Monday, August 30, 2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ 53 (Đỗ Duy Ngọc)

 


Sài Gòn ngày phong tỏa thứ năm mươi ba

Đỗ Duy Ngọc

30/08/2021

https://baotiengdan.com/2021/08/30/sai-gon-ngay-phong-toa-thu-nam-muoi-ba/

 

Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5  phần 6 — phần 7 — phần 8 — phần 9 — phần 10 — phần 11 — phần 12 — phần 13 — phần 14 — phần 15 — phần 16 — phần 17 — phần 18 — phần 19 — phần 20 — phần 21 — phần 22 — phần 23 — phần 24 — phần 25 — phần 26 — phần 27 — phần 28 — phần 29 — phần 30 — phần 31 — phần 32 — phần 33 — phần 34 — phần 35 — phần 36 — phần 37 — phần 38 — phần 39 — phần 40 — phần 41 — phần 42  phần 43  phần 44 — phần 45 — phần 46 — phần 47 — phần 48 — phần 49 — phần 50 — phần 51  phần 52

 

 

Trưa nằm nghe bài hát từ cuộn băng đã nhão, bài hát có những câu như đang viết cho thời bây giờ, thời nhìn ngày trôi qua và tất cả trôi mất chẳng còn chi. Ngày ngày nghe tin bạn bè, người quen lần lượt mất hút, biến mất trên đời. Cố nạp năng lượng tích cực để lạc quan nhưng nhiều khi vẫn quẩn quanh với những ý nghĩ tiêu cực vì hiện thực chẳng thấy chi vui.

 

Đọc bài của một Bác sĩ- Tiến sĩ Y học Quan Thế Dân, người đã và đang điều trị cho rất nhiều người nhiễm dịch, ông viết: “Trong đời hành nghề gần 40 năm của mình, tôi chưa bao giờ thấy căn bệnh phổi nguy hiểm đến thế. Mới mắc, chỉ ho khan vài tiếng, vẫn khỏe mạnh. Nhưng chỉ một vài ngày sau là khó thở, phải nhập viện.

Rồi khó thở đột ngột tăng nhanh. Lúc mới vào, bệnh nhân chỉ thở oxy “gọng kính” 5 lít mỗi phút, rồi mau chóng chuyển sang thở mặt nạ oxy 15 lít mỗi phút, vẫn không đỡ. Nồng độ oxy trong máu SpO2 thấp dưới 90, phải chyển sang thở oxy dòng cao 60 lít mỗi phút. Oxy phun qua ống kêu phè phè thành tiếng, vẫn không đỡ.

Với những trường hợp này, bác sĩ buộc phải chuyển sang vũ khí cuối cùng là đặt ống nội khí quản và thở máy. Nhưng hình như chiếc máy thở là con tàu không có vé khứ hồi. Ít ai đặt chân lên con tàu này mà còn quay trở lại được. Đây là tình trạng điều trị Covid ở Mỹ, Italy và các nước chứ không riêng Việt Nam. Các bác sĩ ở phương Tây trước khi đặt ống cho bệnh nhân đều để người bệnh gọi điện về cho gia đình, có thể coi như nói lời từ biệt.

Đến giờ này, dù tham gia điều trị cho nhiều bệnh nhân, với tôi Covid vẫn là một căn bệnh bí ẩn. Người ta có thể giải mã trình tự bộ gene của virus, biết cách nó bám vào thụ thể nào để đi vào cơ thể, biết làm sao nó lại nhân lên bên trong tế bào… tức chúng ta có vẻ như biết tất tật về con virus này. Thế nhưng sao bệnh nhân vẫn tử vong?”.

 

Cũng đã có nhiều nhà khoa học cũng phát biểu đại ý như thế. Thế giới vẫn chưa hiểu hết về con virus Vũ Hán này. Và chính vì chưa hiểu hết về nó nên chữa trị gặp nhiều khó khăn và đành phải sống chung với nó. Quan điểm xoá sạch virus là một lối nghĩ thiếu khoa học và thiếu thực tế. Vấn đề cơ bản của thành phố bây giờ là làm thế nào để giảm con số tử vong. Mấy hôm nay số người F0 không giảm nhưng đã thấy số người chết hàng ngày giảm nhiều, không biết con số có phản ánh đúng thực trạng không nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng.

 

Con người có hai ngày trọng đại trong đời, đó là ngày sinh và ngày mất. Ngày sinh là niềm vui cho gia đình và những người thân thuộc. Và ngày mất là tiễn đưa một người đi về thế giới khác. Thông thường, ngày sinh có thể không có lễ nghi nhưng dù theo tôn giáo nào hay thuộc về nền văn hoá nào thì ngày mất đều có lễ tiễn biệt. Đó là lễ nghi tuỳ theo phong tục nhưng tất cả đều có đèn, hoa, kinh cầu hay nhang khói và sự tham dự tiễn đưa của người thân.

 

Theo quan niệm từ ngàn xưa, người chết trong cô quạnh, không hoa, không đèn, không kinh kệ, không có nước mắt đưa tiễn là người cực kỳ bất hạnh. Thế nhưng khi con virus Vũ Hán xuất hiện, biết bao người phải chịu nỗi bất hạnh này khi lìa đời. Họ ra đi trong lặng lẽ không gặp được người thân yêu, không lời trối trăn, không hoa, không đèn, không tiếng kinh cầu và trở về nhà chỉ là một nhóm tro trong hủ cốt. Những nghi lễ thiêng liêng tiễn đưa người rời bỏ trần gian không còn có được trong cơn đại dịch.

 

Có lẽ những oan hồn cũng khó mà tiêu diêu. Khi Ấn Độ đang cơn cao trào của đại dịch hay Indonesia hàng trăm ngàn người chết, những nhóm lửa thiêu giữa bãi đất trống, những xác chết trôi trên sông Hằng, những huyệt mộ được đào từng dãy tiếp nối nhau. Người Việt xem cảm thương, cảm xúc nhưng vẫn nghĩ đó là chuyện của xứ người. Đến khi Việt Nam bùng phát dịch lần thứ tư, Sài Gòn hàng ngày người chết lên con số trăm, bệnh viện quá tải, oxy khan hiếm, lò thiêu không làm xuể, xác phải nằm trong những thùng xe lạnh lẽo đợi chờ thì mọi người mới lâm vào khủng hoảng.

 

Thế là bên cạnh con virus rình rập, chúng ta còn bị con virus sợ hãi hành hạ. Sợ hãi vì mỗi người cảm thấy bất lực. Sợ hãi vì những biện pháp của chính quyền cũng thể hiện sự lúng túng trong các biện pháp đối phó. Sợ hãi vì lúc này mới chợt nhận ra chúng ta chẳng chuẩn bị gì cho việc chống dịch và chống đói. Thế là xã hội nháo nhào lên, cuộc sống xáo trộn không ổn định được.

 

Chỉ việc cung ứng và lưu thông hàng hoá, chính quyền cứ mãi chạy vòng quanh. Lúc đầu thì hàng hoá không vào được thành phố vì bị chận ngay cửa ngõ. Khi giải quyết được có hàng thì bị kẹt ở khâu phân phối. Cấm shipper, dùng quân đội chuyển hàng đến dân.

Nhưng cũng không giải quyết được vấn đề. Đành trở lại với đội ngũ shipper chuyên nghiệp. Nhưng yêu cầu mỗi ngày chọc mũi xét nghiệm một lần là không khả thi. Nội chuyện xếp hàng mỗi ngày để ngoáy mũi rồi chờ lấy kết quả mới có thể hành nghề được là mất hết thì giờ rồi. Đó là chưa kể tiền xét nghiệm, công ty chắc là không trả rồi. Bản thân shipper mỗi ngày thu nhập bao nhiêu mà trả tiền test hàng ngày thì còn đâu mà sống.

 

Cuối cùng, lãnh đạo thành phố cho biết sẽ xét nghiệm miễn phí cho các tài xế giao hàng sử dụng công nghệ trên địa bàn thành phố trong 1 tuần, sau đó tính toán phương án xét nghiệm phù hợp với tình hình thực tế. Quyết định này bắt đầu từ sáng 30.8, ngay sau khi UBND ban hành văn bản khẩn cho phép shipper được phép hoạt động thêm ở các quận ‘vùng đỏ’ kể từ hôm nay 30.8, Sở Công thương đã có danh mục cụ thể 414 trạm y tế lưu động do quân y phụ trách để xét nghiệm cho các shipper hoạt động trên địa bàn 22 quận, huyện và TP Thủ Đức.

 

Đúng ra việc này nên làm ngay từ ngày bắt đầu thi hành giãn cách thì chắc hẳn cuộc sống của dân không bị xáo xào như hôm nay. Họp rất nhiều, bàn rất nhiều mà sao không có ai nghe ý của dân. Đã từ lâu, ý kiến giữ và tổ chức đội ngũ shipper có sẵn để phục vụ lưu thông hàng hoá đến tận tay dân đã có người đề ra, nhưng giới chức thành phố không đồng tình. Thế rồi biết bao văn bản, bao quyết định, bao chỉ thị đưa ra về chuyện shipper, giờ lại về điểm ban đầu sau khi xáo trộn lung tung.

 

Không hiểu nổi các ngài. Chính quyền thực thi các biện pháp phong toả, giãn cách không khác gì cách của thành phố Vũ Hán khi bắt đầu vào dịch. Tuy nhiên, trong suốt 76 ngày phong tỏa thành phố Vũ Hán, việc phân phối lương thực thực phẩm để có thể bảo đảm an sinh cho người dân Vũ Hán trong giai đoạn phong tỏa là một trong những vấn đề được thành phố quan tâm hàng đầu.

 

Thời điểm đó, một quan chức Bắc Kinh tiết lộ rằng, có khoảng 20.000 shipper phải xử lý trung bình hơn 400.000 đơn đặt hàng mỗi ngày từ các nền tảng giao hàng như Meituan. Bên cạnh sự đóng góp và nỗ lực các shipper, thì trong thời gian thành phố bị phong tỏa, những tình nguyện viên cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cung cấp nhu yếu phẩm hằng ngày, giúp chính phủ phòng chống dịch. Theo chính quyền địa phương, cứ 7 người dân thì có 1 người sẽ làm tình nguyện viên, với tổng số là 1,81 triệu người đăng ký trên hệ thống dịch vụ tình nguyện.

 

Bài học của Vũ Hán với dân số 11 triệu người, xấp xỉ Sài Gòn về chuyện phân phối lương thực cho thấy đội ngũ shipper vô cùng cần thiết và đã làm được việc. Không nên sử dụng binh lính trong công việc này vì không phù hợp cũng như thiếu chuyên nghiệp.

 

Có người bảo tôi tại sao cứ gọi là virus Vũ Hán mà không gọi là Covid-19 như người ta thường gọi. Tôi cho rằng nó xuất phát đầu tiên ở đâu thì lấy đó làm tên như đã từng gọi viêm não Nhật Bản hay dịch cúm Tây Ban Nha đã có từ 50 đến 100 triệu người toàn thế giới chết xảy ra từ năm 1918 đến năm 1919. Đó như là quy ước thế. Vậy thì tại sao lần này, con virus đã giết gần 5 triệu người trên thế giới lại phải gọi bằng một cái tên khác.

 

Dù rằng cho đến nay, chưa có ai khẳng định nó xuất phát từ đâu? Bằng cách nào nó hiện diện khắp năm châu gây tàn phá như một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba? Nhưng nó bắt đầu từ thành phố Vũ Hán thì phải gọi đúng tên nó là virus Vũ Hán. Nếu sau này, các nhà khoa học, các tổ chức tình báo tìm ra được nguồn gốc của nó, lúc đấy có thể người ta có tên gọi khác. Cho đến lúc này, cứ gọi cho đúng nó là virus Vũ Hán.

 

Trở lại chuyện học sinh học online mà mấy hôm nay Sở Gió Dục thành phố đang thông báo ì xèo. Nhất là chuyện học online của lớp 1. Đây là một chủ trương gây nhiều phản ứng trong dân. Trẻ lớp một vừa rời lớp mẫu giáo. Chưa từng ngồi vào ghế học, chưa được dạy cách cầm bút, chưa hiểu dòng là gì, kẻ ô ly là gì, chưa quen với chuyện ngồi yên nghe giảng mà giờ bắt ngồi học với máy thì không xong rồi.

 

Ngồi học ở nhà, mấy nhà có phòng riêng, sinh hoạt của gia đình chi phối trẻ, chúng sẽ không bao giờ tập trung được. Sách chưa có, máy móc thiết bị không phải gia đình nào cũng có, mạng thì chập chờn, hỏi quý ngài học cái gì mà đòi học? Lớp một là lớp để làm quen với chuyện học hành, đó là bước căn bản để tập thế ngồi cho đúng, cầm bút cho đúng, rèn viết chữ căn bản. Những việc đó học online không dạy được, không chỉnh sửa được. Nếu tiếp tục trẻ sẽ thành thói quen không dễ sửa.

 

Dạy trẻ con cần nắm tâm lý của mỗi đứa, bởi chúng chưa quen nề nếp của một lớp học nên phải dạy trực tiếp mới hiệu quả. Dạy online không làm được điều này. Thời buổi đại dịch, rất nhiều gia đình khó khăn, kiếm cơm ăn hàng ngày đã khó giờ sắm thêm thiết bị cho con học thì đúng là vấn nạn. Chưa kể dù chưa vào học nghe nói đã bắt đóng học phí, lại thêm gánh nặng mà chẳng ích lợi gì. Có người bảo mua cái điện thoại rẻ tiền là cũng học được.

 

Xin lỗi, không biết mà nói càn. Muốn học online ngoài trang bị wifi, phải còn cài phần mềm, cài app mới có thể vào học được. Hỏi điện thoại rẻ tiền có làm được chuyện cài đặt vậy không? Chưa nói đến khung hình bé tí với chữ nghĩa nhỏ xíu thế thì ba bảy hăm mốt ngày trẻ phải đeo kính cả. Không cận thị thì cũng nhược thị. Nói tóm lại là không nên cho trẻ lớp một học online, lợi thì chưa thấy, chỉ thấy hại. Cán bộ lãnh đạo của ta sao không nắm được thực tế cuộc sống nhỉ? Cứ ngồi mà quyết định như người không có suy nghĩ vậy. Cứ chỉ thị trên xuống là thực hiện như cái máy, không ý kiến, không phản ứng cho dân được tiện lợi và kế hoạch có thể khả thi.

 

Cuối cùng của hôm nay nhắc đến việc yêu cầu dẹp bỏ quy định riêng của mỗi tỉnh, thành. Nỗ lực của các địa phương để kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh là rất đáng ghi nhận, nhưng cách làm cứng nhắc, thiếu phối hợp, biểu hiện cục bộ địa phương gây chia cắt không gian vùng, làm tắc nghẽn lưu thông cần phải được dẹp bỏ. Đó là một chỉ thị rất đúng khi mỗi địa phương đều chơi luật của riêng mình. Thủ tướng nhắc nhở, Bộ GTVT yêu cầu nhưng cho đến nay, đâu vẫn còn đó khiến việc lưu thông hàng hoá bị ngăn chận đưa đến chỗ thừa đổ đi, chỗ thiếu không có mà dùng.

 

Một ngày ngày đã qua
Ôi một ngày ngày chóng qua
Một chiều một ngày âm thầm đã
Đã trôi đi không còn gì
(Trịnh Công Sơn)

 

Mong ngày giới nghiêm chóng qua. Mong đại dịch đi qua. Mong tất cả an bình.

 

58 BÌNH LUẬN





No comments:

Post a Comment