Tuesday, September 28, 2021

PHÁP LUẬT CAMPUCHIA ĐÃ BỎ ÁN TỬ HÌNH TỪ NĂM 1989 (Ngô Ngọc Trai)

 


PHÁP LUẬT CAMPUCHIA ĐÃ BỎ ÁN TỬ HÌNH TỪ NĂM 1989  

Ngô Ngọc Trai 

28/09/2021  00:47   

https://www.facebook.com/ngongoctrai.ngo/posts/2164558823684568

 

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 của Việt Nam đã có quy định mới tại Điều 8 về tôn trọng bảo vệ quyền con người.

 

Quy định mới này là một bước tiến bộ khi so với Bộ luật tố tụng hình sự cũ năm 2003 chỉ quy định nguyên tắc về bảo vệ các quyền cơ bản của công dân.

 

Từ bước chỉ bảo vệ các quyền cơ bản của công dân đến bước tôn trọng và bảo vệ quyền con người (có phạm vi nội hàm rộng hơn), thì đó là một sự thay đổi lớn tích cực theo hướng trân trọng đề cao giá trị con người.

 

Nội dung cụ thể của điều luật mới như sau:

 

Điều 8. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân

"Khi tiến hành tố tụng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; …"

 

Khi Bộ luật tố tụng hình sự đã mang tinh thần quy định như vậy thì các hoạt động tố tụng tư pháp liên quan cũng cần quán triệt thực hiện cho đúng.

 

Tức là quan điểm nhận thức pháp lý cũng cần điều chỉnh thay đổi cho phù hợp.

 

Ở đây tôi muốn đề cập đến án tử hình.

 

Cùng thời điểm với việc ban hành Bộ luật tố tụng hình sự thì Bộ luật hình sự mới cũng được ban hành bỏ đi mức án tử hình ở một số tội danh như Cướp tài sản, Tàng trữ trái phép chất ma túy và một số tội danh khác.

 

Đó cũng là kết quả của sự thay đổi nhận thức theo hướng đề cao tôn trọng các giá trị quyền con người, tức nhân quyền.

 

Tuy vậy đáng tiếc như tôi thấy thì chưa có sự thay đổi nhận thức trong công tác xét xử.

Đúng ra với xu thế tôn trọng quyền con người trong luật thì trong các vụ án còn giữ mức án tử hình việc giải quyết cũng cần lược giảm đi.

 

Trong các quyền con người thì quyền sống là quyền tối thượng, mặc dù quan trọng nhất trong tất cả các quyền nhưng chỉ trong năm 2020 đã chứng kiến nhiều bản án tử hình được tuyên ra.

 

Ví như vụ án sát hại nữ sinh giao gà ở tỉnh Điện Biên có tới 6 bản án tử hình được giữ nguyên qua hai cấp xét xử.

 

Vụ án Đồng Tâm hai án tử hình cũng giữ nguyên qua hai cấp xét xử. Hay như đầu năm 2021 Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Nông đã tuyên án tử hình sơ thẩm đối với một bị cáo trong vụ án cáo buộc giết người đốt xác trên xe ô tô.

 

Đâu đó trên cả nước còn có những bản án khác, cho thấy án tử hình còn phổ biến và chưa có sự thay đổi trong nhận thức bảo vệ quyền con người.

 

Với mật độ án tử hình như thế liệu đến khi nào mới có thể tiến tới bãi bỏ án tử hình như quốc tế khuyến nghị. Hiện nay trên thế giới chỉ có một số ít các nước duy trì hình phạt án tử hình trong khi nhiều nước đã bãi bỏ.

 

Năm 2011 một nghi phạm khủng bố ở Na Uy đã bắn chết 77 người, án tuyên cho bị cáo chỉ 21 năm tù vì Na Uy không có án tử hình.

 

Mấy năm trước ở nước Anh cũng có vụ án hai nghi phạm hiếp giết và đốt xác một cô gái gốc Việt trên một chiếc xe ô tô, cả hai sau đó bị án tuyên chung thân vì nước Anh cũng không có án tử hình.

 

Nhiều người có thể sẽ cho rằng ở Việt Nam điều kiện môi trường xã hội chưa cho phép bãi bỏ án tử hình, nhưng một nước ngay cạnh là Campuchia cũng đã bãi bỏ án tử hình từ năm 1989 theo khuyến nghị của quốc tế, mà xem ra hệ thống pháp luật của họ vẫn đủ khả năng đáp ứng cho quản trị quốc gia xã hội.

 

Bởi vậy VN hiện nay cần lược giảm số án tuyên tử hình để trong tương lai sẽ bỏ hẳn án tử hình.

 

(Ảnh quốc kỳ Campuchia)

https://www.facebook.com/photo/?fbid=2164558787017905&set=a.334810426659426

 

2 BÌNH LUẬN




No comments:

Post a Comment