Sunday, July 4, 2021

TIN LIÊN QUAN COVID-19 TẠI VIỆT NAM XHCN 03-7-2021 (Van Pham)

 



TIN LIÊN QUAN COVID-19 TẠI VIỆT NAM XHCN 03-7-2021 

Van Pham

09:11  03/07/2021   

https://www.facebook.com/vanhenrypham/posts/10226257343487108

 

TIN LIÊN QUAN COVID-19 TẠI VIỆT NAM XHCN 03-7

- Dân Việt Nam muốn nhận 1 đồng tiền an sinh cứu trợ trong dịch Covid-19 phải qua cả ‘rừng’ thủ tục

- Gần một nửa chợ ở Sài Gòn dừng bán vì ca COVID-19 tăng nhanh

- Sài Gòn chi $1.4 triệu ‘tu sửa tượng Trần Hưng Đạo’ trong dịch COVID-19

 

                                              *********

 

Dân Việt Nam muốn nhận 1 đồng tiền an sinh cứu trợ trong dịch Covid-19 phải qua cả ‘rừng’ thủ tục

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/dan-viet-nam-muon-nhan-1-dong-tien-an-sinh-phai-qua-ca-rung-thu-tuc/

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Liên quan đến “bánh vẽ” 26,000 tỷ đồng (hơn $1 tỷ) trợ giúp người nghèo bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tờ Lao Động hôm 2 Tháng Bảy bình luận: “Nếu còn những thủ tục rườm rà, ‘hành là chính’ ở cấp địa phương thì những nỗ lực của chính phủ để ban hành tiền an sinh sẽ không hiệu quả, thậm chí nhiều người bỏ cuộc vì ‘một tiền gà, ba tiền thóc.’”

 

Báo này nhắc lại đợt công bố tiền an sinh xã hội hồi năm ngoái, để nhận được khoản trợ giúp chỉ 1 triệu đồng ($43), đã có người dân từ thành phố phải chạy về quê cách xa hàng trăm cây số để xin một giấy xác nhận. Rốt cuộc thì số tiền người này bỏ ra để làm thủ tục còn cao hơn số tiền được chính quyền trợ giúp.

 

Ngoài ra, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của COVID-19 cũng được ghi nhận phải đáp ứng “rất nhiều điều khoản và điều kiện khá vô lý” nếu muốn được nhận tiền trợ giúp để trả lương cho nhân công bị mất việc.

 

Cũng theo báo Lao Động, khoản an sinh xã hội mới của chính phủ được cho là nhắm đến giới lao động tự do và đây là nhóm “làm thủ tục khó nhất” và thường “bỏ cuộc.”

 

“Để dân không tiếp cận được khoản tiền hỗ trợ vì vướng thủ tục phải là lỗi của những người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương,” tờ báo viết thêm.

 

Cùng thời điểm, báo VNExpress thừa nhận “thủ tục rườm rà” là nguyên nhân chính khiến cho các khoản tiền cứu trợ trước đây chỉ giải ngân được 0.26%.

 

Về tỷ lệ thấp khi giải ngân tiền an sinh xã hội, Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội giải thích nguyên do là “chưa từng có tiền lệ, nhóm được trợ giúp rộng, thuộc mọi thành phần kinh tế, trong khi chỉ có hai, ba tuần để nghiên cứu, ban hành chính sách, quá trình đánh giá tác động và lấy ý kiến góp ý chưa thực sự đầy đủ, chưa sát thực tiễn…”

 

Bên dưới bài báo, độc giả Le Xuan Thang bình luận: “Mình vẫn phải đóng thuế thu nhập hằng năm nhưng chưa bao giờ được biết đến những gói hộ trợ này.”

 

Một số độc giả khác thì đặt câu hỏi: “Tại sao chính phủ không chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản người dân mà không cần làm thủ tục?”

 

Báo VNExpress cũng dẫn dự báo của Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội rằng nếu thời gian tới, COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thì từ 2 đến 2.5 triệu người ở Việt Nam phải cách ly, ngừng việc.

 

- Một người bán vé số ở Sài Gòn nhận cơm cứu trợ. (Hình: Quỳnh Trần/VNExpress)

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/07/VN-Thu-tuc-nhan-tien-an-sinh-1-1068x721.jpg

 

- Công nhân ở tỉnh Bắc Giang đi nhận lương thực tại “siêu thị 0 đồng.” (Hình: Hồng Chiêu/VnExpress)

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/07/VN-Thu-tuc-nhan-tien-an-sinh-2-1068x702.jpg

 

                                                  ********

 

Gần một nửa chợ ở Sài Gòn dừng bán vì ca COVID-19 tăng nhanh

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/gan-mot-nua-cho-o-sai-gon-dung-ban-vi-ca-covid-19-tang-nhanh/

 

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Có đến 93 trong số 234 chợ ở Sài Gòn đã tạm ngưng hoạt động theo quyết định của Sở Công Thương để chống dịch COVID-19.

 

Báo Zing hôm 2 Tháng Bảy cho biết, tình trạng chợ dừng bán khiến những siêu thị còn hoạt động rơi vào cảnh quá sức chứa.

 

Để được tiếp tục mở bán, tiểu thương một số chợ còn lại như chợ Ngã Ba Bầu ở quận 12 phải lắp vách ngăn chống giọt bắn.

 

Theo báo Thanh Niên, Sở Công Thương Sài Gòn vừa phát đi văn bản hướng dẫn đưa các chợ hoạt động trở lại nhằm “duy trì việc cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho số đông người dân có thu nhập trung bình và thấp được liên tục.”

 

Bên dưới bài báo, độc giả có nick Phuong nguyen5 phản hồi: “Gần nửa tháng nay chợ bị đóng cửa, phải nói người dân hết sức chật vật để mưu sinh vì vậy phát sinh nhiều điểm mua bán lén lút càng tăng thêm nguy cơ lây nhiễm. Nhiều người cứ nói đi vô siêu thị, xin thưa không phải nhà nào cũng gần siêu thị. Hiện tại bây giờ siêu thị đi khá nhiêu khê, phải khai báo y tế, xếp hàng chờ vào, xếp hàng chờ tính tiền mất rất nhiều thời gian. Còn mua online phải có số lượng lớn chứ một vài món ai mang đến cho.”

 

Việc chính quyền đóng cửa một loạt chợ khiến nhiều người dân Sài Gòn lao đao vì phải tự tìm nguồn mua rau, thịt trong lúc người cao niên ngại đi siêu thị vì phải mất công khai báo y tế nhiều lần.

 

Báo Thanh Niên ghi nhận một số người dân rủ nhau tự đặt mua hàng tạ rau củ các loại từ Đà Lạt chuyển về theo xe hàng.

 

“Nhiều người có nhà vườn trồng rau hoặc các mối bạn bè có rau tại khu vực quanh Sài Gòn cũng tổ chức mua chung với giá rẻ không ngờ, nếu so với giá rau tại chợ và cả siêu thị,” báo này cho biết thêm.

 

Trong một diễn biến khác, cũng theo tờ Thanh Niên, hai nhóm nghiên cứu của Đại Học Fulbright và nhóm Tech4Covid nêu suy đoán rằng Sài Gòn “sẽ hết dịch COVID-19 vào cuối Tháng Tám.”

 

Theo đó, COVID-19 ở Sài Gòn “đạt đỉnh trong đầu Tháng Bảy và bắt đầu chu kỳ đi xuống, nếu thực hiện tốt việc giãn cách.”

 

Từ ngày 27 Tháng Tư đến nay, Sài Gòn ghi nhận 4,152 ca nhiễm và đang là ổ dịch có số ca nhiều thứ nhì cả nước, chỉ sau Bắc Giang, theo truyền thông Việt Nam.

 

- Có 93 chợ ở Sài Gòn đóng cửa và các ngả đường chung quanh chợ đều bị rào chắn. (Hình: Thanh Niên)

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/07/VN-Cho-Sai-Gon-dung-ban-1-1068x801.jpg

 

- Tiểu thương ở chợ Ngã Ba Bầu, quận 12, Sài Gòn, lắp vách ngăn chống giọt bắn, để được duy trì sạp hàng. (Hình: Zing)

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/07/VN-Cho-Sai-Gon-dung-ban-2-1068x712.jpg

 

                                                   *********

 

DÂN ĐANG ĐÓI KHÔNG CỨU GIÚP NHƯNG VUNG TIỀN RA TU SỬA TƯỢNG ĐÀI ĐỂ CHẤM MÚT...

 

Sài Gòn chi $1.4 triệu ‘tu sửa tượng Trần Hưng Đạo’ trong dịch COVID-19

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/sai-gon-chi-1-4-trieu-tu-sua-tuong-tran-hung-dao-trong-dich-covid-19/

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 2 Tháng Bảy, mạng xã hội dấy lên ý kiến chỉ trích việc chính quyền ở Sài Gòn sắp sửa chi 32.5 tỷ đồng ($1.4 triệu) từ thuế dân để tu sửa tượng Trần Hưng Đạo tại công viên Mê Linh ở quận 1.

 

Đáng nói là tuy chính quyền bỏ ra số tiền lớn cho việc này nhưng hoàn toàn không đả động gì đến việc trả lại lư hương dưới chân tượng, vốn đã bị cẩu đi chỗ khác hồi Tháng Hai, 2019, do lo sợ người dân tụ tập phản đối Trung Quốc vào mỗi dịp kỷ niệm ngày chiến tranh biên giới phía Bắc, hải chiến Gạc Ma…

 

Theo báo Người Đô Thị, việc chi thêm tiền cho tượng Trần Hưng Đạo được giới chức Ủy Ban Nhân Dân quận 1 giải thích là do “khu vực chân tượng đài bằng đá mài bị nứt, sụp lún, hệ thống chiếu sáng công viên đã cũ, đèn trang trí và vòi phun nước nghệ thuật hư hỏng nhiều…”

 

Báo này cho biết thêm, tượng đài Trần Hưng Đạo do nhà điêu khắc Phạm Thông thực hiện vào năm 1967, mô tả ông Trần Hưng Đạo trong y phục võ tướng, một tay tì lên đốc kiếm, một tay chỉ xuống sông và nói: “Phen này nếu ta không phá xong giặc Nguyên, thề không bao giờ trở lại khúc sông này nữa.”

 

Liên quan việc chi triệu đô tu sửa bức tượng nêu trên, doanh nhân Trần Hoàng Bảo ở Sài Gòn bình luận trên trang cá nhân: “Phải chăng bị dân Sài Gòn phản đối quá vụ dời cái lư hương nên các vị lãnh đạo thành phố tính đền bù bằng việc sửa chữa tân trang. Làm thế, sai càng thêm sai! Nơi thờ phụng cần nhất là cái lư hương, chứ chùa to mà không có Phật thì cũng như không. Thà không thờ, dở dở ương ương thêm tội báng bổ.”

 

Ông Bảo cũng chỉ trích rằng trong lúc dịch COVID-19 khiến “dân tình hoang mang đói khổ,” việc bỏ ra hơn 32 tỷ đồng để tân trang tượng thờ “quá phản cảm, chẳng khác nào con cái đang đói rã họng, lại bỏ tiền ra mua cái đầm xoa rê về mặc cho đẹp vậy.”

 

Đến nay, chính quyền vẫn quyết định giữ im lặng dù giới trí thức nhiều lần kêu gọi trả lại cái lư hương dưới chân tượng Trần Hưng Đạo. Ông Nguyễn Thiện Nhân, cựu bí thư Thành Ủy, nhiều lần được nhắc tên trên mạng xã hội như “tội đồ” trong vụ này. Nhiều tháng sau khi rời ghế bí thư, ông Nhân mới đây tiếp tục “được bầu” làm “đại biểu Quốc Hội” khóa 15.

 

- Tượng Trần Hưng Đạo ở quận 1, Sài Gòn, nay không còn lư hương do chính quyền lo sợ người dân tụ tập phản đối Trung Quốc. (Hình: Trung Hiếu/Người Đô Thị)

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/07/VN-Sai-Gon-trieu-do-tan-trang-tuong-1-1068x801.jpg

 

- Lư hương trước tượng Trần Hưng Đạo ở quận 1, Sài Gòn, sau khi bị dời đến chỗ khác hồi Tháng Hai, 2019. (Hình: Người Lao Động)

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/07/VN-Sai-Gon-trieu-do-tan-trang-tuong-2-1068x801.jpg

 

 

 

 




 







No comments:

Post a Comment