Friday, September 3, 2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ 57 (Đỗ Duy Ngọc)

 


Sài Gòn ngày phong tỏa thứ năm mươi bảy

Đỗ Duy Ngọc

03/09/2021

https://baotiengdan.com/2021/09/03/sai-gon-ngay-phong-toa-thu-nam-muoi-bay/

 

Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5  phần 6 — phần 7 — phần 8 — phần 9 — phần 10 — phần 11 — phần 12 — phần 13 — phần 14 — phần 15 — phần 16 — phần 17 — phần 18 — phần 19 — phần 20 — phần 21 — phần 22 — phần 23 — phần 24 — phần 25 — phần 26 — phần 27 — phần 28 — phần 29 — phần 30 — phần 31 — phần 32 — phần 33 — phần 34 — phần 35 — phần 36 — phần 37 — phần 38 — phần 39 — phần 40 — phần 41 — phần 42  phần 43  phần 44 — phần 45 — phần 46 — phần 47 — phần 48 — phần 49 — phần 50 — phần 51  phần 52 — phần 53 — phần 54 — phần 55 — phần 56

 

                                                           *

 

Lại một ngày như mọi ngày, một hôm như mọi hôm. Khi Thủ tướng, Bí thư thành phố đã có cái nhìn khác về đại dịch và dân đang mong sẽ sớm có một chiến lược khác để chống dịch. Chống dịch chứ không diệt dịch vì đó là điều chẳng có ai, chẳng có nước nào thực hiện được. Loài người phải sống chung với nó và nó sẽ trở thành một căn bệnh truyền nhiễm như những căn bệnh khác.

 

Dân đang mong sẽ không còn dây giăng, không còn hàng rào dây kẽm, không còn chốt chặn, không còn khu cách ly, không còn hoảng sợ, không còn phải xin ăn mà được sống bằng ngành nghề và đôi tay lao động của mình. Và điều chắc chắn là mỗi người sẽ tự rút ra cho mình những bài học từ cơn đại dịch. Ngay nhà nước cũng sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm từ việc đối phó với dịch. Con virus đang tràn lan, các con số của thành phố này sẽ giảm dần, nhưng chắc sẽ tăng lên ở các tỉnh thành khác. Chính phủ sẽ thấy rằng những chính sách duy ý chí, phong toả, cách ly sẽ không còn hiệu quả nữa. Càng phong toả, con số nhiễm bệnh càng cao. Càng cách ly, con số tử vong càng nhiều.

 

Ngày hôm qua, ông Nguyễn Huy Nga, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng nên có hình thức riêng cho người tiêm đủ mũi. Và ông đưa ra suy nghĩ “Chả nhẽ tiêm 2 mũi vắc xin xong rồi cũng… nằm nhà?”. Từ câu hỏi ấy, ông Nga nói rằng người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine có nguy cơ mắc virus thấp hơn nhiều lần so với người chưa tiêm, nếu có mắc thì tải lượng virus cũng thấp hơn và tình trạng lâm sàng cũng nhẹ hơn, nguy cơ làm lây lan cho người khác cũng ít hơn.

 

Tuy nhiên, chỗ nào cũng giãn cách, giới nghiêm giống nhau nên mọi người đành ai ở đâu ở yên đấy. Đúng ra, người đã tiêm đủ mũi vắc xin và áp dụng 5K có thể đi làm, buôn bán, học tập trở lại. Hàng quán, tiệm ăn, chợ búa, nhà hàng nên cho mở cửa có kiểm soát. Người dân không những bị tù hãm lâu ngày mà còn phải kiếm ăn. Có lẽ giữa tháng hoặc cuối tháng, chính quyền nên bắt đầu nới lỏng cho người dân bắt đầu những sinh hoạt bình thường.

 

Đến lúc này, cũng chẳng cần lưu tâm đến số người nhiễm bệnh nữa vì kinh nghiệm cho thấy gần 80% người nhiễm đều không triệu chứng hay triệu chứng nhẹ sẽ qua đi theo đúng chu kỳ của bệnh. Đa số người chết là người già và có bệnh nền. Do vậy nên tập trung vào thành phần này. Khi toàn thành đạt được tỷ lệ trên 70% được tiêm chủng đủ 2 mũi, cũng là lúc chúng ta có thể an tâm về dịch.

 

Trong năm 2020, hơn 122 nghìn người Việt tử vong vì ung thư. Mỗi năm ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Số người chết do ung thư ở Việt Nam cao thứ 50 thế giới.

 

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 người tử vong do các bệnh tim mạch, cao hơn cả số tử vong do ung thư. Bệnh tim mạch hiện là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và số người mắc căn bệnh này ở lứa tuổi trẻ ngày càng tăng.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2021, do những hạn chế không ra đường vì dịch, tai nạn giao thông giảm về số vụ, số người chết và bị thương. Tuy nhiên, số người chết vẫn lên đến 3.192 người. So với những năm trước chưa có đại dịch, đây là con số giảm rất nhiều. Trung bình hàng năm Việt Nam có hơn 10.000 người chết vì tai nạn giao thông.

 

Con số tử vong vì giao thông giảm nhưng có lẽ con số người chết vì ung thư và tim mạch hàng năm sẽ không giảm. Cho đến hôm nay, số người chết vì virus ở Việt Nam đã là 12.138 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%). Trong đó số ca tử vong tại TP.HCM chiếm 80,7%. Số liệu tử vong của thành phố từ ngày 22.8 đến 30.8 như sau: 22.8: 340, 23.8: 292, 24.8: 266, 25.8: 242, 26.8: 287, 27.8: 271, 28.8: 256, 29.8: 245, 30.8: 335. Như vậy, con số tử vong ở thành phố vẫn chưa giảm từ khi bắt đầu giới nghiêm toàn thành. Cơ bản theo các chuyên gia y tế đánh giá là bởi thiếu nhân lực và thiết bị. Người nhiễm dịch chưa được theo dõi và chăm sóc kịp thời nên dễ đưa đến diễn biến xấu.

 

Làm một so sánh giữa số người chết vì virus Vũ Hán từ khi có dịch đến nay, ta sẽ thấy số lượng người tử vong cao so với thế giới nhưng so với người chết vì ung thư thì chỉ mới 1/10 và so với tim mạch cũng chỉ 0,5%. Thế nhưng vì đại dịch, những người mắc bệnh ung thư và tim mạch không được chăm sóc và điều trị như bình thường nên có con số tử vong cao nhưng không ai lưu ý. Những người đi cấp cứu vì bệnh trở nặng cũng dễ chết hơn vì nhiều bệnh viện không tích cực cứu chữa hoặc từ chối. Con số này cũng không ít. Tất cả bệnh viện công, tư tập trung vào virus mà lơ là với những căn bệnh thông thường. Đó cũng là một nguy cơ.

 

Khi nhà nước yêu cầu các bệnh viện tư tham gia điều trị người nhiễm dịch, các bệnh viện tư nhân đồng tình nhập cuộc ngay. Nhưng rồi, thời gian kéo dài, nhiều bệnh viện tư đuối sức. Ông Đặng Văn Thanh, Tổng giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn, cho biết rằng để phục vụ công tác điều trị, bệnh viện huy động 300 nhân viên, chi tiền mua 50 máy oxy liều cao và máy thở, hóa chất xét nghiệm… Trong đó, mỗi máy thở 600-800 triệu đồng, máy oxy liều cao 150 triệu và đang đặt một máy ECMO với giá khoảng 5 tỷ đồng…

 

Ông Thanh cho biết, chi phí điều trị F0 tùy vào mức độ bệnh, loại thuốc điều trị, vật tư y tế, trong đó có những mũi thuốc giá lên đến 10-15 triệu đồng. Trung bình một bệnh nhân nhẹ mỗi ngày bệnh viện chi khoảng 5-10 triệu đồng; người nặng phải vào điều trị chăm sóc tích cực (ICU) hết 20-50 triệu đồng, có bệnh nhân nằm 1-2 tháng. Nếu nhà nước không có chính sách hỗ trợ, các bệnh viện tư đành phải đóng cửa vì mang lắm nợ nần. Nên chăng những bệnh nhân được điều trị tại các bệnh viện tư, là nơi phòng ốc tốt hơn, giường nằm khá hơn, chăm sóc kỹ hơn thì cũng nên tính đến việc thu phí với dự hỗ trợ của bảo hiểm xã hội và nhà nước. Có như vậy, các bệnh viện tư mới tiếp tục trên con đường dài được.

 

Nhiều bạn bè của tôi nhắn tin thèm ăn ổ bánh mì thịt quá. Ổ bánh dòn, thịt đo đỏ có chút mỡ, chan miếng nước sốt, hành, ngò, dưa leo. Hay ổ bánh mì với heo quay da dòn xắt nhỏ. Hay là ổ bánh mì bì Ngọc Xuyến. Ôi chao là thèm. Mấy tháng rồi chỉ ăn bánh mì nướng lại, bánh không ngon thì nhét chi vào ăn cũng không ngon. Giải toả là chạy mua một ổ bánh mì liền, đứng ăn tại chỗ, ngon phải biết .

 

Hôm nay khớp và gout lại hành, đau nhức xương, không ngồi dậy đi được. Viết vài chuyện cho qua một ngày. Dừng tại đây thôi.

 

3.9.2021

Sài Gòn lockdown ngày thứ năm mươi bảy.

DODUYNGOC

 

52 BÌNH LUẬN  




No comments:

Post a Comment