Tuesday, August 3, 2021

CHÂU Á và VIỆT NAM TRONG CHIẾN LƯỢC CỦA MỸ và ANH (Lê Hồng Hiệp)

 


Châu Á và Việt Nam trong chiến lược của Mỹ và Anh    

Lê Hồng Hiệp 

02/08/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/08/02/chau-a-va-viet-nam-trong-chien-luoc-cua-my-va-anh/

 

Hỏi: Chỉ trong nửa cuối tháng 7, giới chức ngoại giao và quốc phòng Mỹ dồn dập có các chuyến thăm tới Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Xin ông cho biết mục tiêu của Washington trong các chuyến thăm này?

 

Đáp: Phải nói trong thời gian mấy tháng qua, hoạt động ngoại giao của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã diễn ra rất dồn dập.

Điều này diễn ra trong bối cảnh sau 6 tháng bước vào Nhà Trắng, chính quyền của Tổng thống Biden đã tạm thời giải quyết ổn thỏa các vấn đề trong nước, đặc biệt là khi tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, kinh tế phục hồi mạnh, tình trạng thất nghiệp giảm, và các xung đột xã hội, sắc tộc tạm thời lắng xuống.

Trong bối cảnh đó, chính quyền Biden có điều kiện tập trung hơn vào các vấn đề chính sách đối ngoại, trong đó có khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Trong vòng khoảng 4, 5 năm nay thì ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ là thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do, duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Đằng sau nỗ lực này chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc và những thách thức mà nước này đặt ra cho Mỹ cũng như trật tự quốc tế hiện hành.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Mỹ không thể hành động một mình. Thay vào đó, Mỹ cần huy động được một mạng lưới các đồng minh và đối tác cùng chí hướng, để phối hợp hành động nhằm đối phó lại các thách thức từ Trung Quốc.

Trong số các đồng minh và đối tác của Mỹ thì quan trọng nhất vẫn là các đối tác thuộc NATO và châu Âu, cùng với các đồng minh truyền thống ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ, Singapore, và giờ còn có cả các đối tác mới như Việt Nam hay Mông Cổ.

Điều này lý giải cho việc tại sao trong thời gian ngắn vừa qua lại có các hoạt động ngoại giao cấp tập của Mỹ với rất nhiều các chuyến thăm của các quan chức chính quyền Biden đến các nước này.

Ý định quan trọng nhất của Mỹ là tìm cách khôi phục quan hệ với một số đồng minh và đối tác vốn bị ảnh hưởng sau 4 năm cầm quyền khá bất ổn của chính quyền Trump, đồng  thời tăng cường, củng cố quan hệ với các đối tác khác nhằm tạo dựng một mạng lưới các đồng minh và đối tác, qua đó giúp Mỹ đạt được mục tiêu bao trùm và lâu dài là giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

 

*

Hỏi: Qua cách lựa chọn quan chức thực hiện từng chuyến thăm cũng như thứ tự các chuyến thăm của giới chức Mỹ, ông đánh giá như thế nào về những ưu tiên chính sách của Mỹ tại châu Á?

 

Đáp: Thực ra, thứ tự các chuyến thăm có thể không nói lên hết được ý nghĩa mà Mỹ gắn cho từng đối tác, vì nó có thể liên quan đến các công tác hậu cần, hoặc việc khớp lịch làm việc của các lãnh đạo nước chủ nhà và các quan chức Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì ưu tiên của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác trong khu vực là khá tương đồng nhau, đó là làm sao tăng cường quan hệ với các đối tác này để đối phó với các mối đe dọa mà Trung Quốc có thể gây ra cho khu vực cũng như các lợi ích của Mỹ và các đối tác đó.

Điều này có thể thấy được một phần qua việc đa phần các đối tác mà các quan chức Mỹ chọn thăm trong thời gian qua đều có các vấn đề nổi cộm với Trung Quốc.

Chẳng hạn như Ấn Độ có tranh chấp biên giới kéo dài với Trung Quốc, gần đây thậm chí còn diễn ra đụng độ quân sự giữa hai bên dọc biên giới trên dãy Hymalaya.

Hay Philippines và Việt Nam là những nước có tranh chấp lâu nay trên Biển Đông với Trung Quốc.

Khi các quan chức Mỹ chọn những quốc gia này viếng thăm, chúng ta có thể nhận thấy mẫu số chung Trung Quốc ẩn đằng sau.

Do đó, có thể nói ưu tiên hàng đầu trong chính sách của Mỹ hiện nay vẫn là làm sao đối phó hiệu quả với sự trỗi dậy của Trung Quốc và những thách thức mà Trung Quốc đang đặt ra cho Mỹ cũng như trật tự thế giới mà Mỹ muốn duy trì.

Tất nhiên, để đối phó với thách thức Trung Quốc thì việc hợp tác chỉ với một vài nước sẽ không đủ. Mỹ sẽ cần xây dựng một liên minh rộng lớn hơn.

Ví dụ, trong chuyến thăm vừa rồi thì Bộ trưởng Austin chỉ thăm Singapore, Việt Nam và Philippines, là những nước có lợi ích sát sườn ở Biển Đông. Tuy nhiên, về dài hạn thì Mỹ vẫn sẽ cần thúc đẩy quan hệ với các đối tác Đông Nam Á khác, ví dụ như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia, thậm chí là cả Lào và Campuchia.

Mục đích của Mỹ là nếu không hợp tác được với các nước này để đối phó với Trung Quốc, thì ít nhất cũng ngăn các nước này rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Đây là một cuộc cạnh tranh toàn diện và kéo dài, có thể hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm, nên mọi nỗ lực ngoại giao đều phải nhìn về dài hạn.

Vì vậy, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu như trong thời gian tới các quan chức quốc phòng hay ngoại giao của Mỹ sẽ đến thăm và thúc đẩy quan hệ với các nước còn lại trong ASEAN.

 

*

Hỏi: Theo ông, sau chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tới Trung Quốc, quan hệ căng thẳng Mỹ – Trung đã có dấu hiệu nào cải thiện hay chưa?

 

Đáp: Quan hệ Mỹ – Trung hiện đang trong giai đoạn tồi tệ nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ cuối năm 1978.

Hai nước vẫn còn cần nhau trên nhiều vấn đề, sự phục thuộc lẫn nhau vẫn còn lớn, từ lĩnh vực kinh tế tới chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, xét về đại cục thì hai nước đang ngày càng đi theo hướng tách rời nhau, từ thương mại đến công nghệ và ngoại giao.

Người ta cần tới hàng chục năm để xây dựng một mối quan hệ ngoại giao bền vững nhưng chỉ cần một vài năm để đưa nó xuống đáy, thậm chí căng thẳng, sụp đổ. Và quan hệ Mỹ – Trung hiện nay là một ví dụ tiêu biểu cho điều đó.

Theo tôi, hiện nay quan hệ Mỹ – Trung đang ở trong quy trình đi từ xấu đến xấu hơn, và quan hệ song phương vẫn đang dò đáy.

Dưới thời Chính quyền Biden, mặc dù Mỹ tìm cách can dự với Trung Quốc trên một số vấn đề, ví dụ như chống biến đổi khí hậu, giải quyết đại dịch hay kiểm soát vũ khí hạt nhân, nhưng nhìn chung đây vẫn là những vấn đề thứ yếu, không phải là ưu tiên hàng đầu của cả hai nước.

Vì vậy, chúng dễ dàng bị gạt qua một bên, nhường chỗ cho những lợi ích quan trọng hơn như chủ quyền, an ninh quốc phòng, ưu thế công nghệ, hay sức mạnh kinh tế.

Chính vì vậy, một vài chuyến thăm như của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman vừa rồi tới Trung Quốc sẽ không thể giúp đổi hướng quan hệ trong một sớm một chiều.

Trong thời gian tới, theo tôi quan hệ song phương Mỹ – Trung sẽ tiếp tục đi xuống. Đây là bởi một hành động của bên này sẽ gây ra một phản ứng của bên kia, và đến lượt nó, lại kích hoạt một hành động đáp trả của bên còn lại.

Mấy năm vừa qua thực sự mới chỉ là màn dạo đầu của một cuộc đấu tranh, mà như tôi nói, có thể kéo dài hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm, giữa hai nước. Trong quá trình đó, có thể có những giai đoạn hòa hoãn, như chúng ta đã từng chứng kiến trước đây trong quan hệ Mỹ – Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng thực sự cuộc đấu tranh đó sẽ không chấm dứt cho tới khi một bên bị khuất phục.

Tuy nhiên, khác với quan hệ Mỹ – Xô, quan hệ Mỹ – Trung  vừa phức tạp hơn, vừa cân bằng hơn. Vì vậy, một kết cục như trong Chiến tranh Lạnh là một bên tan rã sẽ khó xảy ra hơn. Điều đó càng khiến cho các chu kỳ đi xuống của quan hệ song phương sẽ kéo dài hơn, đồng nghĩa với đó là sự cải thiện sẽ hiếm xảy ra hơn hoặc kém bền vững hơn.

Tôi cho rằng trong bốn năm dưới nhiệm kỳ của TT Biden, đây sẽ là tình trạng chung của quan hệ song phương và tôi nghĩ sẽ khó có một sự cải thiện trong tương lai gần.

 

*

Hỏi: Không chỉ có Mỹ, thời gian qua, Anh cũng có các động thái cho thấy quan tâm đến khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Ông đánh giá như thế nào về việc Anh gia tăng hiện diện tại khu vực này trong giai đoạn hậu Brexit?

 

Đáp: Anh từ sau khi rời EU thì đang định vị lại các chính sách đối ngoại của mình, và họ xác định gắn kết nhiều hơn với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đây cũng là lý do tại sao Anh hiện đang trở thành nước đầu tiên ngoài các thành viên ban đầu đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, Anh cũng đang tăng cường sự hiện diện ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với quyết định sẽ triển khai hai tàu chiến thường trực ở các vùng biển khu vực. Hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth của Anh gần đây cũng đi qua các vùng biển có tranh chấp như Biển Đông và Biển Hoa Đông và ghé thăm các nước trong khu vực.

Những động thái trên ngoài mục đích nhằm định vị lại chính sách đối ngoại và an ninh quốc phòng của Anh thời kỳ hậu Brexit, thì cũng liên quan tới các chuyển động trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Như tôi đã có đề cập, Mỹ đang cố gắng huy động một mạng lưới các đồng minh và đối tác để ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong các đồng minh, Mỹ đang tập trung vào NATO và các đồng minh lâu đời như Anh, Canada, và Australia.

Đây là những nước lâu nay có quan hệ mật thiết với Mỹ, có sự gắn bó về văn hóa, chủng tộc và lịch sử với Mỹ. Các nước này và Mỹ thường có các bước đi đồng hành về mặt chiến lược, từ việc đối phó với Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cho tới cuộc chiến chống khủng bố những năm 2000, và giờ đây là phối hợp chiến lược nhằm ứng phó với Trung Quốc.

Có thể nói, trong số các đồng minh của Mỹ thì Anh là đồng minh gần gũi và trung thành nhất. Điều này là do các mối liên hệ chủng tộc, lịch sử, và văn hóa để lại, khi nước Mỹ ngày nay chính là di sản của đế chế Anh trước đây. Hầu như các động thái chiến lược của Mỹ và Anh đều rất đồng nhất với nhau.

Trong thời gian gần đây có thể kể tới những điều chỉnh như việc dưới áp lực của Mỹ, Anh từ ban đầu chấp nhận cho Huawei tham gia xây dựng mạng 5G đã chuyển sang cấm công ty này, hoặc Anh cũng sẽ cấm nhà thầu của Trung Quốc tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân Suffolk trị giá 20 tỉ bảng.

Anh cũng có lập trường rất gần gũi với Mỹ như trong các vấn đề Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng, cho tới việc quy trách nhiệm cho Trung Quốc về vấn đề đại dịch Covid-19.

Chính vì vậy, việc can dự của Anh vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là điều có thể hiểu được, bởi chính sách này vừa phù hợp với các lợi ích nội tại của Anh, vừa phù hợp với định hướng trong quan hệ với Mỹ.

Theo tôi, trong thời gian tới chính sách này của Anh sẽ còn tiếp tục theo hướng can dự ngày càng tích cực và sâu sắc hơn vào khu vực. Điều này cũng có thể không chỉ diễn ra trong trường hợp chính sách của Anh mà còn có thể với các đồng minh khác của Mỹ, như Canada, Australia và các nước EU.

 

*

Hỏi: Theo ông, tại sao khu vực Đông Nam Á thời gian gần đây lại trở thành điểm đến của giới chức Mỹ và Anh?

 

Đáp: Với mục tiêu tìm cách đối phó với Trung Quốc, bất cứ khu vực nào lân cận Trung Quốc đều sẽ trở thành tâm điểm chú ý của Mỹ và đồng minh, và trở thành đối tượng ưu tiên trong các nỗ lực ngoại giao của họ.

Tôi lấy ví dụ, hiện tại Mỹ đang không chỉ tìm cách củng cố, cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á mà còn với các nước láng giềng khác của Trung Quốc, từ Ấn Độ, tới Mông Cổ, và thậm chí là Bắc Triều Tiên. Mục đích của Mỹ và Anh cũng như đồng minh là ngăn chặn sự mở rộng ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc, đồng thời qua đó tạo nên các vòng cung bao vây, kìm hãm sức mạnh của Trung Quốc.

Riêng đối với khu vực Đông Nam Á, đây là địa bàn chiến lược trong cạnh tranh Mỹ – Trung, và vì vậy khu vực này nhận được sự chú ý nhiều hơn từ cả hai cường quốc này. Từ quan điểm của Mỹ và Anh, khu vực này quan trọng là bởi mấy lý do:

Thứ nhất, đây là một khu vực có vị trí chiến lược, là cửa ngõ của Trung Quốc thông với thế giới, bằng cả đất liền lẫn đường biển. Vì khu vực biển phía đông Trung Quốc bị rào chắn bởi bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản và Đài Loan, cửa ngõ khả dĩ nhất giúp Trung Quốc nối thông với Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là thông qua Đông Nam Á.

Vì vậy, nếu Mỹ và đồng minh có thể ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc, và giữ quan hệ tốt với các quốc gia khu vực này, thì Mỹ và đồng minh có thể có lợi thế trong việc khống chế sức mạnh Trung Quốc.

Thứ hai, khu vực này gồm nhiều nước, đa phần là nước nhỏ hoặc tầm trung. Đây cũng là địa bàn mà ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế, văn hóa khá lớn, nhất là thông qua sự hiện diện của cộng đồng người gốc Hoa.

Chính vì vậy, địa bàn này cũng dễ  bị chi phối bởi chính sách “chia để trị” của Trung Quốc. Nếu muốn cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc, Mỹ, Anh và đồng minh cũng phải dành nhiều sự chú ý hơn và đầu tư thích đáng hơn các nguồn lực cho khu vực này.

Thứ ba, mặc dù Đông Nam Á gồm đa phần các nước vừa và nhỏ, nhưng bản thân các nước này cũng đang không ngừng vươn lên và có vai trò ngày càng lớn về kinh tế lẫn chiến lược. Vì vậy, Mỹ và Trung Quốc, nước nào giành được vai trò chi phối ở khu vực sẽ có ưu thế lớn hơn trong cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc.

Từ quan điểm của Mỹ và đồng minh, trong đó có Anh, mục tiêu của họ là duy trì một khu vực Đông Nam Á thịnh vượng, độc lập và tự do, không bị Trung Quốc chi phối, qua đó tạo thành một bộ phận cho cấu trúc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở, tự do và dựa trên luật lệ mà Mỹ muốn duy trì. Trong thời gian qua, các văn bản chính sách, tuyên bố của các quan chức và những hoạt động cụ thể của Mỹ và Anh như nãy giờ chúng ta đã nói chính là bằng chứng cho điều này.

Theo quan điểm của tôi, trong thời gian tới, Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhận được sự chú ý lớn của Mỹ, Anh và các đồng minh, cũng như bản thân Trung Quốc. Về lâu dài, không quá khi nói rằng đây sẽ là một trong những “chiến trường” chính định hình nên kết cục của cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung.

 

*

Hỏi: Trong danh sách chuyến thăm các nước Đông Nam Á của các quan chức Mỹ và Anh thời gian qua luôn có Việt Nam. Ông dự báo như thế nào xu hướng phát triển của các mối quan hệ Việt – Mỹ, Việt – Anh thời gian tới?

 

Đáp: Trong quá trình thi hành chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do, xây dựng mạng lưới đồng minh và đối tác an ninh nhằm đối phó hiệu quả hơn với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ, Anh và đồng minh đang nhấn mạnh vai trò của các đối tác Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam đang nổi lên như một đối tác an ninh quan trọng của Mỹ và Anh ở khu vực vì mấy lý do:

Thứ nhất, năng lực và vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng gia tăng thông qua tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực quốc phòng.

Riêng đối với Anh, họ cũng coi Việt Nam là một trong những cửa ngõ để thâm nhập vào khu vực Đông Nam Á giai đoạn hậu Brexit. Chúng ta cũng cần lưu ý là Việt Nam và Anh vừa ký một hiệp định thương mại tự do, là một trong những hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà Anh ký với một nước khác trong giai đoạn hậu Brexit. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của Việt Nam trong tính toán của Anh đối với khu vực.

Thứ hai, Việt Nam có vị trí địa chiến lược quan trọng, nằm ngay cửa ngõ Đông Nam Á và trên con đường tiếp cận của Trung Quốc xuống phía Nam. Điều này đặc biệt quan trọng khi đối phó với sự mở rộng ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc đang là ưu tiên hàng đầu của Mỹ và Anh.

Thứ ba, do tình hình tranh chấp Biển Đông và các vấn đề lịch sử, Việt Nam có xu hướng chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược với Mỹ và Anh, nhất là trong việc ứng phó với các thách thức an ninh khu vực, như vấn đề Biển Đông chẳng hạn.

Vì vậy, tăng cường quan hệ toàn diện với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và an ninh – quốc phòng, đang là một trong những ưu tiên đối ngoại của Mỹ, Anh và đồng minh.

Đây cũng là lý do chủ yếu lý giải cho việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace, đã chọn thăm Việt Nam liên tục trong thời gian ngắn vừa qua.

Nói tóm lại, Việt Nam đang nổi lên như là một đối tác quan trọng về kinh tế lẫn chiến lược đối với cả Mỹ và Anh. Vì vậy, có thể kỳ vọng rằng trong thời gian tới quan hệ của Việt Nam với cả hai cường quốc này sẽ nhiều khả năng tiếp tục được tăng cường và phát triển mạnh mẽ.

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment