Saturday, October 2, 2021

BÌNH DƯƠNG : MUỐN VỀ QUÊ, XÔ XÁT GIỮA DÂN và CẢNH SÁT (BBC News Tiếng Việt)

 


Bình Dương: Muốn về quê, xô xát giữa dân và cảnh sát

BBC Tiếng Việt

2 tháng 10 2021, 21:14 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58775235

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/E4AB/production/_120793585_binhduong.png

Hình từ đoạn video lan truyền trên mạng ngày 1/10

 

Đoạn video tranh cãi truyền đi trên mạng internet ngày 1/10 dường như cho thấy dân quân tự vệ tỉnh Bình Dương vụt gậy vào nhóm dân chúng đi xe máy đòi mở chốt về quê.

 

Nước ngoài nói về việc Việt Nam 'sống chung với Covid'

Hà Nội vừa phong toả vừa sống chung với dịch?

 

Báo Dân Việt ngày 2/10 xác nhận có vụ xô xát, được thấy một phần trong video này.

Tờ Dân Việt cho biết ngày 2/10, UBND TP.Thuận An (tỉnh Bình Dương) "đang xác minh, làm rõ vụ việc xô xát giữa người dân và lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch trên địa bàn phường Bình Hòa khiến một người phụ nữ bị thương".

 

Tờ báo nói: "Theo thông tin ban đầu, vào chiều 1/10, rất nhiều người dân ở phường Bình Hòa đã tự ý đi xe máy, mang ba lô về quê."

 

"Khi họ đến chốt kiểm soát dịch tại khu phố Đông Ba, lực lượng trực chốt yêu cầu quay đầu xe vì tỉnh Bình Dương chưa cho phép người dân được tự túc về quê. Tuy nhiên, nhóm người dân đi xe máy đã đồng loạt bóp còi, hò hét, gây huyên náo cả khu vực. Một số thanh niên đã kích động nhóm người dùng đá ném vào lực lượng Cảnh sát cơ động và dân quân tự vệ tại chốt trực."

 

"Bị ném đá, một số Cảnh sát cơ động cùng dân quân tự vệ đã phản ứng, đuổi theo bắt những đối tượng ném đá nên đã xảy ra xô xát."

 

"Sau đó, lãnh đạo TP.Thuận An đã nhanh chóng có mặt và động viên, khuyên nhủ người dân quay trở về nơi cư trú đồng thời tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu về nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu tự phát về quê."

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/132CB/production/_120793587_capture.png

Hình từ đoạn video lan truyền trên mạng ngày 1/10

 

Giám đốc Công an Bình Dương lên tiếng

 

Chiều 2/10, tại Hội nghị cung cấp thông tin báo chí của Bình Dương, Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an Bình Dương, đã giải thích về vụ việc.

 

Báo Dân Trí tường thuật lời ông Quyên như sau:

"Theo ông Quyên, khi nghe thông tin Bình Dương nới lỏng giãn cách từ ngày 1/10 nên từ đêm 30/9, nhiều người dân quê miền Tây, Tây Nguyên đã lên mạng xã hội lập nhóm, rủ nhau đi xe máy về quê.

 

Chiều 1/10, người dân ở nhiều phường trên địa bàn TP Thuận An đã tụ tập đi xe máy về quê, đến chốt kiểm dịch tại khu phố Bình Đáng (phường Bình Hòa) bị chặn lại.

 

Tại đây, lực lượng chức năng đã vận động, tuyên truyền người dân không tự ý về quê bằng xe máy và nên quay về nơi cư trú, đăng ký theo nguyện vọng để chính quyền bố trí phương tiện đưa người dân về an toàn và đảm bảo phòng chống dịch.

 

Tuy nhiên, nhóm khoảng 500 người không chịu quay xe mà tập trung lại trước chốt.

Trước tình hình phức tạp, tổ công tác kéo lưới rào chắn lại thì một số người quá khích, kích động đám đông nẹt pô xe, bấm còi inh ỏi và dùng đá ném vào CSCĐ, dân quân tự vệ.

 

Lúc này, cảnh sát phải dùng khiên che chắn, chống đỡ, đồng thời quay lại hình ảnh làm bằng chứng để có căn cứ xử lý.

 

"Tôi đã điện thoại chỉ đạo anh em bóc tách những đối tượng quá khích, áp giải về trụ sở để xử lý. Có 3 người (2 nam, một nữ) được đưa về công an phường. Đến khoảng 18h ngày 1/10, thì nhóm người dân đã tự giải tán", Giám đốc Công an Bình Dương thông tin."

 

Ba người bị đưa về trụ sở công an gồm Nguyễn Văn H. (24 tuổi, quê Đồng Tháp), Nguyễn Hữu L. (19 tuổi, quê An Giang) và Ngô Thị V. (25 tuổi).

 

Đại tá Trịnh Ngọc Quyên nói: "Công an không hề tấn công người dân, chỉ giữ 3 người có hành vi kích động đưa về phường xử lý. Sau đó, 3 người này đã thừa nhận hành vi vi phạm và xin bỏ qua. Chúng tôi đã để họ về lại nơi cư trú".

 

 

Chuyện gì xảy ra trước đó ở Thuận An?

Chỉ vài ngày trước, cũng tại TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương, xảy ra một vụ việc gây xôn xao liên quan chống dịch Covid-19.

 

Chiều 29/9, ông Võ Thanh Quan - Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phú, Thuận An, đã trực tiếp gửi lời xin lỗi đến chị Hoàng Thị Phương Lan về hành động phá khóa cửa, cưỡng chế chưa phù hợp với quy định.

 

"Lời xin lỗi của ông Quan thì tôi có nghe, nhưng tôi không chấp nhận vì đã gây ra tổn hại về vật chất và tinh thần cho tôi", chị Lan nêu quan điểm.

 

Vụ việc xảy ra trưa ngày 28/9 khi lực lượng chức năng phá cửa căn hộ, khống chế người phụ nữ ở chung cư Ehome 4 đi test Covid-19.

 

Nhiều người ở Bình Dương 'xin về quê'

Báo chí ở Việt Nam cũng cho biết vào tối 1/10, hàng trăm người dân đi xe máy chở theo đồ đạc đã tập trung trên quốc lộ 13, đoạn qua địa bàn phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) vì muốn về quê ở các tỉnh miền Tây.

 

Lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương đã tiến hành chốt chặn tại khu vực ngã tư Đại lộ Bình Dương (quốc lộ 13) - Lê Hồng Phong và vận động, khuyên nhủ người dân quay lại nơi tạm trú.

 

Theo báo Dân Việt, chủ yếu đây là những người có hộ khẩu tại các tỉnh miền Tây là lao động bị mắc kẹt tại tỉnh Bình Dương trong đợt dịch Covid-19.

 

"Sau nhiều tháng cố gắng bám trụ và đã hết sạch tiền tiết kiệm, chúng tôi không còn thu nhập nữa. Số tiền nhà nước hỗ trợ cũng đã được xài hết. Biết là Chính phủ không cho phép người dân tự ý về quê, nhưng giờ khổ quá rồi, phải tìm mọi cách để về chứ không thể bám trụ ở Bình Dương được nữa", anh Thạch Ni (quê Trà Vinh) cho báo này biết.

 

 

Phương án lưu thông tại Bình Dương

 

Theo thông báo mới nhất ngày 1/10 của UBND tỉnh Bình Dương, có nhắc đến quy định được phép lưu thông ra sao cho người dân.

 

Đối với người lao động khi đáp ứng đủ điều kiện lưu thông và có xác nhận xét nghiệm theo hướng dẫn của ngành Y tế thì được phép lưu thông đến làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động theo mô hình "3 xanh" trên phạm vi toàn tỉnh.

 

"Doanh nghiệp xanh" giới thiệu người lao động của mình với chính quyền địa phương nơi họ cư trú để được xác nhận nhằm phục vụ cho việc lưu thông.

 

Riêng người lao động ở 03 địa phương (TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên): Khi tiêm 01 mũi sau thời gian 14 ngày được đến làm việc tại "doanh nghiệp xanh" trong 03 địa phương này; khi đã tiêm đủ 02 mũi vắc xin hoặc F0 đã khỏi bệnh thì được lưu thông đến làm việc tại các "doanh nghiệp xanh" ở 06 địa phương còn lại.

 

Người lao động ở 06 địa phương còn lại được đến làm việc tại "doanh nghiệp xanh" thuộc 03 địa phương (TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên) phải được tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc F0 đã khỏi bệnh theo quy định.

 

UBND tỉnh Bình Dương cho hay tăng cường kiểm soát lưu thông tại các chốt cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh, thành phố. Tại các chốt kiểm soát này tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực.

 

                                                          ***

TIN LIÊN QUAN

.

Nước ngoài nói về việc Việt Nam 'sống chung với Covid'

1 tháng 10 năm 2021

.

Hà Nội vừa phong toả vừa sống chung với dịch?

2 tháng 10 năm 2021

.

‘Thanh lọc’ Cảnh sát biển Việt Nam, khai trừ Đảng 2 Tư lệnh

1 tháng 10 năm 2021

.

Dân Anh đổ xô đi mua xăng do sợ khủng hoảng tiếp liệu

26 tháng 9 năm 2021

.

Chiến hạm HMS Richmond thăm Cam Ranh, Anh-Việt thêm gắn bó

1 tháng 10 năm 2021

.

Covid-19: Doanh nghiệp Việt Nam 'cầm cự tối đa được 6 tháng’?

26 tháng 9 năm 2021

.

Thuốc viên điều trị Covid đầu tiên có thể giảm một nửa nguy cơ nhập viện

2 tháng 10 năm 2021

.

Phá cửa cưỡng chế xét nghiệm là 'lạm dụng chức vụ và trái luật'

29 tháng 9 năm 2021




No comments:

Post a Comment