Friday, September 3, 2021

CÁI NHÌN SƠ KHỞI VỀ PHỤ NỮ TRONG CÁC XÃ HỘI ĐỘC ĐOÁN (Huỳnh Thục Vy)

 


Cái nhìn sơ khởi về phụ nữ trong các xã hội độc đoán

Huỳnh Thục Vy

01/09/2021

http://www.danchimviet.info/cai-nhin-so-khoi-ve-phu-nu-trong-cac-xa-hoi-doc-doan/09/2021/23767/

 

http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2021/09/240661558_4874820482535326_7749983491920864331_n-696x662.jpeg

Các nữ tù nhân lương tâm của Việt Nam

 

Tôi vẫn nhớ một ngày tháng 6/2018, cùng chồng con và vài người bạn, biểu tình trước nhà thờ giáo xứ Vinh Đức, Buôn Hồ, Đăk Lăk sau giờ tan Thánh lễ. Nhiều bà con trong xứ chứng kiến việc này và bày tỏ sự ủng hộ chúng tôi theo nhiều cách khác nhau.

 

Việc không dự liệu trước hành động này của tôi khiến công an Đăk Lăk hơi sửng sốt và từ đó họ tin rằng việc tách tôi ra khỏi cộng đoàn giáo dân Công giáo ở đây là nhu cầu cấp thiết cho “an ninh” của tỉnh họ. Nhưng đó không phải là điều đáng nói trong bài viết này, tôi chỉ muốn giới thiệu cái hoàn cảnh cho những gì tôi sắp viết ra thôi.

 

Bạn biết, như hầu hết các giáo xứ Công giáo, một sự việc bất ngờ xảy ra và đặc biệt lạ lẫm này trở thành câu chuyện lớn trong làng. Và hình như hầu hết những người bày tỏ sự ủng hộ cho việc làm của tôi đều là phụ nữ. Hàng loạt tài khoản facebook kết bạn với tôi khi đó đều là phụ nữ. Những người góp mặt (không dự kiến trước) vào cuộc biểu tình của chúng tôi ngay hôm đó đều là phụ nữ. Những người mạnh dạn hô khẩu hiệu cùng tôi hôm đó, để rồi sau đó bị an ninh hành, cũng đều là phụ nữ.

 

Đa số những người bày tỏ sự yêu mến trực tiếp hoặc gián tiếp, dành cho tôi trong khoảng mười năm nay đều là phụ nữ trong làng. Còn những người cố gắng né tránh tôi ở mọi nơi tôi tình cờ có mặt, thường đều là nam giới. Tôi suy nghĩ rất nhiều về điều này, về sự thận trọng kỳ lạ của nam giới trong trường hợp này. Một cô bạn khá thân với tôi (trong làng) kể lại, cô không tham dự Thánh lễ hôm đó, nhưng vừa nghe tin Huỳnh Thục Vy biểu tình trước cổng Nhà thờ, cô liền muốn ra tham gia, nhưng bị chồng cô ngăn lại, đại loại: bà vì sự yên ổn của gia đình mà bớt hăng giùm tôi, bà mà ra đó là khổ cả nhà…

 

Nhiều phụ nữ trong làng Hà Lan A này, dùng facebook chỉ để đăng ảnh con cái nhưng họ vẫn vào facebook của tôi để đọc và biết tin tức về tình hình đất nước, những thứ xảy ra bên ngoài lũy tre làng. Họ cũng không ngại nói với tôi rằng: chúng tôi không làm được như chị nhưng luôn ủng hộ những người dám nói như chị, không có những người như chị thì xã hội làm sao tiến bộ… Những chia sẻ này của các chị, trong những lúc tôi cô đơn nhất, thực sự làm tôi ấm lòng nhiều hơn cả những tuyên bố bênh vực tôi từ Amnesty International hay Human Rights Watch.

 

Tôi cũng nhớ rõ, vụ việc các trường tiểu học trong làng định “cải cách” chương trình dạy Tiếng Việt cho các cháu lớp Một, theo một kiểu cách không giống ai, với những cách đánh vần như từ trên trời rơi xuống, với những bài đọc có nội dung phi giáo dục…Các bà mẹ trong làng một lần nữa khiến tôi ngạc nhiên khi họ công khai cho nhà trường thấy sự lo lắng hữu lý và kiên quyết đối với việc học hành của những đứa con sắp bước vào lớp Một phải thụ hưởng một chương trình đào tạo kỳ quái như thế. Dù có lo lắng và sợ hãi khi công khai bày tỏ sự chống đối lần đầu tiên với một định chế nhà nước (trường hợp),các bà mẹ này đã đấu tranh không khoan nhượng trong các cuộc họp phụ huynh có sự góp mặt của công an địa phương.

 

Tôi đã cố gắng kết nối những câu chuyện tai nghe mắt thấy của những phụ nữ trong giáo xứ mình sống với những trường hợp phụ nữ khác, trên khắp đất nước và trên thế giới. Thế giới có Malala Yousafzai, khôi nguyên giải Nobel Hoà Bình vì những nỗ lực không mệt mỏi cho quyền được đến trường của trẻ em gái và phụ nữ Pakistan. Lại có một Rangina Hamidi, Bộ trưởng giáo dục Afghanistan, người có quốc tịch Hoa Kỳ, chấp nhận tiếp tục ở lại quê hương bà – Afghanistan, ngồi họp với một đám Taliban mà không mặc burqa, sau sự sụp đổ của chính quyền dân sự thế tục, và cả sau sự bỏ chạy của Tổng thống nước này. Đó chắc chắn không phải là sự dũng cảm cảm tính nhất thời, mà là một cam kết với lý tưởng, với sự hiểu biết rõ các mối nguy mình phải đối mặt. Bạn biết đó, trong thế giới Hồi giáo, hay nói đúng hơn là trong thế giới mà chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ngày càng lớn mạnh, việc đấu tranh cho nữ quyền là việc mạo hiểm cả tính mạng.

 

Nhìn về cuộc đấu tranh đòi hỏi dân chủ tự do và nhân quyền cho Việt Nam. Chúng ta cũng có những phụ nữ đối mặt can trường với nhà cầm quyền độc tài. Những Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Phạm Đoan Trang, Trần Thị Nga, Nguyễn Thúy Hạnh… Tôi chắc rằng sự cam kết với lý tưởng và sự dũng cảm trước bạo quyền của họ không thua kém, nếu không muốn nói là vượt trội hơn những người đồng chí hướng nam giới, khi xét trong thế đứng trong một xã hội nam quyền, những thế yếu mang tính thiên bẩm của phụ nữ (thể chất, tâm lý và vai trò người mẹ) khiến những khó khăn họ gặp phải lớn hơn nam giới rất nhiều.

 

Vậy cái gì khiến cho nữ giới lại dũng cảm một cách kỳ lạ, khá bất thường và rất bền bỉ, kiên trì khi chiến đấu với quyền lực chính trị trong những xứ sở nằm dưới quyền lực chính trị độc đoán và nam quyền cũng độc đoán không kém?! Trong khi phần lớn nam giới ở những nơi đó, với mọi ưu thế thiên bẩm và thế thượng phong trong xã hội, vẫn tự trói mình trong những mục tiêu không vượt quá bản thân và gia đình mình? Tôi không phải đang cố ca ngợi phụ nữ vì mình là một trong số đó. Tôi chỉ đang cố hình dung và liên kết các sự kiện lại với nhau, với tư cách là một người ủng hộ nữ quyền, để tự giải đáp những khúc mắc trong nhận thức của chính mình.

 

Và câu trả lời đầu tiên cho việc này, chạy ngang qua đầu tôi, là rằng: khi bạn sống với quyền lực độc đoán (dù là loại quyền lực gì đi nữa, nam quyền là loại quyền lực có tuổi đời bằng tuổi của nền văn minh này) và được hưởng lợi nhờ quyền lực đó, bạn không đủ sức khoẻ tinh thần để mạo hiểm chống lại bất cứ dạng thức quyền lực nào, kể cả quyền lực chính trị. Và ngược lại, khi từ lúc bạn sinh ra đời đã phải chịu đựng sự kiềm kẹp của quyền lực, bị gạt ra bên lề mọi đặc quyền của xã hội, phải xoay xở một cách khó khăn để nới rộng vòng kiềm toả đó, để mình có thể có được đôi chút tiến bộ trong cái không gian nhỏ hẹp đó; tự nhiên điều đó tạo cho bạn sự cứng cỏi và bền bỉ, và khả năng chống chọi với bất cứ loại quyền lực nào, kể cả quyền lực chính trị.

 

Sinh ra là phụ nữ, tôi đã cảm nhận những điều vừa nói rất rõ ràng, vì bản thân tôi, một cách bản năng, đã kháng cự lại văn hoá nam quyền ngay từ lúc bắt đầu có nhận thức về xã hội, tôi chật vật ấp ủ những ý tưởng về bình đẳng giới, và đau đớn khi phải sống chung với những nghịch lý do văn hoá nam quyền áp đặt. Sinh ra ở một vùng nông thôn u tối, tôi, phải luôn tự khẳng định tư cách ngang bằng với nam giới trong mọi vấn đề từ gia đình đến xã hội, và phải vật lộn trong mớ bòng bong của văn hoá gia trưởng, đau khổ với sự mâu thuẫn giữa lý tưởng mà mình được biết về bình đẳng và sự thực trái ngược mà mình phải đối mặt (và có lẽ tôi còn tiếp tục đối mặt với những nghịch lý đó cho đến hôm nay).

 

Chiến đấu với những thứ quyền lực văn hoá cũng khó khăn không kém cuộc chiến với ý thức hệ độc tài, với quyền lực chính trị độc đoán, nếu không muốn nói, cuộc chiến với nam quyền trong gia đình còn gây nhiều đau đớn tâm lý hơn việc đối mặt với bộ máy bạo lực của chính quyền độc tài.

 

Tóm lại, khi bạn đã quen với việc kháng cự với nam quyền, với quyền lực gia trưởng ngay từ lúc sinh ra, bạn nghiễm nhiên có sự đề kháng và bền bỉ hơn khi đối mặt với một loại quyền lực khác: quyền lực chính trị. Đó có thể là một trong nhiều lý do: ở đâu phụ nữ bị đàn áp sát đất trong một nền văn hoá nam quyền ngạt thở, ở đó họ trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết khi đối phó với quyền lực chính trị.

 

Và ở mặt kia của vấn đề, nam giới-những người sinh ra đã đầy quyền lực do các định chế văn hoá và tôn giáo trao truyền cho, lại nhút nhát, sợ sệt hơn khi đối mặt với chính quyền. Điều này bạn sẽ thấy rõ hơn khi bạn sống ở nông thôn. Thật vậy, khi bạn được đứng ở thế thượng phong ngay từ khi sinh ra, bạn sẽ luôn có thiện cảm với quyền lực, mức độ thân thiết với quyền lực (nam giới) khiến đàn ông không được trui rèn trong ngọn lửa khắc nghiệt của việc phải sống như công dân hạng hai, và từ đó họ cũng không đủ dũng khí chống lại một thứ quyền lực khác: quyền lực chính trị.

 

Lại nhìn vào bức tranh bất đồng chính kiến tại Việt Nam, chúng ta thấy, những người phải bị thương tổn nhiều nhất là phụ nữ: chị Đoan Trang, chị Thúy Nga là hai phụ nữ tôi biết, đã bị những thương tật vĩnh viễn trên cơ thể khi kháng cự với nhà cầm quyền, nhưng họ luôn là tấm gương không khoan nhượng, ngay cả khi họ đứng ở vị trí một người mẹ nuôi con hay một người con gái nuôi mẹ. Không một tù nhân lương tâm nữ giới nào khiến cộng đồng những người ủng hộ thất vọng đối với sự quả cảm kiên trì của họ, trong khi không thể phủ nhận là có một số hồ sơ phía nam giới cho thấy vài sự thoả hiệp nào đó để hưởng sự giảm nhẹ án giam.

 

Trên đây là vài thiển ý vụn vặt tôi góp nhặt lại từ những gì chạy qua chạy lại trong tâm trí mình, tất nhiên không tránh khỏi thiển cận, và thực tâm tôi muốn nhận được sự góp ý để có cái nhìn toàn cảnh trong những diễn ngôn nữ quyền, trong không gian tư duy tiếng Việt và trong bối cảnh một quốc gia độc tài vẫn âm ỉ một phong trào đối lập đang kháng cự hằng ngày với quyền lực chính trị.

 

Huỳnh Thục Vy

Buôn Hồ ngày 31/8/2021

 

Bài viết này xin mến tặng những người nữ bất đồng chính kiến và các chị em yêu mến Thục Vy trong giáo xứ Vinh Đức, làng Hà Lan A, Buôn Hồ, Đăk Lăk.




No comments:

Post a Comment