Thursday, October 28, 2021

TƯỞNG THƯỞNG và CỐNG HIẾN (GS Nguyễn Văn Tuấn)

 


TƯỞNG THƯỞNG và CỐNG HIẾN  

Nguyễn Văn Tuấn 

27/10/2021  23:48  

https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1348733275573986

 

Trận dịch vừa qua (và đang diễn ra) làm cho hơn 20,000 người chết và hàng triệu người khốn đốn. Cho đến nay, mỗi ngày vẫn có hàng trăm người chết do dịch hay có liên quan đến dịch. Trong bối cảnh như vậy mà tổ chức lễ tặng thuởng và tung hô với nhau về 'thành tích chống dịch' có vẻ không phải đạo chút nào.

 

Chức năng xã hội của tưởng thưởng là một hình thức ghi nhận sự cống hiến của một cá nhân hay tập thể. Hai chữ quan trọng ở đây là 'cống hiến'. Cống hiến khác với đóng góp. Nhưng có những tưởng thưởng đi lệch khỏi lí tưởng cống hiến.

 

Ai trong chúng ta cũng có phần đóng góp cho xã hội, vì chúng ta có công việc và chức vụ. Bác sĩ và y tá được trả lương và họ làm công việc của họ là điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Công an cũng ăn lương (từ tiền thuế của dân) và họ có nhiệm vụ giữ gìn trật tự xã hội. Nếu họ thực thi những nhiệm vụ đó trong mùa dịch thì đó là một đóng góp cho việc chống dịch. Họ chỉ làm công việc họ được trả để làm. Những đóng góp như thế có xứng đáng được tưởng thưởng? Chánh phủ có vẻ nghĩ như vậy nên họ tặng thưởng cho nhiều cá nhân và người, mặc dù dịch vẫn còn tiếp diễn.

 

Nhưng nếu mức độ đóng góp của họ cao hơn mức độ kì vọng của một chức vụ, hay nếu đóng góp mang tính phụng sự (bất vị lợi) thì đó là cống hiến. Trong trận dịch này, có nhiều bác sĩ, y tá, nhân viên y tế nói chung và cả các chuyên gia ngoài ngành y đến với nhau và hình thành các nhóm thiện nguyện nhằm giúp đỡ bệnh nhân. Tôi biết nhiều người như thế: họ không lãnh lương của Nhà nước, họ bỏ thời gian ra để tư vấn cho bệnh nhân, họ bỏ tiền túi ra mua oxygen và các y cụ, họ vận động xin tài trợ để trả chi phí cho các nhân viên tuyến đầu, v.v. Họ thật sự phụng sự xã hội. Việc làm của họ thật sự là cống hiến. Họ xứng đáng được tưởng thưởng, nhưng họ không nằm trong cái 'radar' của những người trao giải thưởng.

 

Khi tôi còn ở Mĩ, trường tôi có qui ước bất thành văn là khi thành công thì trường tìm cá nhân hay tập thể để tặng thưởng. Nhưng nếu thất bại thì tất cả phải cuối đầu nhận lỗi và tuyệt đối không tìm cá nhân để đổ thừa. Tôi tưởng trong trận dịch này cúi đầu nhận lỗi trước công chúng và những gia đình có người qua đời vì dịch có vẻ phù hợp hơn là tự tung hô với nhau.

 

.

11 BÌNH LUẬN  




No comments:

Post a Comment