Tuesday, August 31, 2021

AFGHANISTAN : TÍNH CHÍNH ĐÁNG, THÁCH THỨC SỐNG CÒN CHO TALIBAN (Anh Vũ - RFI)

 


Afghanistan : Tính chính đáng, thách thức sống còn cho Taliban

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 31/08/2021 - 15:10

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20210831-taliban-di-tim-tinh-chinh-dang

 

Hôm nay, 31/08/2021, những người lính Mỹ cuối cùng đã rút khỏi Kabul, đánh dấu một trang mới cho Taliban. Phong trào Hồi Giáo vũ trang này đã chiến thắng trong cuộc chiến tranh Afghanistan, từ giờ họ nắm toàn quyền quản lý lãnh đạo một trong những đất nước nghèo nhất thế giới. Taliban phải bắt đầu từ con số không của một chính quyền thực thụ cùng với nỗ lực tìm cách thoát khỏi sự cô lập ngoại giao với thế giới bên ngoài.

 

https://s.rfi.fr/media/display/ef21279e-0a59-11ec-8121-005056a97e36/w:900/p:16x9/2021-08-25T113022Z_1539989438_RC249P9EGOXR_RTRMADP_3_AFGHANISTAN-CONFLICT-USA-COUNTERTERRORISM.webp

Lực lượng Taliban tuần hành ở Qalat, tỉnh Zabul, Afghanistan, ngày 19/08/2021. Via REUTERS - Social Media

 

Ngay từ khi lực lượng nổi dậy Taliban trở lại Kabul nắm quyền ở Afghanistan một cách khá dễ dàng hôm 15/08, một câu hỏi luôn được đặt ra và chưa có câu trả lời chính xác:  Phong trào Hồi Giáo cực đoan với những hình ảnh đáng sợ trong quá khứ này sẽ có được vị trí thế nào trên trường quốc tế ?

 

Khi Taliban giành được chính quyền ở Afghanistan, cộng đồng quốc tế phải chạy đua với thời hạn rút quân đội Mỹ để lo di tản công dân của mình và thường dân Afghanistan, chưa có mấy nước đặt vấn đề công nhận hay không Taliban. Tuy nhiên, « một số nước đã nhận ra rằng Taliban là nhân tố không thể bỏ qua được », như nhận định của chuyên gia Didier Chaudet, Viện Nghiên cứu Pháp về Trung Á, trên kênh truyền hình TV5. Theo nhà nghiên cứu này, vấn đề là các nước sẽ nói chuyện với Taliban trên tư cách nào. Đó có thể là một mối quan hệ thực dụng, chứ không thể có quan hệ đồng minh gắn bó theo kiểu sống còn.

 

Rút kinh nghiệm lần nắm quyền trước (1996-2001), khi chỉ có vài ba nước xung quanh có quan hệ, thừa nhận, lần này phong trào Hồi Giáo đã liên tiếp tỏ cho thấy họ cố gắng thay đổi, nhằm tìm kiếm sự công nhận rộng rãi của quốc tế. Các lãnh đạo của Taliban đã có nhiều cuộc tiếp xúc với một số nước lớn trong vùng, như Pakistan, Iran, Nga, Trung Quốc hay Qatar. Thực tế, Taliban đã tạo dựng được những mối liên hệ không chính thức với một số nước từ trước khi trở lại nắm quyền. Nhưng đó chỉ là những mối quan hệ nằm trong tính toán lợi ích riêng cho mình, không thể gọi đó là những mối quan hệ đồng minh hay đối tác.

 

Điều quan trọng hơn với Talban giờ đây là làm sao cho chế độ mới có được tính chính đáng trên trường quốc tế. Để làm được việc này, Taliban nhất thiết phải cam kết đối thoại với nhiều nước và dường như Qatar lại được Taliban nhắm tới trong sứ mệnh này, như họ đã đóng vai trò trung gian thành công cho thỏa thuận Doha giữa Taliban và Hoa Kỳ hồi tháng 02/2020 về việc rút quân đội nước ngoài ra khỏi Afghanistan, tạo đà cho việc trở lại nắm quyền hiện nay.

 

Ngoài quan hệ ngoại giao, Taliban cần có sự trợ giúp từ bên ngoài để đối phó với điểm yếu nhất hiện nay : thiếu nguồn tài chính. Chuyên gia Didier Chaudet được trích dẫn ở trên cảnh báo : « Trong những ngày tới đây, Afghanistan có thể sẽ bị chìm trong thảm họa kinh tế và nhân đạo chưa từng có ».

 

Suốt 20 năm qua, Afghanistan sống phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Các nguồn viện trợ này giờ đã bị đình lại, trong khi đó Taliban không được tiếp cận nguồn tiền từ Ngân hàng Trung ương Afghanistan. Đa phần tài sản của Ngân hàng Trung ương Afghanistan hiện bị phong tỏa ở Hoa Kỳ. Taliban có thể quay sang các nước khác, bằng cách đổi chác, mặc cả lợi ích. Họ có thể trông cậy vào những nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, hay đặc biệt là Trung Quốc, nước đã nhìn thấy ở Afghanistan những dự án chiến lược hấp dẫn.

 

Nhưng trước hết, Taliban phải thành lập được một chính phủ, ít nhất cũng phải giữ được những lời cam kết gần đây. Đến thời điểm này, một chính phủ tương lai của Taliban có vẻ như vẫn chưa thành hình rõ rệt. Ngoài một vài nhân vật xuất hiện thường xuyên với những tuyên bố chính thức gần đây, những lãnh đạo chủ chốt của phong trào vẫn ẩn mình. Dường như họ đang gặp khó khăn giới thiệu được những gương mặt của phong trào khả dĩ thuyết phục quốc tế.

 

Taliban lại là một phong trào tôn giáo tập hợp nhiều phe cánh có xu hướng khác nhau, trong khi Afghanistan luôn là một quốc gia bị chia rẽ giữa các bộ tộc theo các hệ phái Hồi Giáo phức tạp.

 

Những trở ngại đối với Taliban trong vị thế nắm quyền điều hành đất nước còn rất nhiều và phức tạp. Thiết lập một chính quyền được quốc tế công nhận mới là thách thức sống còn của phong trào Hồi Giáo cực đoan từng bị đánh đổ nay trở lại cầm quyền với « ý thức hệ không thay đổi », như Taliban đã khẳng định.

 

                                                        ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

.

Afghanistan : Taliban thay đổi, hay thích nghi để tồn tại?

.

Afghanistan : Taliban nắm quyền, « kinh tế thuốc phiện » sẽ lụi tàn hay phát triển ?

.

Afghanistan : Tiền mặt không còn, Kabul có nguy cơ rơi vào khủng hoảng




No comments:

Post a Comment