Monday, July 26, 2021

SAU 9 NĂM XÂY DỰNG, THÀNH PHỐ TAM SA TRỞ THÀNH VỎ BỌC CHO THAM VỌNG CƯỜNG QUỐC BIỂN CỦA TRUNG QUỐC (Lee Nguyen - Luật Khoa)

 


Sau 9 năm xây dựng, thành phố Tam Sa trở thành vỏ bọc cho tham vọng cường quốc biển của Trung Quốc

LEE NGUYEN  -  LUẬT KHOA

24/07/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/07/sau-9-nam-thanh-pho-tam-sa-phat-trien-ra-sao/

 

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/07/3_woody-island-1024x576.jpg

Đảo Phú Lâm (Woody Island), thủ phủ thành phố Tam Sa mà Trung Quốc lập ra trên Biển Đông, tháng 12/2020. Ảnh: Planet Labs, Inc/ RFA

 

Tóm tắt: 

 

·         Ngày 24/7/2012, Trung Quốc đã chính thức lập thành phố Tam Sa. Thành phố này có tổng diện tích vùng đất và vùng nước lên đến 2 triệu km2, nhưng dân số chỉ khoảng 2.000 người, chủ yếu tập trung trên đảo Phú Lâm.

 

·         Sau 9 năm xây dựng, chính quyền Bắc Kinh đã nâng cấp tiện ích trên rất nhiều hòn đảo thuộc thành phố, cả quân sự lẫn dân sự, đầu tư thu mua các công nghệ nước ngoài và thực hiện việc kiểm soát và giám sát hành chính từ tiền đồn của họ trên đảo Phú Lâm. 

 

·         Chính quyền Trung Quốc đang dùng các phương tiện dân sự của thành phố Tam Sa để làm vỏ bọc cho tham vọng kiểm soát các vùng biển mà nước này có yêu sách trên Biển Đông.

 


Ngày 24/7/2012, Trung Quốc đã tổ chức một buổi lễ khánh thành trên đảo Phú Lâm (Woody Island) để tuyên bố với các bên tranh chấp trên Biển Đông về việc thành lập một đơn vị hành chính có tên là thành phố Tam Sa (Sansha). Tam Sa là thành phố trực thuộc tỉnh Hải Nam (Hainan), và có thủ phủ đặt tại đảo Phú Lâm. [1]

 

Chính phủ Trung Quốc tuyên bố, thành phố này được thành lập để quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa (Zhongsha Islands – cách gọi của Trung Quốc để chỉ bãi cạn Scarborough và bãi Macclesfield). [2] Thẩm quyền pháp lý của chính quyền thành phố Tam Sa trải rộng trên hơn 280 hòn đảo, bãi cạn, rạn san hô, các thực thể khác và vùng nước xung quanh chúng. Tổng diện tích vùng đất và vùng nước là hơn 2 triệu km2. Tam Sa có dân số thường trú là 1.800 người, không tính lực lượng quân đội đóng trên các căn cứ của thành phố. [3]

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/07/f04da2db14841178adbf40.jpg

Lễ khánh thành thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm ở tỉnh Hải Nam, cực Nam của Trung Quốc, ngày 24/7/2012. Ảnh: Xinhua.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2017/05/beaaaae2-44b4-11e6-b5a0-f2e623e104bf_1280x720-1.jpg

Một bản đồ của Trung Quốc ghi rõ “đường lưỡi bò” và thành phố Tam Sa. Ảnh: SMCP.

 

Đến tháng 4/2020, Quốc vụ viện Trung Quốc lại ra quyết định thành lập thêm hai đơn vị hành chính cấp quận cho thành phố Tam Sa (quận Tây Sa và quận Nam Sa). [4]

 

Cho đến nay, thành phố Tam Sa đã phát triển nhanh chóng, không chỉ về khả năng kiểm soát hành chính, khả năng quân sự mà thậm chí còn cả về kinh tế, du lịch và an sinh xã hội cho người dân trên đảo. [5] Sự phát triển nhanh chóng của đơn vị hành chính này đang gây trở ngại khá lớn cho các bên tham gia tranh chấp trên Biển Đông, trong đó có Việt Nam.

 

Vậy, 9 năm sau khi thành lập, Tam Sa hiện giờ ra sao?

 

 

Phát triển các tiện ích dân sự

 

Sau 9 năm phát triển, đảo Phú Lâm, thủ phủ của thành phố Tam Sa, hiện đã trở nên nhộn nhịp hơn nhờ có bến cảng được mở rộng, kho đông lạnh thủy sản, máy phát điện dự phòng, nơi sửa chữa tàu, nơi tiếp nhiên liệu cùng hàng loạt công trình tiện ích khác. [6]

 

Trong Báo cáo Hàng hải Trung Quốc số 12 của Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (China Maritime Studies Institute) thuộc trường Đại học Hải quân Hoa Kỳ (U.S. Naval War College – NWC), tác giả Zachary Haver (ông là chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc và Biển Đông, hiện đang là nhà phân tích tình báo của một công ty an ninh mạng Hoa Kỳ tên là Recorded Future) tường thuật rằng các tiện ích dân sự trên đảo cũng được đầu tư kỹ lưỡng, như nhà ở công cộng, trường học, các cơ quan tư pháp, phủ sóng mạng 5G, dịch vụ hàng không (phục vụ cho dân sự và giới học giả ngành hàng hải của Trung Quốc). [7]

 

Trước đây, đảo Phú Lâm là nơi khan hiếm nước ngọt vì mạch nước ngầm trên đảo thường bị nhiễm mặn và nếu sử dụng lâu dài sẽ phá hủy hệ sinh thái trên đảo. Tuy nhiên, từ năm 2016, chính quyền thành phố Tam Sa đã khắc phục được vấn đề nước bằng các hệ thống lọc nước mặn và xử lý nước thải. [8]

 

Trên Đảo Cây (Tree Island), vào năm 2020, chính quyền Trung Quốc đã tìm cách xây dựng các khu nhà ở và phát triển các khu trồng trọt, nông trại để biến nó thành một nơi thích hợp cho con người cư trú. Trong khi đó, ở Cồn cát Tây (West Sand) – một hòn đảo rộng khoảng 10 dặm vuông với một tòa nhà và một công trình trông giống máy bơm khử muối, Trung Quốc đang tích cực trồng cây để ngăn không cho hòn đảo này bị xâm thực và xói mòn đất. [9]

 

Cũng theo Zachary Haver trong cùng báo cáo, [10] chính quyền thành phố Tam Sa còn thiết lập hoàn thiện hệ thống tổ chức đảng và chính quyền trên những đảo mà Trung Quốc đang chiếm đóng và thiết kế các tour du lịch đến thành phố, cũng như khuyến khích các công ty hoạt động và phát triển nghề cá tại đây. [11]

 

 

Thu mua công nghệ

 

Theo RFA, thông qua thành phố Tam Sa, chính phủ Trung Quốc đã mua hoặc lên kế hoạch mua các phần cứng, phần mềm, thiết bị giám sát hàng hải, giám sát đất liền, an ninh thông tin và các thiết bị khác từ 25 công ty có trụ sở tại Mỹ, Nhật Bản, Italy, Australia, Đài Loan và các quốc gia khác. [12]

 

RFA khai thác được 13 hợp đồng của chính phủ và các tài liệu liên quan cho thấy rằng từ năm 2016 đến 2020, 10 thực thể thuộc hệ thống đảng – nhà nước Trung Quốc có liên kết với thành phố Tam Sa đã mua hoặc lên kế hoạch mua tổng cộng 66 mặt hàng với tổng giá trị lên đến 930.000 USD. [13] Hầu hết các hợp đồng đều được ký kết trong năm 2020.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/07/1_country-year-cost-data-1024x576.jpg

Chi phí công nghệ nước ngoài mà thành phố Tam Sa mua lại (tính theo nhân dân tệ). Ảnh: RFA

 

Theo RFA, rất có thể những tài liệu mà họ tìm thấy chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm. Trong năm 2020, chính quyền thành phố đã phát hơn 700 thông báo đấu thầu, hợp đồng và các tài liệu có chứa bằng chứng chuyển giao công nghệ.

 

Khoảng ¼ các công nghệ được thành phố Tam Sa thu mua là để trang bị cho các tàu của lực lượng chấp pháp hàng hải,bao gồm tàu tuần tra, tàu đổ bộ, tàu tấn công và thiết bị dưới nước không người lái. [14] Tất cả các vật phẩm được thành phố thu mua đều nhằm mục đích sử dụng trên Biển Đông. 

 

 

Kiểm soát hành chính

 

Chính quyền trung ương cũng ra sức phát triển năng lực quân sự và bán quân sự ở Tam Sa. Chính quyền thành phố đã thiết lập một cơ chế phòng thủ chung giữa quân đội và cảnh sát dân sự, phát triển lực lượng chấp pháp và dân quân biển, [15] và thành lập một trung tâm chỉ huy chung cho các lực lượng quân sự, cảnh sát biển dân sự và dân quân hàng hải. [16]

 

Sự phát triển nhanh chóng của thành phố Tam Sa là để đáp ứng được nhu cầu cấp bách phải kiểm soát các thực thể đang tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông. [17] Chính quyền Trung Quốc đã dùng các phương tiện dân sự của thành phố Tam Sa để làm vỏ bọc cho tham vọng kiểm soát các vùng biển mà Trung Quốc có yêu sách trên Biển Đông. Các nguồn lực để “chi viện” cho Tam Sa hầu hết đều được lấy từ đất liền.Việc kiểm soát Biển Đông thông qua thành phố Tam Sa là một phần trong chiến lược củng cố các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và ngăn chặn các quốc gia khác củng cố các tuyên bố chủ quyền của họ. [18] Trung Quốc đã theo đuổi chiến lược này từ những năm 2000, sau một thời gian trì hoãn giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

 


 

Tài liệu tham khảo:

 

1.  Xinhua. (2012, July 24). China establishes Sansha City. Chinadaily. 

https://www.chinadaily.com.cn/china/2012-07/24/content_15612099.htm

 

2.  Xem [1]

 

3.  院批准 三沙市立市. (2020, April 18). Sina News. 

https://news.sina.com.cn/c/2020-04-18/doc-iircuyvh8544571.shtml

 

4.  民政部关于国院批准海南省三沙市立市区的公告_海洋_中国政府网. (2020, April 18). Gov.Cn. 

http://www.gov.cn/zhengce/zhengceku/2020-04/19/content_5504215.htm

 

5.  Shinji Yamaguchi. (2017, April 17). Creating Facts on the Sea: China’s Plan to Establish Sansha City. Asia Maritime Transparency Initiative. 

https://amti.csis.org/chinas-plan-establish-sansha-city/

 

6.  王子 [Wang Ziqian] and [Wang Xiaobin], 三沙市永兴综码头一期交付使用 [“Sansha City Yongxing Integrated Wharf First Phase Delivered for Use”], 中国新 [China News Net], July 18, 2013, 

https://perma.cc/TJ3U-E8RW.

 

7.  Haver, Zachary, “China Maritime Report No. 12: Sansha City in China’s South China Sea Strategy: Building a System of Administrative Control” (2021). CMSI China Maritime Reports. 12. https://digital-commons.usnwc.edu/cmsi-maritime-reports/12

 

8.  三沙市:永兴岛 1000 吨海水淡化工程已完工 [“Sansha Mayor: Woody Island 1,000-ton Seawater Desalination Project Already Completed”], 新浪网 [Sina Net], March 15, 2016, 

http://news.sina.com.cn/c/nd/2016-03-15/doc-ifxqhmve9205682.shtml.

 

9.  Drake Long. (2020, November 5). Small China Islets in South China Sea Show Signs of New Construction. Radio Free Asia. 

https://www.rfa.org/english/news/china/southchinasea-artificial-11052020175409.html

 

10.  Xem 7

 

11.  Adam Greer. (2016, July 20). The South China Sea Is Really a Fishery Dispute. The Diplomat. 

https://thediplomat.com/2016/07/the-south-china-sea-is-really-a-fishery-dispute/

 

12.  Zachary Haver. (2021, April 19). How China is Leveraging Foreign Technology to Dominate the South China Sea. RFA. 

www.rfa.org/english/news/special/china-foreign-tech-scs/

 

13.  Xem 18

 

14.  Xem 18

 

15.  中国三沙市法船合海警离一侵外国 [“China’s Sansha City Comprehensive Law Enforcement Ship Unites With Coast Guard to Drive Away an Infringing Foreign Fishing Boat”], 新浪网 [Sina Net], December 18, 2015, 

http://finance.sina.com.cn/stock/t/2015-12-18/doc-ifxmttcn4983768.shtml.

 

16.  三沙警民防指中心开工 [“Sansha Military, Law Enforcement, and Civilian Joint Defense Command Center Starts Construction”], 凰网 [ifeng Net], July 26, 2015, 

https://news.ifeng.com/a/20150726/44252558_0.shtml.

 

17.  China Expands its Political Control in the South China Sea. (2021, February 14). The Maritime Executive. 

https://www.maritime-executive.com/editorials/china-expands-its-political-control-in-the-south-china-sea

 

18.  Fravel, Taylor, M. (2011) “China’s Strategy in the South China Sea”, Contemporary Southeast Asia, 33(3), p. 293-319.

 

 


No comments:

Post a Comment