Saturday, September 25, 2021

CỤC DIỆN MỚI CỦA TPP và BẢN LĨNH CỦA VIỆT NAM (Trần Văn Thọ)

 


CỤC DIỆN MỚI CỦA TPP và BẢN LĨNH CỦA VIỆT NAM  

Trần Văn Thọ

25/09/2021   

https://www.facebook.com/tran.vantho.90226/posts/656330262419339

 

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái bình dương (CPTPP) thường được gọi tắt theo tên cũ là Hiệp định Đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) đang bước vào một cục diện mới. Ngày 16/9/2021 Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập và 6 ngày sau Đài Loan cũng xin gia nhập. Để được chấp nhận là thành viên mới phải được tất cả 11 nước thành viên hiện tại đồng ý.

 

Vấn đề cả Trung Quốc và Đài Loan đều xin gia nhập TPP đang được dư luận các nước quan tâm. Trung Quốc lên tiếng phản đối việc Đài Loan xin gia nhập lấy lý do là Đài Loan chỉ là một bộ phận của Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật và cả 4 ứng cử viên Đảng trưởng Đảng Tự do Dân chủ (LDP) của Nhật đều tỏ thái độ hoan nghênh Đài Loan (ngày 29/9 sắp tới một trong 4 người sẽ đắc cử và trở thành thủ tướng từ ngày 4 tháng 10). Về phía Việt Nam, theo phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao thì Việt Nam rất hoan nghênh Trung Quốc là thành viên và sẵn sàng chia sẻ thông tin và kinh nghiệm để Trung Quốc tham khảo trong quá trình chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu do TPP đưa ra.

 

Trong những ngày tới chắc chắc Trung Quốc sẽ vận động để Đài Loan không thể tham gia. Chỉ cần một nước phản đối là Trung Quốc sẽ thành công. Trong 11 nước thành viên (Việt Nam, Singapore, Brunei, Malaysia, Nhật, Úc, New Zealand, Canada, Mexico, Peru và Chile) rất có thể Việt Nam sẽ là nước mà Trung Quốc muốn tác động. Việt Nam sẽ phải có thái độ như thế nào?

 

Nếu hầu hết các nước trong TPP đều đồng ý cho Đài Loan tham gia mà chỉ có Việt Nam phản đối thì rất không hay. Đài Loan có quan hệ kinh tế (đầu tư và mậu dịch) khá mật thiết với Việt Nam. Nếu phản đối Đài Loan, Việt Nam sẽ phải giải thích với cộng đồng quốc tế như thế nào? Nếu nói là muốn tôn trọng chủ trương chỉ có một Trung Quốc thì trong trường hợp này không có sức thuyết phục lắm và gây ấn tượng là bị Trung Quốc tác động.

 

Theo tôi, Việt Nam không nên phản đối Đài Loan. Việt Nam nên đồng ý cho cả Trung Quốc và Đài Loan tham gia. Việt Nam có thể chủ trương phân ly chính trị và kinh tế mà trường hợp nầy TPP chỉ là tổ chức thúc đẩy hợp tác kinh tế. Trong quá khứ đã có hai tiền lệ cả Trung Quốc và Đài Loan đều là thành viên.trong tổ chức khu vực hoặc quốc tế. Đó là Diễn đàn Kinh tế Á châu Thái bình dương (APEC) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). APEC ra đời năm 1989, cả Trung Quốc và Đài Loan gia nhập năm 1991. WTO ra đời năm 1995, Trung Quốc gia nhập năm 2001 và Đài Loan năm 2002.

 

Mong thấy bản lĩnh của Việt Nam trước cục diện mới của TPP.

 .

107 BÌNH LUẬN



 

No comments:

Post a Comment