Sunday, August 1, 2021

GÓP Ý VỚI HÀ NỘI CHỐNG DỊCH COVID-19 (Mạc Văn Trang)

 


Góp ý với Hà Nội chống dịch Covid-19

Mạc Văn Trang

01/08/2021

https://baotiengdan.com/2021/08/01/gop-y-voi-ha-noi-chong-dich-covid-19/

 

Hà Nội có ông Chủ tịch vui tính, lạc quan, lại hứa: Nếu để Hà Nội “bung”, “toang” tôi chịu trách nhiệm…, nên cũng thấy “an tâm”?

 

VIDEO : https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/08/Chu-Ngoc-Anh.mp4?_=1

 

Tuy nhiên được thấy diễn biến từ “truy vết”, cách ly tập trung F0, F1 đến “vỡ trận” của thành phố Hồ Chí Minh, xin có đôi điều chia sẻ để Hà Nội tham khảo.

 

1. Chống dịch không thể duy ý chí mà phải khoa học

TP HCM đã ra đủ thứ nghị quyết, chỉ thị, phát động thi đua, “toàn hệ thống chính trị đồng loạt ra quân”, tuyên truyền, phạt nặng… nhưng dịch ngày càng bùng phát, gây hoang mang, “vỡ trận”! Bí thư Nguyễn Văn Nên đã phải mời các nhà chuyên môn để tham vấn và thay đổi chiến lược phòng chống covid-19.

 

Hà Nội cần sớm lập nhóm chuyên gia phòng chống Covid-19 gồm các nhà chuyên môn ngành Y, dịch tễ học, Y tế cộng đồng, Tâm lý – xã hội … để đề ra chiến lược có cơ sở khoa học, tham khảo vận dụng kinh nghiệm quốc tế, bài học của TP HCM, áp dụng sát thực tiễn Hà Nội. Tránh ban ra các chủ trương, chỉ thị SAI – SỬA – SAI – SỬA… liên tục.

 

Các nhà lãnh đạo không nên mạnh ai cũng thể hiện vai trò của mình, hô hào, chỉ thị, phán quyết tuỳ tiện làm rối nhiễu thông tin và gây hoang mang thêm.

 

2. Khi các ca dương tính mới vài chục, 100 – 200 thì còn truy vết, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, bắt F0, F1 cách ly tập trung được. Nhưng khi các ca F0 đã hàng 1.000 thì phải hướng dẫn F0, F1 cách ly tại nhà và những ca nặng mới vào bệnh viện. Cách ly tập trung xô bồ đã gây ra sự phẫn nộ của người dân và nơi đó là những điểm lây nhiễm nguy hiểm nhất.

 

Không ai có trách nhiệm hơn đối với người thân của gia đình mình, nên cần hướng dẫn để người dân biết xử lý khi có ca F0 cách ly tại nhà ra sao và khi nào cần nhập viện … Cách ly tại nhà là tăng trách nhiệm với mỗi người dân, nhân đạo, tiết kiệm, tránh gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng, xã hội.

 

3. Chống dịch phải bảo đảm “mục tiêu kép” là đúng, nhưng làm như thế nào?

Xã hội như một cơ thể sống, gồm các hệ thống liên thông, quan hệ mật thiết với nhau. Một hệ thống bị ách tắc, “đột quỵ” là xã hội rối nhiễu, người dân hoang mang… “Mục tiêu kép” phải gồm:

 

– Một chiến lược phòng chống dịch có bài bản, phải lo hệ thống bệnh viện, nhân lực y tế và các phương tiện kỹ thuật, cũng như chiến lược tiêm vaccine hợp lý. Các nước tiêm vaccine ưu tiên cho người cao tuổi, có bệnh nền, chẳng phải chỉ vì nhân đạo mà chủ yếu là những người đó dễ bị nặng, dễ chết hơn cả; khi đông người già yếu nhập viện sẽ gây quá tải, “vỡ trận”. Còn người trẻ, hơn 80% tự khỏi bệnh, nên không quá lo lắng. Hà Nội đang làm ngược lại!

 

– Phải bảo đảm cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh thiết yếu hoạt động bình thường, giống như thời chiến tranh, ta vẫn bảo đảm…

 

– Phải bảo đảm hệ thống lưu thông, cung cấp hàng hóa đáp ứng cả Cung – Cầu không ách tắc. TP HCM cấm hết các chợ truyền thống, tập trung vào các siêu thị đã gây ách tắc, bức bối, bất bình trong dân; các chốt “ngăn sông, cấm chợ” đã gây rối loạn cung – cầu nhu yếu phẩm cho thành phố, khiến gây chuyện bi hài: Rau, củ, quả, cá, tôm, sữa… ở ngoại thành thì đổ đi, trong khi các tỉnh ngoài miền Trung, miền Bắc lại phát động đem rau quả “cứu nguy” cho Sài Gòn! Siêu thị là nơi tập trung đông, rất dễ gây nhiễm Covid, trong khi chợ ngoài trời, tổ chức giãn cách lại rất tốt cho mua bán thuận tiện, an toàn hơn, hợp thói quen của dân.

 

– Bảo đảm an sinh xã hội. TP HCM đã “vỡ trận” khi những người lao động tự do, không có thu nhập, không còn tiền ăn, tiền nhà, tiền điện nước… phải bỏ chạy tán loạn về quê, gây hỗn loạn và bao cảnh đau lòng. Hà Nội phải tính toán sao đây?

 

Tóm lại, “mục tiêu kép” không phải cứ “Chống dịch như chống giặc” và thúc đẩy mấy nhà máy, xí nghiệp lớn sản xuất, xuất khẩu để giữ GDP tăng trưởng, mà phải bảo đảm cho toàn hệ thống xã hội không bị ách tắc, xã hội ổn định và người dân không hoang mang, kiệt quệ…

 

4. Phải chấn chỉnh chính quyền cơ sở. Khi thực hiện chỉ thị 16, nhiều nơi đã lợi dụng, hành xử vô pháp, vô đạo. Không chỉ Phó chủ tịch phường “bánh mì” ở Nha Trang nổi tiếng ngu, ác …, ở TP HCM nhiều chính quyền cơ sở cũng tác oai tác quái khiến dân tình rất bức xúc.

 

Có phường còn giao chỉ tiêu “khoán phạt”. Trong 15 ngày thực hiện chỉ thị 16, thành phố đã phạt những người vi phạm 18 tỉ đồng! Rất nhiều cách hành xử vô cảm, máy móc, tàn nhẫn với người dân khiến dư luận bất bình. Nhiều trường hợp chỉ cần nhắc nhở cũng lôi về đồn, giữ phương tiện, phạt nặng; nhiều nhân viên thi hành công vụ đi cãi nhau, chửi nhau, đánh nhau với dân… Phải ngăn ngừa việc lợi dụng chức quyền để “hành” dân, phải kỷ luật thật nặng những viên chức “hành” dân, không chỉ xin lỗi như Phó chủ tịch “bánh mì” Nha Trang là xong…

 

5. Thôi đừng “ngạo nghễ” tự mãn, giương oai nữa! Người ta cho mình nhiều vaccine và kinh nghiệm quý đó. Phải nghiên cứu học tập kinh nghiệm các nước “sống chung với dịch” để chuyển hướng phòng chống dịch lâu dài. Không thể “Chống dịch như chống giặc”, truy cùng diệt tận được. Vậy phải sống chung với dịch bệnh như thế nào? Vấn đề đặt ra cấp thiết rồi.

 




No comments:

Post a Comment