Tuesday, August 24, 2021

PHÓ TỔNG THỐNG MỸ ĐẦU TIÊN THĂM VIỆT NAM (Hồng Ngọc - ZingNews)

 


Phó tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam   

Hồng Ngọc  -  ZingNews

25/05/2021

https://zingnews.vn/pho-tong-thong-my-dau-tien-tham-viet-nam-post1253805.html

 

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris chọn đấu tranh để "thay đổi những điều đáng phải thay đổi" trong xã hội Mỹ, và đang thành công trên con đường mình đã chọn.

 

Bà Kamala Harris - người dành cả cuộc đời để phá vỡ những rào cản và xây dựng những dấu mốc "đầu tiên" - vừa trở thành vị phó tổng thống Mỹ đầu tiên thăm chính thức Việt Nam.

 

Chuyến thăm kéo dài hai ngày (24-26/8) nằm trong khuôn khổ chuyến công du đầu tiên đến Đông Nam Á kéo dài 4 ngày của nhân vật quyền lực số hai ở Nhà Trắng, gồm hai điểm đến là Singapore và Việt Nam.

 

Bên cạnh việc là nữ phó tổng thống đầu tiên, bà Harris còn là người Mỹ gốc Á đầu tiên, người Mỹ gốc Phi đầu tiên, và người Mỹ gốc Ấn đầu tiên làm phó tổng thống. Tuy nhiên, đây chỉ là một vài trong số nhiều lần "đầu tiên" đầy ấn tượng của bà.

 

Bà Harris là công tố viên cấp quận đầu tiên trong lịch sử San Francisco, và là phụ nữ da màu đầu tiên ở California đảm nhận chức vụ trên vào năm 2004. Đến năm 2010, bà là người Mỹ da màu đầu tiên và phụ nữ đầu tiên được bầu làm tổng chưởng lý của bang California.

 

Thời gian làm việc trong cơ quan tư pháp đã giúp xây dựng và củng cố hình ảnh một “công tố viên tiến bộ” của bà Harris, qua đó giúp bà thành công trong chiến dịch tranh cử vào Thượng viện Mỹ năm 2016.

 

Ở vai trò này, bà tiếp tục “tích lũy” thêm những “lần đầu tiên”: Bà là thượng nghị sĩ nữ da màu đầu tiên của bang California, đồng thời là người Mỹ gốc Ấn đầu tiên trở thành thượng nghị sĩ.

 

Tất cả niềm kiêu hãnh và dấu mốc lịch sử mà bà Harris có được ngày hôm nay dường như được xây dựng nên từ niềm tự hào về chính gốc gác, màu da của mình, bất chấp việc bà sống và lớn lên trong một xã hội Mỹ mà phân biệt chủng tộc vẫn còn là một vấn đề nan giải.

 

 

Ảnh hưởng lớn từ gia đình

 

Ngày 20/10/1964, một cặp đôi tại Oakland, California chào đón sự ra đời của cô con gái đầu lòng. Cô bé ấy được mẹ đặt tên là “Kamala” nhằm thể hiện niềm tự hào với quê hương Ấn Độ, vì trong tiếng Phạn thì Kamala có nghĩa là “hoa sen”, và cũng là một tên gọi khác của nữ thần Lakshmi của Ấn Độ giáo.

 

https://znews-photo.zadn.vn/w860/Uploaded/tmuizn/2021_08_22/Kamal_Harris_1.jpg

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: New York Times.

 

Cha của Kamala, Donald Harris, là một nhà kinh tế học gốc Jamaica, còn mẹ của bà, Shyamala Gopalan, là một nhà nghiên cứu về ung thư gốc Ấn Độ. Cả hai đều là người nhập cư. Họ gặp gỡ nhau khi tham gia vào các cuộc biểu tình đòi quyền bầu cử cho người da màu.

 

56 năm sau, vào ngày 21/1/2021, Kamala Harris - cô bé năm xưa giờ đã trở thành một người phụ nữ thành công trên chính trường Mỹ - tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống, đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử nước Mỹ khi đây là lần đầu tiên nền kinh tế số một thế giới có một nữ phó tổng thống da màu.

 

Khi còn là đứa trẻ mới biết đi, Harris từng ngồi trong xe đẩy và được cha mẹ đưa đi cùng trong các cuộc biểu tình. Nhớ lại ký ức đầu đời của mình, Harris nói: “Đó là một biển chân người đang đi lại, với đầy năng lượng và những lời hô hào”.

 

https://znews-photo.zadn.vn/w360/Uploaded/tmuizn/2021_08_22/1181.jpg

Kamala Harris thể hiện cá tính mạnh mẽ từ nhỏ, không ngần ngại phản đối những điều phi lý. Ảnh: AP.

 

Tuổi thơ của Harris đầy biến động khi mới 7 tuổi đã chứng kiến cha mẹ ly hôn. Hai chị em Harris và mẹ sống cùng nhau ở Tây Berkeley, California - một khu vực có lượng lớn người Mỹ gốc Phi sinh sống.

 

Trong tự truyện, Harris nói rằng mẹ “hiểu rất rõ rằng bà đang nuôi dạy hai cô con gái da màu, và bà quyết tâm nuôi dạy chúng tôi trở thành những người phụ nữ da màu tự tin và kiêu hãnh”.

 

Ngoài mẹ, Harris còn chịu ảnh hưởng rất lớn từ ông bà ngoại. Bà thường xuyên được mẹ đưa trở về quê ở Ấn Độ, mảnh đất mà người ông của Harris từng tham gia đấu tranh giành độc lập, trong khi bà ngoại là một nhà hoạt động vì nữ quyền nổi tiếng.

 

Ở những năm đầu tiểu học, Harris tham gia ngôi trường tại Berkeley theo chương trình đưa đón đi học bằng xe buýt trong chính sách nhằm nỗ lực xóa bỏ phân biệt chủng tộc. Điều này khiến bà có những trải nghiệm sớm từ cuộc thử nghiệm của chính sách cánh tả gây nhiều tranh cãi cho tới tận bây giờ.

 

https://znews-photo.zadn.vn/w860/Uploaded/tmuizn/2021_08_22/Kamala_Harris_1.jpg

Bà Harris và mẹ, Shyamala, năm 2007. Ảnh: AP.

 

Vào thời điểm đó, khi đến thăm cha vào cuối tuần, Harris và em gái không được chơi đùa với trẻ hàng xóm chỉ vì màu da của họ.

 

Ở tuổi 13, Harris đã mang trong mình sự mạnh mẽ, dám đứng lên phản đối những điều phi lý. Harris tham gia vào một đoàn múa nữ và thường xuyên tiên phong trong các cuộc biểu tình. Harris vận động trẻ em hàng xóm phản đối các quy tắc cấm chơi trên bãi cỏ trước tòa nhà chung cư của mình. Cuộc biểu tình đã thành công tốt đẹp, theo Guardian.

 

Chính nhận thức về đấu tranh và trải nghiệm về phân biệt chủng tộc, cũng như ảnh hưởng từ người thân đã định hình tính cách và con đường sự nghiệp của Kamala Harris - một nhân vật sẽ đi vào lịch sử với vai trò nữ phó tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ.

 

“Tôi chọn trở thành công tố viên vì tôi là con của những người từng biểu tình đòi công lý. Tôi muốn vào hệ thống (tư pháp) để thay đổi những điều đáng phải thay đổi”, New York Times dẫn lời bà Harris.

 

 

Từ công tố viên đến phó tổng thống

 

Bà Harris tốt nghiệp Đại học Howard, một trường đại học nổi tiếng dành cho người da màu ở Washington, DC, vào năm 1986, với bằng cử nhân về khoa học chính trị và kinh tế. Sau đó, bà quay về California để học luật và chính thức trở thành luật sư vào tháng 6/1990.

 

Bà bắt đầu sự nghiệp tại Văn phòng Công tố viên Quận Alameda California cũng vào năm 1990. Đến năm 2000, bà điều hành bộ phận chăm sóc trẻ em tại Tòa thị chính San Francisco. Louise Renne, luật sư của thành phố và là cấp trên của Harris, nhận định rằng bà là “công tố viên tốt nhất của thành phố trong nhiều năm”.

 

https://znews-photo.zadn.vn/w860/Uploaded/tmuizn/2021_08_22/Kamala_Harris_4.jpg

Harris (phải) trong một cuộc biểu tình chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vào năm 1982. Ảnh: AP.

 

Bà Harris chiến thắng cuộc đua vào ghế công tố viên cấp quận của San Francisco vào năm 2004, và đã làm việc ở vị trí này hai nhiệm kỳ liên tiếp trước khi trở thành tổng chưởng lý của bang California vào năm 2010. Theo Guardian, trong 3 năm đầu bà Harris giữ vị trí công tố viên San Francisco, tỷ lệ kết án trọng tội đã tăng vọt từ 52% lên 67%.

 

Trong cương vị tổng chưởng lý bang, bà thành công yêu cầu 5 ngân hàng lớn nhất nước bồi thường vì lối làm ăn thiếu chính đáng của họ khi cho vay tiền thế chấp mua nhà. Họ đã phải chi ra 20 triệu USD, cao gấp 5 lần con số do tiểu bang California đề nghị trước đó.

 

Bà Kamala Harris cũng gây bão về quyết định không ủng hộ Dự luật 8 - tu chính án hướng tới sửa đổi hiến pháp California nhằm thu hẹp định nghĩa của hôn nhân để chỉ công nhận hôn nhân giữa hai người khác giới, gạt bỏ quyền kết hôn của những cặp đồng tính.

 

Năm 2016, bà Harris được bầu làm thượng nghị sĩ của bang California, vượt qua đối thủ cùng đảng Loretta Sanchez.

 

Ở cương vị thượng nghị sĩ, bà Harris nhiều lần lên tiếng phản đối các chính sách của Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là chính sách về nhập cư. Bên cạnh đó, bà là thành viên của nhiều ủy ban quan trọng trong thượng viện, trong đó có Ủy ban An ninh nội địa và các vấn đề chính phủ, Ủy ban Đặc biệt về Tình báo, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Phân bổ Ngân sách.

 

https://znews-photo.zadn.vn/w860/Uploaded/tmuizn/2021_08_22/Kamala_Harris_10.jpg

Bà Kamala Harris vẫy chào đám đông ở Oakland, California, khi chính thức khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống vào ngày 27/1/2019, nhưng sau đó từ bỏ vì thiếu kinh phí. Ảnh: AP.

 

Mang theo hoài bão vươn lên vị trí cao nhất trong chính trường Mỹ, bà Harris từng tuyên bố tranh cử tổng thống vào tháng 1/2019, và có lúc được coi là người dẫn đầu trong cuộc đua lựa chọn ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ.

 

Tuy nhiên, tháng 12/2019, Harris tuyên bố chấm dứt chiến dịch vì thiếu kinh phí. Bà tuyên bố ủng hộ ông Joe Biden trở thành ứng viên tổng thống vào tháng 3/2020.

 

Tháng 5/2020, sau cái chết của George Floyd và hàng loạt vụ biểu tình trên khắp nước Mỹ, bà Harris được xem là gương mặt sáng giá cho vị trí ứng viên phó tổng thống.

 

Đến tháng 8/2020, ông Biden chính thức tuyên bố chọn bà Harris là người cùng tham gia tranh cử với mình.

 

 

Không phải là người cuối cùng

 

Vị trí phó tổng thống Mỹ thường mang ý nghĩa nhiều hơn về mặt nghi lễ, song, kết quả của kỳ bầu cử cũng như tuổi tác của Tổng thống Biden được cho là sẽ giúp bà Harris có được nhiều quyền lực hơn.

 

Nhờ chiến thắng của đảng Dân chủ ở bang Georgia mà hiện quyền lực tại Thượng viện Mỹ được chia đều cho cả hai đảng. Điều đó có nghĩa là bà Harris sẽ có thể là người đưa ra quyết định nhằm phá thế cân bằng trong những cuộc bỏ phiếu bất phân thắng bại, ví dụ như việc thông qua các gói cứu trợ kinh tế.

 

Bên cạnh đó, năm nay Tổng thống Biden đã 78 tuổi, nhiều người cho rằng ông sẽ không tranh cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa.

 

https://znews-photo.zadn.vn/w860/Uploaded/tmuizn/2021_08_22/Kamala_Harris_7.jpg

Bà Kamala Harris tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống Mỹ tại Đồi Capitol, Washington, hôm 20/1. Ảnh: AFP.

 

Nếu như vậy, bà Harris có khả năng cao được đề cử trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ vào năm 2024, mở ra cơ hội để bà viết nên lịch sử khi trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.

 

Chính ông Biden cũng từng cho rằng bà Harris là tương lai của đảng Dân chủ, và ông là “cầu nối” để hỗ trợ cho “một thế hệ lãnh đạo mới”.

 

Dù bà Harris không được đề cử vị trí ứng viên tổng thống, hay không thể chiến thắng, bà cũng đã trở thành một câu chuyện đầy cảm hứng cho nhiều người Mỹ, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái da màu, khi phá bỏ hàng loạt rào cản và để lại dấu mốc lịch sử trong các cương vị bà từng nắm giữ.

 

“Tôi có thể là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này, nhưng sẽ không phải là người cuối cùng”, bà Harris nhấn mạnh trong một bài phát biểu ngày 7/11/2020, thời điểm khi truyền thông Mỹ tuyên bố ông Biden giành chiến thắng và bà sẽ kế nhiệm ông Mike Pence.

 

“Tôi hy vọng việc tôi trở thành ‘người đầu tiên’ sẽ truyền cảm hứng cho người trẻ theo đuổi giấc mơ của họ” - bà Harris trả lời phỏng vấn của Harper’s Bazaar.

 

                                                              ***

BÀI LIÊN QUAN

 

Chưa vào Nhà Trắng, ông Biden đã dọn đường cho người kế nhiệm?

Lựa chọn nội các khác biệt của ông Joe Biden nhiều khả năng mang lại lợi thế lớn cho phó tướng Kamala Harris nếu bà quyết định tranh cử tổng thống vào năm 2024.

 

Khoảnh khắc biểu tượng khi ông Obama cụng tay với bà Harris

Cựu Tổng thống Barack Obama đã cụng tay chào Phó tổng thống Kamala Harris tại lễ nhậm chức ngày 20/1, một hành động mang ý nghĩa biểu tượng giữa hai con người làm nên lịch sử.

 

 

 

No comments:

Post a Comment