Sunday, August 29, 2021

ĐẰNG SAU CUỘC KHỦNG HOẢNG LỚN NHẤT CỦA TỔNG THỐNG BIDEN (Lê Tây Sơn)

 


Đằng sau cuộc khủng hoảng lớn nhất của Tổng thống Joe Biden

Lê Tây Sơn

29 tháng 8, 2021

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/dang-sau-cuoc-khung-hoang-lon-nhat-cua-tong-thong-joe-biden/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/08/GettyImages-1234931598.jpg

Tổng thống Joe Biden trong cuộc họp báo về vụ tấn công khủng bố ở phi trường Kabul làm 13 binh sĩ Hoa Kỳ thiệt mạng hôm 26 tháng Tám 2021. Ảnh Demetrius Freeman/The Washington Post via Getty Images.

 

“Một cú đấm thẳng vào bụng!” là cách một quan chức Tòa Bạch Ốc nói về vụ đánh bom tự sát xảy ra trong cuộc khủng hoảng lớn nhất của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi ông chạy đua với thời gian để rút nhanh người Mỹ và đồng minh khỏi Afghanistan.

 

Nỗi lo lớn nhất đã trở thành hiện thực

 

Khi Tham mưu trưởng Liên quân, tướng Mark Milley, thông báo với Tổng thống Joe Biden lúc 9g15 sáng thứ Năm ngày 26 tháng Tám là những kẻ khủng bố đã kích nổ bom tự sát bên ngoài cổng phi trường quốc tế ở thủ đô Kabul, Tổng thống tỏ ra rất tức giận và mất bình tĩnh – nhưng có vẻ ông không ngạc nhiên. Ông Biden từ căn phòng trên tầng ba đi xuống Phòng Tình huống (Situation Room) ở tầng hầm Tòa Bạch Ốc, nơi các quan chức an ninh quốc gia cao cấp nhất đang chờ quanh chiếc bàn gỗ tối màu, để nghe báo cáo đầu tiên về hai vụ nổ được báo về trung tâm chỉ huy đặt tại đây.

 

Viễn cảnh ác mộng mà ông Biden lo sợ nhiều ngày qua đã trở thành sự thật. Thông tin tình báo đã nhiều lần cảnh báo về tình hình phức tạp quanh phi trường, tính cấp bách của hoạt động di tản và đường dây liên lạc khó lập với Taliban khiến cho việc kiểm soát an ninh xung quanh phi trường Kabul gần như là không thể. Hậu quả là quân đội Mỹ bị đặt vào thế nguy hiểm; phương án bảo vệ họ và các đồng minh Afghanistan cũng rất hạn chế. Trong hơn một tiếng đồng hồ, những người có mặt tại Phòng Tình huống tiếp tục nhận thông tin cập nhật từ các chỉ huy quân đội Mỹ ở Kabul. Họ nghiên cứu kỹ bản đồ, hình ảnh sân bay lúc bị đánh bom. Sau đó, ông Biden đến Phòng Bầu dục (Oval Office), nơi ông được Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc Ron Klain cập nhật thêm thông tin.

 

Thời gian trôi qua, tình hình tại phi trường Kabul càng lúc càng tồi tệ. Báo cáo về số thương vong của binh lính Mỹ cuối cùng cũng được xác nhận chính thức, và tin tức đến Tòa Bạch Ốc vào giữa trưa. Số người chết tăng từ bốn người lên 10 người rồi đứng ở mức 13 người, con số không hề nhỏ đối với một tổng thống chưa từng chứng kiến một cái chết nào của binh lính trên chiến trường trong nhiệm kỳ mới được bảy tháng của mình. Những thuỷ quân lục chiến bị giết khi đang kiểm tra an ninh người vào sân bay nên đứng rất gần đám đông.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/08/GettyImages-1234843526.jpg

Lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và liên quân Na Uy hỗ trợ an ninh tại một Trạm kiểm soát di tản tại Phi trường Quốc tế Hamid Karzai, Kabul, Afghanistan, ngày 20 Tháng Tám, trước vụ khủng bố bằng nổ bom tự sát xảy ra- Ảnh: Victor Mancilla/Getty Images

 

Một quan chức cho biết, nhóm cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden có rất ít thời gian để tập trung vào “nguy cơ tấn công khủng bố” vì họ phải tập trung vào nhiệm vụ chính: không vận người Mỹ và đồng minh ra khỏi phi trường Kabul, hiện đã bước vào giai đoạn nguy hiểm nhất. Được xem là người luôn bình tĩnh nhưng khi ông ngồi trong Phòng Đông (East Room) của Tòa Bạch Ốc trong hầu hết ngày thứ Năm 26 Tháng Tám sau cánh cửa đóng kín, sự căng thẳng thể hiện rõ trên gương mặt ông Biden. “Đây là một ngày khó khăn!” – ông bộc bạch lúc bắt đầu tập hợp các đánh giá thực địa sẽ được phân tích nhiều giờ sau đó.

 

Kiên trì với kế hoạch rút quân

 

Biden bị tràn ngập giữa nỗi buồn, sự mệt mỏi, mối đe dọa, khát khao săn lùng thủ phạm để bắt chúng trả giá và kiên trì bảo vệ quyết định chấm dứt cuộc xung đột dài nhất của nước Mỹ ở bên ngoài lãnh thổ. Thứ Năm, 26 Tháng Tám là ngày chết chóc nhất của quân đội Mỹ trong gần một thập niên. Còn đối với ông Biden, đây là ngày tồi tệ nhất trong nhiệm kỳ tổng thống non trẻ của mình. Một cuộc chiến sắp kết thúc sau 20 năm bỗng dưng bùng lên lại trong máu, đau khổ và khốc liệt.

 

Các cuộc phỏng vấn với hơn một chục người, bao gồm các quan chức Tòa Bạch Ốc, An ninh Quốc gia, các Trợ lý Quốc hội và những người “nguồn tin khả tín”, cho thấy chính quyền Biden đang phải vật lộn để kiềm chế sự hỗn loạn của chiến tranh. Trong khi các phụ tá của ông Biden cho rằng ông đích thực là “người đàn ông của thời điểm này” – một chính trị gia lão luyện về chính sách đối ngoại, một nhà lãnh đạo uy tín và một “cha già quân đội” – thì một nhóm các nhà chỉ trích, bao gồm một số nhỏ thành viên đảng Dân Chủ, lại đặt câu hỏi “liệu kinh nghiệm hàng chục năm đối ngoại có thể giúp Biden đưa ra một chính sách đúng đắn hoặc chứng minh đươc khả năng lãnh đạo vào thời điểm khủng hoảng?”. Khi tỉ lệ ủng hộ Biden trong một số cuộc thăm dò có dấu hiệu giảm sút, các đảng viên Dân chủ lo ngại những sai lầm mắc phải ở Afghanistan có thể làm chệch hướng chương trình nghị sự tham vọng trong nước của đảng.

 

Và trong khi họ đang cố kiểm soát thiệt hại, đảng Cộng Hòa đã tận dụng cơ hội tấn công. Một số cộng sự lâu năm của ông Biden phải trả lời câu hỏi về khả năng giảm thiểu hỗn loạn và đau thương trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Phải có ai đó chịu trách nhiệm cho tổn thất mới. “Theo tôi, một số thành viên an ninh quốc gia của Tổ

ng thống nên từ chức”, Dân biểu Adam Kinzinger, thuộc đảng Cộng Hòa, người luôn bất đồng với chính sách Afghanistan của Tổng thống Biden nói. Nhưng Tòa Bạch Ốc khẳng định ông Biden không có kế hoạch yêu cầu bất kỳ lãnh đạo quân đội nào từ chức sau cuộc tấn công khủng bố chết chóc ở Kabul. Thư ký Báo chí Nhà trắng Jen Psaki nhấn mạnh: “Tổng thống vẫn tin tưởng vào Ngoại trưởng Antony Blinken” (người đang bị chỉ trích gay gắt vì điều phối yếu kém hoạt động sơ tán người Mỹ và người Afghanistan làm việc cho lực lượng liên minh trong hai thập niên qua). Bà Psaki nói thêm, nhiệm vụ ưu tiên của Tòa Bạch Ốc hiện nay là sơ tán công dân Mỹ và cộng tác viên người Afghanistan, đặc biệt là khi có cảnh báo sẽ xảy ra các cuộc tấn công tiếp theo.

 

Do không còn nhiều thời gian Mỹ buộc phải phối hợp với Taliban trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Khi được đề nghị mô tả những căng thẳng vài ngày qua, một quan chức Tòa Bạch Ốc ví như “đi trên sợi dây treo cao không có lưới bảo vệ và có thể ngã bất cứ lúc nào”!

 

Kể từ khi thủ đô Kabul rơi vào tay Taliban vào ngày 15 tháng Tám, các cơ quan tình báo Mỹ và phương Tây đã cảnh báo về nguy cơ cao bị tấn công khủng bố bên ngoài sân bay để tạo thêm hoảng loạn. Nhiều phần tử khủng bố thuộc chi nhánh ISIS-K của Nhà nước Hồi giáo vừa thoát khỏi các nhà tù trên khắp Afghanistan đang tìm cách xâm nhập vào hệ thống an ninh thiết lập xung quanh phi trường. Trong các cuộc họp hàng ngày, nhóm an ninh quốc gia của Tổng thống Biden đã dành một nhiều thời gian để thảo luận về “các đe dọa thực sự của Nhà nước Hồi giáo dựa vào các luồng thông tin tình báo cụ thể, nghiêm túc và đáng tin cậy”.

 

Các quan chức tình báo Mỹ cho biết đã bắt được tần sóng liên lạc về một vụ tấn công liều chết bằng áo gắn bom. Tối thứ Tư 25 tháng Tám, Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Mỹ tránh xa các cổng vào phi trường Kabul cho đến khi có thông báo mới, đồng thời xem đây là “phương sách cuối cùng” mà chính phủ có thể chọn lựa. Cuối cùng, bất chấp các hoạt động chống khủng bố xung quanh phi trường Kabul để giảm thiểu mối đe dọa, “quả bom hẹn giờ” đã nổ. Các thi thể nằm rải rác trong kênh thoát nước và những người sống sót thoát thân trong kinh hoàng. “Đó là một cú đấm thẳng vào bụng!”, một quan chức Tòa Bạch Ốc nhận xét khi xem video hiện trường.

 

 

Thất vọng và hậu quả

 

Nhiều quan chức Tòa Bạch Ốc thất vọng trong những tuần gần đây về việc cộng đồng tình báo dự đoán thủ đô Kabul có thể cầm cự với Taliban ít nhất là một tháng. Một số quan chức an ninh quốc gia xem đánh bom tự sát là tình huống xấu nhất đối với ông Biden, khi ông “tính toán chính trị” là cuộc rút quân sẽ có ít tác động tiêu cực đến vị thế của mình đối với đa số người Mỹ nếu không có lính Mỹ nào bị giết. Ông Biden từng nói trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài ABC News vào tuần trước: “Chúa tha thứ nếu tôi nói sai, nhưng cho đến lúc này không ai bị giết!” Tại Quốc hội và tại các cơ quan an ninh quốc gia, sự giám sát đã gia tăng đối với quá trình thực hiện lệnh rút quân sau đó.

 

Trong các cuộc thảo luận nội bộ tại Tòa Bạch Ốc và tại Quốc hội về tình hình Afghanistan từ vài tháng qua, phần lớn người có mặt đều coi “nguyên nhân dẫn đến rút lui hỗn loạn là do Biden và Tòa Bạch Ốc, chứ không phải quân đội hoặc các cơ quan tình báo”. Những người khác chỉ tay về phía ông Jake Sullivan, 44 tuổi, Cố vấn An ninh Quốc gia. Một số đồng minh của Tòa Bạch Ốc cho biết “Biden bị ám ảnh quá mức bởi mong muốn thoát nhanh ra ngoài, thay vì tập trung vào cách làm sao để thoát ra tốt nhất”.

 

Suy nghĩ chung của một số đồng minh hàng đầu của Mỹ là Biden đã dành phần lớn thời gian trước cuộc đánh bom tự sát để giải thích cho những người chỉ trích ông lý do tại sao ông kiên quyết đưa quân đội Mỹ ra khỏi Afghanistan. Ngày 24 tháng Tám, Biden tham gia cầu truyền hình cấp cao để giải thích khi các đồng minh nói lên sự thất vọng về kế hoạch rút quân. Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron điện cho ông Biden và nhấn mạnh: “Nước Mỹ phải có trách nhiệm đạo đức đối với những người Afghanistan sợ bị Taliban trả thù”. Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đưa ra những ý kiến tương tự. Nhưng trong bài phát biểu kéo dài bảy phút trong cuộc họp trực tuyến này, Tổng thống Biden tuyên bố chỉ kéo dài lệnh di tản đến 31 Tháng Tám; lý do mà ông nêu ra là nguy cơ an ninh và bị tấn công mỗi ngày một tăng. “Rất cao!”, ông Biden nói với các lãnh đạo đồng minh. Sau đó, Tổng thống Mỹ không bao giờ xem xét lại việc gia hạn ngày rút quân, thậm chí khi đã xảy ra tấn công khủng bố ông càng củng cố quan điểm “kéo dài là sai lầm”.

 

Thay vào đó, Tổng thống Biden cử Giám đốc CIA William Burns đến Kabul gặp trực tiếp thủ lĩnh hàng đầu của Taliban để “trao đổi quan điểm về những gì cần phải làm trước ngày 31 Tháng 8”. Vào tối thứ Tư, Tổng thống Biden dành 35 phút thảo luận căng thẳng với một nhóm nhỏ các nhà lập pháp sắp đến Tòa Bạch Ốc để trình hai dự luật, gồm cả nữ dân biểu Elissa Slotkin của đảng Dân Chủ Michigan, người từng làm việc dưới thời Tổng thống George W. Bush trong cương vị chuyên gia tình báo.

 

Trước cuộc tấn công ngày thứ Năm, đảng Cộng Hòa cáo buộc “sự chậm trễ của Biden trong việc di tản từ mùa xuân đã góp phần gây ra sự hỗn loạn hiện nay”. Họ bày tỏ sự thất vọng vì “thiếu thông tin từ chính phủ” trong thời gian gần đây và về “những tuyên bố hoàn toàn trái ngược với thực tế”. Sau cuộc tấn công khủng bố ở Kabul, các tác động chính trị bắt đầu dấy lên với những lời kêu gọi Biden từ chức, luận tội cùng với các cố vấn hàng đầu của ông, đặc biệt khi người ta biết được nhiều chi tiết nghiệt ngã hơn về mức độ thương vong của lính Mỹ. Đa số tấn công từ phía đảng Cộng Hoà.

 

Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy không tán thành đề nghị ông Biden từ chức, nhưng ông tuyên bố tại cuộc họp các đảng viên Cộng Hòa ở Hạ viện vào tối thứ Năm là “Biden sẽ phải đối mặt với những hệ quả về chính sách tại Afghanistan”. Ông McCarthy cũng liên hệ với Tòa Bạch Ốc sau vụ tấn công, ép ông Biden phải trả lởi về số người Mỹ vẫn còn ở Afghanistan. Hiện vẫn chưa biết con số cụ thể người Mỹ đang còn kẹt lại.

 

-----------

Đọc thêm:

 

·         Mỹ tấn công chiếc xe chở đầy chất nổ hướng đến phi trường Kabul

·         Tổng thống Biden: Có thể sắp xảy ra tấn công khủng bố tại Kabul

·         Cập nhật vụ đánh bom ngoài phi trường Kabul: 13 lính Mỹ thiệt mạng

 .

.

.


 

 

 

 


No comments:

Post a Comment