Sunday, September 26, 2021

TƯỢNG ĐÀI NHÂN DỊP . . . ĐẠI DỊCH! (Thiên Hạ Luận)

 


Tượng đài nhân dịp... đại dịch!  

Thiên Hạ Luận

26/09/2021

https://www.voatiengviet.com/a/tuong-dai-nhan-dip-dai-dich/6246091.html

 

https://gdb.voanews.com/04B5D946-44A1-41ED-B09C-EEDD2550AEA1_w650_r1_s.jpg

Tượng đài Nguyễn Tất Thành và thân phụ Nguyễn Sinh Sắc tại tỉnh Bình Định, 18/5/2017. Hình minh họa. (Ảnh chụp từ Báo Bình Định)

 

Ông Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, kiêm Đại biểu của TP.HCM tại Quốc hội Việt Nam – vừa gặp... vạ miệng.

 

                                                 ***

Hôm 23/9/2021, tại buổi họp giữa Đoàn Đại biểu TP.HCM tại Quốc hội với các Sở Lao động Thương binh Xã hội, Tài chính và Y tế của thành phố này để giám sát về các chính sách hỗ trợ đối tượng khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, ông Ngân cho rằng: Sau khi kiểm soát dịch bệnh, Trung ương và TP.HCM nên xây dựng những tượng đài vinh danh ngành y tế. Trong các cuộc chiến, chúng ta vinh danh bộ đội, chiến sĩ giải phóng quân thì trong chống dịch cũng nên vinh danh ngành y tế...

 

Vì sao dân chúng Việt Nam vốn cảm phục, biết ơn đội ngũ nhân viên y tế lại nổi giận sau khi nghe đề nghị này, kể cả độc giả của một số cơ quan truyền thông chính thức?

 

Trên diễn đàn của tờ Thanh Niên, trong hàng trăm bình luận về đề nghị của ông Ngân, có hàng chục người tỏ ra bực bội hoặc ngán ngẩm vì... lại xây tượng đài! Nhiều người bày tỏ những suy nghĩ na ná như Van Minh Nguyen: Dùng tiền xây tượng đài để hỗ trợ các y bác sĩ chống dịch hay bệnh nhân thì có ý nghĩa hơn. Hay Te Tran: Nhân viên y tế không cần tượng đài, cái họ cần là nhà nước hãy chăm lo cho họ tốt hơn. Hoặc Nguyen Nguyen: Nên dành tiền xây tượng đài đầu tư cho hạ tầng, như bệnh viện, trang thiết bị, tăng thu nhập cho nhân viên y tế. Có người như Hung Tran, tự giới thiệu là một nhân viên y tế thì chỉ mong số tiền đó sẽ giúp... người bệnh có giường nằm (1)...

 

Còn trên mạng xã hội – trước giờ vẫn tự do hơn thì Mùi Thị Lê mỉa mai thế này: Mình nghĩ mỗi tỉnh nên xây một tượng đài hoành tráng vì chống dịch là huy động ngành y toàn quốc. Giờ chỉ xây một cái hóa ra các tỉnh còn lại không được vinh danh. Mỗi tỉnh một tượng đài, y bác sỹ có đói, có mệt, ngắm tượng đài là tan biến hết vất vả. Ủng hộ vị đại biểu quốc hội này. Phải... ‘bào’ cho tới. Trả lời thắc mắc của một người bạn: Thất bại toàn tập mà đòi vinh danh - Mùi viết thêm: Phải vinh danh chứ. Chẳng hoa hồng nào cao như xây tượng đài, làm một phát là có tiền tỉ đút túi, còn y bác sĩ lại tiếp tục được ca ngợi, được nhận suất ăn chết đói để làm anh hùng. Anh hùng cần gì ăn (2).

 

Một facebooker lấy nickname là Ký giả thời cuộc dành thời gian viết hẳn một thư ngỏ gửi riêng cho ông Trần Hoàng Ngân. Thư đại khái thế này...

 

Theo tôi, anh lo tìm giải pháp hồi phục kinh tế cho thành phố của mình khi mà nó có thể sập tiệm bất cứ lúc nào vì tình trạng phong tỏa lâu nay, thay vì dành thời gian rảnh rỗi đề nghị tào lao vớ vẩn. Kinh tế lao đao, ngân sách trống rỗng, dân khô máu, lấy tiền đâu xây tượng đài hả anh Ngân? Liệu ngành y cả nước mà đứng đầu là Bộ trưởng Long có xứng đáng được xây tượng đài khi tham mưu thực hiện các giải pháp chống dịch quá ẹ? Tại TP.HCM, hai ông giám đốc Sở Y tế cũng ẹ không kém. Nỗ lực của các nhân viên y tế trong chống dịch rất đáng ghi nhận. Họ cần động viên bằng các phần thưởng vật chất giá trị chứ họ cần ko tượng đài gì đâu anh Ngân. Không tin anh cứ hỏi họ xem tôi nói có đúng ko. Riêng lãnh đạo ngành của họ thì không hề xứng đáng chút nào. Nhiều nhóm lợi ích trong ngành y còn lợi dụng dịch để kiếm chác kia kìa. Nhân viên y tế chống dịch cực khổ quá bỏ việc hay trốn việc thì Bộ y tế còn nhẫn tâm ra văn bản đòi tước giấy phép hành nghề của họ mà.

 

Đủ thứ chuyện như vậy, liệu tượng đài ngành y của anh có lý do chính đáng để xây dựng không? Sao anh không đề xuất dựng tượng đài về nhân dân chịu đựng đói khổ hay tử vong vì dịch? Hay là anh bắt chước mấy ông tòa án tạc tượng thẩm phán, trong khi án oan ngút trời? Chắc anh muốn lấy lòng anh Long Thái Bình hả anh Ngân? Bỏ ý nghĩ tượng đài đi anh Ngân ơi, hãy lắng nghe dân chửi đề xuất của anh kìa. Một Phó Giáo sư, Viện trưởng như anh mà để tư duy tượng đài chi phối là hỏng bét rồi. Tôi là một công dân phải đóng thuế, tôi nói không với tượng đài của ngành y. Muốn xây tượng đài, anh nên bỏ tiền túi ra mà xây. Vậy nha (3)!

 

Bên cạnh những bình luận dài, trên mạng xã hội cũng có không ít những góp ý rất ngắn cho đề nghị dựng tượng đài vinh danh ngành y tế và không thèm giấu diếm sự khinh miệt như Chanh Tam: Phác thảo tượng đài chống dịch - một pháo đài hình cái bô được trí thức nâng. Nên thi tìm kiếm gương mặt trí thức ấy cho tượng đài. Bạn bè của Chanh Tam đã bàn luận sôi nổi cả về việc nên chọn diện mạo của ai và nên dựng ở đâu. Phần lớn tán thành việc chọn dựng tượng đài ở Bình Hưng Hòa – một địa danh nổi tiếng mà dân chúng TP.HCM ai cũng biết do có lò thiêu (4).

 

                                                ***

Giữa lúc thiên hạ đang xôn xao bình phẩm về sáng kiến dựng... tượng đài vinh danh ngành y, Hoang Linh đề nghị một sáng kiến mới: Dựng tượng đài ghi nhớ hoạt động... ngoáy mũi và đề xuất luôn cả tên cho tượng đài này là... “Hoan hỉ ngoáy”. Facebooker này giải thích: Tôi không nhớ gia đình mình đã test bao nhiều lần rồi… Ngoáy mũi có lẽ là ấn tượng khó quên của nhiều người. Với tôi cũng vậy, một cảm giác khó tả.

 

Có vị bác sĩ không đồng tình với việc xét nghiệm bằng ngoáy mũi vì: “Khoang mũi là nơi cực kỳ nhạy cảm có chức năng sưởi ấm không khí, bắt lấy mầm bệnh, tiết chất nhầy bao phủ bụi bặm để bảo đám không khí thật sạch trước khi vào phổi. Khi hít trúng bụi bặm, hệ thần kinh vùng mũi sẽ bị kích thích tạo nên phản xạ hắt hơi để tống khứ chất lạ ra khỏi mũi. Việc chọc ngoáy bằng que xét nghiệm sẽ làm tổn thương niêm mạc mũi, chảy máu do rách niêm mạc hoặc chọc trúng mạch máu, nhiễm trùng mũi xoang... Bất đắc dĩ mới phải đưa que vào mũi để lấy dịch nhầy làm xét nghiệm. Đây là một can thiệp xâm lấn, có gây hại. Người ta cố gắng tìm cách xét nghiệm bằng mẫu nước bọt, hơi thở, mồ hôi... để không đụng chạm đến phần nhạy cảm của mũi”.

 

Bác sĩ nói sao sao chứ tôi thì ngoáy mũi hoài đâm ghiền, tôi cứ chờ tin ông tổ trưởng rồi xung phong đại diện đi ngoáy mũi nếu là xét nghiệm đại diện. Nghe tin có đề xuất xây tượng đài ấn tượng cho mùa dịch, cũng hay hay. Ấn tượng của người dân là ngoáy mũi nhưng mà đề xuất với cấp cao thì người ta cười cho. Nên tôi điện thoại nhờ anh Phùi, chủ lò gốm nổi tiếng ở Lái Thiêu đặt làm tượng đi test COVID-19 mà không biết đặt tên chi. Anh Phùi đề xuất tên “Hoan hỉ ngoáy”. Tôi OK ngay. Người dân hoan hỉ ngoáy cho nở mũi còn mấy đơn vị nhập khẩu bộ test thì hoan hỉ đếm tiền là cái chắc (5).

 

---------------

 

Chú thích

 

(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/dbqh-tphcm-de-xuat-xay-dung-tuong-dai-vinh-danh-nganh-y-te-1453727.html

 

(2) https://www.facebook.com/100000215374376/posts/5018361041514359/

 

(3) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=277876334158284&id=100233518589234

 

(4) https://www.facebook.com/chanh.tam.33/posts/3954888451284059

 

(5) https://www.facebook.com/hoang.linh.7146/posts/4222530184534146




No comments:

Post a Comment