Friday, September 3, 2021

BÀI HỌC AFGHANISTAN (Việt Hoàng - Thông Luận)

 


Bài học Afghanistan

Việt Hoàng

2/09/21

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/22536-bai-h-c-afghanistan

 

Chuyến bay chở những binh sĩ Mỹ cuối cùng ở Afghanistan đã chính thức rời khỏi Kabul hôm 30/8/2021. Cuộc tháo chạy (trong 17 ngày) đánh dấu cho sự thất bại hoàn toàn của Mỹ sau 20 năm can thiệp quân sự vào quốc gia này. Sai lầm lớn của Mỹ là đã đem quân vào Afghanistan. Nếu chỉ để trả thù vụ khủng bố 11/9 thì Mỹ chỉ cần ném bom và đánh sập chính quyền Taliban là đủ. Để xây dựng được một chế độ dân chủ mất rất nhiều thời gian và kiên nhẫn, người Mỹ đã không ý thức được sự khó khăn đó. 20 năm can thiệp quân sự, mất hơn hai ngàn tỉ đô la và 2.400 binh sĩ, kết quả là số không.

 

Cả thế giới đều bất ngờ trước sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Kabul do Mỹ hậu thuẫn, thậm chí ngay cả với Biden và tình báo Mỹ. Dù vậy cuộc chiến tại đây vẫn chưa chấm dứt và chưa ai có thể hình dung được tương lai của Afghanistan sẽ như thế nào. Cuộc giao tranh mới nhất giữa Taliban và Mặt trận kháng chiến quốc gia Afghanistan (NRF) tại thung lũng Panjshir vừa kết thúc với thất bại thuộc về phe Taliban.

 

Thực tế, cuộc chiến tại Afghanistan đã ngã ngũ khi Mỹ ký hòa ước Doha (Qatar) với Taliban hồi tháng 2/2020 mà không có sự tham gia của chính phủ Afghanistan. Rõ ràng là Taliban không chiến thắng mà là Mỹ tự ý chịu thua, tự đầu hàng và đẩy gần 40 triệu người Afghanistan vào một tương lai đen tối. Chính quyền Kabul và nhân dân Afghanistan chỉ là nạn nhân mới nhất của tâm lý ích kỷ cố hữu “nước Mỹ trên hết” (America First) của người Mỹ. Trump đã tuyên án tử hình và Biden đã hành quyết chính quyền Ghani. Thể diện và uy tín của nước Mỹ và Biden suy giảm rất nhiều sau sự kiện bỏ rơi đồng minh này. Người Việt Nam có lẽ cảm nhận được sự đau khổ mà người dân Afghanistan đang phải gánh chịu hơn ai hết vì chính Mỹ cũng đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa như vậy 46 năm về trước. Người Việt cần rút ra những bài học gì từ sự kiện này?

 

https://live.staticflickr.com/65535/51419044893_9ac7ae0b41_m.jpg

Chính quyền Kabul và nhân dân Afghanistan chỉ là nạn nhân mới nhất của tâm lý ích kỷ cố hữu America First của người Mỹ. Trump đã tuyên án tử hình và Biden đã hành quyết chính quyền Ghani.

 

 

Phải tự lực, tự cường

 

Có lẽ tất cả mọi người Việt Nam đều đồng ý rằng chính người dân Afghanistan phải tự chiến đấu và xây dựng tương lai cho mình chứ không thể trông chờ vào Mỹ. Mỹ thích thì đến, không thích thì rút đi. Mỹ không có bổn phận và trách nhiệm xây dựng dân chủ cho Afghanistan. Mỹ thực dụng và thiếu kiên nhẫn.

 

Xây dựng dân chủ rất khó khăn và cần có thời gian, ít nhất là hai thế hệ. Muốn đất nước có dân chủ thì phải có những con người dân chủ và con người dân chủ không tự nhiên mà có. Trách nhiệm dân chủ hóa đất nước luôn thuộc về tầng lớp trí thức chính trị trong mỗi quốc gia. Tinh thần dân chủ cần phải được hướng dẫn và nuôi dưỡng trong vài thập niên. Ngay cả tại Việt Nam, gần 50 năm sau ngày 30/4/1975 thì tầng lớp trí thức chính trị cũng chỉ mới bắt đầu hình thành.

 

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) ý thức được điều đó nên chúng tôi bắt đầu hành trình tranh đấu bằng việc cùng nhau vạch ra một lộ trình cho tổ chức. Dự án chính trị đầu tiên ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Các dự án tiếp theo và mới nhất là dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai là sản phẩm của trí tuệ Việt Nam, một con đường mới cho Việt Nam. Chúng tôi có tham khảo và học hỏi kinh nghiệm đấu tranh dân chủ trên khắp thế giới nhưng không sao chép hay dập khuôn một cách máy móc theo bất cứ mô hình nào.

 

Sau khi có được một dự án chính trị thì việc tiếp theo là xây dựng một đội ngũ nhân sự chính trị để thực hiện dự án chính trị đó. Công việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian, sự kiên nhẫn và bao dung. Chúng tôi ý thức được rằng công việc này có thể mất vài thập niên nhưng đó là việc bắt buộc phải làm.

 

Tập Hợp luôn tự thân vận động, chúng tôi chưa nhận bất cứ một sự trợ giúp nào từ bất cứ một tổ chức nào ngoài sự đóng góp của các thành viên. Để xây dựng một đội ngũ nòng cốt thì tư tưởng chính trị quan trọng hơn tiền bạc. Chúng tôi cũng chưa có ý định tranh thủ sự ủng hộ của thế giới và các chính khách nước ngoài khi vẫn còn trong giai đoạn xây dựng tổ chức. Trong một lần thăm Mỹ ông Nguyễn Gia Kiểng được một người bạn đề nghị thu xếp một cuộc gặp gỡ với tổng thống Mỹ khi đó là Obama nhưng ông đã từ chối vì cho rằng chẳng để làm gì cả và chỉ mất thì giờ cho cả đôi bên. Giai đoạn vận động dư luận quốc tế sẽ cần nhưng chưa phải lúc này.

 

 

Phải có dự án chính trị và đội ngũ chính trị

 

Làm gì cũng phải có kế hoạch và phương pháp. Xây dựng dân chủ cho Việt Nam là một dự án rất lớn vì nó sẽ làm thay đổi số phận của cả dân tộc. Dự án đó phân tích thực trạng của đất nước và đề nghị một giải pháp thay thế. Dự án chính trị của Tập Hợp giải thích đầy đủ lý do vì sao phải thay đổi và thay đổi như thế nào...Truyện thuyết cộng sản (hay giải pháp cộng sản) đã thất bại hoàn toàn tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Muốn thay đổi một truyện thuyết cũ thì phải có một truyện thuyết mới. Truyện thuyết mới vừa phải đẹp (vì đó là một giấc mơ) nhưng cũng vừa phải rõ ràng, cụ thể để ai cũng có thể hiểu và cảm nhận được sự khả thi của nó.

 

Chỉ có một dự án chính trị như vậy mới đoàn kết và động viên được mọi người, trước là tầng lớp trí thức và sau đó là toàn thể người dân Việt Nam. Khi người dân hiểu, tin tưởng vào lộ trình đó thì họ mới dấn thân bằng tất cả sự cố gắng và quyết tâm. Afghanistan không thiếu những trí thức Tây học, có bằng cấp và hiểu biết cao. Người dân Afghanistan cũng không hèn nhát hay tồi tệ như chúng ta nghĩ. Vấn đề là họ không có đội ngũ, không có quyết tâm vì không có dự án chính trị. Ông cựu bộ trưởng Bộ Truyền thông Afghanistan, Sayed Sadaat đang tị nạn tại Đức và làm nghề giao hàng (shipper) ở Leipzig là một ví dụ. Ông chia sẻ rằng ông từng có cơ hội để tham nhũng và giàu có nhưng ông đã không làm vậy, ông cố gắng sống lương thiện và làm tất cả vì tương lai đất nước nhưng ông thất bại vì ông chỉ là một thiểu số cô đơn.

 

Chính quyền Kabul là kết hợp lỏng lẻo của những người vì quyền lợi cá nhân thay vì một tập thể của những con người có tinh thần quốc gia. Muốn có lý tưởng và tinh thần quốc gia thì phải có một dự án tương lai chung, đây điều mà trong suốt 20 năm những người kế tiếp nhau cầm quyền tại Kabul đều không có để đề nghị với nhân dân Afghanistan và chính quyền Mỹ cũng không nghĩ tới việc thúc giục và giúp đỡ họ để có. Không có dự án chính trị thì không thể có lý tưởng và đội ngũ nòng cốt. Lý tưởng đó là sức mạnh chính của họ, các phương tiện tài chính và quân sự chỉ là thứ yếu. Trong khi đó, trước mặt họ là tổ chức Taliban có một lý tưởng và một dự án tương lai cho Afghanistan, dù là một lý tưởng và một dự án lỗi thời. Vì thế họ phải thua và Taliban phải thắng.

 

Sở dĩ Tập Hợp vẫn tồn tại và phát triển trong khi các tổ chức khác gần như đã tan rã vì chúng tôi có một dự án chính trị. Dự án đó là chất keo để gắn kết các thành viên của tổ chức, dự án đó cho chúng tôi một lý tưởng cao đẹp để dấn thân, dự án đó cho chúng tôi một niềm tin rằng cùng nhau chúng ta sẽ thay đổi được số phận dân tộc Việt Nam, dự án đó mang lại cho chúng tôi quyết tâm thay đổi lịch sử thay vì chịu đựng lịch sử.

 

https://live.staticflickr.com/65535/50933237193_6dfff85356_m.jpg

Dự án chính trị là thứ không thể thiếu của một tổ chức chính trị. Căn cứ vào những đề nghị trong đó mà người dân Việt Nam có thể hình dung được tương lai của chính mình và của đất nước.

 

 

Phải có kiến thức và can đảm

 

Bất cứ nghề nghiệp gì cũng cần phải học để có kiến thức. Chính trị là một lĩnh vực quan trọng và là một công việc khó khăn. Chính trị là bộ môn tổng hợp của nhiều bộ môn. Chính trị quyết định mọi vấn đề của cuộc sống. Một quyết định chính trị sai có thể gây hại cho hàng triệu người. Chính sách ‘ngăn sông cấm chợ’ để chống đại dịch Covid-19 của chính quyền Việt Nam là một ví dụ. Muốn có những quyết định chính trị đúng đắn thì phải có kiến thức và muốn có kiến thức thì phải học hỏi không ngừng. Có kiến thức sẽ có can đảm để lấy những quyết định đúng. Chính trị là việc chung, là mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân chứ không phải cho bản thân vì vậy cái gì có lợi cho người dân thì người làm chính trị dứt khoát phải làm. Trong chính trị luôn có những quyết định rất khó khăn vì có những quyết định đúng (về lâu dài) nhưng lại đi ngược với mong muốn (trước mắt) của người dân.

 

Ông Nguyễn Gia Kiểng vẫn thường nhắc nhở anh em chúng tôi rằng, trong chính trị đừng có tính toán thiệt hơn cho bản thân và tổ chức mình mà thấy cái gì đúng, cái gì cần và cái gì có lợi cho đất nước thì cứ thế mà làm. Ông luôn hành động như vậy và chúng tôi cũng sẽ hành động như vậy. Một vài ví dụ:

 

- Trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn, ông Nguyễn Gia Kiểng đã phản bác thẳng thừng, không khoan nhượng văn hóa Khổng giáo, trong đó có văn hóa tôn thờ bạo lực của người Việt qua hình tượng “anh hùng dân tộc” Nguyễn Huệ. Ông biết sẽ phải đón nhận nhiều công kích, thậm chí mạt sát của không ít người Việt nhưng ông vẫn làm vì ông cho rằng nếu không thay đổi và đoạn tuyệt với thứ văn hóa độc hại đó thì dân tộc Việt Nam sẽ không có tương lai.

 

- Ông Nguyễn Gia Kiểng có lẽ là chính trị gia duy nhất của Việt Nam có các hoạt động tại Mỹ mà không dùng cờ vàng. Mặc dù ông là cựu viên chức của Việt Nam Cộng Hòa nhưng ông cho rằng cờ vàng là một biểu tượng của quá khứ còn Tập Hợp là đại diện cho một tương lai mới của Việt Nam. Ông đã vấp phải sự phản đối dữ dội lúc ban đầu nhưng rồi mọi người dần dần chấp nhận tư kiến đó của ông.

 

- Ba lập trường căn bản của Tập Hợp là ‘đấu tranh bất bạo động’ trên tinh thần ‘hòa giải và hòa hợp dân tộc’ để xây dựng một nước Việt Nam ‘dân chủ đa nguyên’ đã bị phản đối gay gắt lúc ban đầu nhưng đến nay thì hầu như mọi người đã đồng ý và chia sẻ với lập trường của chúng tôi.

 

- Tập Hợp là tổ chức chính trị đầu tiên lên tiếng chỉ trích Donald Trump từ khi ông ta mới ra tranh cử tổng thống Mỹ vì chúng tôi cho rằng người làm chính trị bắt buộc phải có kiến thức và đạo đức chính trị. Trump không có cả hai. Dù bị tấn công dữ dội nhưng rồi chúng tôi cũng đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của nhiều người.

 

 

Phải nói không với chế độ tổng thống

 

Chúng tôi vẫn dành những tình cảm quí mến cho ông Biden vì ông là người có đạo đức và kiến thức chính trị nhưng chúng tôi cũng chỉ trích việc ông phản bội đồng minh khi bỏ chạy một cách hổ thẹn tại Afghanistan. Chúng tôi tin là ông Biden hiểu rõ những tác hại của việc rút quân một cách vội vã tại Afghanistan nhưng có lẽ ông không thể làm khác, dù gì thì ông cũng là một tổng thống Mỹ.

 

Nước Mỹ đang chia rẽ hơn bao giờ hết, bóng ma của chủ nghĩa Trump vẫn đang đè nặng lên Biden và đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử sắp tới. Chính Trump đã ký hòa ước Doha, biếu không Afghanistan cho Taliban nhưng giờ đây Trump lại quay sang công kích Biden dữ dội. Theo chúng tôi thì Biden bỏ rơi Afghanistan không phải là hành động dũng cảm mà là ngược lại. Mục đích duy nhất của Biden là để kiếm phiếu trong kỳ bầu cử tới vì 2/3 dân Mỹ muốn rút quân khỏi Afghanistan.

 

Chế độ tổng thống sớm muộn cũng dẫn đến chủ nghĩa dân túy. Biden dù từng trải nhưng muốn hay không cũng phải mị dân. Khẩu hiệu “đưa người lính Mỹ trở về nhà” luôn được ủng hộ và ăn khách. Thực tế tình hình tại Afghanistan không có gì nghiêm trọng, Biden có thể giải thích điều đó cho dân chúng Mỹ một cách dễ dàng rằng việc Mỹ ở lại Afghanistan không tốn kém nhiều về tiền bạc và không thiệt hại về nhân mạng. Afghanistan không còn là điểm nóng trên thế giới và cũng không còn là mối bận tâm hàng đầu của dư luận Mỹ. Khẩu hiệu tranh cử mà mong muốn của Biden là “nước Mỹ trở lại” nhưng hành động trên thực tế là “nước Mỹ co cụm lại” (America alone).

 

Chế độ tổng thống khiến các tổng thống Mỹ luôn lấy những quyết định sai lầm, Biden không là ngoại lệ. Không thể đòi hỏi sự dũng cảm ở một cá nhân trong những tình huống đặc biệt. Nếu trong một thể chế đại nghị thì những quyết định quan trọng luôn được bàn thảo kỹ lưỡng trong nội bộ đảng cầm quyền và quyết định sau cùng luôn thuộc về tập thể. Chính vì quyết định tập thể nên nó luôn có sự chính xác, dũng cảm và đồng thuận cao. Sự thất bại của chính quyền Kabul cũng đến từ việc họ du nhập mô hình tổng thống chế của Mỹ một cách máy móc.

 

Là một nước chưa có truyền thống dân chủ, Việt Nam phải nói không một cách dứt khoát với mô hình tổng thống chế. Việt Nam 1975 và Afghanistan 2021 dù có nhiều điểm khác nhau nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng. Điều quan trọng và cấp thiết trong lúc này là rút ra những bài học cho Việt Nam trong tương lai. Nếu trí thức Việt Nam không chịu hiểu và thay đổi tư duy thì cơ hội đến rồi đi, đất nước sẽ mãi đắm chìm trong nghèo khổ và tụt hậu.

 

Việt Hoàng

(2/9/2021)




No comments:

Post a Comment