Saturday, September 25, 2021

ANGELA MERKEL, 16 NĂM ĐỐI ĐẦU VỚI BAO KHỦNG HOẢNG (Minh Anh - RFI)

 


Angela Merkel, 16 năm đối đầu với bao khủng hoảng

Minh Anh -  RFI

Đăng ngày: 24/09/2021 - 10:13

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210924-angela-merkel-cam-quyen-khung-hoang-duc-chinh-tri

 

Chủ Nhật, ngày 26/09/2021, nước Đức tổ chức tổng tuyển cử. Đó cũng là ngày thủ tướng Angela Merkel, một trong số những phụ nữ quyền lực nhất thế giới, chính thức rời chính trường sau 16 cầm quyền. Đây cũng là dịp để chúng ta điểm lại những thời khắc chính trị mang tính quyết định, ghi đậm dấu ấn bốn nhiệm kỳ của bà.

 

 https://s.rfi.fr/media/display/ed02f506-1c28-11ec-bffe-005056bfb2b6/w:900/p:16x9/714ebae962bd50b4362a22e7db01b35618dfd777.webp

Thủ tướng Angela Merkel, sau 16 năm cầm quyền, chính thức rời chính trường Đức ngày 26/09/2021. Gal ROMA AFP

 

Mười sáu năm cầm quyền, bốn nhiệm kỳ, chưa có một lãnh đạo Đức nào như bà bắt tay với nhiều đời tổng thống Pháp, gặp nhiều lãnh đạo cường quốc thế giới như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Nga Vladimir Putin hay nhiều đời tổng thống Mỹ từ Georges W. Bush, Barack Obama, cho đến Donald Trump và giờ là Joe Biden.

 

Đâu là bí quyết của sự trường tồn quyền lực đó, tại một quốc gia tự do dân chủ ? Hầu hết giới chuyên gia tại Pháp đều có chung một nhận xét : Angela Merkel là một chiến lược gia, một nhà chính trị thực dụng, nhưng đôi khi cũng rất « tình người ».

 

2005 : Merkel – Làn gió mới cho chính trường Đức

Ngày 30/11/2005 là một bước ngoặt lớn trong lịch sử nước Đức. Angela Merkel là phụ nữ đầu tiên và cũng là chính khách đầu tiên xuất thân từ Đông Đức cũ nắm giữ vị trí lãnh đạo cao nhất tại Đức, sau hai lần là bộ trưởng trong những năm 1990. Trước Quốc Hội Đức, Bundestag ở Berlin, bà tuyên bố : « Chúng ta sẽ tạo ra những điều kiện sao cho nước Đức trong vòng 10 năm lọt vào nhóm 3 nước hàng đầu ở Châu Âu ». Một cuộc cá cược ít nhiều đã thành công, dù phải mất đến 16 năm để thực hiện.

 

Nhà nghiên cứu về nước Đức, Anne Salles, giảng viên trường đại học Sorbonne, trên đài RFI, lưu ý thành quả này có được chưa hẳn là kết quả từ các chính sách kinh tế - xã hội của bà Merkel : « Năm 2005, nước Đức trong tình trạng báo động đỏ. Đất nước trong tình trạng thảm hại, hơn 5 triệu người thất nghiệp, một con số cực kỳ cao. Khi bà Merkel lên cầm quyền, người làm công ăn lương đã chấp nhận những cải cách quan trọng, chẳng hạn như từ bỏ các khoản tiền thưởng, tăng giờ làm việc mà không tăng lương… Tất cả những điều đó đã giúp tăng năng suất lao động tại Đức, cho phép giảm mức thất nghiệp và đương nhiên, bà Angela Merkel đã biết tận dụng được tình thế này ! »

 

2011 : Thảm họa Fukushima và một cái nhìn thực dụng

Tai nạn hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản, xảy ra vào tháng 3/2011, buộc Angela Merkel có một thái độ quay ngoắc 180° ngoạn mục. Ba ngày sau trận sóng thần tàn phá nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi Nhật Bản, bà thông báo cho ngưng hoạt động tất cả các nhà máy hạt nhân « già cỗi » ở Đức.

 

Đến cuối tháng Sáu cùng năm, thủ tướng Đức tuyên bố đưa đất nước hoàn toàn ra khỏi năng lượng hạt nhân năm 2022. Nhưng chín tháng trước đó, chính bà Merkel đã cho hủy lịch trình ra khỏi hạt nhân của chính phủ tiền nhiệm Gerhard Schroder, thuộc đảng Xã hội – Dân chủ, dự trù kết thúc vào năm 2030.

 

Quyết định này cho thấy rõ khả năng thích ứng của Angela Merkel khi bà cảm thấy mình không đồng điệu với công luận, vốn dĩ chống đối nguyên tử từ những năm 1970. Tuy nhiên, theo giải thích của bà Agathe Bernier-Monod, chuyên gia về nước Đức đương đại, trường đại học Havre, trong quyết định này, « còn có một phần tính toán chính trị. Angela Merkel muốn "hất cẳng" phe Sinh Thái, lúc ấy đang tăng điểm trong các cuộc thăm dò ».

 

Một hệ quả khác của quyết định ngoạn mục này là, 10 năm sau quyết định đơn phương của nữ thủ tướng, nước Đức lại quay về với việc sản xuất điện năng một phần bằng than, trong khi chờ đợi có thể tạo ra những nguồn năng lượng sạch để đáp ứng nhu cầu điện ngày một tăng.

 

2012 : Khủng hoảng nợ và một Merkel « sắt đá »

Cuộc khủng hoảng nợ công tại khối đồng tiền chung châu Âu năm 2010-2012 còn cho thấy một gương mặt khác của Angela Merkel : Một con người sắt đá, « không khoan nhượng ». Chính sách tiền tệ của bà Merkel có thể được gói ghém trong hai chữ « khắc nghiệt ». Cộng hòa Ireland, Tây Ban Nha, Ý và nhất là Hy Lạp vào thời kỳ đó gần như không còn khả năng trả nợ. Các cuộc đàm phán giữa các đối tác châu Âu nhằm tìm cách hỗ trợ các nước thành viên đang gặp khó khăn đều vấp phải thái độ « cố chấp » của nữ thủ tướng.

 

Angela Merkel kiên quyết cho rằng Liên Hiệp Châu Âu chỉ sẽ « bơm tiền » với điều kiện chính phủ những nước trên có một chính sách thắt lưng buộc bụng một cách cứng rắn như EU và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF áp đặt. Và nhất là, dưới sự thôi thúc của bộ trưởng Tài Chính lúc bấy giờ, ông Wolfgang Schauble, Angela Merkel bác mọi đề nghị hủy nợ cho Hy Lạp, vốn dĩ đã ở bên bờ vực thẳm[TH1] .

 

https://s.rfi.fr/media/display/bea51d14-1c29-11ec-9e01-005056bfb2b6/e1f2d52b911a1e8776df533e0d5e24c40f938805.webp

Người dân Đức và Hy Lạp biểu tình bày tỏ bất mãn về cách xử lý khủng hoảng nợ trong khu vực đồng euro năm 2012. JENS SCHLUETER AFP/File

 

Trên đài Franceinfo, bà Hélène Miard-Delacroix, giáo sư lịch sử và văn minh Đức đương đại, phân tích : « Angela Merkel là hiện thân cho một trào lưu tại Đức thời đó, cho rằng cân bằng ngân sách và không có nợ là điều cần thiết. Người Đức thật sự có cảm giác là họ có suy nghĩ đúng rằng những nước khác "phải làm tròn bổn phận" của mình. »

 

Nhà nghiên cứu về quan hệ Pháp – Đức, Paul Maurice, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), trên đài RFI nhận định thái độ cứng rắn đó của bà Merkel phần nào được giải thích bởi sự thiếu một tầm nhìn xa của nữ thủ tướng mãn nhiệm :

 

« Trên bình diện châu Âu, bà Merkel lẽ ra nên dự đoán trước một số cuộc khủng hoảng, để có thể dự trù trước một số cơ chế, và đi xa hơn trong việc hội nhập Liên Hiệp Châu Âu. Thế nhưng, bà Merkel chỉ dừng ở những biện pháp đối phó. Đương nhiên những biện pháp đó là cần thiết và hiệu quả, nhất là trong cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp nhằm ngăn chặn việc nước này ra khỏi khu vực đồng euro, cho dù bà bị chỉ trích là quá cứng rắn. Nhưng họ lại không có một chính sách cho tương lai, một tầm nhìn nào cho châu Âu, cũng như không bắt buộc phải có một tầm nhìn kinh tế - xã hội nào ở Đức cả. »

 

2015 : Khủng hoảng di dân, một Merkel « nhân văn »

Nếu như trong cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng euro, chính sách tiền tệ của Angela Merkel đã khiến người dân Hy Lạp nổi giận, đôi khi ví bà như là một "tân phát xít", cuộc khủng hoảng di dân năm 2015 lại cho thấy một Merkel rất « tình người ».

 

Cuộc nội chiến ở Syria đã kéo dài được hai năm và châu Âu đang phải đối mặt với những làn sóng di dân chưa từng có. Thiếu tình liên đới, biên giới không gian tự do lưu thông Schengen dần khép cửa. Angela Merkel ngày 31/8/2015 đã có một quyết định táo bạo, đi ngược lại có nhiều đồng nghiệp châu Âu, thông báo mở rộng cửa đón những người tị nạn vào Đức.

 

Kết quả là gần một triệu người tị nạn đã đến Đức. Một quyết định mạo hiểm do bà có thể gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ tầng lớp cử tri bảo thủ ủng hộ đảng CDU và xa hơn nữa CSU xứ Bavière, rất thiên hữu. Với ông Paul Maurice, đây là một quyết định mang đậm « tình người », nhưng cũng không thiếu phần thực tiễn của bà Merkel trong mỗi cuộc khủng hoảng.

 

« Quyết định này của bà Merkel có thể được đánh giá là mang tính cá nhân nhiều nhất, đậm chất nhân văn, và ít có tính toán chính trị nhất. Cũng đừng quên rằng, dân số Đức đang bị lão hóa và họ đang rất cần một nguồn nhân công quan trọng, do vậy họ cần mở cửa cho di dân.

 

Dù vậy, con số này cũng cho thấy điều gì đó mang tính nhân văn. Trước hết, đó là vì bà là con gái một mục sư, được thừa hưởng một nền giáo dục Thiên Chúa Giáo và mang đậm tình người. Ngoài ra, bà sinh ra và lớn lên ở Đông Đức, nên bà cũng thấu hiểu tâm trạng của những người phải từ bỏ đất nước vì những lý do chính trị và kinh tế. »

 

Angela Merkel : Một biểu tượng cho sự ổn định

Kỷ lục cầm quyền này còn là một quãng thời gian trải dài những cuộc khủng hoảng ngoại giao. Năm 2013-2014 nổ ra vụ NSA của Mỹ nghe lén các đồng minh và nhất là nghe lén Angela Merkel từ một căn cứ của Mỹ ở Đức theo như tiết lộ của Edward Snowden. Rồi đến vụ Nga cho sáp nhập bán đảo Crimée và cuộc khủng hoảng chiến sự ở Đông Ukraina năm 2014.Chưa kể căng thẳng Đức và Mỹ vì dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream II nối từ Nga đến Đức trong suốt nhiệm kỳ Donald Trump (2016-2020), song song với khủng hoảng Brexit từ năm 2016-2020. Hay như những cám dỗ đến từ Trung Quốc.

 

Giữa một bên là ý muốn can thiệp nhiều hơn trên nhiều mặt trận và bên kia là ý tưởng biến nước Đức thành một Thụy Sĩ khác, thịnh vượng hơn về mặt kinh tế, nhưng không can dự vào các vấn đề quốc tế, nước Đức thời Angela Merkel cũng luôn tìm kiếm một giải pháp thứ ba, một sự thỏa hiệp, theo như nhận định của ông Paul Maurice, chuyên gia về quan hệ Pháp – Đức.

 

Chỉ còn vài ngày nữa là Angela Merkel chính thức từ giã chính trường. Một vòng chu kỳ 16 năm đã kết thúc. Quyết đoán và đáng kính nể trước những cuộc khủng hoảng liên tiếp, nữ thủ tướng Đức đã để lại một di sản còn nhiều tranh cãi, nhất là trong bối cảnh thế giới ngày mỗi lúc có nhiều biến động và bất định. Đây sẽ là những thách thức lớn cho người kế nhiệm.

 

Dẫu sao đi nữa, giới chuyên gia tại Pháp đều có chung một nhận định : Angela Merkel còn là hiện thân cho một ổn định chính trị tại Đức, như phân tích của Paul Maurice trên đài RFI.

 

« Bởi vì 16 năm cầm quyền một cách dân chủ với những thăng trầm trong các cuộc bầu cử thật sự là điều gây ấn tượng. Đối với những người chỉ biết đến Merkel, nhiệm kỳ của bà còn đại diện cho một nước Đức đã hợp nhất, đã thống nhất, không còn những vấn đề của đầu những năm 2000 là phải nghĩ đến tương lai và phải trả giá cho một nước Đức hợp nhất. Việc bà Merkel xuất thân từ một xã hội Đông Đức cho thấy rõ là nước Đức có thể hội nhập tất cả mọi người. Cho dù kết quả có được vẫn còn ít ỏi, nhưng đây thật sự là một biểu tượng cho phần hai của 30 năm thống nhất đất nước. »

 

                                                   ***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Thủ tướng Đức Merkel công du các nước Balkan trước khi mãn nhiệm

 

Bầu cử Đức : Châu Âu hồi hộp chờ người kế nhiệm Merkel


 [TH1]




No comments:

Post a Comment