, “Đây không phải là một sự lựa chọn dành cho Đài Loan khi không làm gì và chỉ dựa vào sự bảo vệ của người khác”.

 

Nếu nhìn ngược lại lịch sử từ chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Trung Quốc tuy rất ngang ngược nhưng chưa bao giờ tiến hành chiến tranh mà qua mặt Mỹ. Trong cuộc chiến tranh lạnh với Liên Xô trước đây, Mỹ và Trung Quốc đã bắt tay nhau (“Shanghai Communique” năm 1972). Trong cuộc chiến tranh biên giới Trung-Việt (2/1979) Đặng Tiểu Bình đã sang Mỹ gặp Tổng thống Carter để vận động Mỹ ủng hộ, hoặc làm ngơ…

 

Nhưng nay thời thế đã thay đổi. Tập Cận Bình đang đứng đầu bộ máy quân sự mạnh nhất lịch sử Trung Quốc. Một số chuyên gia lập luận rằng Tập đã chuẩn bị hậu trường để làm “hoàng đế Trung Hoa” thêm khóa thứ ba (từ 2022), nên có thể muốn chinh phục Đài Loan “để làm vương miện”. (Starting a Fire: US and China Enter Dangerous Territory Over Taiwan, Chris Buckley & Steven Lee Myers, New York Times, October 9, 2021).

 

Phản ứng của Mỹ

 

Đây không phải lần đầu Trung Quốc đe dọa chiếm Đài Loan. Trong cuộc “khủng hoảng eo biển Đài Loan” (1995-1996), Mỹ đã điều hai tàu sân bay đến vùng biển Đài Loan để răn đe, buộc Trung Quốc phải xuống thang. Theo Bà Thái Anh Văn, “Đài Loan đứng trên tuyến đầu của tranh chấp toàn cầu giữa dân chủ tự do và chủ nghĩa chuyên chế… Nếu Đài Loan sụp đổ thì hậu quả rất tai hại đối với hòa bình khu vực và nền dân chủ. (Taiwan and the Fight for Democracy, Tsai Ing-wen, Foreign Affairs, November/December 2021).

 

Trước nguy cơ Đài Loan bị tấn công, Tổng thống Biden nói “Có, chúng ta có một cam kết phải thực hiện điều đó”. Nhưng theo người phát ngôn Nhà Trắng, “Không có thay đổi nào trong chính sách của chúng ta... Chúng ta sẽ giữ vững cam kết của mình theo đạo luật “Quan hệ Đài Loan”. Có thể nói đến nay, Washington vẫn theo đuổi chính sách “mơ hồ chiến lược” (strategic ambiguity). (Mỹ sẽ đến bảo vệ Đài Loan, VOA, 22/10/2021).  

 

Theo một báo cáo của CNAS (26/10/2021), Quân đội Trung Quốc có thể chiếm đảo Taiping (Pratas) tại Biển Đông do Đài Loan kiểm soát, và biến đảo này thành một tiền đồn. Các chuyên gia cho rằng Mỹ có thể chơi trò “chọi gà” (chicken game) với Trung Quốc ở Pratas, nhưng nếu không có Nhật hỗ trợ thì vị thế của Mỹ và Đài Loan sẽ suy yếu. Theo các chuyên gia, đây là thế “lưỡng nan” (dilemma) của Lầu Năm Góc (In Taiwan war game, few good options for US to deter China, Dan Lamothe, Washington Post, October 26, 2021).

 

Theo Elbridge Colby (nguyên phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng) Trung Quốc đã dành 25 năm để xây dựng quân đội hiện đại, chủ yếu nhằm chiếm Đài Loan… Trung Quốc hoàn toàn có khả năng chiếm Đài Loan vào năm 2025. Xét khả năng xảy ra xung đột lớn, nơi nguy hiểm nhất thế giới hiện nay chính là Đài Loan. Để tránh xung đột, Mỹ phải hành động nhanh để răn đe Bắc Kinh. Ưu tiên cấp bách là Đài Loan phải nâng cấp hệ thống phòng thủ. Mỹ cần thay thế “sự mơ hồ chiến lược” bằng đảm bảo cứng rắn hơn đối với Đài Loan (The Fight for Taiwan Could Come Soon, Elbridge Colby, Wall Street Journal, October 27, 2021).

 

Trong cuốn sách The Strategy of Denial: American Defense in an Age of Great Power Conflict”, Elbridge Colby cũng cho rằng trong bất cứ tình huống xung đột nào giữa Mỹ và Trung Quốc, chắc sẽ khởi đầu từ Đài Loan. Theo Elbridge Colby, Mỹ không phải chỉ cần bảo vệ Đài Loan mà còn phải cùng với đồng minh để chiến thắng và có thể ngăn chặn được xung đột leo thang vượt ra khỏi phạm vi Biển Đông. (As the US and China continue to posture, the key will be Taiwan, Clyde Prestowitz, Washington Post, October 29, 2021).

 

Theo sử gia Niall Ferguson (Hoover Institution, Stanford University), cuộc chiến tranh lạnh lần thứ hai có “một giai đoạn nóng”, và nơi có thể xảy ra xung đột chính là Đài Loan. Điều đó có thể xảy ra sớm vì Tập Cận Bình biết rằng đối đầu với Mỹ tuy rất rủi ro, nhưng đây là thời điểm tốt nhất để làm điều đó, vì Mỹ thiếu khả năng răn đe về Đài Loan. Bắc Kinh cho rằng hành động ngay bây giờ tốt hơn là chờ thêm 10 năm nữa. (Will Xi move on Taiwan? History warns he might: Niall Ferguson, Mikio Sugeno, Nikkei, September 10, 2021).

 

Đài Loan và “bẫy Thucydides”

 

Trong cuốn Hindsight, Insight, Foresight: Thinking about Security in the Indo-Pacific (do giáo sư Alexander Vuving chủ biên và APCSS xuất bản (9/2020), tác giả cho rằng Biển Đông tuy nguy hiểm, nhưng khó rơi vào “bẫy Thucydides” như giáo sư Graham Allison dự báo, vì nó theo quy luật “chọi gà” (chicken game) chứ không phải “thế lưỡng nan của tù nhân” (prisoner’s dilemma). Nếu eo biển Đài Loan nguy hiểm nhưng cũng theo quy luật “chọi gà”, thì hy vọng sẽ không rơi vào “bẫy Thucydides”, tức chiến tranh không phải tất yếu.

 

Theo một báo cáo của Tổ Công tác của Harvard Đánh giá Tiềm lực Quân sự của Trung Quốc thì “thời kỳ Mỹ bá chủ về quân sự đã qua rồi”. Nay hệ thống “chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực” (A2/AD) của Trung Quốc bao gồm “chuỗi đảo thứ nhất” như Đài Loan và Điếu Ngư của Nhật. Nguyên Thứ trưởng Quốc phòng Michèle Flournoy nói, “Mỹ không còn hy vọng nhanh chóng chiếm ưu thế về không quân, vũ trụ, và hàng hải”. (Could the US Lose a War with China Over Taiwan? Graham Allison, National Interest, October 29, 2021).

 

Theo các chuyên gia, ảo tưởng về thắng lợi của nền dân chủ tự do và sự lỗi thời của đối đầu nước lớn, đã thúc đẩy các chính quyền Dân Chủ và Cộng Hòa theo đuổi chủ trương “can dự” (engagement) giúp Trung Quốc giàu mạnh. Mỹ đã tăng cường đầu tư vào Trung Quốc và cho họ vào hệ thống thương mại toàn cầu (WTO), tưởng Trung Quốc sẽ trở thành một nền dân chủ và “một thành viên có trách nhiệm” trong trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Nhưng ảo tưởng đó không thành hiện thực, vì Mỹ đã ngộ nhận về bản chất của Trung Quốc.

 

Tại Châu Á, không có ranh giới rõ ràng nào chứng tỏ “bức màn sắt” (Iron Curtain) của Trung Quốc sẽ duy trì được ổn định. Ngược lại, một số cuộc xung đột tiềm ẩn ở khu vực, tuy có giới hạn và chỉ sử dụng vũ khí thông thường, nhưng đã làm cho chiến tranh “có thể” (thinkable). Đó là những cuộc chiến nhằm kiểm soát Đài Loan, Biển Đông, và quần đảo Điếu ngư (Senkaku Islands). (The Inevitable Rivalry: America, China, and the Tragedy of Great-Power Politics, John Mearsheimer, Foreign Affairs, November/December 2021).

 

Trong mấy thập kỷ qua, Trung Quốc đã lợi dụng sự ngộ nhận của Mỹ để “giấu mình chờ thời” và tranh thủ trỗi dậy trở thành siêu cường. Nay Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc đã đủ mạnh để cạnh tranh với Mỹ, mà không cần “giấu mình chờ thời” nữa. Những kế hoạch đầy tham vọng mang dấu ấn Tập Cận Bình đã làm nước Mỹ giật mình tỉnh ngộ. Đó là sáng kiến “Vành đai Con đường” (BRI) để thao túng thế giới, chiến lược “Made in China 2025” để vươn lên ngang hàng với Mỹ, và chiến lược “Đường Lưỡi Bò” để thâu tóm Biển Đông và gạt Mỹ ra khỏi khu vực bằng “vùng xám” (grey area), với hạm đội “dân quân biển”.

 

Đó chính là sự khác biệt giữa Biển Đông và Đài Loan. Trong khi Trung Quốc dùng “vùng xám” và “dân quân biển” một cách hiệu quả để kiểm soát Biển Đông và gạt Mỹ ra khỏi khu vực, họ không triển khai “vùng xám” và “dân quân biển” tại eo biển Đài Loan. Trung Quốc không muốn chiến sự nổ ra tại Biển Đông, vì không muốn đối đầu với Mỹ. Theo binh pháp Tôn Tử, họ chỉ muốn dùng “cờ vây” để áp đảo đối phương. Nhưng nếu chiến sự nổ ra tại eo Biển Đài Loan, thì đó sẽ là một cuộc “chiến tranh thông thường” (conventional war).

 

Sau chiến tranh Việt Nam, Mỹ vẫn có căn cứ quân sự và lực lượng mạnh (gồm không quân, hải quân, tên lửa, và lính thủy đánh bộ) đóng tại Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng không có lực lượng thường trực như vậy đóng tại các nước ASEAN. Tại sao cán cân lực lượng (balance of forces) và cơ cấu an ninh (security architechture) ở hai khu vực này khác nhau như vậy? Phải chăng vì Trung Quốc và Mỹ đều coi trọng Đài Loan và Đông Bắc Á hơn? Dù muốn hay không, đó là những thực tế khó phủ nhận trong bàn cờ chiến lược nước lớn.

 

Thay lời kết

 

Nói cách khác, xét về lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, Đài Loan quan trọng hơn Biển Đông. Xét về cam kết của Mỹ với đồng minh, thì Đài Loan và Đông Bắc Á cũng quan trọng hơn, không chỉ vì bán đảo Triều Tiên, mà còn vì cam kết của Mỹ đối với Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đồng minh quan trọng nhất ở Đông Á. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là Biển Đông kém quan trọng hơn Đài Loan, mà phải đặt cả hai trong tầm nhìn chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với AUKUS và QUAD để kết nối mạng lưới đồng minh.

 

Nhưng trong mấy năm tới, dù căng thẳng đến đâu, Mỹ và Trung Quốc chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến thực sự, tuy có thể đe dọa “bên miệng hố chiến tranh” (war brinkmanship) để thử gân nhau. Theo Reuters (7/10) trước căng thẳng tại eo biển Đài Loan, Mỹ và Trung Quốc đã thỏa thuận về nguyên tắc để lãnh đạo hai nước gặp nhau (trực tuyến) vào cuối năm. Tiếp theo điện đàm giữa Joe Biden và Tập Cận Bình (9/9), Jake Sullivan (cố vấn an ninh quốc gia) và Dương Khiết Trì (đặc trách đối ngoại) vừa gặp nhau tại Thụy Sĩ (26/10).

 

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã xô đẩy thế giới vào khủng hoảng y tế và kinh tế toàn cầu, với những hệ quả khó lường, nên đối đầu Mỹ-Trung cũng buộc phải điều chỉnh theo một cách tương ứng và linh hoạt. Nói cách khác, như Ngoại trưởng Anthony Blinken đã tuyên bố, “Quan hệ của chúng ta với Trung Quốc sẽ là cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể, và đối đầu khi bắt buộc” (A Foreign Policy for the American People, March 3, 2021).

 

--------------

 

Tham khảo

 

1. A Foreign Policy for the American People, Anthony Blinken, Department of State, Washington, D.C, March 3, 2021

 

2. Taiwan and the Fight for Democracy, Tsai Ing-wen, Foreign Affairs, November/December 2021

 

3. The Inevitable Rivalry: America, China, and the Tragedy of Great-Power Politics, John Mearsheimer, Foreign Affairs, November/December 2021

 

4. Could the US Lose a War with China Over Taiwan? Graham Allison, National Interest, October 29, 2021

 

5. As the US and China continue to posture, the key will be Taiwan, Clyde Prestowitz, Washington Post, October 29, 2021

 

6. The Fight for Taiwan Could Come Soon, Elbridge Colby, Wall Street Journal, October 27, 2021

 

7. In Taiwan war game, few good options for US to deter China, Dan Lamothe, Washington Post, October 26, 2021

 

8. Starting a Fire:US and China Enter Dangerous Territory Over Taiwan, Chris Buckley & Steven Lee Myers, New York Times, October 9, 2021

 

9. Will Xi move on Taiwan? History warns he might: Niall Ferguson, Mikio Sugeno, Nikkei Asia, September 10, 2021

 

NQD. 01/11/2021

 



No comments:

Post a Comment